Phim ngốn 21 tỷ ế khách: CHỈ THIẾU TÂM VÀ TÀI!

(tpm,net). Lý giải về sự chết yểu của bộ phim “ Sống cùng lịch sử” tiêu tốn 21 tỉ đồng của nhà nước, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thanh Vân - đạo diễn phim cho rằng: do khâu quảng bá quá kém, chi phí quảng bá chỉ có 50 triệu đồng, chẳng khác gì “bỏ tiền may áo mà còn tiếc tiền làm khuy”. Ông còn đổ lỗi là do khán giả không thích xem dòng phim lịch sử Có đúng như vậy không? Ta hãy xem phản ứng của dư luận trên các báo. (TPM tổng hợp).


Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trên phim trường

NHÀ BÁO TRINH NGUYỄN: Bộ phim "Sống cùng lịch sử" minh họa lịch sử khiên cưỡng!

Ông lí giải, bộ phim chỉ là liên tiếp những câu chuyện minh họa về các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót với tiết tấu chậm chạp, thừa thãi. Bản thân các nhân vật này không hề có thêm màu sắc, chi tiết, sự cá nhân hóa tính cách. Thậm chí, ngay từ đầu phim, khán giả đã phải chứng kiến sự lãng phí cảnh quay, lãng phí thời gian. Một thiếu nữ đã phải cởi quần áo tắm, để người yêu ngắm qua kính cửa. Rồi họ hôn nhau qua tấm kính mờ, rúc rích chạy ra phòng ngoài, nhắn tin qua lại rất lâu để giễu người bạn mê nhạc cách mạng. Để rồi, tất cả chỉ đi đến quyết định, nào chúng ta cùng phượt lên Điện Biên.Hơn 10 phút đầu phim đã trôi qua, kề cà, trong khi chỉ cần vài hình ảnh và câu thoại là sáng tỏ mọi chuyện. Cũng phải nói thêm, bộ phim 21 tỷ đồng này được thanh toán theo quy định Nhà nước dựa trên số mét phim nhựa.

 

HỌA SĨ THÀNH CHƯƠNG, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia:"Không biết nhục thì kinh khủng quá!":

Theo ông, ở đời việc gì cũng vậy, muốn thành công phải hội tụ được cả Tâm – Tài và Tiền. Tiền ở đây thì không thiếu. Kinh phí nhà nước rót cho mà lại cỡ kinh phí lớn. Cái thiếu ở đây là thiếu Tâm và Tài thôi.

Lại nữa, các cụ bảo: Biết mình biết người trăm trận trăm thắng – Khổ nỗi họ đâu biết mình là ai, bởi nếu biết mình là ai thì họ đã không dám nhận tiền mà làm cái việc đáng ra họ phải từ chối này. Tôi tin nếu trong chúng ta có văn hóa từ chối thì chắc sẽ chẳng dẫn đến “thảm cảnh” này.

Ấy vậy mà nội dung thì theo luận điệu của vị đạo diễn trên là khán giả sẽ thờ ơ và quay lưng. Tôi không ủng hộ những người thất bại đổ lỗi cho người khác hoặc cho những điều gì gì khác mà không chịu rút kinh nghiệm từ thất bại của chính mình. Không chỉ thế, những người như vậy còn hay truyền nhiễm sự thất bại cho môi trường xung quanh.

Tôi cho là phát ngôn duy nhất lúc này nên có là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân hãy xin lỗi công chúng. “Xin lỗi vì đã dùng tiền của quý vị mà không phục vụ được cho quý vị một tí nào”.  Lúc này, công chúng rất muốn thấy cái văn hóa ấy ở người làm văn hóa – văn hóa xin lỗi. Ít nhất là như vậy.

Công chúng chưa bao giờ quay lưng, thờ ơ với dòng nghệ thuật chính thống.

Có người đưa cho 21 tỷ đồng vào tay, đã bao giờ trong những nhà làm phim bảo thủ kia nghĩ, giờ ta làm thế nào để biến nó thành 42 tỷ, 100 tỷ…? Tôi tin là trong đầu mấy ông chưa bao giờ có cái ý nghĩ tử tế ấy. Đó chính là cái Tâm. Bởi nếu có thì chắc chắn thành quả sẽ khác chứ không phải là những thất bại ê chề như thế này.

Khi đề cập đến vấn đề  trách nhiệm cá nhân khi ra hàng núi tiền cho những bộ phim tuyên truyền mà không có người xem, Họa sĩ Thành Chương cho rằng, nhận tiền tỷ đầu tư của nhà nước mà để xảy ra “thảm họa” như thế là đầu tư không hiệu quả, mất vốn 100%, tiền thuế của nhân dân trôi xuống cống, xuống rãnh. Cảm giác dường như là tiền của dân đang bị các vị làm trò chơi của mình. Ở các ngành khác thì thế là có vấn đề, chiếu theo luật là phải điều tra, có khi truy tố…Đáng ra từ lâu rồi phải thay đổi cái tư duy quản lý, tư duy nghệ thuật cũ kỹ, cổ hủ ấy bằng tư duy khác, tiến bộ theo quy luật thị trường, là quy luật của tự nhiên cuộc sống. Nghệ thuật sinh ra là để phục vụ con người và khi nghệ thuật mà không có nghệ thuật thì nó chẳng là cái gì hết. Và nghệ thuật dù là tuyên truyền chỉ thành công khi tác giả của nó là những nghệ sĩ có đủ Tâm, Tài và Tiền.

Điện ảnh là một con tàu Vinashin khác. Có lẽ các vị lãnh đạo nên lấy đây là một “thảm họa” có tính tích cực, là lý do để thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, của toàn cầu.

Việc tác phẩm làm ra không có công chúng không còn là vấn đề của riêng ngành điện ảnh mà là của toàn thể giới làm văn học nghệ thuật ở nước ta và gây bức xúc từ hàng bao nhiêu năm nay rồi. Nhưng đỉnh điểm của “bi kịch” này là con số 21 tỷ. Thất bại của “Sống cùng lịch sử” chỉ như “giọt nước làm tràn ly”.

Giới mỹ thuật của tôi cũng vậy. Tài năng hạn chế, tư tưởng bảo thủ lạc hậu. Nhận tiền đầu tư của nhà nước chủ yếu là lo gây dựng phong trào. Đến giờ vẫn đề cao “hay hát hơn hát hay”. Với cách nghĩ cách làm ấy làm sao có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao được. Làm sao mà không “thảm họa” được. Đừng lặp lại cái điệp khúc ngụy biện cũ rích rằng: Tôi phải hạ thấp tiêu chí nghệ thuật xuống để phục vụ quần chúng và vừa lòng lãnh đạo – chứ tôi tài năng, nghệ thuật của tôi là đích thực, đời này chẳng ai hiểu nữa đâu. Chỉ có điều người ta im lặng. Xin nói thẳng đó là một sự bịp bợm.

Nhà nước đầu tư cho anh tiền tỷ mà anh không bán được lấy một vé, không phục vụ nổi một người. Không thấy xấu hổ và không thấy nhục nhã thì… kinh khủng quá! Kiểu làm ăn đó, cách suy nghĩ ấu trĩ đó không thể để tồn tại nữa. Phải kiên quyết chấm dứt.

BTV VÂN THIÊNG (VOV): "Khán giả chỉ quay lưng với phim dở"

Ông khẳng định, không thể đổ lỗi cho khán giả - khán giả chỉ quay lung với phim dở. Ông dẫn lời của các nhà nghiên cứu văn hóa, phê bình điện ảnh, các đạo diễn tên tuổi khác rằng: Chuyện phim về đề tài lịch sử không hấp dẫn khán giả tồn tại đã lâu. Chỉ có điều những người có trách nhiệm với nền điện ảnh nước nhà chưa chịu lý giải đến tận cùng để tìm ra câu trả lời thấu tình đạt lý mà thôi.

Lẽ thường, trước khi sản xuất cái gì, người ta phải trả lời cho được câu hỏi: sản phẩm làm ra cho ai sử dụng? Ai sẽ bỏ tiền mua nó? Với một bộ phim, nếu không đặt mục tiêu hướng đến sự hài lòng của khán giả, phim làm ra không được khán giả đón nhận thì đó là sự lãng phí lớn công sức, tiền bạc của nước của dân. Với những bộ phim về đề tài lịch sử, lại càng không cho phép nhà sản xuất chỉ nghĩ và làm theo ý muốn chủ quan của mình mà không quan tâm khán giả nghĩ gì! Một bộ phim mà kịch bản dễ dãi, phục trang cẩu thả, lời thoại ngô nghê, giả tạo, không chạm được đến trái tim khán giả, thì việc kéo khán giả tới rạp là điều không thể. Lúc ấy, mọi ý tưởng của nhà sản xuất, dù có cao xa đến mấy cũng chỉ là con số không.

Các cơ quan quản lý văn hóa hẳn sẽ không quên bài học thất bại từ những bộ phim lịch sử chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mới đây. Một kiểu làm phim vội vàng, cạn cợt, thiếu chiều sâu văn hóa, thiếu kiến thức lịch sử, dẫn tới các phim Lý Công Uẩn, Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ, dù được đầu tư tổng cộng hơn 200 tỉ đồng, cũng chỉ chiếu được dăm ba bữa trên truyền hình rồi lặng lẽ xếp vào kho.

Nếu nói khán giả ngày nay quay lưng với phim lịch sử, e là một nhận định còn mang tính võ đoán. Bằng chứng là những bộ phim về đề tài chiến tranh trong những năm 60 của thế kỷ trước, bây giờ vẫn được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình. Các nhà làm phim nước ta đã khi nào tự hỏi: Vì sao cũng bối cảnh ấy, mà những thước phim về chiến tranh ở Việt Nam do các nhà làm phim nước ngoài sản xuất lại hấp dẫn khán giả đến thế?

Ai bảo lớp trẻ ngày nay không yêu nước, không có lòng tự hào dân tộc! Chỉ có điều họ đang yêu nước theo kiểu riêng của mình: trẻ trung, sôi nổi, nhiệt thành và thực tế. Lớp trẻ ngày nay không tiếp nhận lịch sử thụ động, một chiều, lại càng không thể là một sự áp đặt chủ quan nào đó. Nói như vậy để thấy rằng để có những bộ phim về đề tài lịch sử hấp dẫn khán giả, ngoài vấn đề kinh phí, điều cốt lõi vẫn là ở cái tâm, cái tầm của nhà sản xuất.

Lịch sử là một đề tài hay và hấp dẫn. Được đầu tư hàng chục tỉ đồng mà phim vẫn không bán được vài chục vé, bởi khán giả cảm nhận rằng những bộ phim đó nhà sản xuất không làm vì họ. Nếu làm phim mà không chạm được đến cảm xúc, không làm rung động trái tim của mỗi con người, thì cho dù là ý tưởng gì, sự lạnh nhạt của khán giả sẽ là điều không tránh khỏi!./.

NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN THỌ: "Đừng đổ lỗi cho đề tài!"

Đạo diễn Thanh Vân cho rằng, khán giả thờ ơ với phim lịch sử là không đúng. Hãy cứ làm phim hay như các nước khác đi. Hay chẳng nói đâu xa, cứ làm phim hấp dẫn như những thập kỷ 60, 70 của nền điện ảnh nước nhà đi xem khán giả chúng tôi có thờ ơ không? Vấn đề là phim không hay, thì đừng đổ lỗi cho đề tài. Tác phẩm  hay không thuộc vào đề tài mà thuộc về nhân tài. Đề tài về cách mạng về Đảng và Bác vẫn có thể cho tác phẩm hay nếu người nghệ sĩ có thực tài, hết lòng vì nó. Nên nói khán giả không quan tâm tới lịch sử thì tại sao phim Mỹ làm về cuộc chiến ở Australia, ở Trân Châu Cảng lại đông khán giả trên thế giới thế. Tại vì họ làm hay mà thôi.

Tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều đạo diễn, họ đánh giá phim không hay, xơ cứng ngay từ khâu kịch bản. Phải chăng các nhà quản lý điện ảnh chỉ chú trọng có phim tuyên truyền, còn vấn đề tuyên truyền thông qua nghệ thuật ra sao thì còn xem nhẹ. Hãy chọn những kịch bản thật hay và nếu không có thì kiên quyết không làm và chỉ nên tuyên truyền từ cơ sở ban đầu đó. Xin nhớ rằng cách tuyên truyền ở nghệ thuật không xơ cứng như tuyên truyền báo chí.

Chúng tôi hiểu rằng, điện ảnh là loại hình cần đầu tư tiền nhiều chứ không đơn giản như đầu tư một cuốn sách. Đầu tư nhiều tiền, hiệu quả của 1 đồng đầu tư cho điện ảnh sẽ rất tích cực vì có hàng triệu triệu khán giả, và điện ảnh là loại hình dễ tiếp cận với nhiều tầng dân trí. Nhưng làm phim mà tới 21 tỷ không có người xem tới 1 vé thì đây là thất bại thảm hại và cần xem xét trách nhiệm từ những ai cấp phát tiền, khi hoàn toàn không mang lại một hiệu quả nào; hiệu quả tuyên truyền chính trị bằng “0” mà hiệu quả giá trị kinh tế cũng bằng “0”!Một việc làm chi nhiều tiền như thế mà kết quả là “số 0” rõ ràng là sự lãng phí Ngân sách nhà nước. Lỗi này là lỗi của hệ thống.