Mạch nguồn nguyên chảy

Nhà giáo Trần Tá, Hội viên Hội VHNT Vĩnh Phúc; Quê ở Xã Tiên Lữ - Lập Thạch – Vĩnh Phúc. Bút ký "Mạch nguồn nguyên chảy" của của ông đoạt giải báo chí về chủ đề khuyến học, khuyến tài tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2014.


Ảnh có tính minh họa

Làng Tiên xưa – Nay là xã Tiên Lữ thuộc huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc là dân kẻ Chặng có tiếng về truyền thống hiếu học trong vùng từ rất sớm !

 

Từ thời Phong kiến, Pháp thuộc xa xưa làng đã có nhiều thầy đồ nổi tiếng trong vùng như : cụ Đồ Hữu, cụ Đồ Du, cụ Đồ Kiến, cụ Đồ Long, cụ Khóa Thiều, cụ Đồ Mành, cụ Đồ Bưng, cụ Ký Hoạch cụ Đồ Đa…trong số các cụ đồ thì dân làng Tiên không thể quên được câu chuyện về cụ Đồ Hữu: Vì số học trò của cụ rất đông trong cả vùng Lập Thạch nên khi cụ mất, học trò  trả ơn báo hiếu thầy của mình đã cùng nhau tôn tạo một cây bánh rất cao mà từ bến Vàng nhìn về Quán Ải của làng Tiên vẫn thấy để làm lễ vật kính viếng thầy!

Chính các cụ đồ của làng là những người có công lớn trong việc truyền lửa văn hóa, khai thông chữ nghĩa, mở mang sự học cho dân làng . Các cụ là những tấm gương cổ súy cho con em và nhân dân trong làng thắp sáng ngọn lửa ham học hỏi, ham hiểu biết .

Ngoài các cụ đồ là con em của làng Tiên dân làng còn mời đón các cụ đồ, các nhà giáo có tầm vóc, tiếng tăm và uy tín từ khắp các mọi miền về làng truyền dạy chữ nghĩa cho con em mình với tinh thần: “Học chữ để ấm vào thân”

Trong số các cụ đồ từ bên ngoài về làng dạy học sớm nhất là các cụ đồ Xứ Nghệ, kế đến là:  cụ Đồ Xe, cụ Thái Mậu Thung mà dân làng quen gọi là cụ Đồ Thung, cụ Quách Hy Khâm thường gọi là cụ Tổng Quách, nhà giáo Phạm Kỳ Nam, nhà giáo Nguyễn Chí Duệ … mà nhà văn  Thái vượng và nhà giáo Thái Thịnh thuộc xã Tam Sơn, huyện Sông Lô ngày nay là các con cụ Đồ Thung, còn nhà giáo Quách Hy Dong của trường Đại học sư phạm Hà Nội là con cụ Tổng Quách.

Các nhà giáo xưa về làng đã thổi vào tâm hồn người dân làng Tiên một luồng gió mới chứa đầy sinh khí của sự ham học hỏi, ham hiểu biết.

Khi trò truyện với cụ Đào Quang Năng nay đã 95 tuổi cụ là người Thôn Dộc xã Tiên Lữ, cụ Đỗ Cao Nho nay 87 tuổi người thôn Ải, cụ Trần Minh Châu 80 tuổi thôn Quang Trung cũng như các bậc cao niên khác trong làng tôi còn được biết câu chuyện: “Ngôi mộ một thầy hai tớ ở thôn Nương Ải chính là câu chuyện của hai anh em cụ Chương Chủng, Chương Phổ  ( Chương Già, chương Trẻ) trong một gia đình họ Trần ở Tiên Lữ :

Cụ Chương Già là người có tài tụ nghĩa cầm quân, nghĩa quân của cụ đã chống lại sự hà khắc của chế độ phong kiến dưới thời Lê -Trịnh .Cuộc khởi nghĩa nông dân này Triều đình nhà Lê đã phải cử Nguyễn Công Triều về dẹp  (Theo Lịch Triều tạp kỷ của Cao Lãng trang 92 tập I – theo đó sự kiện xảy ra năm 1683) .Sự nghiệp của cụ gắn với câu chuyện bi hùng sau: Khi bị quẫn bức cụ quyết không rơi vào tay quân Triều đình .Cụ đã rút gươm tự vẫn . Hai người thầy tớ bảo vệ  cũng chết theo cụ để tỏ lòng trung với chủ . Mộ của ba người dể ở một nơi thuộc cánh ở thôn Nương Ải mà dân làng quen gọi là mộ: “Một thầy hai tớ” .

Người em của cụ Chương Già là cụ Chương Trẻ lại được học hành bài bản có tài văn chương – cuộc đời của cụ vẫn còn lưu truyền câu truyện: Khi cụ mới mười lăm tuổi nhân một buổi đi qua khu đình làng, nghe cụ mạnh bái của làng đọc bài văn tế Thành hoàng làng . Phát hiện chỗ chưa chuẩn xác cụ đã vào đình và xin phép sửa lại lời văn tế cho các cụ trong ban hương lão của làng..                         1

Một câu chuyện khác cũng gắn với cuộc đời của cụ là : Khi người Tàu an táng một ngôi mộ của họ ở trên một ngọn núi của làng có tên là Núi Dâu .Ngọn núi này ở vị trí án ngữ trước cửa đình làng .Sự việc này đã gây nhiều điều bất lợi về phong thủy cho dân làng Tiên: con người, con của đều không thịnh hợp.Dân làng đã quyết định khởi động di dời ngôi mộ đó . Truyện xưa kể lại rằng: ngôi mộ đó có tới mươi hai lượt tiểu, lượt tiểu thứ mươi hai mới là tiểu của người Tàu còn lại là tiểu giả.Sự kiện di dời mộ người Tàu xem sao và đã biết.. Họ đã sang để kiện lại dân làng .Lúc này cụ thay mặt dân làng để chèo chống. Cụ vào vai một người nghèo phải đi ở và chăn trâu thuê cho gia chủ.Cụ đã lân la gần khu vực mộ. Khi gặp họ có hỏi cụ mọi điều nhưng được cụ trả lời rất lý sự và khôn khéo .Sau đó họ có hỏi về thân thế của cụ. Cụ cười và nói: tôi là lão bô, lão giã ngồi bàn “chó nhảy”ở trong dân làm nghề đi ở và chăn trâu thuê .Người Tàu thấy vậy và cho rằng :Một người đi ở mà còn như vậy thì hàng Tiên chỉ của làng này thì rất ghê gớm,lý sự và họ đã bỏ ý đồ kiện làng, đành dời ngôi mộ đó về nước. Từ đó dân làng lại được bình yên !

 

Truyền thống hiếu học của làng Tiên đã lan tỏa vang xa vì vậy ngay từ trước cách mạng dân làng đã xây dựng một ngôi trường có tên là Trường Cao. Chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ đã cử quan Chánh sứ về cắt băng khánh thành vào khoảng năm 1943 .Tên quan Tây này thọt một chân dân làng vẫn gọi là quan Chánh sứ thọt. Ngôi trường  nay không còn nữa vì thời gian vật liệu xuống cấp và được phá bó vào những năm bảy mươi thế kỷ trước. Ngôi trường được thành lập đã thu hút rất nhiều học trò là con em trong làng cũng như con em các làng khác trong vùng về học. Thầy giáo đầu tiên được bổ nhiệm về là thầy Phạm Kỳ Nam .Tiếp sau là các nhà giáo Nguyễn Chí Duệ rồi nhà giáo Nguyễn Đức Bảo, nhà giáo Đỗ Đức ( anh trai của giáo sư  tiến sỹ khoa học ngành dược Đỗ Tất Lợi ), nhà giáo Nguyến Ngọc, nhà giáo nguyễn Quyền, nhà giáo Nguyễn Tính, nhà giáo Tham Nghĩa (mà nhà giáo Nguyễn Bá Thịnh giảng viên trường Đại học sư phạm Hà Nội vào thập niên 60 -70 thế kỷ trước là con của cụ ). ..Trong  các nhà giáo về dạy ở  Tiên Lữ vào những năm 1947 đến 1949 có một số nhà giáo từ Hà Nội về tản cư ở làng .

Trước thời kỳ có ngôi trường Cao thì nhà giáo Quách Hy Liên là con trai cả của cụ Tổng Quách đã về đây dạy học cho con em làng Tiên.

Ở làng Tiên trong các cuộc uống nước chè xanh của dân làng vào các buổi trưa hoặc buổi tối vẫn còn lưu truyền câu truyện về anh em nhà cụ Đỗ Lợi (1883 – 1960) người con thôn Dộc của làng. Các cụ đã dời làng rất sớm từ những năm đầu thế kỷ 20 xuống Hà Nội lập nghiệp, nuôi dạy con cháu học ở trong nước và đi du học ở Pháp .

Với tài năng và nghị lực của mình cụ Đỗ Lợi đã rất thành công,trở thành một trong những người giàu có nhất Hà Nội lúc bấy giờ cùng với Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện. Cụ Đỗ Lợi đã có nhiều cửa hàng , cửa hiệu lớn ở các phố Tôn Đức Thắng , Khâm Thiên. Tại ngõ Văn Hương thường vẫn gọi là ngõ Đỗ Lợi phố Tôn Đức Thắng cụ có một xưởng gạch hoa Vạn Cẩm từ năm 1930. Cụ còn có trang ấp ở tỉnh Thái Bình. Trong cải

Tạo công thương cụ đã hiến 18 ngôi biệt thư cho chính phủ.

Các con, em của cụ được nuôi ăn học chu đáo . Trong số các con của cụ có cố Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đỗ Huân (1918 – 2000) nguyên Ủy viên ban Chấp hành Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam .Gia đình cụ Đỗ Huân đã được Tổng bí thư Đỗ Mười và chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đến thăm.

Người chị của cụ Đỗ Huân là bà Đỗ Thị Bính sinh năm 1915 bà là hoa khôi đất Hà thành là người tình trong mộng của thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp nổi tiếng với bài thơ:Em đi Chùa Hương lấy nguồn cảm hứng từ bà Bính. Sau này bà kết duyên với kỹ sư ngành silicát Bùi Tường Viên em trai luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu .Bà đã có công lớn trong phong trào bình dân học vụ thời tản cư ở Việt Bắc.

Cụ Đỗ Nhương là em trai cụ Đỗ Lợi đã du học ở Pháp mà thế hệ con cháu sau này của gia đình họ Đỗ học hành thành đạt trở về Việt Nam với tư cách là chuyên gia dầu khí.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám truyền thống hiếu học của làng Tiên lại được thổi bùng lên mạnh mẽ qua các phong trào thi đua diệt giặc dốt, phong trào bình dân học vụ do Bác Hồ phát động. Khẩu hiệu : Thi đua diệt giặc dốt đã được kẻ vẽ trên khắp các tường nhà, ngõ ngách của làng .Trường cấp một của xã Tiên Lữ được thành lập rất sớm từ năm 1951với 12 lớp 450 học sinh trong xã và các xã lân cận .Ngay năm học sau đó trường cấp II Xuân Tiên được thành lập . Thầy Đinh Trọng Long làm hiệu trưởng .Có thể nói xã Tiên Lữ là một trong những xã đặt nền móng cho nền giáo dục cách mạng sớm nhất trong huyện Lập Thạch.Ngay trong kháng chiến chống Pháp truyền thống hiếu học của làng Tiên lại tiếp tục phát huy.Trong thời gian này các cụ  Khương Văn Thăng ,Trần Văn Bang, Trần Công, Nguyễn Hữu Thăng ,Nguyễn Bá Quynh … đã trực tiếp tổ chức các lớp bình dân học vụ, dạy chữ truyền thụ kiến thức văn hóa cho con em nhân dân và lớp thanh niên của làng Tiên lúc bấy giờ. Chính vì vậy các thanh niên của xã Tiên Lữ đã theo học ở các trường huyện, trường tỉnh từ rất sớm. Việc đi học thời đó gặp nhiều khó khăn. Họ đã phải đi bộ hàng chục cây số để đến trường học tập. Họ phải gùi gạo , củi để trọ học với bữa ăn đạm bạc qua tuần, qua tháng theo học ở các trường : Phan Thanh, Nguyễn Thái Học sau là Tô Hiệu ,Trần Phú lúc đầu ở Thụy Điền, Ngọc Kỳ, Bầu Tỉnh huyện Lập Thạch và sau này phải xuống tận Vĩnh Yên ,Phúc Yên. Truyền thống hiếu học của quê hương đã giúp họ vượt qua tất cả vươn lên trong học tập, thế hệ trước cứ thế làm động lực làm tấm gương cho các thế hệ sau noi theo. Thật là một điều đáng trân trọng ,đáng quý về sự học ở làng Tiên .

Khi các trường sư phạm đầu tiên được mở ở vùng Trung du Bắc bộ như : Sư phạm Bắc Giang, sư phạm Phú Thọ, sư phạm Vĩnh Phúc lớp thanh niên này đã kịp thời có mặt để sau đó trở thành các nhà giáo không chỉ ở các trường trên xã nhà, huyện nhà mà còn ở các trường trên các huyện Vĩnh Tường, Yên  Lạc, Bình Xuyên, Yên Lãng,Tam Dương.

Trong lớp các thầy giáo là con em làng Tiên không thể quên được : Thầy Trần Nghĩa, Thầy Trần Công ,thầy Khương văn Bình, Thầy Trần Đảm, thầy Đỗ Minh Tâm (Khi còn đang học ở trường Phan Thanh thầy Đỗ Minh Tâm là Hiệu đoàn phó của trường ),  thầy Khương Văn Khóa, thầy Trần Thuận,  thầy Trần Côn, thầy Khương Văn Chiểu, thầy Đào Quang Tiếp,thầy Đặng Quang Đạo, thầy Khương Văn Nghiễm, thầy Đặng Văn Mạc, thầy Trần Oanh, thầy Đỗ Lại, thầy Trần Thự, thầy Khương Khắc Nghiêu,  thầy Đào Quang Ngoạn, thầy Trần Yển, thầy Đỗ Cao Hợp, thầy Đỗ Giảng , Thầy Trần Quyết, thầy Trần Văn Y, thầy Đào Quang Thành,  thầy Trần Lâm… cũng như các cô giáo: Đào Thị Tỵ, Đố Thị Khoa, Đỗ Thị Thắng, Đào Thị Thảo, Đỗ Thị Oanh, Nguyễn Thị Nga, Đào Thị Mông, Đỗ Thị Hiền, Trần Thị Tâm, Trần Thị Kho…các thầy cô là lớp nhà giáo sau hòa bình đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp gáo dục của Đảng.Trong số các nhà giáo trên về sau đa phần trở thành các nhà quản lý giáo dục các cấp ở Vĩnh Phúc.

Có thời điểm những năm 60 thế kỷ trước biên chế ở Ty giáo dục Vĩnh Phúc là 45 người thì riêng Tiên Lữ có tới 7 nhà giáo.

Câu chuyện nhà thơ Bùi Văn Dung gặp lại người thầy Đỗ Minh Tâm thật cảm động. Nhìn hai thầy trò một người đã vào cái tuổi bát thập , môt ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nâng chén rượi mừng ngày hội ngộ mà lòng tôi trào lên niềm xúc động về tình thầy trò thiêng liêng cao quý vô bờ. Lại nữa câu chuyện Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh (lúc đó ông là thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng quân độ nhân dân Việt Nam ) khi về tiếp xúc cử tri ở địa phương gặp lại thầy giáo cũ của mình là nhà giáo Trần Thự .Trong khi hai thầy trò đang nói truyện thì người Sỹ quan bảo vệ có ý không muốn để Đại tướng kéo dài cuộc nói truyện; biết ý ông đã gạt đi và nói:Nhà giáo Trần Thự là thầy giáo của tôi từ thời tuổi thơ, đã hơn bốn mươi năm tôi mới có dịp gặp lại cứ để cho tôi nói truyện tiếp với thầy Trần Thự.

Nhiều nhà giáo là con em của làng Tiên còn đi các tỉnh xa để dạy học như tầy Trần Nghĩa- nguyên là hiệu trưởng trường bổ túc công nông trung ương từ những năm sáu mươi của thế ký trước . Thầy Trần Văn Bính, thầy Trần San nguyên là giáo viên của trường Đại học sư phạm Hà Nội. Nhà giáo ưu tú Đỗ Ngọc nguyên là hiệu trưởng Cao Đẳng lâm nghiệp Trung ương IV. Thầy Nguyễn Hữu Đôn nguyên là giáo viên môn vật lý ở trường Trưng Vương Hà Nội.

Thầy Đặng Ngọc Khuông về dạy ở trường cấp ba Uông Bí tỉnh Quảng Ninh và sau này thầy là hiệu phó trường cấp ba Ngô Gia Tự huyện Lập Thạch Vĩnh Phúc .Thầy Nguyễn Hữu Thức về dậy môn toán ở trường cấp ba Lương Ngọc Khuyến tỉnh Thái Nguyên. Thầy Trần Văn Tạc, thầy Trần Khoái, thầy Trần Tháp về dạy ở các trường cấp ba tỉnh Tuyên Quang . Và tôi sau khi tốt nghiệp khoa toán trường Đại học sư phạm Hà Nội tháng tám năm 1970 đã về dạy ở trường cấp ba Cam Đường tỉnh Lào Cai cho đến cuối 1974 vào quân đội ( Là Phó trưởng khoa cơ sở cơ bản kiêm trưởng bộ môn toán tin của trường sỹ quan Tăng Thiết giáp )

Từ truyền thống đã khơi dậy không khí say mê học tập ham hiểu biết, đã thổi vào tâm hồn lớp lớp các thế hệ học trò con em của làng Tiên niềm tự hào về quê hương; trong đó có thế hệ trẻ hôm nay.

Ở các kỳ thi học sinh giỏi  học sinh làng Tiên để lại những dấu ấn khó phai mờ. nhiều học sinh đã đạt giải nhất nhì cấp tỉnh, cấp huyện : Trường Tiểu học Tiên Lữ năm học 2009 -2010 đạt 7 giải cấp tỉnh; năm học 2010-2011 đạt 5 giải cấp tỉnh; năm học 2011 - 2012

Đạt 6 giải cấp tỉnh; năm học 2012 – 2013 đạt 4 giải cấp tỉnh ; năm học 2013 – 2014 này đạt 9 giải cấp tỉnh đứng vào hàng nhất nhì huyện Lập Thạch .Trường Trung học cơ sở Tiên Lữ cũng có những thành tích đáng ghi nhận năm học 2013 – 2014 đạt 4 giải cấp tỉnh . Về thành tích học tập của con em làng Tiên đặc biệt có em Trần Thị Minh Thùy (Con gái thầy Trần Tá) đã đạt giải Quốc gia môm toán năm 1993. Em Khương Thị Hồng Nhung ( Con gài thầy Khương Khắc Nghiêu ) đạt giải cờ vua Châu Á  năm 1991. Em Trần Minh Khuê (Con trai thầy Trần Tá) đạt giải Quốc gia môn vật lý năm 2000 và sau đó được cấp học bổng du học ở Ca Na Đa.

Hằng năm số con em làng Tiên thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ ngày một cao. Thành tích học tập của các em đã làm cho các bậc phụ huynh cũng như cho nhân dân Tiên Lữ rất tự hào. Thành tích đó một lần nữa lại tôn vinh truyền thống hiếu học của làng Tiên với các vùng lân cận. Trường Tiểu học Tiên Lữ là trường chuẩn cấp Quốc gia

Từ những năm 2001- 2002.

Có thể nói số lượng kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo, số người có trình độ học vấn đại học, sau đại học, thạc sỹ, tiến sỹ; số gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học cấp huyện, cấp tỉnh của quê hương Tiên Lữ có được ngày hôm nay là nhờ hồng phúc của Tổ tiên và trên hết là sự nỗ lực không mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ con em Tiên Lữ trên chính cái nền truyền thống hiếu học của làng Tiên.

Trong thời đại số hóa ngày nay thì đây thật là một món quà vô giá mà truyền thống học tập của làng ban tặng cho nhân dân, cho các dòng họ và các gia đình ở Tiên Lữ .

Phong trào khuyến học, khuyến tài đã được Đẩng bộ xã Tiên Lữ cụ thể hóa tới các cấp chính quyền đến thôn dân cư, các ban nghành, các dòng họ và  từng gia đình.

Trên cái nền đó chắc chắn sự học của Tiên Lữ sẽ tiếp tục thăng hoa, bay cao, bay xa; báo hiệu những mùa đơm hoa kết trái mới góp sức vào sự thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của làng Tiên hôm nay .

 

Tiên Lữ   5 -2014