Làng quê Bạch Đằng Giang dậy sóng

Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép vào Biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam đang gây bức xúc trong dư luận cả nước và các quốc gia trên thế giới. Nơi đâu nhân dân ta cũng sôi sục khí thế phản đối và bày tỏ quyết tâm bảo vệ biển đảo và bờ cõi. Những ngày này ở các làng quê Bạch Đằng giang cũng sôi động không kém.

 

Tháng Năm nóng bỏng đổ nắng xuống mùa gặt. Sự kiện Biển Đông khuấy động vào lòng người. Chỗ nào nơi ngõ xóm, trong nhà, ngoài sân, bên mâm giỗ, cạnh bàn trà nước, quán bia, kẻ chợ… cũng người người xôn xao bàn luận, nhận định và kỳ vọng. Các gia đình vây quanh chiếc ti vi để theo dõi tình hình thời sự . Ai cũng chăm chú xem các hình ảnh và nín nghe tiếng các phát thanh viên. Mọi người tỏ thái độ phẫn uất về hành động tàu hải giám, tàu quân sự Trung Quốc gây hấn, đâm lao tàu ta, làm đắm tàu cá ngư dân; rồi trầm trồ về những ứng xử linh hoạt của các chiến sĩ cảnh sát biển và ngư dân ta đã tránh được những bẫy hiểm của phía Trung Quốc...

 

Cụ Nguyễn Văn Quỳ 94 tuổi, ở phường Phong Cốc, hầu như không bỏ sót buổi thời sự nào của VTV1, rồi QTV1. Sau bữa cơm là cụ dành thời gian vừa đọc sách vừa xem ti vi chờ đến lúc 19 giờ. Cụ nói:

-Cái anh Trung Quốc này cậy lớn, mà không biết điều. Xưa nay họ luôn cho mình là đấng quân tử, mà không biết họ đang là kẻ tiểu nhân! Đất nước họ sẵn Khổng Tử, Trang tử, Mạnh Tử chuyên nói lời dạy người… mà lại luôn nghĩ đến việc làm điều phi nghĩa, xằng bậy …

Dạo này bà Vân thế nào cũng phải xem xong chương trình thời sự rồi phim truyện Việt Nam mới đi nghỉ. Đồng hành với thời gian này là các chương trình truyền hình tường thuật trực tiếp Worcup bóng đá thế giới. Đám thanh niên cũng chờ thời sự xong mới chuyển kênh để lướt theo trái bóng trên sân cỏ. Nếu trước màn hình gặp những pha bóng gay cấn, những cú sút bóng độc đáo, khiến bật lên những tràng vỗ tay, reo hò nhiệt huyết bao nhiêu thì khi thấy cảnh tàu cảnh sát biển và tàu ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng hoặc đâm chìm, người ta lại lặng lẽ, đau xót và căm phẫn bấy nhiêu. Không gian như trùng xuống. Bà Vân luôn dặn con cái:

-Làm gì thì làm, xem gì thì xem, bọn bay cũng phải mở chương trình Thời sự cho  bố mẹ theo dõi xem bọn giàn khoan Trung Quốc nó giở chứng thế nào!

Sự kiện Biển Đông đã trở thành vấn đề nóng bỏng trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người nông dân. Kéo máy ra đồng, buộc bó lúa trên bờ ruộng, các ông các bác lại hỏi han nhau xem tình hình đến đâu. Bọn Giàn khoan có chịu rút đi chưa? Hôm qua chúng lại cho thêm tàu chiến, máy bay quần đảo quanh vùng giàn khoan hạ đặt trái phép. Tàu ngư dân DNA bị tàu chúng đâm va gây đắm. Trung Quốc vu khống tàu Việt Nam đâm va những hơn 1500 lần! Trung Quốc lại tiếp tục hạ giàn khoan mới! Thật đúng bọn người không biết xấu hổ! Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng!...  Người già lại kể những câu chuyện từ thời Đông Chu Liệt Quốc, chuyện Tam Quốc chí đến chuyện các thời Đường, Tống, Minh, Nguyên, Thanh…  kéo quân sang xâm lược Đại Việt đều bị các triều Đinh, Lý, Lê, Trần, Nguyễn… đánh bại. Nhất là trên dòng sông Bạch Đằng, ba lần chúng sang đều bị ba lần quân dân ta đánh tan tác “trúc chẻ tro bay”. Vậy mà vẫn không kinh, vẫn chứng nào tật ấy! Trước sau nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn nổi máu tham và bành trướng. Vừa mới hôm qua hòa hiếu hữu hảo. Hôm nay đã trở mặt như trở bàn tay! Họ lại cố tình đẩy dân hai nước vào nguy cơ bom đạn chiến tranh! Khi nghe thông tin về các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, bị những kẻ xấu lợi dụng tình hình gây hỗn tạp, đập phá các  nhà xưởng sản xuất của các Công ty nước ngoài, các cụ già thôn Yên Đông, phường Yên Hải đã phát biểu: Như vậy là không nên. Bởi vì chuyện gì ra chuyện ấy, tre có chỗ chẻ. Dân ta cần đoàn kết, tỉnh táo để phân biệt trắng đen, phải trái. Lòng yêu nước ai cũng sẵn khi chủ quyền đất nước bị đe dọa, nhưng dân ta cần thể hiện một cách chân chính và hơn thế nữa phải kẻ cả! Thời buổi bây giờ không thể lặp lại cái ứng xử của các triều đại phong kiến kiểu Trung Hoa: trả thù ai thì triệt hạ đến tận cùng, đào mồ cuốc mả người ta lên hoặc “tru di tam tộc”… Dân ta cần tin tưởng vào đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước!

Và cả suốt quá trình Quốc Hội họp, người dân lại lắng nghe, để thấu hiểu, để  đặt niềm tin vào bộ óc trí tuệ đang điều hành đất nước. Các cụ già lại liên tưởng tới Hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần quyết tâm giữ nước và động viên con cháu.

Thế nào thì thế, chúng ta cũng phải kiến hưng đất nước, luôn luôn nâng cao cảnh giác để bảo vệ Tổ Quốc và cuộc sống bình yên để nhân dân hai nước và thế giới cùng làm ăn xây dựng kinh tế, văn hóa xã hội trong mái nhà của một hành tinh hòa bình! Đó là những nguyện vọng chính đáng! Người dân thực sự xúc động khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: Không thể đổi chủ quyền đất nước lấy hòa bình viển vông, lệ thuộc! Nhiều người đã nhảy lên hô to: -Đúng! Đúng! Phải thế mới hợp lòng dân! Một tấc giang sơn cũng không thể lọt vào tay kẻ xâm lăng!.. Có người còn cao hứng đầy vẻ tự hào: Nam Quốc sơn hà Nam đế cư… Biết bao câu chuyện, tích chuyện đông tây kim cổ, muôn màu muôn vẻ được nhớ lại, được ví von râm ran trong làng quê, trên cánh đồng, sông nước.

Mùa gặt nhanh như cuốn chiếu. Lúa lên bờ. Máy tuốt xát lúa tăng giờ làm thêm việc, chạy đua với mưa nắng. Thóc phơi khô quạt sạch đóng bao, về vựa. Ruộng đất nằm nghỉ chút ít lại tiếp tục vào mùa gieo cấy mới. Người nông dân và đất đai vẫn quanh năm quay vòng chuyển vụ để không thể lỡ mùa, cũng như người chiến sĩ không thể lơi lòng, lơi tầm mắt nhìn xa để giữ từng tấc biển tấc đảo thân yêu.

Thường ngày có chuyện xích mích gì xảy ra trong thôn xóm, sẵn tính nhạy cảm và hài tếu, người nông dân quê tôi luôn sẵn sàng ví von, bóng gió gần xa:

-Bà lại cuốc lấn bờ ruộng nhà tôi như Trung Quốc lấn đất lấn biển đấy phỏng?

-Sao xe nhà ông lại đâm vào xe nhà tôi như tàu Trung Quốc ấy?

-Bác lại để vòi nước chảy như vòi rồng Trung Quốc thế kia ư?

-Anh em chú cãi nhau, tranh giành thua thắng làm chi? Có giỏi thì ra mà xua đuổi bọn tàu Trung Quốc để giữ biển Đông, giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa kia kìa!

-Trời ôi! Sao con nghịch thế? Lại đi bắt nạt bạn bè, định bắt chước Trung Quốc phải không? Đánh chết cái nết không chừa!

V.v… và v. v… Tôi từng nghe một chị hàng xóm mắng chồng:

-Ngày mùa tất bật, sao anh không dậy sớm để kịp ra đồng? Anh chồng ề à giọng ngái ngủ:

-Gặt hái tì tì, phơi thóc liền tay, tối qua nghỉ muộn. Cũng phải cho người ta thư thư ngủ nướng thêm tí nữa chứ! Chị vợ:

-Cơ này bộ đội Trường Sa đã thay nhau đi gác rồi. Vất vả ruộng đồng nhà mình làm sao đã bằng ngoài đảo xa thức trắng cả đêm canh giữ biển Đông…

Thế đây! Đời thường gắn bó sự kiện. Sự kiện đi vào đời thường, đi vào văn nghệ dân gian bao đời đã làm nên những câu thành ngữ, những chuyện để đời trong đời sống dân quê những tiếu lâm-cả một rừng cười!

Trên sân phơi miếu Tiên Công, thảm bê tông rộng thênh thang như một sân bay, những vuông thóc rãi ra một màu vàng óng. Dưới nắng hạ gay gắt, hơi nóng bốc hầm hập. Mọi người đang mải mê cày thóc. Những bàn chân dũi thoăn thoắt, thành từng sá như sá cày cho thóc mau khô. Màu vàng chuyển dần màu tươi sáng, báo hiệu một mùa màng no ấm. Có lẽ chỉ một nắng hôm nay là thóc sắt vỏ, đổ bồ? Giữa sân bỗng ai đó hét toáng lên:

-Ôi! Bọn tàu, bọn giàn khoan kéo đến bà con ơi! Chạy thóc đi thôi!

-Đâu đâu! Làm gì có! Đố chúng vào được đây?

-Kia thôi! Phía đông đen ngòm kia kìa!

-Cha bố mày! Làm bà cứ tưởng…

-Cơn mưa! Cơn mưa to lắm! Chạy thóc nhanh lên bà con ơi… ơi…

Vậy là cả sân nhớn nhác, xôn xao. Người chang, kẻ quét, ồn ào, vội vã, náo nức cả một khoảng xóm quê.

Ông Thành, một tác giả có tiếng nhiều chuyện tiếu lâm trong làng, tếu táo kể:

-Này! Bà có tin không? Bà Xoan quệt mồ hôi: -Chuyện gì mà ông bảo tôi có tin không?

-Này nhá! Ông Thành bắt đầu kể: Từ hôm ti vi đưa tin giàn khoan với tàu hải giám hải giếc gì đó của Trung Quốc vào biển Đông hạ đặt trái phép, ngày nào cả nhà tôi cũng vội vã tạm bỏ việc đấy, cùng ngồi xem thời sự và xôn xao bình luận. Đến nỗi con chó Mực nhà tôi nó cũng có cảm giác lây. Hễ ti vi chiếu đến đoạn giàn khoan HD 981 với bọn tàu Trung Quốc là nó sủa oang oang. Qua đoạn ấy lại không thấy sủa nữa, cu cậu nằm im ghếch mõm ngoài bậu cửa như thể canh chùng! Thế mới lạ! Thì ra con chó nó cũng… bà nhỉ? Bà Xoan tham gia: Láng giềng láng tỏi với nhau đang nguyên lành, tự dưng cậy nhà to đông người kéo sang dể hàng xóm, lấn đất lấn cát. Giả thử bây giờ tôi đem cỗ máy tuốt nhà tôi sang chềnh ềnh án ngữ ngay trước ngõ trước sân nhà ông, ông có để yên không?

-Lành làm gáo vỡ làm muôi! Tôi bảo con cái tôi phải lấy xẻng hót đi ngay! Ô nhiễm môi trường! Mất đoàn kết! Ông Thành khảng khái vạch một cánh tay vào không gian: Mỗi nhà một “sổ đỏ” cũng như mỗi quốc gia một chủ quyền theo Công ước quốc tế công nhận. Chủ quyền khẳng định rồi, cứ nhà nào nước ấy mà sinh sống trong cộng đồng xã hội…

-Ừ đúng vậy! Sao họ không lo giữ gì môi trường trong khi trái đát đang nóng lên vì biến đổi khí hậu, gió bão, lụt lội liên miên khắp thế giới mà lại đi lo gây sự chiến tranh nhỉ?

-Thế mới là bọn bành trướng chứ bà!...

Những ám chỉ lấy vui lấy cười… cứ thế hàng ngày vô tư diễn ra, như dòng sông vốn dĩ nhận phù sa chở đi bồi đắp cho các vùng châu thổ… để rồi người nông dân lắng nghe, theo dõi, để rồi suy ngẫm, chiêm nghiệm và lo toan.

Chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Khi đất nước đứng trước lâm nguy của họa xâm lăng, mỗi người dân có một cách thể hiện lòng yêu nước. Những người cẩm bút, các văn nghệ sĩ ở vùng quê Bạch Đằng giang cũng tỏ bày đầy nhiệt huyết. Các tác giả, các nhà thơ đã không thể bàn quan về trách nhiệm công dân đối với Tổ Quốc! Tôi muốn nói đến CLB Thơ Bạch Đằng giang-thị xã Quảng Yên. Họ vừa làm một công việc đầy ý nghĩa thể hiện một tình yêu chân chính với non sông. Đó là việc tổ chức một chương trình thơ “Tổ Quốc nhìn từ biển”. Ông Trịnh Đức Trân, chủ nhiệm CLB cho biết:

-Sau khi thống nhất, thông qua ý tưởng và chủ đề, Ban chủ nhiệm CLB Thơ Bạch Đằng giang đã quyết định tổ chức một chương trình thơ “Tổ Quốc nhìn từ biển”.  tại phường Quảng Yên-TX Quảng Yên. Nhận được thông báo, các hội viên đã nhanh chóng gửi tác phẩm về CLB. Cảm xúc dâng trào, nhiều tác giả sáng tác được cả một chùm 5 bài thơ về chủ đề này. Không ít những bài thơ mới đọc trên bàn biên tập đã gây xúc động rưng rưng. Những bài thơ mới nhất về Biển đảo của các tác giả đã được tập hợp, thông qua và xây dựng thành một chương trình hoàn chỉnh để trình bày trước công chúng. Tuy điều kiện kinh phí hạn hẹp, nhưng với tinh thần yêu nước thiết thực, mọi người đã xã hội hóa, tình nguyện đóng góp để chương trình thành công tốt đẹp! Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận. Trên mặt trận ấy những người đam mê và làm công tác văn hóa văn nghệ đã bày tỏ tâm tư, ý chí bằng tác phẩm những bài thơ, những điệu đàn câu hát như một thứ vũ khí “nước chảy đá mềm” đánh vào thành lũy chiến tranh, như những cung đàn Thạch Sanh rúng động, cầu nguyện hòa bình!

Ông Đỗ Minh Tâm, một cựu chiến binh làm thơ ở phường Quảng Yên vừa dọc xong bài thơ “Biển gọi” với giọng sang sảng đầy khí phách tự hào, xúc động nói:

-Nếu Tổ Quốc cần, những người lính năm xưa chúng tôi sẵn sàng tái ngũ để giữ gìn và bảo vệ biển đảo thiêng liêng!

Trong tầng tầng lớp lớp nhân dân, mọi người không ai là không bức xúc về sự kiện Trung Quốc cố tình xâm phạm chủ quyền bờ cõi Việt Nam. Bờ cõi giang sơn ấy đã trải qua ngàn đời xây đắp, ngàn đời mưa nắng bão giông, vượt qua mọi thời giặc giã để “Trường minh dân tộc Việt”. Những người nông dân vẫn một lòng cùng cả dân tộc Việt vì non sông mà gánh các cuộc binh đao, mở rộng đại ngàn và châu thổ ra phía biển, lấp đầy những bóng tối để trải ra những cánh đồng vàng. Dẫu có lúc nào đó mắc lỗi, bị trừng phạt, đày ải ra đảo xa, họ vẫn nghĩ về đất nước đem mồ hôi ra đổi lấy những mùa dưa hấu cho đời sau. Mồ hôi, nước mắt và xương máu đồng bào dân tộc Việt đã thấm đẫm trên bức thảm gấm vóc đó để được non sông trọn vẹn đến ngày nay. Sao một tấc đất liền, một li biển đảo lại có thể bị xâm phạm một cách vô lý vào tay kẻ xâm lăng? Người nông dân bình thường, một lão nông vừa ngơi tay với cánh đồng, một chàng thợ cày trẻ bước xuống ruộng, một chị thợ cấy tung mầm mạ mới trong nắng mai, một em bé quàng khăn đỏ trên đường đến trường học… cũng nghĩ suy như vậy về quê hương, về Tổ Quốc mình!

Tháng 6-2014

(Nguồn: tác giả gửi cho Tòa soạn)