"Quỹ đen" của ông Chủ tịch...

Đó là số tiền của ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thu được từ biếu xén, phần thưởng của các đơn vị, các đối tác. Số tiền này ông lập quỹ, dành để tài trợ xuất bản cho các văn nghệ sĩ và giúp đỡ những con thợ mỏ vượt khó học giỏi. Bài viết dưới đây rút trong tập “Ký sự nhân vật” của Nhà báo Cao Thâm, Nxb Hội Nhà văn, 2010, kể về việc bàn giao “Quỹ đen” trước khi ông Kiển nghỉ hưu.


Ấn phẩm do ông Đoàn Kiển và Tập đoàn Vinacomin tài trợ xuất bản

Sau khi bàn giao công việc để nghỉ hưu, ông Đoàn Văn Kiển chào anh chị em trong cơ quan rồi lên xe ngay. Thường ngày, ông đi đâu, làm gì, mọi người trong cơ quan đều biết thông qua lịch công tác công khai trên bảng điện tử. Nhưng ngày đầu tiên rời nhiệm sở để về hưu, không ai biết và cũng không dám hỏi ông điđâu.

Sau này, mọi người mới biết, hôm đó ông đi thăm Nhà văn trẻ Giai Tử, ở  khu Khe Ngát, phường Bắc Sơn, thị xã Uông Bí. Giai Tử tên thật là Nguyễn Duy Hùng, từng làm thợ lò được bốn tháng, bị tai nạn giao thông, liệt hai chi dưới, nằm một chỗ viết văn.

Khi đương chức, vào dịp tết hay tiện trên đường công tác, ông Kiển vẫn dành thời gian thăm gia đình một số văn nghệ sĩ trong ngành như các Nhà thơ Trần Tâm (Mỏ than Đèo Nai), Trần Đình Nhân (Mỏ than Cọc Sáu) . v.v. Nhưng bây giờ, không hiểu vì lí do gì mà ông chọn ngày đầu tiên rời nhiệm sở, bí mật đến thăm nhà văn công nhân bị khuyết tật?

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, người đi cùng ông Đoàn Văn Kiển hôm đó, kể: Khi xe đến thị xã Uông Bí, ông Kiển cho xe dừng lại, rồi rẽ vào chợ. Lúc sau, ông lễ mễ bê ra bộ chăn ga “xịn”, cùng chiếc gối. Ông bảo với Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, nghe cô kể cậu ấy có mỗi chiếc vỏ chăn, tôi mua hẳn cho cậu ấy cái chăn “xịn” đây này.

Thấy ô tô dừng ở cổng, rồi mấy vị khách lạ vào nhà, mẹ Giai Tử hốt hoảng. Rồi hiểu ra mọi chuyện, lại được ông Kiển tặng 20 triệu đồng và cả chăn gối, bà mẹ nghèo cuống quýt chẳng biết đứng ngồi ra sao. Giai Tử nằm đó mỉm cười lơ đãng. Ông Kiển nói: “Tôi có chút quà nhỏ, mong cậu viết văn hay hơn, khi nào in thành tập thì gửi cho tôi nhé”. Nói rồi ông cười lớn, vỗ vai thân tình với chàng trai trẻ  bị liệt, đang cởi trần nằm viết văn trong căn nhà xiêu vẹo.

Lại nói về việc bàn giao của ông Kiển khi rời nhiệm sở. Trong bộ máy lãnh đạo của Tập đoàn, trách nhiệm, quyền hạn của mọi cá nhân được phân cấp rất chi tiết, rõ ràng. Việc đứng tên trong các hợp đồng kinh tế thuộc các thành viên trong bộ máy điều hành (Tổng giám đốc); ông  Kiển là Chủ tịch HĐTV chủ trì, quyết định những vấn đề thuộc về chủ trương. Vì vậy, những vấn đề thuộc các hợp đồng kinh tế, ông  không mấy liên quan và bàn giao nhanh chóng. Tuy nhiên, có một khoản tiền không lớn, nhưng ông bàn giao rất cẩn thận, đó là quỹ của cá nhân ông. Nguồn quỹ này là tiền biếu xén, phần thưởng của các đơn vị, các đối tác dành cho ông, nhưng ông không sử dụng mà nhập vào quỹ của cơ quan để  tài trợ xuất bản tác phẩm cho một số  nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ;  giúp các gia đình thợ mỏ gặp khó khăn, con em thợ mỏ vượt khó học giỏi. Số quỹ ấy vơi rồi lại đầy. Khi kiểm kê để bàn giao, số tiền trong quỹ còn lại 1 tỷ 40 triệu 700 ngàn đồng. Số lẻ, ông mua chăn gối và tặng 20 triệu đồng cho Giai Tử, như kể ở trên và 20 triệu đồng, ông tặng con gái ông Phan Đình Bài, đang học Đại học Kiến trúc. Ông Phan Đình Bài nguyên Giám đốc Xí nghiệp than Khe Bố (Nghệ An), mất sớm, để lại con nhỏ, vợ đau yếu. Trong nghèo khó, mấy mẹ con nuôi nhau, các con ông vẫn cố gắng vươn lên, học giỏi. Số còn lại, tròn 1 tỷ đồng, ông giao cho Ban nữ công Tập đoàn Vinacomin quản lý để tặng cho các chị em nữ thợ mỏ hoàn cảnh éo le.

Biết chuyện này, tôi hỏi đùa ông:

- Bác ơi, quỹ của bác có thể gọi là quỹ đen, quỹ trái phép không?

Ông Kiển nói:

- Tôi làm Tổng Giám đốc rồi Chủ tịch một tập đoàn lớn, nói là không có quà cáp, biếu xén là không thực lòng. Số tiền ấy tôi đã nộp một phần vào cơ quan để lập quỹ hoạt động xã hội, chi dùng vào việc tốt nên không có gì phải ngại cả.

Tôi nhớ, khi tôi và Nhà văn Vũ Thảo Ngọc tổ chức biên soạn để xuất bản tuyển tập tác phẩm của Nhà văn Tô Ngọc Hiến (Tuyển tập Tô Ngọc Hiến, NXB Hội Nhà văn, 2009), theo nguyện vọng của gia đình. Nội dung bao gồm các tác phẩm, ảnh tư liệu, di cảo của Nhà văn và cả thủ tục xuất bản, in ấn, đối với chúng tôi không khó; mà khó nhất là kinh phí. Ở Tập đoàn Vinacomin, từ lâu đã có quy chế hỗ trợ kinh phí cho các tác giả là CNCB trong ngành để xuất bản sách, triển lãm tranh, ảnh, ra anlbum nhạc v.v. Đối với cố Nhà văn Tô Ngọc Hiến, tuy có thời gian dài làm công nhân Nhà máy Cơ khí mỏ Cẩm Phả, nhưng sau đó chuyển ngành. Khi mất, Nhà văn Tô Ngọc Hiến biên chế thuộc Báo Quảng Ninh. Đối chiếu với quy chế, cố Nhà văn Tô Ngọc Hiến không thuộc đối tượng hỗ trợ kinh phí xuất bản. Vì vậy, tôi và Nhà văn Vũ Thảo Ngọc lên xin ý kiến ông Kiển. Khi nghe chúng tôi đề xuất, ông Kiển nói:

- Những tác phẩm xuất sắc viết về Vùng mỏ và những người thợ mỏ của bác Võ Huy Tâm, anh Tô Ngọc Hiến, anh Lý Biên Cương, anh Trần Nhuận Minh… là những di sản văn hóa của vùng Mỏ, chúng ta cần đầu tư kinh phí để xuất bản; không phân biệt tác giả là trong hay ngoài ngành Than. Các bạn cứ làm đi, tôi sẽ viết lời giới thiệu cho.

Đó là cuốn sách đồ sộ, khổ 16 X 24 cm, bìa cứng, dày 720 trang; trong đó tập hợp cơ bản những tác phẩm của cố Nhà văn Tô Ngọc Hiến và những bài viết của bạn bè về Nhà văn. Đặc biệt, trong đó đăng bút tích lời tựa của ông Đoàn Văn Kiển, khi đó là Chủ tịch Tập đoàn Vinacomin.Toàn bộ kinh phí cho việc xuất bản do Tập đoàn tài trợ, hơn 100 triệu đồng.

Sau đấy không lâu, một số tuyển tập tác phẩm của cố Nhà văn Võ Huy Tâm, Nhà thơ Trần Nhuận Minh, Nhà văn Lý Biên Cương, Nhà văn Mai Phương v.v. đều được Tập đoàn Vinacomin và cá nhân ông Kiển lấy từ “quỹ đen” tài trợ kinh phí xuất bản tác phẩm. Mỗi tác phẩm mấy chục triệu, thậm chí có tác phẩm trên 100 triệu đồng

Các nhà văn, nhà thơ, nhà điêu khắc, họa sĩ, nhạc sỹ trong ngành đều được đi dự các trại sáng tác; được tài trợ kinh phí để xuất bản tác phẩm; người nhiều thì mỗi tác phẩm trên dưới trăm triệu đồng, người ít thì 5 - 20 triệu đồng, tùy tác phẩm. Có người, đơn vị tạo điều kiện để ăn rồi chỉ sáng tác. Nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm trước đây là công nhân ở Mỏ than Cọc Sáu và khá nổi tiếng về những tác phẩm chế tác từ than đá. Một lần đến thăm Tâm Nhâm, ông Kiển thấy điều kiện sáng tác của Tâm Nhâm gặp nhiều khó khăn, bèn xin lãnh đạo Mỏ cho Tâm Nhâm về Văn phòng Tổng Công ty để có điều kiện tập trung cho sáng tác. Từ  khi được sáng tác chuyên nghiệp đến nay, ông đã có trên 4 nghìn tác phẩm chế tác từ than; trong đó nhiều tác phẩm đoạt giải trong nước và quốc tế. Ông được sách Ghinet công nhận là người có nhiều tác phẩm nhất về Picasso. Ở Cọc Sáu còn có Nhà thơ Trần Đình Nhân, từ thợ sửa ô tô, được ông Kiển can thiệp, đưa lên phòng Thi đua Công ty, chủ yếu làm sáng tác...

(Bài đã đăng trên TÁC PHẨM MỚI số 1/2013)