Show diễn "Cầm tay mùa hè" bị hủy

Show diễn "Cầm tay mùa hè 2014" của nhạc sĩ Quốc Trung, với sự tham gia chính của ca sĩ Hương Lan bất ngờ thông báo hủy. Lý do gây chú ý nhất là không bán được vé. Một số quan sát cho rằng đây là tín hiệu buồn cho thị trường âm nhạc khi những show ca nhạc thường kỳ hướng tới chất lượng tại Hà Nội như Không gian âm nhạc, Câu chuyện âm nhạc, Cầm tay mùa hè... liên tục "chết yểu".


Nhạc sĩ Dương Thụ với Nguyên Thảo, Hồng Nhung, Mỹ Linh trên sân khấu hòa nhạc Điều còn mãi của Vietnamnet

 

 

Không bất ngờ khi "Cầm tay mùa hè bị hủy"


Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, show diễn "Cầm tay mùa hè 2014" của nhạc sĩ Quốc Trung, với sự tham gia chính của ca sĩ Hương Lan bất ngờ thông báo hủy. Lý do gây chú ý nhất là không bán được vé. Một số quan sát cho rằng đây là tín hiệu buồn cho thị trường âm nhạc khi những show ca nhạc thường kỳ hướng tới chất lượng tại Hà Nội như Không gian âm nhạc, Câu chuyện âm nhạc, Cầm tay mùa hè... liên tục "chết yểu". Góc nhìn và sự lý giải của ông về hiện tượng này?
- Quả thật tôi đã từng thấy vui và có một chút hy vọng khi các chương trình do các anh Quốc Trung, Việt Tú, Hồng Kiên, Phan Cường... xuất hiện đều đặn trong vòng một hai năm gần đây. Nhưng có thể cuộc vui này rồi cũng chóng tàn thôi. Và bây giờ đúng là như thế.
Chúng ta chưa có công chúng âm nhạc thật sự. Đến với các chương trình ca nhạc phần đông khán giả 'nghe' nhạc thì ít, 'xem' nhạc thì nhiều. Mà các anh ấy chủ trương nhạc là để nghe. Mà người mua vé để nghe không phải là số đông. Ít người nghe thế nên phải diễn ít thôi, ở ta một năm một hai lần thì được, diễn dầy quá và giá vé lại cao lấy đâu ra người xem. Việc các chương trình “nhạc để nghe” lần lượt cáo chung ở thời điểm hiện tại không có gì bất ngờ.
Ông là người từng tổ chức đêm nhạc riêng "Tôi mơ một giấc mơ" rất thành công, là tổng đạo diễn âm nhạc của concert thường niên uy tín "Điều còn mãi", cá nhân ông hay nhạc sĩ Phú Quang chẳng hạn, vẫn là những tên tuổi đảm bảo doanh thu phòng vé và một đêm nhạc có chất lượng. Vậy theo ông, công chúng Hà Nội họ chọn đi nghe nhạc dựa vào điều gì?
- Chương trình Cửa sổ âm nhạc của tôi mỗi năm có 1 lần ("Tôi mơ một giấc mơ" là tên của chương trình Cửa sổ Âm nhạc 2013) và chỉ diễn 1 đêm duy nhất. Hòa nhạc VietNamNet Điều còn mãi, mỗi năm cũng chỉ có 1 lần và là 1 buổi duy nhất. Với tình hình hiện tại làm ít thôi và làm không giống ai thì chắc được.
Công chúng âm nhạc thực sự của Hà Nội “quí hồ tinh bất quí hồ đa”. Nếu bạn có thể bằng cách nào đó chọn lựa được những cái gì tinh túy nhất và gắng sao có những thay đổi nho nhỏ ở mỗi lần diễn thì bạn sẽ “sống sót”, bằng không thì chắc là “chết yểu” đấy.
Còn với lớp công chúng Hà Nội đi “xem nhạc” là chính thì bạn phải hỏi các ông bầu show, bạn sẽ nhận được những câu trả lời thỏa đáng nhất.
Khán giả chủ yếu đến với các chương trình ca nhạc để giải trí
Ca sĩ Hương Lan cũng là một tên tuổi nổi tiếng trở về từ hải ngoại. Nhiều người kỳ vọng cô cũng sẽ có một hiệu ứng gần tương tự với sự kiện Khánh Ly hát nhạc Trịnh vừa rồi?
- Hương Lan là một ca sĩ rất tuyệt vời, với tôi, cô là một người hát dân ca hay nhất. Nhưng có lẽ đối với người Hà Nội, cô chưa được nhìn nhận đúng với giá trị. Vả lại làm chương trình với Quốc Trung, một người theo phong cách World Music với lớp khán giả quen thuộc là dân Hà Nội thích âm nhạc đương đại, mới mẻ trẻ trung, để bán vé, Hương Lan không có ưu thế nào cả.
Khánh Ly không bình dân như Hương Lan, lại là người Hà Nội gốc, lại nổi tiếng với nhạc Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ mà giới trí thức và tầng lớp trung lưu của Hà Nội rất ngưỡng mộ. Bên cạnh đó còn có những lý do ngoài nghệ thuật khiến Khánh Ly được chú ý nhiều hơn nhất là trong thời điểm hiện tại. Vì lẽ đó Hương Lan không thể có hiệu ứng tương tự như Khánh Ly. Anh Quốc Trung không phải là người không biết chuyện đó. Nhưng anh muốn làm nghệ thuật, và anh cũng đã làm được ở những lần trước, nhưng lần này thì không thể. Thật đáng tiếc! Nhưng biết làm thế nào vì người nghe ở ta là như vậy đó.
Như vậy nếu lượng khán giả chính dựa vào "fan ruột" của nhạc sĩ hay ca sĩ, thì một "đêm nhạc thể loại" (nhạc điện tử, world music...) sẽ khó thu hút hơn?
- Khán giả ta chủ yếu đến với các chương trình ca nhạc là để giải trí chứ không phải để thưởng thức các giá trị nghệ thuật và chia sẻ cảm hứng sáng tạo với nhạc sĩ và nghệ sĩ. “Đêm nhạc thể loại” như cách bạn hiểu là các phong cách âm nhạc đương đại như nhạc điện tử, World Music thì khó thu hút hơn vì nó quá mới đối với lỗ tai người nghe. Nó có thể tồn tại tốt trong các nhóm chơi thuộc cộng đồng nhạc đương đại nhưng làm thương mại thì khó.
Chúng ta đang sống trong một xã hội nhiều hoang tưởng
Theo ông, các nhà tổ chức sự kiện/ các đạo diễn âm nhạc tại Hà Nội nên lưu ý điều gì cho một đêm nhạc vừa đảm bảo định hướng nghệ thuật, vừa bảo đảm doanh thu?
- Tôi cũng chính là người muốn nghe ý kiến hướng dẫn về việc này. Tôi cũng đang làm chương trình riêng mà.
Chúng ta đang sống trong một xã hội còn có nhiều hoang tưởng, luôn thất vọng vì những điều mình thực ra là không thể và không bao giờ đạt được. Giống như trong bóng đá, mình chưa bao giờ là nhà vô địch vì mình chưa đủ tầm nhưng lúc vào giải đấu khi thất bại lại luôn luôn nghĩ rằng mình để tuột mất Cúp về tay kẻ khác!!!???
Làm nghệ thuật tử tế ở nước ta là rất khó. Nó chỉ có thể khi có sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân nghệ thuật, những nhà hảo tâm muốn đóng góp một chút gì đó cho tương lai nghệ thuật nước nhà.
Ai là Mạnh Thường Quân, ai là nhà hảo tâm? Hãy đốt đuốc đi tìm họ. Chỉ có họ những chương trình nghệ thuật như “Cầm tay mùa hè” của anh Quốc Trung mới có khả năng sống sót.
Hãy cứu lấy nghệ thuật khi còn có thể, bởi vì vẫn có những người đang âm thầm làm nó, bởi vì đó là một yêu cầu bức thiết cho một tương lai không què quặt về văn hóa.
Xin cảm ơn nhạc sĩ Dương Thụ!
Hồ Hương Giang