"Sống cùng lịch sử" - không sống nổi vài ngày!

(tacphammoi.net).Lâu nay, hàng loạt phim truyện Việt Nam được được Nhà nước đầu tư nhiều tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng, không trụ nổi vài ngày ở rạp, không bán nổi vé nhưng vẫn liên tục ra lò. Bộ phim “Sống cùng lịch sử” - phim truyện nhựa có độ dài 90 phút được Nhà nước đặt hàng Công ty TNHH Một thành viên Hãng Phim truyện Việt Nam thực hiện; kịch bản của Đoàn Tuấn; NSND Nguyễn Thanh Vân làm đạo diễn; NSƯT Lý Thái Dũng đảm nhận quay phim - đang gây bức xúc dư luận sẽ nêu dưới đây chỉ là ví dụ, khiến khán giả quay lưng với nền điện ảnh nước nhà. Tacphammoi.net sẽ làm nổi bật vấn đề trên qua tổng hợp các bài đăng trên các báo.


Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân

Phim 21 tỷ đồng không bán nổi một vé
Tác giả Hạnh Phương viết trên Báo vietnamnet cho hay, những ngày qua, dư luận lại một phen sốt ruột về thông tin bộ phim Sống cùng lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam ra rạp nhưng có ngày không bán nổi 1 vé, đến mức nhiều suất chiếu bị hủy. Đây là điều không còn mới bởi "Sống cùng lịch sử" cũng như nhiều phim 'cúng cụ' khác đều chịu cảnh bị khán giả ghẻ lạnh, lặng lẽ ra rạp rồi nhanh chóng đi thẳng về kho. Cả chục tỉ đồng được 'đốt' vào một bộ phim, ngốn công sức của bao nhiêu người trong cả một thời gian dài cuối cùng không có người xem thật sự là 'thảm họa'.
"Sống cùng lịch sử" vốn được Nhà nước đặt hàng để kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim được Cục Điện ảnh tổ chức ra mắt báo giới ngày 23/4 kèm với việc công bố những thông tin về các hoạt động điện ảnh. Nhưng sau đó, sau một số bài nhận xét về phim, Sống cùng lịch sử không được nhắc đến nữa. Cho đến khi những ngày qua, bộ phim này trở lại các mặt báo với thông tin đã bị đá bay khỏi một số rạp Hà Nội vì không bán được vé.
Đây là điều không có gì bất ngờ vì bộ phim này ra rạp 'không kèn không trống' như nhiều 'ca' trước. Ngay cả giới truyền thông cũng không mấy ai nhận được thông tin về việc ra rạp dịp này. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia, một đơn vị thuộc Bộ VHTTDL cho biết Sống cùng lịch sử do chính Hãng phim truyện VN liên hệ với Trung tâm đưa phim ra rạp.
Vì "Sống cùng lịch sử" được chiếu thương mại ngoài rạp, không nằm trong chương trình chiếu phim kỷ niệm nên khi phim không bán được vé, không đủ để tổ chức suất chiếu thì Trung tâm chiếu phim quốc gia cũng đành phải đẩy phim ra để nhường cho các phim khác. Ông Dương cho biết nếu như Sống cùng lịch sử được chiếu thương mại ngay sau tuần phim 7/5 và nếu quảng bá tốt thì có lẽ tình hình khả dĩ hơn.
Cùng chung cảnh ngộ với "Sống cùng lịch sử" là "Đam mê". Phim này được làm từ năm 2012, từng tham dự LHP quốc tế Hà Nội nhưng mãi tới thời điểm này mới được chiếu thương mại ngoài rạp. Phim cũ, dở, cộng với việc PR kém nên "Đam mê" cũng nhanh chóng bị rút khỏi rạp chiếu. Vấn đề là ở chỗ, "Sống cùng lịch sử" và "Đam mê" đều là những phim được làm theo đặt hàng của Nhà nước.
Cái chết được báo trước
Vẫn theo tác giả Hạnh Phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có nhiều. Lỗi đầu tiên chính là khâu quảng bá quá kém. Một bộ phim dù là đặt hàng, được nhà nước tài trợ nhưng không được quảng bá rộng rãi, ra rạp theo kiểu chiếu cho có, bán được vé hay không cũng không ai quan tâm vì phim lỗ cũng 'chẳng chết ai'. Chính vì tư duy kiểu 'bao cấp' như vậy mà rất nhiều bộ phim dù được nhà nước rót hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng như 'Sống cùng lịch sử' đều không đến được khán giả.
Tuy nhiên chuyện quảng bá kém chỉ là một phần, điều quan trọng là 'Sống cùng lịch sử' được làm khô cứng, thiếu hấp dẫn, và không gây được cảm xúc mạnh cho người xem. Phim lịch sử nhưng 'giả' và không chạm đến được tình cảm cũng như lòng tự hào dân tộc, vốn là yếu tố quan trọng để kéo khán giả đến rạp xem phim lịch sử. Đáng tiếc là 'Sống cùng lịch sử' chỉ có duy nhất 1 trường đoạn khiến người xem xúc động lại gần như là thước phim tài liệu được đưa vào cuối phim, khi hai diễn viên chính hòa vào đoàn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chính vì không tạo được cảm xúc như vậy, lại cộng với tên phim quá khô cứng nên hiển nhiên khi 'Sống cùng lịch sử' ra rạp khó mà tạo được hiệu ứng truyền miệng và thuyết phục được khán giả bỏ tiền ra mua vé vào xem giữa bao nhiêu lựa chọn hấp dẫn khác ngoài rạp chiếu. 'Cái chết' của 'Sống cùng lịch sử' dường như đã được thấy trước và giống như giọt nước làm tràn ly về niềm tin của khán giả với những bộ phim nặng tính tuyên truyền ngốn hàng tỉ đồng của nhà nước.
'Nóng' vì không bán được vé
Bị ghẻ lạnh ngoài rạp nhưng những ngày qua 'Sống cùng lịch sử' lại làm nóng các mạng xã hội khi thất bại của phim được cả giới trong và ngoài ngành điện ảnh mổ xẻ.
Đã từ rất lâu đề tài điện ảnh, mà cụ thể ở đây là một bộ phim cụ thể được bàn luận sôi nổi và phân tích nhiều chiều như vậy. Lý do chính là bởi 'Sống cùng lịch sử' đã tiêu tốn một số tiền không hề nhỏ từ ngân sách nhưng lại không tạo được hiệu quả gì, ít nhất là ở khía cạnh khán giả.
Khi được hỏi về vấn đề này, nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến đã thẳng thắn phân tích những nguyên nhân dẫn đến thất bại của 'Sống cùng lịch sử'.
"Thứ nhất là tính thời điểm. Nếu phim ra rạp vào dịp 7/5, thời điểm người ta nói nhiều về chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chắc chắn sẽ không nhận thất bại thảm hại thế này. Thêm nữa thời điểm này đất nước đang có nhiều biến động, nhất là sau sự kiện dàn khoan và niềm tin của người dân đang có nhiều chuyện cần chấn chỉnh.
Thứ hai là tên phim dở. 'Sống cùng lịch sử' là một cái tên rất tuyên truyền. Nếu đặt 'Chết cùng lịch sử' thì chẳng sao cả, chẳng ai bắt bẻ điều đó và có khi lại hút khán giả. Thêm nữa người ta tối kỵ đưa chữ 'lịch sử' vào tên phim. Chuyện nhà nước tài trợ cho các hãng làm phim 'cúng cụ' đã thành cái nếp từ rất lâu rồi nên là phim tài trợ sao không vượt ra khỏi điều đó, dù chỉ là cái vỏ thôi mà làm cách khác đi? Là người làm điện ảnh, tôi rất chia sẻ với những người cùng nghề. Theo đạo diễn Thanh Vân nói, toàn bộ 21 tỉ không giao hết cho đoàn phim mà bao gồm cả chi phí cho Hãng.
Thứ ba, đó là vấn đề lịch sử. Trong lịch sử Việt Nam hay bất cứ dân tộc nào, trong cuộc phát triển, nhất là mình là cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, trải qua mấy cuộc kháng chiến, với một đất nước non trẻ thì sai lầm là tất nhiên như sai lầm của Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương... Điều đó ai cũng hiểu. Nhưng chúng ta không minh bạch với quá khứ. Khi sòng phẳng với quá khứ thì sẽ đoạn tuyệt với sai lầm, nếu không sẽ mãi mãi mắc một món nợ. Phê phán đâu có phải là hạ bệ".
Từ sự thất bại của 'Sống cùng lịch sử', nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến cho rằng các nhà làm phim nên thận trọng hơn khi nhận phim: "Phim có vừa sức mình hay không là có thể tiên lượng được. Giới sáng tác phải tiên lượng được tác phẩm của mình. Nhà văn khi viết là biết tác phẩm của mình hay hay dở, vấn đề là anh có đủ dũng cảm để từ chối nó hay không. Không ai bắt anh cả. Và một điều nữa cần phải phê phán với phim 21 tỉ là nên quy vào đó là sự vô trách nhiệm của hãng phim, của chủ thể phim này. Người sáng tác họ chỉ biết làm xong việc của mình nhưng hãng phim thì phải biết mở chiến dịch PR cho phim chứ không phải làm cho xong chuyện'.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa 'họp kín' về phim 21 tỷ
- Ngày 24/9, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã có cuộc làm việc kín với Cục Điện ảnh cũng như hãng sản xuất phim 'Sống cùng lịch sử'.
Một tuần  qua, bộ phim 'Sống cùng lịch sử' đã gây bão trên các phương tiện truyền thông về việc ra rạp nhưng không bán được vé, buộc phải hủy suất chiếu khiến dư luận bức xúc về bộ phim tuyên truyền được đầu tư tới 21 tỉ đồng nhưng cuối cùng thất bại ở rạp.
Rất nhiều bài viết mổ xẻ về nguyên nhân thất bại của bộ phim ngốn tới 1 triệu đô la này cũng như đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của những bộ phim được nhà nước rót tiền tỉ nhưng không có người xem mà cụ thể là 'Sống cùng lịch sử'.
Trước tình hình nóng như vậy, ngày 24/9, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phụ trách ngành điện ảnh đã có cuộc làm việc kín với lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng như lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam và thành phần chủ chốt của đoàn làm phim 'Sống cùng lịch sử'.
Cuộc gặp nhằm phân tích tình hình cũng như rút kinh nghiệm, đặc biệt ở khâu phát hành từ trường hợp đưa bộ phim này ra rạp. Bộ VHTTDL cũng chỉ đạo cần ngồi lại tọa đàm về chuyên môn của bộ phim và rút kinh nghiệm phát hành. Vấn đề phải thận trọng khi sử dụng đồng vốn, chú trọng đến khâu PR, thận trọng hơn ở cả đầu vào lẫn đầu ra sao cho phát hành thật tốt đã được đặt ra.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, 'Sống cùng lịch sử' chỉ được chiếu trong tuần kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào dịp đầu tháng 5 vừa qua do đây là bộ phim được Nhà nước rót tiền để phục vụ sự kiện này.
Tuy nhiên, sau đó vào dịp 2/9 vừa qua, 'Sống cùng lịch sử' đã bất ngờ công chiếu tại 3 ra rạp Tháng 8, Kim Đồng và TTCPQG 'không kèn không trống'. Điều đáng nói là bộ phim này không hề nằm trong danh sách các phim được trình chiếu trong tuần lễ kỷ niệm Quốc Khánh. Dù là phim do Cục Điện ảnh làm chủ đầu tư và đặt hàng nhưng 'Sống cùng lịch sử' không hề thông qua Cục này mà do chính đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, đồng thời là Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam tự ý đưa phim ra rạp.
Phát hành một cách tự phát, không có sự chuẩn bị kỹ càng, phim tuyên truyền nhưng lại bán vé thương mại ngoài rạp, cùng với việc chọn sai thời điểm công chiếu dẫn đến thất bại thảm hại ngoài phòng vé của 'Sống cùng lịch sử', dẫn đến việc phim bị đá văng khỏi lịch chiếu chỉ sau vài ngày.
Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, tác giả của bộ phim, lại là lãnh đạo của Hãng phim truyện VN thay vì thừa nhận thất bại lại đổ lỗi cho cơ chế, rằng số tiền PR rót cho phim quá thấp, thậm chí còn đổ lỗi rằng khán giả thờ ơ với phim lịch sử. Trong khi đó, trả lời truyền thông, đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam thừa nhận đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã nghĩ quá đơn giản về chuyện phát hành phim, cộng với phát hành sai thời điểm nên dẫn đến thất bại trên.
'Sống cùng lịch sử' cũng là ví dụ tiêu biểu của việc phát hành phim quá nóng vội, dẫn đến không nghiên cứu kỹ thời điểm cũng như đối tượng khán giả dẫn đến thất bại nặng nề.
"Phim hay hay dở phụ thuộc rất lớn vào ê kíp sản xuất. Thêm nữa, đời sống của phim này chưa có vì mới chỉ ra mắt trong đợt kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cần phải có thời gian nhận thức. Trong khi đó 'Sống cùng lịch sử' khi ra rạp lại hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị. Một phim ra rạp thì phải quảng bá.
Thêm nữa điều tôi muốn nói ở đây là ý thức của người làm ra phim đó. Ví dụ đạo diễn Bùi Tuấn Dũng ở Hãng phim truyện Việt Nam dù cũng làm phim đặt hàng, chỉ có 30 triệu tiền quảng bá nhưng cậu ấy ý thức và sự trân trọng khán giả. Còn ở phim này thì dường như thiếu điều đó. Khi đã có lòng thì anh sẽ tìm mọi cách để quảng bá cho phim", nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát phân tích.
Được biết sắp tới đây Cục Điện ảnh dự kiến sẽ đưa 'Sống cùng lịch sử' vào chiếu trong Đợt phim kỷ niệm 70 năm thành lập QĐNDVN (22/12/1944 - 22/12/2014). Sau đợt phim này, phim sẽ được quảng bá và phát hành tại các rạp thông qua một nhà phát hành chuyên nghiệp.