Tết Trung thu và những bài phát biểu của người lớn

 

Tết Trung Thu đã từ lâu nay luôn là một trong 2 cái Tết trong năm được con trẻ trông đợi nhất là Tết Trung Thu và Tết Nguyên đán. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì chuẩn bị đón Tết, trẻ thường thường được ông bà, bố mẹ, anh chị, tựu chung là người lớn mua hoặc làm tặng cho đồ chơi, ngày xưa là đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi,... ngày nay là súng phun nước, đèn nhấp nháy, các loại mặt nạ, đồ chơi kinh dị, ... Xưa, phải đến Tết Trung Thu, trẻ em mới được ăn thỏa thích bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả như chuối, bưởi, hồng,... Nay, bánh kẹo, hoa quả luôn sẵn, nhưng trẻ vẫn mong chờ đón Tết Trung Thu, cái tết của riêng lứa tuổi mình.
Xưa, Tết trung thu thường tự phát, trẻ tự nhóm họp, đi chơi rước đèn. Nay, từ ngày đổi mới, đất nước phát triển, cuộc sống thay đổi, trẻ em đã được quan tâm hơn, cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc chăm lo tổ chức Tết Trung thu cho các cháu. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của  gia đình, nhà trường, cộng đồng đối với sự nghiệp bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được nâng cao, đã vận động được các nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ. Tổ chức được nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia đón Tết trung thu vui vẻ, bổ ích, an toàn, lành mạnh, hiệu quả; tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Từ mấy ngày trước Tết, không khí tại các cụm dân cư, các tổ dân phố đã rộn ràng khi người lớn chuẩn bị sân khấu, trẻ nhỏ, luyện múa ông sư, đánh trống. Khắp nơi tràn đầy không khí vui tươi phấn khởi của trẻ em. Các gia đình yên tâm hơn khi cái Tết của con trẻ được cả chính quyền và xã hội quan tâm, lo lắng. Thông lệ trong ngày này, Ban tổ chức đọc Thư của Chủ tịch nước gửi các cháu thiếu niên nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu; kể chuyện nguồn gốc Tết Trung thu, tổ chức cho các cháu diễu hành rước đèn ông sao, múa sư tử dọc các trục đường chính và quanh các địa điểm tổ chức Tết Trung thu, biểu diễn văn nghệ, tổ chức các trò chơi mang tính truyền thống lành mạnh, bổ ích như múa lân, sư, hoạt cảnh chú Cuội, chị Hằng, tổ chức thi trưng bày mâm cỗ Trung thu, làm đèn ông sao, .v.v… Nhìn chung khá là hay !
Duy chỉ có một điều. Ấy là về bài phát biểu, hay bài kể chuyện của Ban tổ chức, của người lớn dành cho các cháu. Đại loại, nội dung là nguồn gốc của Tết Trung thu có từ đâu, tích truyện gì, xưa tổ chức ra sao, nay thế nào. Cơ bản là thế! Người viết bài này đã đi, đã được xem nhiều đêm Tết Trung thu tổ chức cho các cháu, và nhận thấy các bài kể chuyện đó đều có một điểm giống nhau, ấy là về nguồn gốc của Tết Trung thu. Đa phần là đều lấy tích Đường Minh Hoàng Du Nguyệt Điện. Bên trên, người lớn cứ tha hồ kể, nào Đường Minh Hoàng, nào Dương Quý Phi, rồi những cái tên gì đó khó nhớ ở tận bên Trung Hoa, những cái tên mà ngay cả phụ huynh của trẻ nhiều người cũng chẳng biết đó là ông bà nào; bên dưới, đám trẻ mải nô, nghịch với số đồ chơi mới. Ô hay thật ! Tết Trung thu của ta mà sao cứ phải lấy tích Tàu mà kể là sao nhỉ, sao cứ phải dài dòng cho đủ lễ nghĩa vậy nhỉ. Cứ thế bảo sao mà bọn trẻ chả chịu nghe. Vẫn biết, trải qua thời gian, biến thiên lịch sử, giờ nhiều chuyện, nhiều tích, lễ của Tàu cũng thành của ta. Nhưng tôi cứ cảm thấy kỳ kỳ làm sao khi giữa Tết Trung thu Việt mà lại cứ bắt bọn trẻ phải nghe tích truyện Trung Hoa. Có người giải thích, ta làm gì có truyền thống chơi Tết ấy từ xưa, mà nó là lễ Tết ở Trung Hoa truyền sang. Ô hay nhỉ ! Có lẽ các vị đã quên rằng tộc Việt ta là dân tộc phát triển đi lên từ nền văn minh lúa nước. Chúng ta đã biết dùng lịch mặt trăng (âm lịch) từ lâu đời. Cứ căn cứ vào thời tiết là sẽ thấy. Tết Trung thu là nhằm vào giữa mùa thu, lúc này cư dân nông nghiệp ta vừa mới thu hoạch xong vụ mùa. Vừa lúc nông nhàn, gặp đêm trăng tròn, trăng sáng, việc tổ chức những trò vui chơi giải trí, nghỉ ngơi sau một vụ mùa làm lụng vất vả có lẽ là rất phù hợp. Việc này có từ khi nào, chưa ai làm sáng tỏ được, chỉ biết rằng theo những văn bia, sách sử còn lưu lại, từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được tổ chức ở Thăng Long với các trò như đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh, Tết Trung Thu đã được tổ chức trong phủ Chúa với hình thức xa hoa. Ngay sử sách Trung Hoa xưa (như Hán thư, Thái bình hoàn vũ ký) cũng đã phải ghi nhận việc người Lạc Việt cứ đến mùa thu tháng tám thì mở hội.
Chung quy lại, có thể thấy rằng Tết Trung thu đã có và đã được tổ chức ở Việt Nam ta từ lâu. Có thể thời xưa, Tết Trung thu là dành cho người lớn, nhưng bây giờ đó đã là cái Tết của trẻ em. Do vậy, trong các bài phát biểu, hay bài kể chuyện của người lớn dành cho các cháu, rất mong những người có trách nhiệm trong Ban tổ chức Tết Trung thu quan tâm, xin hãy đừng bắt các cháu phải nghe sự tích tận bên Tàu, mà hãy cho các cháu được biết về tích chị Hằng, về chú Cuội ngồi gốc cây đa, và cái bài phát biểu, bài kể chuyện ấy, xin hãy kể ngắn thôi, đừng dài dòng, để cho con trẻ được vui chơi thật sự, không trở thành những đại biểu dự hội nghị bất đắc dĩ. Được như vậy, sẽ tốt cho các em, các cháu biết bao./.
Hòa Bình, 05.9.2014.
Lê Hùng.