Về một câu hát dân gian

“Trong chương trình “VUI KHỎE CÓ ÍCH” trên VTV sáng CN 24/4/2016, phát lại sáng thứ hai (25/4) có câu hát: Đục cùn thì giữ lấy tông/ Đục long cán gãy còn mong nỗi gì. Cô dẫn chương trình giải thích: Đây là câu hát có tự ngàn xưa dặn con cháu trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn lề thói của gia đình! Giải thích như vậy hoàn toàn sai.


Thầy Đinh Chí (trái) và nhà thơ Nguyễn Minh Ngọc

Thầy ĐINH CHÍ, một người thầy dạy sử nức tiếng của bao thế hệ học trò Hà Tĩnh, vừa gửi cho tôi mấy hàng như sau. Tôi xin phép thầy được trích nguyên văn pos lên hầu quý bạn.
“Trong chương trình “VUI KHỎE CÓ ÍCH” trên VTV sáng CN 24/4/2016, phát lại sáng thứ hai (25/4) có câu hát: Đục cùn thì giữ lấy tông/ Đục long cán gãy còn mong nỗi gì. Cô dẫn chương trình giải thích: Đây là câu hát có tự ngàn xưa dặn con cháu trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn lề thói của gia đình!
Giải thích như vậy hoàn toàn sai. Thực ra, câu hát trên mới có khoảng 15 năm thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782) ngang với thời vua Lê Hiển Tông. Trịnh Sâm là kẻ bạo ngược, lấn át quyền vua Lê, làm nhiều việc trái đạo lý, trong đó có việc phong chánh cung cho người vợ thứ Đặng Thị Huệ, đồng thời phế truất ngôi thế tử của người con trai trưởng nổi tiếng tài đức con của vợ cả là Trịnh Tông, để truyền ngôi cho Trịnh Cán, con Đặng Thị Huệ, một đứa trẻ ốm yếu mới 6 tuổi. Huệ lại tư thông với Huy quận công Hoàng Đình Bảo, vậy nên, dân gian mới có câu hát: Trăm quan có mắt như mù/ Để cho Huy quận vào sờ Chánh cung/ Đục cùn thì giữ lấy Tông/ Đục long Cán gãy, còn mong nỗi gì!
Những câu hát trên được nhanh chóng lan truyền khắp kinh kỳ, lọt vào tận phủ Chúa, nhắc nhở Trịnh Sâm giữ lại ngôi Thái tử cho Trịnh Tông, đừng truyền cho Trịnh Cán mà hỏng việc. Trịnh Sâm không nghe lời khuyên sáng suốt của nhân dân, nên đất nước mới sinh ra loạn lạc, cả nhà Trịnh sâm bị xóa tên năm 1782. Trịnh Khải, rồi Trịnh Bồng lên nối ngôi Chúa chỉ được 5 năm. Hay tin rối loạn ở Thăng Long, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, liên kéo quân ra Bắc làm công việc “phù Lê, diệt Trịnh” và hoàn thành vào năm 1787.
Sự thật lịch sử là như vậy”.