Trần Hùng John hôm nay

Các bạn thân mến. John Hùng là chàng trai sinh ra ở Mỹ, không biết tiếng Việt, vì yêu quê hương nên quyết tâm về nước học tiếng Việt, rồi làm một chuyến xuyên Viết với không đồng bạc nào trong túi. Vừa đi vừa lao động kiếm sống để hiểu đất nước, hiểu các tầng lớp nhân dân. Sau 80 ngày quá vất vả nhưng thú vị John đã đến được thành phố Hồ Chí Minh. Cuốc xuyên Việt này được John viết bằng tiếng Anh thành cuốn "John đi tìm Hùng". Cô bạn gái tên Liên đã giúp dịch sang tiếng Việt và được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Cuốn sách được đông đảo bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh. Chính vì vậy năm nay cuốn sách này được tái bản lần thứ 5 với một hình thức hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung. Thật thú vị là cuối sách có bài VĨ THANH do chính Hùng John tự viết bằng tiếng Việt.Hùng đã viết thành thạo tiếng Việt. Qua Vĩ Thanh chúng ta mới biết thêm nhiều điều về chuyến xuyên Việt và nhất là hoạt động của John Hùng từ hồi đó đến nay. Xin mời các bạn cùng xem. (Blog của GS. Nguyễn Lân Dũng)

VĨ THANH
Trần Hùng John
Đã ba năm sau chuyến đi xuyên Việt với không một xu dính túi của anh chàng người Mỹ gốc Việt hơi “khùng”, và đã hai năm sau khi anh ấy cho ra đời cuốn sách “John đi tìm Hùng”. Hẳn là bạn đang băn khoăn John Hùng đã ở đâu trong thời gian qua?
Thi thoảng người ta lại thấy anh ấy xuất hiện trên tivi hay trên các tờ báo. Có lẽ nào anh ấy đã về Mỹ? Không, anh ấy vẫn đang ở Việt Nam nhưng cố hết sức để tránh xa ánh đèn sân khấu và những ồn ào phô trương. trong khi những người khác có thể dành nhiều thời gian và tâm sức tận dụng danh tiếng mới có, thì anh ấy chật vật giữ thăng bằng. Cuộc sống quá ngắn ngủi để luôn sống cho người khác, nhưng anh ấy không phán xét họ. “To each his own” - “Chuyện ai nấy lo, mỗi người mỗi khác”, người ta vẫn thường nói như thế.
Bạn sẽ không tìm thấy John Hùng trong các quán bar hay club, anh ấy đã quá già cho những nơi đó. hai mươi sáu tuổi có phải là quá già? thật ra tuổi tác cũng chỉ là những con số, chính những tích lũy kinh nghiệm mới nói lên tuổi thực của một người đàn ông. Có những người tuổi cũng đã nhiều, nhưng vẫn còn “trẻ trâu”. Bạn cũng sẽ hiếm khi gặp John Hùng ở những quán cà phê bởi vì anh ấy không có thời gian cho những nơi ấy. Có thể bạn sẽ vô tình bắt gặp anh ấy đâu đó trên phố, nhưng cơ hội trúng Xổ số có lẽ còn nhiều hơn khả năng này. Vậy thì rốt cục anh đã trốn ở đâu thế John Hùng?
Ồ thì tôi vẫn ở Việt Nam đây thôi. Sau tất cả những huyên náo, đơn giản là tôi cần phải trở về với cuộc sống bình thường của mình, mặc dù câu chuyện cuộc đời của tôi không có vẻ gì là bình thường cho lắm. Chuyến đi năm ấy kết thúc một cách bình lặng. tôi lên xe khách giường nằm và trở về Hà Nội. Tôi đã thực sự kiệt sức. Sau hơn bốn mươi giờ mệt mỏi, tôi được Hà Nội chào đón bởi một gương mặt thân quen. Chiếc xe khách dừng tại bến, tôi nằm lại thêm một lúc nữa trong khi những hành khách khác vội vã chen nhau đi xuống. Tôi vẫn chưa hiểu được vì sao người Việt Nam luôn có vẻ như vội vã đi đâu đó nhưng lại hiếm khi đến đúng giờ? Về phần tôi lúc đó, tôi muốn nhâm nhi những giây phút cuối cùng trước khi chuyến đi chính thức kết thúc.
Tôi đứng đợi dưới chân cây cầu vượt bụi bặm trên đường Minh Khai. Cô ấy lại tới muộn. Thường thì tôi sẽ thấy hơi bực mình nhưng lần này thì không như vậy. Tám mươi ngày sống chậm trong suốt hành trình đã giúp tôi trở nên kiên nhẫn hơn. Và rồi sự kiên nhẫn của tôi đã được đền bù bằng một cái ôm thật chặt và nụ hôn của Liên.
“Mừng anh đã về nhà”, cô ấy nói trong vòng tay tôi. “Em đã nhớ anh rất nhiều.” Đó là một kết thúc tuyệt vời cho chuyến đi của tôi, như thể lớp nước cốt dừa thơm ngậy rót lên để hoàn thiện một cốc chè ngon.

Tôi khi ấy không hề có ý định viết một cuốn sách. “John đi tìm Hùng” được xuất bản là để đáp ứng những nhu cầu phát sinh. Chuyến đi của tôi đã bất ngờ tạo ra “mốt” đi xuyên Việt. Mọi người, cả con gái và con trai, bỗng nhiên muốn thử làm cái điều mà trước hành trình của tôi, nhiều người vẫn nói là “điều ngu ngốc” và “không thể”. Tôi bị bủa vây bởi những cuộc phỏng vấn và những tin nhắn với những câu hỏi lặp đi lặp lại. “Cảm giác của anh như thế nào?”, “Điều gì là thú vị nhất trong chuyến đi?”, “Khó khăn lớn nhất anh gặp phải là gì?”, vân vân và vân vân. Vì vậy, tôi phải thú thật rằng, một trong những lý do tôi viết cuốn sách là để không phải trả lời lại nhiều lần những câu hỏi giống nhau.
Sau khi trở về và trong thời gian viết sách, tôi đã trở thành giáo viên tiếng Anh tại một trường Đại học tại Hà Nội. Mặc dù không muốn rơi vào trào lưu đi dạy tiếng Anh của nhiều người nước ngoài tại Việt Nam, thực lòng tôi vẫn luôn mơ ước trở thành một giảng viên trường Đại học. Tôi không có bằng hay chứng chỉ về giảng dạy, lúc đó cũng có nhiều ứng viên sáng giá hơn tôi cho vị trí này, có người thậm chí còn có bằng Thạc sĩ về giáo dục. Nhưng rồi tôi đã được chọn. Tôi không mấy ngạc nhiên vì có vẻ ở Việt Nam, người nổi tiếng luôn có lợi thế. Và tôi khi ấy thì cũng đã hơi có chút ít tiếng tăm.

Tôi đã thực sự háo hức với công việc mới này. Đối với tôi, công việc này không chỉ là dạy học, tôi muốn truyền cảm hứng. Tôi muốn giúp các bạn sinh viên mở khóa tiềm năng và đi chinh phục thế giới. Nhưng thay vào đó, tôi đã sớm phải đối mặt với thực tế ảm đạm của hệ thống giáo dục chưa đạt chuẩn tại Việt Nam.
Tôi dạy hai lớp, nói và phát âm, nhưng tôi đề nghị dạy thêm một lớp miễn phí cho sinh viên sau giờ học hoặc vào cuối tuần. Lúc đầu tôi không để ý nhưng sớm phát hiện ra rằng lớp học bổ sung này của tôi đã ảnh hưởng đến “thu nhập ngoài giờ” của một số giáo viên khác. Giáo viên trên toàn thế giới không được trả lương xứng đáng cho công sức của họ, đặc biệt là ở Việt Nam. Vì thế mà họ phải tìm nhiều cách để tự làm tăng thu nhập cho bản thân. Mọi người vẫn thường hay kể cho tôi nghe về lệ đi “phong bì” để được điểm tốt, nhưng tôi thực sự bất ngờ khi biết rằng một vài giáo viên đã cố tình giấu bài, không dạy hết để sinh viên phải đi học thêm. Nếu giáo viên dạy tốt thì sinh viên sẽ không cần tìm đến lớp học thêm. Nhưng khi sinh viên cần phải học ngoài giờ, thì đương nhiên là các giáo viên đó sẵn sàng mở lớp, với một mức phí.

Những nụ cười và lời mời ăn trưa của các đồng nghiệp dần dần biến thành những ánh mắt dè chừng và những câu chuyện “buôn dưa lê”. Tuy nhiên, vẫn có một vài người không ngừng yêu mến tôi.
Và tôi tự hiểu mình không nên làm việc ở đây thêm nữa dù rất muốn được tiếp tục truyền cảm hứng cho sinh viên. Tôi quyết định xin nghỉ sau khi học kì kết thúc.
Tôi tiếp tục mối quan tâm với giáo dục bằng cách làm việc với một Công ty Mỹ tại Hà Nội. Tôi đã tin rằng thông qua giáo dục, tôi sẽ có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực. Tuy nhiên, công việc ở đây chỉ kéo dài vài tháng. Tôi có một vài bất đồng với người đồng sáng lập người Mỹ của Công ty. Anh ấy rất giống tôi khi tôi mới đến Việt Nam, cho rằng mình hiểu tất cả về nơi này. Nhưng để tồn tại được ở đây, suy nghĩ ấy cần thay đổi. Một điều chắc chắn tôi đã học được ở Việt Nam đó là để thành công, bạn cần phải thích nghi.
Việt Nam không ngừng thay đổi. Quy định có thể được ban hành ngày hôm nay và thay đổi vào tuần sau. Các ngôi nhà bị kéo đổ trong chớp mắt và các tòa nhà cao chọc trời như tòa nhà Lotte có thể vươn lên trong đêm. Các doanh nghiệp cũ kĩ đóng cửa hàng ngày và thay vào đó là những ý tưởng mới xuất hiện tràn lan với ước vọng làm giàu của nhiều người. Những ai chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi sẽ tới được bờ bên kia một cách an toàn, trong khi những người khác tụt lại phía sau hay lâm vào hoàn cảnh tệ hơn thế, họ bị kết thúc chỉ trong một đêm. Kẻ mạnh sẽ tồn tại và kẻ yếu bị chôn vùi.
Tôi đã học được cách để thích nghi. Tôi buộc phải thích nghi. Tôi đã thay đổi rất nhiều kể từ khi mới đến Việt Nam và khi bắt đầu hành trình xuyên Việt. Không còn là một anh chàng khù khờ, cả tin, ngây thơ. Việt Nam, hay nói đúng hơn là Hà Nội, đã tôi luyện tôi. Tôi còn học được cả cách đeo cho mình một chiếc mặt nạ khi cần để trổ tài ngoại giao trong khi âm thầm tính toán đường đi nước bước.
Những người khác là quân Xe hay quân Tượng trong nước cờ của bạn. Trong trò cờ tướng phức tạp này ở Việt Nam, tôi đã sẵn sàng học hỏi để trở thành một cao thủ. Tồn tại được ở đây có nghĩa là tôi sẽ có thể thành công ở bất cứ đâu. Một bài kiểm tra lớn gần đây mà tôi phải vượt qua đã dạy cho tôi điều này.
Trong khi đó, mối quan hệ của tôi với người bạn thân đã trở nên rất xấu. Bạn luôn nghĩ rằng mình hiểu một ai đó cho tới khi họ đâm bạn từ phía sau lưng. Vết thương loại này sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn lành lại và vết sẹo sẽ còn mãi. Có lẽ sẽ an toàn hơn nếu chúng ta sớm nhận ra rằng bạn bè đến rồi sẽ đi, kể cả bạn thân.

Mệt mỏi sau những kinh nghiệm không vui và kiệt sức với cuộc sống ở Hà Nội, tôi chuyển vào Sài Gòn hi vọng có một bắt đầu mới. Ý định này đã khiến tôi rất hào hứng, nhưng có lẽ cái duyên hoặc Liên đã giữ tôi lại Hà Nội. Giống như London hay Moscow, Hà Nội được tạo nên bởi những truyền thống, còn Sài Gòn giống như San Francisco hay Los Angeles tràn đầy năng lượng tuổi trẻ và cuộc sống. “Sài gòn là nơi những giấc mơ trở thành hiện thực”, nhiều người nói với tôi như vậy. Và đúng thế thật, tôi thấy làm việc ở Sài Gòn dễ và hiệu quả hơn rất nhiều.

Người Sài Gòn nói chung có phần thân thiện và vui vẻ hơn (nói như vậy không có nghĩa là ở Hà Nội không có người thân thiện và vui vẻ). Đây là nơi bạn có thể sống thật là mình mà không cần mang theo mặt nạ. Người ở đây không cần giả vờ quý mến nhau và họ không mời bạn ăn chỉ để tỏ ra lịch sự. Nhưng Sài Gòn cũng có những điểm xấu, thực ra là có khá nhiều, ví dụ như sự tràn lan của bia rượu, thuốc và những cô nàng dễ dãi.
Thành phố này là nơi người ta có thể hết mình, dốc toàn sức lực cũng như nhiệt tình. Người Sài Gòn thường được gọi là “dân chơi”, và họ biết cách để không làm mất danh hiệu ấy. Họ tiệc tùng và vui vẻ như thể không có ngày mai. Nếu kiếm được 10 đô la một ngày, họ sẵn sàng tiêu hết ngay. Ở một thành phố nơi tiền có thể được kiếm một cách nhanh chóng và dễ dàng, người ta đơn giản là không cần lo nghĩ nhiều về tương lai.
Nhịp sống ở đây rất nhanh, hơi nhanh quá so với điều tôi muốn, đặc biệt là sau hành trình 80 ngày với phần nhiều thời gian sống cùng nông dân và ngư dân. Tôi biết mình không thuộc về nơi này và sâu trong lòng tôi đã luôn nhung nhớ sự phức tạp của Hà Nội. Thật may mắn vì không lâu sau thì tôi nhận được lời mời về làm việc tại Hà Nội từ một người đàn ông hứa hẹn sẽ giúp tôi làm giàu.
Cuối cùng thì tôi cũng đã nhận ra rằng tôi đã trở thành nạn nhân của một trò dối. Nó khiến tôi phẫn nộ và càng trở nên ngang ngạnh. Sau một tháng cố gắng, cuối cùng tôi cũng đã thôi việc dù biết là số tiền lương còn lại sẽ không được thanh toán. Nhưng đó chỉ là một số tiền nhỏ để trả cho bài học lớn mà tôi đã có. Tôi biết rằng sau chuyện này, tôi sẽ thay đổi ít nhiều. Mọi chuyện kết thúc khá đột ngột và trong suốt một khoảng thời gian, tôi đã cảm thấy lạc lõng, buồn bã, giận dữ, chán nản khi vật lộn với quyết định sẽ làm gì tiếp theo. Lúc này Liên chuẩn bị sang Anh du học, tôi đã nghĩ có lẽ bây giờ là lúc tôi nên quay về Mỹ. Nhưng khoảnh khắc yếu lòng đó chỉ xuất hiện trong chốc lát.
“Điều quan trọng không phải là số lần bạn vấp ngã, mà là số lần bạn có thể đứng lên, phủi bụi và tiếp tục đi sau khi ngã.”
Và trong hai năm với nhiều lần vấp ngã cũng như đứng dậy, tôi đã học được một bài học vô cùng quý giá. Cũng chính thứ quý giá này đã giúp Việt Nam trải qua bao khó khăn và tiếp tục bước tới phía trước như ngày hôm nay. Bất kể bạn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ hay tự lập đến đâu, bạn vẫn cần những cột trụ xung quanh để hỗ trợ cho bạn. Những người bạn, những đồng nghiệp và đặc biệt là gia đình sẽ giúp bạn vượt qua tất cả.
Gia đình tôi đã luôn yêu thương và ủng hộ tôi vô điều kiện. tôi hiểu rằng việc tôi ở rất xa nhà là không hề dễ dàng đối với họ, nhưng tôi biết rằng gia đình ở Mỹ sẽ luôn mong chờ tôi từng ngày dù có chuyện gì đi chăng nữa. Liên đã luôn là điều vững chãi trong cuộc đời tôi. Trong khi đã có những người bạn đến và đi, Liên vẫn luôn là điểm tựa cùng tôi trải qua tất cả. Tôi cũng đã gặp được một nhóm các anh mà hiện tại tôi đang làm việc cùng, cùng vận hành một Công ty riêng về truyền thông và công nghệ, đầu tư và thương mại. Họ đã trở thành như những người anh, động viên tôi tìm ra con đường cho riêng mình.
Và sau cùng, câu hỏi mà tôi đoán rằng nhiều người đã khá sốt ruột để được giải đáp - nếu bạn đang băn khoăn John có bao giờ tìm được Hùng không, thì câu trả lời là Có và Không. Không, vì tôi không thể tìm một ai đó mà chưa từng bị mất hay đi lạc. John và Hùng là một. Nhưng hành trình đi tìm “anh hùng” là vận mệnh của tôi cũng giống như vận mệnh của tất cả chúng ta. Bởi vì ẩn sâu trong mỗi chúng ta, luôn luôn có một “hero” - một anh hùng có thể làm được nhiều điều hơn chúng ta tưởng. Thế nên hãy dũng cảm lên, hãy bước chân ra ngoài kia để sống, vấp ngã, yêu thương, trải nghiệm, thất bại, và rồi bạn sẽ tìm được “anh hùng” ở trong chính bạn.