Tản mạn về thơ Minh Trang
Trong 2 năm 2013 và 2014, Minh Trang liên tiếp cho ra đời 3 tập thơ: Một mình, Nghĩa tình và tập Giọt nhớ, Nxb Thanh Hóa-2014. Xuyên suốt các tập thơ là một hồn thơ mộc mạc, chân chất, cảm xúc chân thực. Mỗi bài thơ như tấm gương phản chiếu các hoạt động, các lĩnh vực của đời sống mà tác giả đã trải qua bằng cảm nhận của mình và luôn hướng đến những tình cảm tốt đẹp, là nền tảng đạo đức, văn hóa tinh thần của xã hội... Sau những tập thơ liên tiếp trình làng, cuối năm 2013, Minh Trang (tức Vũ Duy Hòa) trở thành Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, mở ra một giai đoạn mới trong hành trình thơ của tác giả.
TẢN MẠN VỀ THƠ MINH TRANG
Đinh Ngọc Diệp, 20 Lê Lợi, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Đt: 0912276270
Tôi đọc thơ Minh Trang (tức Vũ Duy Hòa) từ vài năm nay trên các báo: Thanh Hóa, Văn hóa và đời sống, Tác phẩm mới - ấn phẩm liên kết cuả Nxb Văn học v.v… Trong 2 năm 2013 và 2014, tác giả liên tiếp cho ra đời 3 tập thơ: Một mình, Nghĩa tình và tập Giọt nhớ, Nxb Thanh Hóa-2014. Xuyên suốt các tập thơ là một hồn thơ mộc mạc, chân chất, cảm xúc chân thực. Mỗi bài thơ như tấm gương phản chiếu các hoạt động, các lĩnh vực của đời sống mà tác giả đã trải qua bằng cảm nhận của mình và luôn hướng đến những tình cảm tốt đẹp, là nền tảng đạo đức, văn hóa tinh thần của xã hội...
Là người trai thời chiến, tác giả nhập ngũ làm anh lính thông tin. Hết chiến tranh làm trong ngành kiểm sát tỉnh rồi trở thành lãnh đạo ngành và đã từng là Đại biểu Quốc hội. Cuộc sống của tác giả liên quan đến những hoạt động xã hội khá rộng nhưng thơ Minh Trang ít đề cập đến những sự kiện to tát, mà thường xuyên hơn, thơ phản ảnh các mối quan hệ đồng đội, bạn bè, tình yêu, tình cảm gắn bó với những người ruột thịt trong gia đình… Dường như tác giả không “mượn” thơ để làm chính sự mà dành riêng thơ để ghi lại những tình cảm “bé nhỏ” nhưng gần gũi và hết sức chân thực. Cũng đồng nghĩa với việc tác giả làm thơ không phải để lấy tiếng, mà chỉ để thỏa mãn cảm xúc trong sáng của riêng mình. Ví như trong tập thơ Một mình đã có 8 bài thơ, với tình thương ấm áp của người cha, người ông viết về các con, cháu trong gia đình... Dường như tình thương ấy luôn thường trực, ngự trị trong tim tác giả. Chính thế nên từ câu nói bi bô, tiếng hát, bài học đầu đời…của các cháu mình đều được tác giả đưa vào thơ khá cụ thể, chi tiết, với giọng điệu âu yếm, nâng niu. Tác giả đưa niềm vui trẻ thơ vào thơ và cùng hòa với niềm vui ấy. Mảng thơ này của Minh Trang có thể còn ít sự khái quát nên chưa vượt khỏi kỷ niệm riêng để có giá trị phổ quát hơn…
Tương tự mảng thơ viết về gia đình nói trên, các nội dung khác của thơ Minh Trang như tình đồng đội, tình bạn, tình yêu, những ký ức chiến tranh, những vấn đề xã hội v.v…vẫn xuyên suốt một tình yêu ấm nóng, sự quan tâm cụ thể đến con người và xã hội. Tuy nhiên, lòng yêu thương, sự quan tâm đến người khác (cũng chính là giá trị nhân văn trong thơ Minh Trang)- chủ yếu được người đọc cảm nhận thông qua đề tài gần gũi, thiết thân với đời sống, những chi tiết phong phú, ít nhiều có tính đại diện nhưng chưa đến mức đặc sắc, độc đáo duy nhất của thơ…
Đến đây, tôi xin phép dẫn ra 2 bài thơ của Minh Trang, thứ nhất là bài Bố tôi-trong tập thơ Giọt nhớ,theo tôi, chưa phải là xuất sắc trong các bài thơ của tác giả nhưng vẫn làm người đọc cảm động ở tấm lòng biết ơn thành kính, sâu nặng của tác giả với người cha kính yêu, thông qua những chi tiết về cuộc đời giàu hy sinh của cha mình vì đất nước, nhân dân, cũng là vì hạnh phúc của gia đình, con, cháu mình hiện tại và mai sau. Thứ 2 là bài thơ Biển đợi, in tạp chí Xứ Thanh số tháng 4 năm 2014 và ấn phẩm Tác phẩm mới số 7/2014. Đây là bài thơ Bố tôi: Đã ngoài chín mươi, tóc bạc da mồi/ Bố gánh trên vai hai cuộc chiến tranh/ Gần thế kỷ đọng sâu trong đáy mắt/Đôi chân gầy chầm chậm đến hoàng hôn (…)/ Bố đã đi trong đoàn quân Vệ quốc/ Trấn thủ sờn vai qua khắp chiến trường/ Đôi dép lốp trên đường dài kháng chiến/ Kết vành hoa Điện Biên Phủ lẫy lừng (…)/ Miền Nam gọi từ bên kia vĩ tuyến/ Một nửa còn trong tang tóc đau thương/ Bố lại đi dọc Trường Sơn khói lửa/ Để non sông cùng ca khúc khải hoàn (…) Đôi dép lốp qua mấy mùa kháng chiến/ Trao cho con đi tiếp những chặng đường… Cuối bài thơ có ghi: (Nhân dịp bố 94 tuổi- Xuân Quý Tỵ-2013.) Nhiều người đọc yêu thích trước hết vì thấy bóng dáng người thân của mình qua hình tượng người cha “gánh hai cuộc chiến tranh”, do đó họ tìm thấy sự đồng điệu với tâm hồn tác giả. Đồng thời có những câu vừa chở được tình cảm vừa đậm chất thơ: “Gần thế kỷ đọng sâu trong đáy mắt/ Đôi chân gầy chầm chậm đến hoàng hôn”.
Tiếp bài thơBiển đợi: Chiều nắng muộn em có về với biển/ Sóng biển xa lại nhớ gió Cửa Lò/ Em đừng nói cái điều không thể ấy/ Để xốn xang con sóng mãi xô bờ/ Em đừng đến để một mình đứng đợi/ Biển lặng thầm nghe gió thổi lao xao/ Mái chèo khua vào chân trời màu tím/ Sóng bạc đầu xô vỡ những vì sao/ Em đừng nói để có người còn hỏi/ Biết mần răng sao em nỏ trả lời/ Chẳng thể đến với những điều có thể/ Mà nôn nao câu ví dặm ân tình/ Gió đừng thổi cho biển còn mong đợi/ Cánh chim bay mải miết tận phương nào/ Em đừng đến cho một người thơ thẩn/ Cho ai chờ - biển cạn cả đêm sâu!... Bài thơ này ngoài sự chân thành thường thấy trong thơ Minh Trang, tác giả hầu như đã có sự đột khởi về ngôn ngữ thể hiện, đem đến cho tác phẩm chiều sâu tâm trạng và sức ám ảnh lung linh, đa chiều của hình tượng thơ. Cao trào tình cảm của bài thơ dồn vào khổ cuối. Nhìn suốt bài thơ: “Anh”đã đợi “em” từ “chiều”, qua “chân trời màu tím”; thoắt cái, sự chờ đợi đơn phương ấy đã nuốt “cạn cả đêm sâu”! Hai câu cuối: “Em đừng đến cho một người thơ thẩn/ Cho ai chờ, biển cạn cả đêm sâu”. Trong đó, từ “biển” chỉ không gian nơi anh đợi để một mình gặm nhấm nỗi đau mất mát; cụm từ “cạn cả đêm sâu”- có nghĩa anh đã chờ em từ chiều cho đến cạn đêm. Nhưng do cụm từ trên liên kết với từ đứng trước nó, thành “biển cạn cả đêm sâu” thì hình như anh chờ em đến biển cũng phải cạn! Bình thường đây là điều phi lý, vì biển thì cạn làm sao được! Nhưng trong trường hợp này, cái vô lý lại thành có lý. Đã vẽ nên hình tượng tình yêu - của người con trai đối với người con gái- thật vô bờ, rộng lớn, kỳ vĩ như biển cả! Đó là “phép lạ” của ngôn từ, của thơ, khi một tình yêu sâu nặng với những nỗi niềm khắc khoải, đi vào thơ - đã thêm một lần được thăng hoa, chiếm lĩnh tâm khảm người đọc bằng dáng vẻ riêng độc đáo! Cũng cần phải nói thêm rằng, trong “gia tài” thơ của Minh Trang không chỉ có một bài thơ tài hoa như bài Biển đợi, nhưng khuôn khổ bài viết này và hội thảo lần này chưa cho phép, xin hẹn một dịp khác.
Sau những tập thơ liên tiếp trình làng, cuối năm 2013, Minh Trang (tức Vũ Duy Hòa) trở thành Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, mở ra một giai đoạn mới trong hành trình thơ của tác giả. Hy vọng thơ Minh Trang sẽ giữ mãi được sự chân thực trong cảm xúc và góc nhìn tích cực, nhân văn đối với cuộc sống đang có những chuyển động gấp gáp và phức tạp, trước khi có được sự cách tân mạnh mẽ và thành công hơn nữa…
18/7/2014
(*)Tham luận tại buổi Tọa đàm thơ Minh Trang ngày 26/7/2014 do Ban thơ Hội VHNT Thanh Hóa và CLB thơ Thi Thanh tổ chức.
Bài đăng TÁC PHẨM MỚI số 8/2014.
Tin cùng chuyên mục
Làng tôi - dáng mẹ
05/07/2014
Làng quê Bạch Đằng Giang dậy sóng
02/07/2014
Bài phỏng vấn dịch ra 12 thứ tiếng
18/06/2014
Đón liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà
18/06/2014