"Kị húy" - Chuyện dở khóc dở cười
Điều 32 Luật DN có quy định cấm “sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.” Từ ngữ nào bị cấm thì chưa rõ. Lâu nay doanh nghiệp (DN) đặt tên trùng với tên danh nhân thì thường bị từ chối cấp phép. Sắp tới đây, theo dự thảo của Bộ VH-TT&DL, DN sẽ được phép dùng tên danh nhân. Tuy nhiên, dùng như thế nào có khi lại vướng mắc tiếp!
Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
(tacphammoi.net). “Kị húy”, thời phong kiến, là qui định thường dân không được gọi, viết thẳng, viết đúng tên của vua chúa, hoàng hậu, hoàng tộc. Qui định này từng làm khốn khổ bao ông đồ. Chỉ vì không nhớ hết được những chữ phải “kị” mà bao ông đã ôm hận bút nghiên, công lao đèn sách đổ xuống sông xuống biển.
Cô con dâu mới về nhà chồng, không biết nói như thế nào cho đúng khi muốn xin mẹ nấu thêm chút cơm để mang đi làm. Bởi “Thêm” là tên mẹ chồng, còn “Dư” lại là tên bố chồng. Lỡ lời “Mẹ cho con thêm chút gạo” hay “Đong dư ra một chút gạo”... đều bị ông chồng nửa hài hước, nửa vô ý kêu to: “Sao cô dám gọi tên bố mẹ tôi?”; khiến cô dâu mới vừa ngượng vừa khó chịu.
Lâu nay doanh nghiệp (DN) đặt tên trùng với tên danh nhân thì thường bị từ chối cấp phép. Sắp tới đây, theo dự thảo của Bộ VH-TT&DL, DN sẽ được phép dùng tên danh nhân. Tuy nhiên, dùng như thế nào có khi lại vướng mắc tiếp!
Chưa đủ điều kiện để cấm
Lâu nay, Luật DN không đề cập đến việc cấm dùng tên danh nhân khi đặt tên DN. Tuy nhiên, Điều 14 của Nghị định 43/2010 về đăng ký DN quy định không được dùng “tên danh nhân để đặt tên riêng cho DN”.
Vì vậy đã xảy ra nhiều trường hợp DN muốn đặt tên theo chính tên của mình, thế nhưng tên riêng của mình lại bị cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) coi là trùng tên danh nhân. Một cán bộ ĐKKD cho biết nhiều người đến Sở đề nghị thành lập DN, đem chứng minh nhân dân có tên Nguyễn Chí Thanh, bảo rằng “tôi đặt tên tôi, sao không cho?”
Nhiều DN muốn đặt tên DN theo tên đường, ví dụ có công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống trên đường Nguyễn Trãi, muốn đặt tên DN theo địa chỉ, tên đường để khách hàng dễ nhớ, dễ hình dung, dễ tìm… lại cũng không được nốt!
Vấn đề khó khăn đặt ra cho DN là DN không biết tên nào là tên danh nhân và không được dùng, vì không có một danh sách tên danh nhân nào để tham khảo cả. Tiêu chí xác định ai là danh nhân cũng không rõ ràng. Chứng minh điều này, ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý ĐKKD, cho biết từng có DN tại Hà Nội muốn đặt tên Nguyễn Công Trứ. Thế là cơ quan ĐKKD hỏi Bộ VH-TT&DL xem có được dùng tên này hay không. Bộ này trả lời là chưa có cơ sở để khẳng định Nguyễn Công Trứ là danh nhân. Nhưng rồi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cũng tự quyết định không cho dùng.
Cho phép thì gây tranh cãi
Ông Tuấn cũng cho biết trước đây có nhiều ý kiến rằng cần một danh sách tên danh nhân để tránh dùng khi đặt tên DN. Việc xây dựng danh sách này sẽ thuận lợi và nhẹ việc cho cơ quan ĐKKD nhưng lại bất khả thi, đã rất nhiều năm không xây dựng được.
Thay vào đó, cứ chiếu theo quy định về ĐKKD thì cơ quan ĐKKD có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên DN định đặt. Vấn đề hiện nay là cần phải xây dựng nguyên tắc sử dụng tên danh nhân trong đặt tên DN. Có nguyên tắc thì cứ theo đó mà cơ quan ĐKKD thực hiện.
Mới đây, dự thảo của Bộ VH-TT&DL về đặt tên DN cho phép dùng tên danh nhân. Cụ thể, chủ DN muốn đặt tên DN theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đúng theo giấy khai sinh của mình. Trường hợp tên DN là tên ghép của các thành viên sáng lập hợp thành nhưng trùng tên danh nhân thì giữa các tên phải có dấu gạch ngang. Khi dùng tên danh nhân thì phải có tính trân trọng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không gây hiểu lầm, phản cảm.
Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết Sở đã có góp ý gửi Bộ VH-TT&DL về dự thảo trên, cần làm rõ như thế nào là “trân trọng”, thế nào là ngành nghề “gây hiểu lầm, phản cảm”, ví như dịch vụ rửa xe thì có phản cảm không?
Ngoài ra, tiêu chí nào để cho cơ quan ĐKKD xác định tên đó là tên danh nhân? Ví dụ như hiện nay, Trương Định có phải là danh nhân không? Võ Thị Sáu có phải là danh nhân không? Vậy người xin phép thành lập DN mang tên “Trương Định”, “Võ Thị Sáu” thì có cần mang theo giấy khai sinh không, được kinh doanh ngành nghề nào?
Bà cũng cho biết trước đây nhiều DN cứ đặt tên Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, thậm chí dùng tên thủ tướng, chủ tịch nước. Sở cứ phải tư vấn và giải thích hoài cho DN chọn tên khác. Sau này DN cũng hiểu quy định cấm nên bớt được rất nhiều.
QUỲNH NHƯ
|