Nhà thơ Lý Phương Liên: Rũ bỏ lời nguyền với thơ

Như một ngôi sao băng, Lý Phương Liên từng vụt sáng trên bầu trời thi ca Việt rồi phút chốc mất hút. 40 năm mang nặng lời nguyền vĩnh biệt thơ. 40 năm xa Hà Nội, ẩn dật giữa chốn TP Hồ Chí Minh, mặc cho bao ngơ ngác, tìm kiếm vô vọng của không ít người hâm mộ. 40 năm “để tang” thơ, bà trở lại, lặng lẽ “tháo khăn tang”, rũ bỏ lời nguyền, cất lên vần “Ca bình minh” quen thuộc thuở nào…


Nhà thơ Lý Phương Liên và con gái: Họa sĩ Phương Ngọc

1. Một buổi chiều ở thành phố phương Nam đầy nắng, Lý Phương Liên lang thang trên mạng. Bỗng bà bắt gặp bài thơ chép tay trên trang giấy ố vàng, sém đen khói bụi trên trang blog của Hoàng Xuân Họa. Nét mực lem nhem hiện ra trước mắt, ngỡ ngàng khi đó là bài thơ “Ca bình minh” của mình. “Tôi từng là một người lính ở chiến trường Lào những năm 1970. Ngày ấy, tình cờ được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho xem tờ báo Nhân dân số ngày 20-8-1970, thấy chùm thơ của Lý Phương Liên hay quá, tôi vội vã chép vào sổ tay ngay trên chiến hào. Lúc đó tôi chỉ biết Lý Phương Liên là cô công nhân tuổi đời đôi mươi có hồn thơ trong trẻo, lạc quan đi vào lòng người. Khoác ba lô trên vai, hầu hết những người lính miền Bắc ngày đó đều mang theo những vần thơ của chị vào chiến trường miền Nam. Trên chiến trường khói lửa ác liệt, thơ của chị như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Tôi nhớ, có lần tôi đọc xong bài thơ “Em mơ có một phiên tòa”, cả tiểu đội đứng dậy mặc niệm cho người mẹ bất hạnh trong bài thơ mà nước mắt chảy dài. Bài thơ thúc giục chúng tôi sẵn sàng hy sinh thân mình bảo vệ quê hương, đất nước… Đã mấy chục năm trôi qua, tôi không biết Lý Phương Liên giờ ở đâu? Nếu ai có địa chỉ của chị, cho tôi xin. Hoặc có thơ của chị, dù có ố vàng trong đống đồng nát, ve chai, tôi cũng xin mua lại bằng mọi giá”. Những con chữ vỡ òa. Cô thư ký vội lay bà: “Cô ơi, cô bị làm sao vậy? Sao cô khóc?”. Bà bàng hoàng: “Không ngờ có người đang tìm kiếm cô và thơ cô mấy chục năm qua thế này”. Biết chuyện, chồng bà – nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy, giục gọi điện cho ông Hoàng Xuân Họa. Thuyết phục mãi bà mới run run cầm điện thoại. Bên kia đầu dây, giọng người lính già lạc đi vì xúc động: “Có thật chị là Lý Phương Liên không? Đừng nói dối tôi nhé, tôi tìm chị lâu lắm rồi!”. Sau nhiều lần trò chuyện, ông Họa có nhã ý muốn Lý Phương Liên ra tập thơ tuyển lại những bài của bà. Bà thưa lời, có phần gay gắt, như vết thương xưa ai chạm vào. Tấm lòng bạn thơ, bà quý. Nhưng quá khứ, bà không muốn khơi lại. 40 năm, lời nguyền vẫn còn đó, nhức nhối ký ức cũ chôn vùi với xác thơ.

2. Lý Phương Liên nổi lên như một hiện tượng với chùm thơ đăng trên báo Nhân dân. Ngày ấy được đăng bài trên báo Nhân dân, lại liền tù tì 5 bài chiếm gần hết trang báo là động trời lắm. Thế mà làm nên cái chuyện động trời ấy lại là một cô thợ tiện, tay lem dầu máy, mùn sắt của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Cô lại được chính Tổng Biên tập Hoàng Tùng giới thiệu và cho đăng. Cái tên Lý Phương Liên mới toanh, vừa xuất hiện trên thi đàn đã gây xôn xao trong giới thi ca và dư luận bạn đọc. Trong một bài phóng vấn trên Báo Công an nhân dân tháng 10-2011, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn bảo rằng Lý Phương liên ngày đó rất nổi tiếng. Nhà thơ Xuân Quỳnh từng tò mò bảo bà: “Mày phải dẫn tao đến nhà Lý Phương Liên ngó xem mặt mũi nó thế nào”.
Nhà Lý Phương Liên nằm hun hút trong ngõ số 16 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khi cô bé lên 10 tuổi, cha mất vì bạo bệnh. Cả gánh nặng gia đình với năm đứa con thơ đổ oằn trên đôi vai gầy của mẹ. Là chị cả nên đến lớp 8, Liên nghỉ học, ngày ngày bóc lạc, giữ xe đạp, phụ hồ… Trong một lần qua bến đò thăm các con đang sơ tán, mẹ cô và gần 50 người bị trúng bom, 12 ngày sau mới tìm được xác mẹ. Tròn 16, Liên khai gian tuổi, năn nỉ để được nhận học việc tại Nhà máy cơ khí.
Một sự tình cơ, trong chuyến thăm nhà máy cùng đoàn lãnh đạo trung ương, nhà báo Hoàng Tùng đặc biệt chú ý đến bài “Ca bình minh” và một số bài thơ khác của Lý Phương Liên trên tờ báo tường của công nhân. Tứ thơ lạ, trong trẻo và hồn nhiên của một cô công nhân phơi phới tuổi yêu đời:
“Em đi làm ca ba/ Đêm buông đầy đường phố/Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ/ Em đi giữa lòng đường/ Hát khẽ/ Tuổi ca ba rất trẻ/ Đêm ca ba lại dài/ (…)/ Còn em với niềm vui bé nhỏ/ Em gọi ca ba là ca bình minh/ Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình/ Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ/ Tay vẫy chào những đoàn tầu rời ga Hàng Cỏ/ Đưa bộ đội lên đường/ Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường/ Đón bình minh đất nước…”
Hai hôm sau, nhà báo Hoàng Tùng cho gọi Lý Phương Liên lên để dùng cơm chiều tại trụ sở báo Nhân dân. Trưa hôm ấy, gặp gỡ các chú, các bác, tim cô như muốn rớt ra khỏi lồng ngực. Nhà báo Hoàng Tùng ân cần hỏi: “Thơ này ai làm giúp cháu?”. “Dạ không ạ. Thơ này cháu tự làm, nghĩ sao viết vậy ạ”. “Cháu còn có bài thơ nào nữa không, đưa cho các bác xem?”. “Dạ có”. Lý Phương Liên chạy về nhà, đem cuốn tập học trò có những bài thơ mà cô viết vội trong những giờ tan ca, đêm không ngủ. Vần thơ gieo nên bằng sự quan sát, cảm xúc hồn nhiên của đáy lòng cô trước cuộc sống, trước con người quanh mình. Dù thơ Lý Phương Liên đề cập đến cảnh nghèo, đến mất mát đau thương chiến tranh, đến cuộc sống lao động khốn khó nhưng cả bài thơ luôn toát lên âm hưởng lạc quan và mang tính dự báo đến lạ lùng.
Nhà thơ Lý Phương Liên nhớ lại: “Sáng sớm 20-8, tôi vừa tan ca ba. Đi ngang đường Tràng Tiền thì thấy đoàn người đứng xếp hàng đông nghẹt trước quầy bán báo. Tôi ngạc nhiên hỏi một bác. Bác ấy trố mắt: “Thế cháu không biết gì à? Hôm nay trên báo Nhân dân có đăng chùm thơ của Lý Phương Liên, “một nụ thơ trong vườn thơ tháng Tám” đấy. Bác đến xếp hàng từ lúc trời còn chưa sáng mà bây giờ vẫn chưa mua được”. Nghe xong, tôi mừng choáng hết mặt mày. Vội vã lục túi lấy tiền mua báo thì chỉ còn mấy đồng bạc lẻ. Chờ cho bác hồi nãy mua báo xong, tôi chạy đến xin xem nhờ. Bác ấy cười bảo: “Cháu cũng mê thơ nhỉ. Nhà thơ Lý Phương Liên này nghe nói cũng trạc tuổi cháu đó””.
Sau 5 bài thơ trên báo Nhân dân gồm: “Ca bình minh”, “Em mơ có một phiên tòa”, “Lời ru với anh”, “Về người cha đã khuất”, “Thư gửi một người bạn gái Mỹ”, các tờ báo khác như Văn Nghệ, Hà Nội mới, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Tiền Phong, Lao Động… cũng đăng các bài thơ khác của Lý Phương Liên. Những bài phê bình, nhận định thơ bà cũng xuất hiện dày đặc trên mặt báo khi ấy. Bạn đọc kéo đến căn nhà tồi tàn trên phố Lý Thái Tổ đông quá khiến có lúc bà phải nhờ các chú, các bác ở báo Nhân dân dẫn đi “lánh nạn”. Trong Hội nghị Những người viết văn trẻ, nhà thơ Chế Lan Viên vỗ vai bà: “Cháu hoàn cảnh khó khăn, nhưng biết phấn đấu vươn lên và làm được những bài thơ rất hay. Đọc những bài thơ của cháu, chú vô cùng xúc động”. Còn lần gặp ở tư gia của nhà thơ Huy Cận, tác giả “Tràng giang” đã bẻ gãy cây bút trước sự ngỡ ngàng của Lý Phương Liên để tỏ ý bái phục cô gái trẻ.
Thế rồi, bài thơ “Nghĩ về Thúy Kiều” (sau bà đổi tên thành “Trò chuyện với Thúy Kiều”) đăng trên báo Văn Nghệ cũng trong năm ấy khiến con thuyền thơ gặp “thác thơ”. Bài thơ bị nhiều người cho là có một số câu từ chưa phù hợp, quá bi lụy trong hoàn cảnh nước ta đang nâng cao tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Thậm chí có người cho rằng, đang có một thế lực xấu xúi giục Phương Liên viết những dòng ai oán như thế. Ý kiến khác thì bảo vệ Lý Phương Liên. Rằng bài thơ viết sau cái chết của mẹ, Lý Phương Liên suy sụp. Đi coi tuồng Kiều, bà khóc, tủi phận mình. Bài thơ ra đời như lời giãi bày cho nỗi lòng u uất, cuộc đời chìm nổi của bà nhưng vẫn thể hiện quan điểm lạc quan cách mạng, hướng tới ngày mai tươi sáng: “Đường ra biển có thể dài năm tháng/ Mất mát nhiều hơn gian khổ cũng nhiều hơn/ Nhưng một điều chắc chắn phi thường/Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp”.
Dư luận như cơn bão dữ cuốn bà vào tâm. Bà suy sụp, hoang mang. Thời gian sau đó, người ta không thấy thơ Lý Phương Liên xuất hiện trên thi đàn nữa. Giai đoạn này, Lý Phương Liên được đi học rồi về làm tại phòng Văn nghệ, báo Nhân dân. Bà có thai đứa con đầu lòng với nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy, hoàn cảnh gia đình ngày càng thêm khó khăn. Năm 1975, rời xa bão tố dư luận, gia đình bà vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và khá kín tiếng. Bà được mời về làm việc tại Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, phụ trách chương trình Tiếng thơ đến khi nghỉ hưu. Còn chồng làm ở Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh. Lý Phương Liên lặng lẽ làm thơ và rồi tự ỉm lời nguyền từ giã thi ca từ độ ấy.
3. “Trả lại hết sướng vui nạn ách/ Chuyền tay chữ hát xuống thuyền/ Thung thăng ngược bến cỏ non/ Nào em, cạn nốt giọt buồn…”. Đó là lời mở đầu tập thơ “99 khúc tặng Liên” của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy vừa được NXB Văn học ấn hành. Sau 40 năm tang tóc màu thơ, cuối năm 2011, người mà bạn bè yêu thơ vẫn trìu mến gọi: “Chị “ca ba” ơi!” đã trở lại với tập thơ “Ca bình minh” gồm những bài thơ mà bà tưởng chừng đã chôn vùi để tạ tình bạn đọc. Trong ngày ra mắt sách tại TP Hồ Chí Minh, bà rơi nước mắt khi biết, thơ của mình bấy lâu nay vẫn sống trong lòng bạn yêu thơ, những con người của thập kỷ 70. Bà tự nhận xét rằng thơ mình chỉ là thơ học trò bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may là do hoàn cảnh éo le đắng đời nên lấy được nước mắt của bạn đọc mà thành thơ.
Lý Phương Liên giãi bày: “Tôi nín lặng với thơ suốt 40 năm nay vì lời nguyền từ bỏ thơ của chính tôi. Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn, cơ cực không liên quan đến ai. Tôi không than oán bất kỳ ai, về bất kỳ điều gì. Tôi chỉ thấy rằng người chịu nhiều cay đắng, oan ức vì thơ tôi là Nguyễn Nguyên Bảy, chồng tôi. Nếu có cho tôi sống thành hai cuộc đời cùng lúc, tôi cũng không thể trả hết cái nghĩa yêu và ân tình mà anh đã dành cho đời tôi và thơ tôi”. Có lẽ vậy mà 46 bài trong cuốn “Ca bình minh” đã có gần 30 bài thơ tình bà dành cho người đàn ông của cuộc đời mình. Những giọt thơ tình trong veo, dịu dàng, thực tại mà bay bổng, đầy tinh tế. Chiều mưa, ngồi bên bà nghe lời cuối bà dành cho người bạn đời, bạn thơ tri kỷ khi cùng ông “cạn nốt giọt buồn”:
“…Ạ ơi những lời ru cũ
Cánh cò chít trắng tang mây
Chẳng dám chép tặng anh sợ rồi lại vạ
Thơ thương ta thơ đừng làm anh khổ
Em đơn chiếc một cánh cò
Mà trời bao la quá
Em chép lại đôi ba bài thơ nhỏ
Chỉ để nhớ để thương thơ”
.
Bài Quỳnh Nga/ Văn Nghệ CA số 187(287) ngày 5/11/2012