Cũng đành xin làm "Người xin tin"?

Sự kém cỏi trong lấy tin, phải mơn trớn quan chức để xin tin và hẹn phỏng vấn riết rồi biến nhiều nhà báo thành kẻ tiếp tục ve vuốt. Cứ vậy, mất độc lập và tự mình từ chối luôn sự độc lập.

Có anh bạn cắc cớ hỏi mình Việt Nam có báo chí điều tra không, mình nói có. Ông hỏi báo chí điều tra tham nhũng dữ cỡ nào, mình nói tầm chủ tịch huyện trở xuống. Bạn ấy cãi là đã thấy nhiều quan chức cỡ Bộ trưởng thứ trưởng bay chức vì những vụ việc báo chí nêu. Mình nói đúng rồi, có nhiều, nhưng cần nhớ đó không phải là nhờ khả năng điều tra của nhà báo.
Hơn hai mươi năm làm báo và ba chục năm biết đọc báo chính trị xã hội, sau này nhìn lại, mình thấy đó là những vụ báo chí nêu, nhưng chắc chắn không phải do báo chí phát hiện ra. Trước đó người ta đã nêu đâu đó trong nội bộ rồi, đã thanh tra rồi. Báo chí khi đó chỉ làm nhiệm vụ moi hồ sơ thanh tra và đẩy nó lên ở mức không còn bưng tai bịt mắt được nữa. Mà ngay cả chuyện moi hồ sơ, nếu không có tay trong giúp đỡ (động cơ giúp thì nhiều, nhưng cũng có người có động cơ tốt) thì báo chí chẳng có cách nào moi được. Không hẳn vì nhà báo kém- kém thì rõ rồi - mà vì cơ chế phát ngôn và cung cấp tài liệu tối như hũ nút.
Trong báo chí điều tra, mảng xã hội, nội chính, tố tụng còn đỡ, bởi phần nào đó nó là sự kiện xảy ra nhiều người biết, đường đi của hồ sơ- nếu cần hồ sơ- cũng có nhiều nguồn. Chứ mảng kinh tế và chính sách thì báo chí cực kém. Bauxite từ hồi có chủ trương làm, mất đất sản xuất, phá hoại môi trường và lỗ chỏng vó là điều ai cũng thấy, báo chí cũng nói nhiều (không có chuyện cấm phản biện bauxite như nhiều bạn nghĩ). Nhưng vấn đề là báo nói cứ nói, làm cứ làm, người ta không có thèm nghe. Các vị đáng lẽ cần phản biện và ra nghị quyết thì cũng im hoặc nói xong vài câu ở quốc hội rồi thôi.
Nhiều bạn nghĩ điều tra đơn thuần là theo dõi và phanh phui, cái đó đúng một phần. Nhưng không có kiến thức, không có chuyên gia giúp đỡ, không có phân tích đánh giá thì không bao giờ điều tra thành công cả, không có hiệu ứng dư luận thì cũng không ai vào cuộc xử lý cả.
Chức năng giám sát của báo chí rất kém. Tin đi, chứ ông giám sát tốt kiểu gì mà tham nhũng bây giờ con số thát thoát đơn vị ngàn tỷ nghe quen lỗ tai luôn. Điều tra, giám sát và cảnh báo là ba thứ đi liền với nhau. Nhưng giờ cơ quan báo chí nào nào giỏi, thử tự đặt cho mình mục tiêu giám sát bằng công luận một dự án ODA về xây dựng cơ bản xem, từ bỏ thầu, chọn thầu, mua bán thầu, phết phẩy, sân trước sân sau… Mình nghĩ, cả làng báo bó tay luôn. Một khi mà khả năng tiếp cận thông tin của chính nhà báo còn bị hạn chế thì không thể nói chuyện giám sát cái gì đến nơi đến chốn cả.
Nhà báo cũng nhát, lâu dần thành đứa đi xin tin. Giao đề tài điều tra, xong giai đoạn phanh phui tới giai đoạn chất vấn thì bạn phóng viên nọ bó tay, tòa soạn phải tung PV khác hỗ trợ. Chừng đăng bài, bạn PV càm ràm anh TKTS: anh đăng vậy em mất hết quan hệ với nguồn tin. Mình bảo bạn TKTS: nói với cậu ấy nếu vậy in danh thiếp là “người xin tin” đi, đừng xưng nhà báo.
Mình nhớ hồi đó có lần mình liên hệ với một ông trưởng phòng tuyên truyền của Cục nọ xin cái hẹn phỏng vấn Cục trưởng, vặn vẹo một ông lãnh đạo Cục xong, bài đăng, hôm sau mình alo lại. Ông trưởng phòng nói ở đây giờ người ta không đồng ý tiếp cậu nữa. Mình nói anh ơi, anh nói cẩn thận, nếu cho rằng báo đăng sai thì khiếu nại, còn tôi liên hệ với các anh vì công việc, anh nói thế mai tôi đăng báo câu này nhé. Rõ ràng với nhau một lần, coi như xác lập một nguyên tắc, và mình cũng chưa bao giờ bị chỗ đó làm khó cả. Họ có dè dặt, đề phòng, nhưng không từ chối cuộc hẹn phỏng vấn hoặc từ chối cung cấp những thông tin được phép cung cấp.
Nhưng mà cái anh trưởng phòng ấy giờ là Cục trưởng rồi.
Sự kém cỏi trong lấy tin, phải mơn trớn quan chức để xin tin và hẹn phỏng vấn riết rồi biến nhiều nhà báo thành kẻ tiếp tục ve vuốt. Cứ vậy, mất độc lập và tự mình từ chối luôn sự độc lập.
Nguồn: https://www.facebook.com/bocuhung/posts/10154512803849090