Tôi vào tiếp quản Sài Gòn

Vào những ngày này cách nay 41 năm trước, trong đội hình của Sư đoàn 7 bao vây Sư đoàn 18 của quân đội Sài Gòn tại Xuân Lộc - Long Khánh cửa ngõ phía đông bắc Sài Gòn, tiểu đoàn quân y của chúng tôi được chia làm bốn đơn vị phục vụ chiến đấu: trường đào tạo y tá còn ở phía sau, đội phẫu tiền phương của đại đội 1 đi cùng với trung đoàn 141 và 165, đội phẫu tiền phương đại đội 2 đi cùng trung đoàn 209 và các đơn vị trực thuộc , đại đội 3 bệnh xá của sư đoàn đang tập kết điều trị thương binh tại quận Định Quán. Đất đồi Long Khánh toàn đá, giữa mùa khô cuốc lên toé lửa. Cây bằng lăng trụi lá, một vài nương rẫy và những bụi chuối chết khô.


Hình ảnh tác giả và đồng bào chào đón quân giải phóng về thành phố, chưa chuẩn bị kịp cờ và hoa, nhưng chỉ sau một đêm Sài gòn rợp đỏ sắc cờ.

Càng gần đến ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam , lòng mỗi người lính lại trào dâng cảm xúc khi nhớ lại những ngày tháng hào hùng, những ngày không thể nào quên! 
Vào những ngày này cách nay 41 năm trước, trong đội hình của Sư đoàn 7 bao vây Sư đoàn 18 của quân đội Sài Gòn tại Xuân Lộc - Long Khánh cửa ngõ phía đông bắc Sài Gòn, tiểu đoàn quân y của chúng tôi được chia làm bốn đơn vị phục vụ chiến đấu: trường đào tạo y tá còn ở phía sau, đội phẫu tiền phương của đại đội 1 đi cùng với trung đoàn 141 và 165, đội phẫu tiền phương đại đội 2 đi cùng trung đoàn 209 và các đơn vị trực thuộc , đại đội 3 bệnh xá của sư đoàn đang tập kết điều trị thương binh tại quận Định Quán. Đất đồi Long Khánh toàn đá, giữa mùa khô cuốc lên toé lửa. Cây bằng lăng trụi lá, một vài nương rẫy và những bụi chuối chết khô.
Thế mà cán bộ chiến sĩ các đơn vị của tiểu đoàn vẫn liên tục di chuyển. Đi đến đâu chúng tôi cũng phải đào hầm để cất giấu và điều trị thương binh. Không thể để bàn mổ trên mặt đất vì máy bay, pháo binh bắn liên tục vào đội hình của đơn vị. Chiến sĩ ta bị thương nhiều lắm chúng tôi phải ưu tiên cấp cứu những thương binh nặng. Cố Bác sĩ : Võ Đức Phổ, tiểu đoàn trưởng, người con của quê hương Quảng Xương Thanh Hoá, người anh cả của tiểu đoàn đứng bên bàn mổ cả ngày quên cả ăn uống, hai bàn chân sưng vù mà không hay biết. Chiều về, hai đầu gối bê bết máu. Thì ra bác sĩ leo lên leo xuống mấy lần cái cửa hầm toàn đá gan gà sắc như dao. Đá cứa vô rách quần chảy máu lúc nào không hay.
Đến ngày 21/4 chốt Long Khánh do sư đoàn 18 cố thủ bị đánh bại, lính tháo chạy toán loạn đi nhiều hướng, tướng Lê Minh Đảo tháo chạy về Sài Gòn, đoạn đường từ Long Khánh về Sài gòn quân đối phương còn chống cự quyết liệt, nhưng có lẽ ý đồ của chỉ huy chiến dịch để một ít thời gian cho quân Mĩ di tản khỏi Miền Nam, ở Sài gòn tổng thống Thiệu từ chức ông ta nói trên đài "Tôi không làm tổng thống thì tổng thông Hương sẽ làm, sẽ dư ra 1 tay súng để bảo vệ từng tấc đất....," ngày hôm sau ông ta chuồn mất. Quân ta tiến công dũng mãnh theo hướng quốc lộ 1, tiến về Biên Hoà. Bác sĩ Đỗ Duy Tôn tiểu đoàn phó tăng cường về làm chủ nhiệm quân y trung đoàn 165 đi trước. Nhân lúc kẹt xe, bác sĩ ném vào xe tôi mấy cây thuốc lá “ robyquen quân tiếp vụ” (thuốc chỉ dùng trong quân đội SG không bán ra công chúng).
Trong lúc tiến công chiến đấu trên đường, một số chiến sĩ ta bị thương, thế là bệnh xá của chúng tôi phải táp vào ấp Vườn Ngô huyện Trảng Bom lập một trạm sơ cứu, ngay buổi sáng ngày 30 tháng 4, đơn vị không có lương thực, thực phẩm, xe hậu cần chuyển lên chưa kịp, thương binh được đưa vào nhà dân. Biết được hoàn cảnh này đồng bào địa phương mang gạo, mì gói, mấy con gà đến nữa . Bà con làm hậu cần, làm anh chị nuôi, nấu cháo nuôi dưỡng chăm sóc thương binh.
Đại quân đã tiến vào Sài Gòn còn thương binh và chúng tôi, những người phục vụ tại bệnh xá còn nằm ở Trảng Bom, tôi ra ngoài quốc lộ tìm cách chạy về Long Khánh để chở lương thực, thực phẩm về cho đơn vị. Lúc đã xế chiều, bà con tản cư lần lượt đi bộ trở về quê, nhiều người quê mãi tận Huế, Đà Nẵng, Nha Trang. Tất cả đều đi bộ, xách theo can nước , một túi đồ và những thứ gì có thể ăn được. Có một chiếc xe tải chở cả trăm người chạy ngược trở ra, nhiều thanh niên ở trần, hỏi ra mới biết họ là lính của đoàn quân thất trận chạy về, không dám mặc đồ lính vì sợ . . .
Đường xá còn sặc mùi thuốc súng. Xác của những người lính chống cự bị trúng đạn còn nằm ngổn ngang khắp đường. Trong khi đó, các cống thoát nước, những mương dẫn nước dọc đường đầy quần áo mũ sắt, súng đạn, phù hiệu của các quân binh chủng khi bỏ chạy họ trút vào đây. Có lẽ những người lính họ chỉ mong muốn nhanh chóng được làm một người dân bình thường như bao người dân thường khác, họ đã thấy được giá trị của hoà bình.
Tôi ngoắc chiếc xe tải dừng lại, hỏi thăm và muốn nhờ bác tài về Long Khánh chở dùm lương thực cho đơn vị để nuôi dưỡng thương binh. Người tài xế tên Hạo khoảng trên dưới 30 tuổi nói rằng anh ta chạy xe không từ Sài Gòn, gặp bà con di tản là cho đi nhờ về Dầu Dây, mời hai anh giải phóng lên xe. Dưới đường có một cặp vợ chồng trẻ, cô vợ đang mang bầu, hai vợ chồng đều mặc áo trắng. Trời oi bức, ngột ngạt, tôi chưa thấy một người phụ nữ nào mang bầu mà cái bụng lại lớn như vậy. Hai vợ chồng nhờ bác tài cho quá giang nhưng bác tài bảo hết chỗ. Thấy ái ngại, tôi kêu hai vợ chồng lên ca bin còn tôi và đồng chí Kim đi cùng leo lên ngồi trên mui xe tải.
Chiếc xe từ từ chạy về hướng Dầu Dây, xe đến Dầu Dây, bà con xuống hết, anh tài xế bảo có việc phải về xem gia đình nhà vợ bên Túc Trưng thế nào, rồi ta đi Long khánh chở gạo cho đơn vị. Về đến Túc Trưng ông già vợ của anh quê tỉnh Thái Bình di cư vào Nam năm 1954, nhà có hai ông bà và cô con gái út tên Hương đang học lớp 11 ông nói như ra lệnh "giờ tối rồi không được đi ban đêm lúc này rất nguy hiểm, hai anh Giải Phóng cứ nghỉ ở nhà tôi, sáng mai anh em sẽ đi sớm về Long Khánh lấy gạo". Không còn cách nào khác, chúng tôi phải ngủ lại Túc Trưng đêm 30/4/1975.
Nghe đài phát thanh Giải Phóng, đài truyền hình Sài Gòn giải phóng thông báo yêu cầu tất cả anh em binh sĩ, sĩ quan và nhân viên chính quyền Sài Gòn khi về đến gia đình, đến gặp ngay chính quyền cách mạng để đăng ký trình diện. Túc Trưng là vùng dân đa số theo đạo công giáo. Chính quyền cách mạng chưa về kịp, thế là suốt từ 8 đến10 giờ tối, các binh sĩ đến gặp hai anh em chúng tôi xin đăng ký trình diện. Tôi giải thích, chúng tôi đang đi thi hành công vụ, yêu cầu các binh sĩ ai về nhà nấy nghỉ ngơi, khi nào có thông báo của chính quyền địa phương sẽ đến đăng ký trình diện. Số người đến rất đông, người thì nói tui quân cảnh ở biệt khu Thủ đô, người bảo em ở trường huấn luyện Quang Trung…Tôi phải nhờ bác chủ nhà chọn một người, kê cái bàn trước cổng ghi tên và giải thích cho mọi người vì chưa có phiếu đăng ký trình diện. 
Ăn cơm chiều với gia đình anh Hạo xong, tôi nói với Kim coi như mình đang bị bao vây, xung quanh mình có biết bao binh sĩ, sĩ quan công chức chế độ cũ như thế này mà hai chúng tôi chỉ có một khẩu súng ngắn K54 và một băng đạn. Tôi sẽ gác cho Kim ngủ từ 11h đến 3 giờ sáng, Kim sẽ gác cho tôi ngủ từ 3giờ đến 5giờ. Nhưng cả hai nào có ngủ được. Đến 5giờ30 sáng, bác chủ nhà gọi hai chú Giải Phóng dậy uống café sáng. Hai ly café sữa nóng thơm lừng nhưng đâu dám uống. Chúng tôi nói với ông mình không quen uống thứ này, quen uống nước trắng. Cả nhà ăn sáng bằng mì gói nấu chung trong một cái nồi, múc mỗi người một tô. Đúng 6 giờ sáng, anh Hạo chở chúng tôi đi lấy gạo và chạy theo đơn vị vào Sài Gòn. 
Đơn vị chúng tôi đóng trên đường Gia Long (Lý Tự Trọng ngày nay). Bao công việc bộn bề: chăm sóc thương binh, đăng ký trình diện, tìm nơi ở cho bệnh xá. Buổi sáng ngày 5/5/ 1975, tôi được giao nhiệm vụ phát giấy trình diện cho mỗi người 2 tờ. Họ điền đầy đủ ký tên và giữ lại một tờ. Có một người đàn ông mặc áo sơ mi trắng ngắn tay đến đăng ký. Cầm hai tờ giấy trên tay, ông ta chưa viết và tự xưng tên Lê Minh Đảo thiếu tướng sư đoàn trưởng sư đoàn 18, muốn gặp ông Lê Nam Phong (là sư đoàn trưởng sư đoàn 7 của chúng tôi). Ông Đảo nói: "Có cách nào ông cho tôi xin gặp ông ấy một phút, tôi nói với ông ấy một câu thôi". Không hiểu ông Đảo muốn nói câu gì ?
Tôi giải thích giờ này không thể gặp được vì thủ trưởng rất bận, ông vui lòng viết đăng ký và về nhà nghỉ ngơi cho khoẻ. Ông ta vừa viết vừa nói: "tôi biết sư đoàn các anh ở bên ngoài cũng không còn bao nhiêu quân nhưng . . . lính của tôi nhát quá "Tôi nói ông vui lòng ký vào đây và về nghỉ, tôi hỏi nhà ông ở đâu. Ông ta nói nhà bên quận 4.
Công việc bộn bề của những ngày đầu giải phóng làm cho hầu hết mỗi chiến sĩ đều phải làm việc hết công suất của mình. Mỗi người đến trình diện đều gửi một chùm chìa khoá, chỉ một buổi sáng, một thùng carton lớn đựng đầy các chùm chìa khoá do các " trình diện viên" ghi tên và số phòng bỏ vào đấy. Phát được một lúc thì hết giấy đăng ký trình diện. Tôi đứng lên bục cao hỏi: ở đây những ai biết đánh máy chữ. Hầu như tất cả mọi người đến đăng ký trình diện đều giơ tay. Thế là 20 cái máy chữ , 20gram giấy và giấy than do các nhân viên đi đăng ký tự bê đến xếp thành từng bàn ngay ngắn. Họ đánh máy thành thạo, không nhìn vào bàn phím mà chỉ nhìn vào văn bản. Riêng cái khoản này thì họ thành thạo hơn những người ở rừng mới ra như chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi chuyển lên để thủ trưởng ký và đóng dấu cho kịp. Quá trưa toàn bộ đã đánh máy xong, phiếu được phát cho những người đến đăng ký trình diện. Tờ giấy này như là một giấy thông hành của sĩ quan, binh sĩ và nhân viên chế độ Sài Gòn những ngày mới giải phóng. (Xin lưu ý là khi đăng ký trình diện những người có cấp hàm từ đại uý trở xuống đăng ký tại địa phương, những người từ thiếu tá trở lên mới đăng ký tại Uỷ Ban Quân Quản, như đơn vị chúng tôi).
Bên ngoài khu công viên Gia Long, mỗi chiến sĩ đứng bên cạnh có cả trăm người dân lắng nghe các chiến sĩ kể chuyện, thường thì tìm đến người cùng quê ngoài Bắc. Bà con không hiểu gì về quê hương, nhiều người nói họ không nghĩ anh bộ đội giải phóng lại hiền khô, trắng trẻo nói năng dễ thương như thế, khác hẳn với suy nghĩ trong đầu khi chưa gặp “Việt Cộng”. Nhiều người khóc khi gặp người thân, con em ruột thịt của mình sau hơn 20 năm xa cách. Bạn tôi anh Bùi Kim Kận quê Xuân Thuỷ, Nam Định gặp được người cô ruột của mình, nhà có tiệm bán phụ tùng xe đạp trên đường Lý Thái Tổ, cô kéo bằng được cháu phải về nhà cô. Anh em tôi buổi chiều tranh thủ lên thăm, bà cô không nói được lời nào chỉ khóc, hai cô cháu cùng khóc, thấy thằng cháu đi cái xe đạp, (xe công của đơn vị) không có chắn bùn, chắn xích, cái ghi đông han rỉ cô nói người con thay cho anh, lắp đồ mới vỏ ruột, xích líp, giò dĩa lại.
Khi anh em tôi ở trong nhà thì chiếc xe bên ngoài được tân trang mà không hề hay biết. Cô hỏi chúng tôi bảy năm trời con ở trong rừng có thiếu thốn gì không. Kim Kận trả lời giờ thì không thiếu thứ gì cả, chỉ thiếu một cái quần đùi vì nó mới bị rách. Cái thật thà của người lính bấy giờ là như thế! Khi ra về anh em tôi hết hồn vì cái xe đạp gần như mới, chỉ có cái khung là cũ, thủ trưởng hỏi thì nói làm sao? Kận đòi tháo ra lắp đồ cũ vào, bà cô và chú em nói mãi nên tôi bảo Kận thôi anh cứ đem về tôi sẽ báo việc này với thủ trưởng.
Khi về đến bên hông chợ Bến Thành, có mấy hàng bán đồ sứ ,chén đĩa, tôi bảo Kận dừng lại để mình vào mua một cái bát ăn cơm, cái bát sắt tráng men ở nhà nó đã bị tróc men mấy chỗ. Chọn cho mình một cái bát sứ cầm trên tay tôi hỏi, cái bát này giá bao nhiêu? 
Cô gái trẻ bán hàng vui vẻ, dạ chú giải phóng mua mấy chục ạ ? Tôi nói, có một mình mua một cái để trong ba lô dùng ăn cơm đủ rồi, mua chi mấy chục. Cô gái bán hàng cầm hai cái bát sứ gói kỹ bằng tờ giấy báo và nói:" Nhân ngày giải phóng Sài Gòn xin tặng anh, à quên chú Giải Phóng hai cái chén sứ." Tôi nói chỉ cần một cái thôi, nhưng cô gái bảo "chú cứ cầm cho có cặp có đôi, từ cổ chí kim ở cái đất Sài Gòn này chưa có ai đi mua một cái chén bao giờ". 
Trả tiền nói thế nào cô gái cũng không lấy. Đấy là những ấn tượng đầu tiên của tôi khi vào tiếp quản Sài Gòn.
Xin cảm ơn người dân Sài Gòn có tấm lòng với anh Giải Phóng cách nay 41 năm về trước, những kỷ niệm không thể nào quên !
TP HCM tháng4/2016 .