Gia đình tôi ba thế hệ là “Bộ đội Cụ Hồ”.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ gia đình tôi có 5 người tham gia lực lượng vũ trang, trong đó 4 người là bộ đội. Đối chiếu với chế độ, chính sách, Chủ tịch nước đã tặng gia đình tôi Huân chương kháng chiến hạng Ba. Mẹ tôi - bà Trần Thị Thịnh, người đã hết lòng chăm sóc ông tôi già yếu và nuôi dạy đàn con thơ dại chúng tôi, người đã mấy lần gạt nước mắt tiễn đưa chồng con lên đường đánh giặc, thật xứng đáng được nhận phần thưởng cao quý đó.
Phạm Mệnh quê tôi là địa phương nhỏ nhất của huyện Kinh Môn. Toàn xã chỉ có 2 thôn với 439 hec ta diện tích tự nhiên và 3.600 nhân khẩu. `
Nhân dân Phạm Mệnh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Chỉ tính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, lúc cao nhất dân số chưa đầy 3 nghìn người mà có tới 517 người tham gia Quân đội, hơn 100 người tham gia dân quân, du kích và 21 người tham gia Thanh niên Xung phong. Đã cống hiến cho đất nước 110 liệt sĩ, 42 thương binh và 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhiều gia đình trong xã đã động viên được từ 5 đến 7 người thân tòng quân giết giặc, trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”. Gia đình tôi là một trong những gia đình được mang vinh dự đó.
Bố tôi – ông Nguyễn Trọng Khải (tức Lê Đình Triển) sinh trưởng trong một gia đình khá giả, hiếm con trai nên được chăm chút học hành chu đáo. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông hăng hái tham gia bảo vệ chính quyền non trẻ. Tháng 10.1946, ông là 1 trong 6 thanh niên xuất sắc trở thành đảng viên đầu tiên của xã. Ngay sau đó ông được phân công làm xã đội trưởng.
Theo điều động của cấp trên, năm 1947 ông về cơ quan Huyện đội làm cán sự dân quân. Năm 1948 ông làm Huyện đội phó. Và năm 1949 ông được giao làm Huyện đội trưởng, kiêm Đại đội trưởng C923. Kinh Môn là địa bàn trọng yếu của địch. Chúng lập ở đây một hệ thống BoongKe dày đặc kéo dài suốt từ Tuần Mây qua Pháp Chế vòng sang Kinh Chủ xuống Hiệp Thượng, An Lưu tới Minh Hòa, nối với Hải Phòng, bảo vệ QL5 và khống chế vùng Đông Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, ông cùng tập thể Ban chỉ huy Huyện đội quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, chủ động phối hợp với các đơn vị chủ lực tiêu diệt địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.
Năm 1952 ông nhận quyết định sang làm Chính trị viên Huyện đội Chí Linh. Ít lâu sau ông được chuyển lên bộ đội chủ lực làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở vùng Tây Bắc đầy gian khổ và hiểm nguy.
Hòa bình lập lại, ông được bồi dưỡng phục vụ Quân đội lâu dài. Cuối năm 1958 ông về Cục Hải Quân (Tiền thân của Quân chủng Hải quân). Tại đây ông làm Chính trị Hiệp lý viên cơ quan Tham - Chính và Đoàn trưởng Đoàn công tác xây dựng lực lượng Dân quân bờ biển. Xây dựng lực lượng Dân quân bờ biển là nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn, phức tạp. Ông đã cùng các thành viên trong đoàn công tác đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cuối năm 1966 kết thúc lớp bồi dưỡng về lý luận tại Học viện Chính trị, ông được phân công về làm Chánh văn phòng Tòa án Quân sự Trung ương cho đến lúc nghỉ hưu.
Tôi Lê Đình Vượng, con trai lớn trong nhà. Tháng 04.1963 tôi rất mừng được nhập ngũ vào Binh chủng Thông tin Liên lạc. Xong tôi lại rất buồn vì phải về công tác tại một đơn vị xây dựng dây trần có tiếng là “ăn no, vác nặng” . Tuy nhiên tôi đã kịp thời nghĩ lại, hăng hái bắt tay vào nhiệm vụ. Hơn một năm sau, tôi được cử đi học lớp Hạ sĩ quan 5 tháng. Tốt nghiệp, tôi về đơn vị làm Tiểu đội trưởng. Sau hơn một tháng, tôi được bổ nhiệm làm Trung đội phó.
Hoạt động liên tục trong điều kiện nắng như thiêu như đốt ở miền Trung, rét như cắt da cắt thịt ở Việt Bắc; trong điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở ở Phú Thọ, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Thái; trong điều kiện địch đánh phá triền miên ở Quảng Trị, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội v.v… chúng tôi vẫn vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng mạng dây trần tạo thế vu hồi vững chắc.
Tháng 8 năm 1969, tạm biệt Trung đoàn 132, tôi về Trường sĩ quan Thông tin học tập. Do yêu cầu đào tạo phải sát chiến trường và thực tế chiến đấu, chúng tôi đã trải qua những năm tháng cực kỳ gian khổ, chẳng kém gì ngoài mặt trận, dẫn đến tình trạng có người ngất xỉu, có người gẫy chân, gẫy tay, có người suy sụp về sức khỏe phải trả về đơn vị cũ; đặc biệt có người đã đổ máu hi sinh bởi bom đạn Mĩ. Thi tốt nghiệp đạt loại giỏi, tôi được giữ lại trường làm Trung đội trưởng, kiêm giáo viên kỹ thuật.
Tháng 9.1969, tôi nhận quyết định về Hà Nội tham gia cuộc triển lãm toàn quân, vào Quân khu 4 và Bộ Tư lệnh 559 sưu tầm hiện vật, viết thuyết minh và làm Đội trưởng thuyết minh phòng trưng bày “Bộ đội Thông tin Liên lạc”.
Đầu năm 1971, tôi trở lại Trường Sĩ quan thông tin, đảm nhiệm các chức danh: Trợ lý tuyên truyền, Trợ lý thi đua, Chủ nhiệm nhà văn hóa, Phó trưởng ban Tuyên huấn và Phó Tiểu đoàn trưởng về Chính trị. Tôi là một trong những cán bộ có mặt đầu tiên vào Phú Lâm chuẩn bị cho việc thành lập cơ sở II của nhà trường đào tạo cán bộ cho biên giới Tây Nam và dẫn học viên đi thực tập ở biên giới phía Bắc.
Sau hơn 10 năm hoàn thành nhiệm vụ ở trường, tháng 5.1983, tôi nhận quyết định về làm trợ lý, rồi Trưởng Ban lịch sử Quân sự Binh chủng Thông tin Liên lạc cho đến lúc nghỉ theo chế độ.
Lê Thanh Toàn là con trai thứ kế tôi. Năm 1966 mới 16 tuổi, Toàn đã nằng nặc làm đơn nhập ngũ. Toàn được biên chế vào Đại đội Thông tin 216 Cao xạ bảo vệ cầu Phủ Lạng Thương, một địa danh nổi tiếng, được ví như cầu “Hàm Rồng” của Hà Bắc. Trong một lần sửa chữa đường dây, Toàn vấp ngã gẫy chân. Trong thời gian chờ tháo bột, Toàn vẫn xin làm nhiệm vụ trực tổng đài chứ không chịu nghỉ. Cuối năm 1967 Toàn được bổ sung vào Đoàn 559, chiến đấu tại Đại đội Phòng không pháo tự hành. Năm 1969 Toàn được kết nạp vào Đảng, trở thành đảng viên trẻ nhất của Đoàn 559. Năm 1970 Toàn bị thương rất nặng, bỏng sâu toàn bộ ngực và bụng. Thương tật và sốt rét khiến sức khỏe Toàn suy sụp. Điều trị khỏi, Toàn được giữ lại Bệnh viện làm Tiểu đội trưởng Vệ binh. Năm 1974 Toàn nhận quyết định phục viên về với gia đình.
Nào ngờ năm 1969 chiến tranh biên giới phía Tây nam và phía Bắc nổ ra, Toàn vui vẻ lên đường tái ngũ. Mặc dù sức khỏe không được tốt, vợ lại mới sinh con thứ hai, Toàn vẫn cố gắng hoàn thành chức trách Trợ lý Dân quân của Huyện đội Kim Môn. Tiếc rằng vết thương tái phát và bệnh sốt rét kéo dài hành hạ, năm 1982 Toàn phải chia tay đồng đội về địa phương tham gia công tác.
Lê Thị Bình là con gái thứ năm của bố mẹ tôi. Năm 1972 cũng giống anh trai, mới 17 tuổi Bình đã làm đơn vào bộ đội. Thực tình lúc ấy mẹ tôi chưa nhất trí, vì Lê Thế Thanh – anh trai của Bình vừa mới lên đường vào ngành Công an. Bình hiền lành, ít nói nhưng cương quyết. Không còn cách nào hơn, mẹ tôi gắng gượng cười tiễn con gái lên đường cho may mắn.
Công tác tại Trường Quân chính Quân khu 3 trong hoàn cảnh chiến tranh phải ở trọ nhà dân, gặp nhiều trở ngại khó khăn, nhất là đối với các nữ quân nhân. Nghĩ tới truyền thống của gia đình, lời dặn dò của bố mẹ và của các anh, Bình cố gắng vượt qua thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiến sĩ nuôi quân và chiến sĩ Thông tin Liên lạc. Đất nước thống nhất, năm 1976 Bình nhận quyết định chuyển ngành về Công ty thực phẩm tươi sống Quảng Ninh.
Như vậy trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ gia đình tôi có 5 người tham gia lực lượng vũ trang, trong đó 4 người là bộ đội. Đối chiếu với chế độ, chính sách, Chủ tịch nước đã tặng gia đình tôi Huân chương kháng chiến hạng Ba. Mẹ tôi - bà Trần Thị Thịnh, người đã hết lòng chăm sóc ông tôi già yếu và nuôi dạy đàn con thơ dại chúng tôi, người đã mấy lần gạt nước mắt tiễn đưa chồng con lên đường đánh giặc, thật xứng đáng được nhận phần thưởng cao quý đó.
Nói đến đây tôi cũng không thể không nhắc tới ông nội tôi - cụ Lê Văn Phấn đã sẵn sàng chịu đựng những đòn dã man của giặc Pháp, chứ nhất định không làm theo chúng phải khuyên bố tôi ra đầu thú để gia đình yên ổn và sống cuộc đời sung sướng.
Năm 1985, Lê Thị Hằng - em gái út của tôi cũng nhất quyết phải trở thành chiến sĩ. Vì lý do sức khỏe, chỉ có một năm thử thách tại binh đoàn Hương Giang nhưng cũng để lại cho Hằng nhiều kỷ niệm khó quên.
Từ năm 1995 đến nay gia đình tôi xuất hiện thế hệ thứ ba “Bộ đội Cụ Hồ”. Các cháu nội ngoại của ông bà gồm: Lê Quang Hòa, Lê Thế Liêm và Bùi Văn Tuyên là hạ sỹ quan, chiến sĩ; còn Lê Nam, Trịnh Văn Tuấn và Nguyễn Minh Chính là sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp phục vụ lâu dài trong Quân đội.
Như một cơ duyên, bố mẹ tôi rất vui mừng có 2 người con dâu là Bùi Thị Việt, Bùi Thị Tuyết và 3 người con rể là Nguyễn Văn Hương, Nguyễn Kim Đành và Vũ Đức Thành là những cán bộ, chiến sĩ có nhiều năm chiến đấu và công tác ở các đơn vị khác nhau.
Năm Bính Thân 2016 này bố tôi đã bước sang tuổi 94. Tuy chân đã chậm, mắt đã mờ, nhưng đầu óc cụ vẫn tinh tường. Bố tôi mong ước một điều giản dị nhưng đầy ý nghĩa, không phải chỉ đến thế hệ thứ ba, mà mãi mãi sau này gia đình tôi vẫn là một gia đình “Bộ đội Cụ Hồ”.
LÊ ĐÌNH VƯỢNG