Thông báo về Lễ tang GS. Nguyễn Lân Tuất

Hội Nhạc sĩ Việt Nam và gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân vô cùng thương tiếc báo tin: Nhạc sĩ NGUYỄN LÂN TUẤT - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học nghệ thuật, Nghệ sĩ Công huân Cộng hòa Liên bang Nga, danh hiệu “Vinh danh nước Việt”, vì mắc bệnh hiểm nghèo đã qua đời vào hồi 14h00 ngày 29 - 04 - 2014 tại Cộng hòa Liên bang Nga, hưởng thọ 80 tuổi. Lễ viếng từ 07h00 đến 09h00 ngày Chủ nhật 11 - 05 - 2014 tại Nhà tang lễ, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Thay mặt gia đình Nguyễn Lân Dũng kính báo.-------------- Nhà thơ Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga; Tổng biên tập tạp chí "Người Bạn Đường" (thuộc Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga), trong đó Thông báo: Tang lễ Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất sẽ được cử hành trọng thể từ lúc 11 đến 12 h (theo giờ Novosbirsk) ngày 01 tháng 5 năm 2014 tại Balsoi Zal của Nhạc viện Novosbirsk.


Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Viện hàn lâm Âm nhạc Tomsk ngày 22 tháng 12 năm 2013

 

(tpm.net): Cách đây 42 phút, BBT. TÁC PHẨM MỚI nhận được thư và bài viết của Nhà thơ Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga; Tổng biên tập tạp chí "Người Bạn Đường" (thuộc Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga), trong đó Thông báo: Tang lễ Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất  sẽ được cử hành trọng thể từ lúc 11 đến 12 h (theo giờ Novosbirsk) ngày 01 tháng 5 năm 2014 tại Balsoi Zal của Nhạc viện Novosbirsk.

Mọi liên hệ, tại Novosibirsk theo số điện thoại: +7.951.361.3832 (anh Ca) và +7.983.510.9613 (Natasa, con gái của GS Nguyễn Lân Tuất). Tại Matxcơva: +7.985.776.3677 (Nhạc sĩ Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội VHNTVN tại LB Nga),  hoặc qua Email của Hội: info@nguoibanduong.net (BBT. TÁC PHẨM MỚI)

Vĩnh biệt Nhạc sĩ, GST.SKH, Nghệ sĩ Công huân Nguyễn Lân Tuất

Theo tin từ gia đình và Hội người Việt Nam tại thành phố Novosibirsk: Giáo sư TSKH, Nghệ sĩ công huân Nguyễn Lân Tuất, Nguyên Chủ nhiệm khoa Lý luận và Sáng tác Âm nhạc thuộc Nhạc viện Novosibirsk, Hội viên Hội Nhạc sĩ Liên Xô, Hội viên Hội Nhạc sĩ Nga, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga... sinh ngày 07-01-1935 tại Huế, vừa từ giã cõi trần để về chốn vĩnh hằng vào hồi 13 giờ ngày 29-4-2014 tại thành phố Novosbirsk, Liên bang Nga, (tức 10 giờ sáng, theo giờ Matxcơva) sau một thời gian mắc bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 80 tuổi.

Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga xin gửi tới gia đình bà quả phụ Svetlana Kurbetova cùng đại gia đình dòng họ Nguyễn Lân tại Việt Nam lời chia buồn sâu sắc nhất. Cầu mong cho GS Nguyễn Lân Tuất được an nghỉ đời đời trong cõi Vĩnh hằng.

Tiểu sử GS  Nguyễn Lân Tuất

GS Nguyễn Lân Tuất sinh ngày 7-1-1935 tại Huế, trong một đại gia đình trí thức. GS. Nguyễn Lân Tuất là con trai trưởng trong số 8 người con của GS.NGND Nguyễn Lân, cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam. 7 người em Nguyễn Lân Tuất  đều là những nhà khoa học có uy tín ở Việt Nam: TS Nguyễn Tề Chỉnh (em gái, đã mất), GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Phó GS.TS Nguyễn Lân Cường, GS.TS Nguyễn Lân Hùng,  Phó GS.TS Nguyễn LânTráng, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó GS.TS Nguyễn Lân Trung. Từ giáo sư Nguyễn Lân, tính đến 3 đời thứ ba, con trai con gái, dâu rể, các cháu, gia đình Nguyễn Lân có gần 20 Giáo sư, phó Giáo sư, tiến sĩ.

Khi ông 11 tuổi, Nguyễn Lân Tuất  theo gia đình lên Việt Bắc. 13 tuổi tham gia Đoàn thiếu nhi nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tổ chức tại chiến khu Việt Bắc. 15 tuổi,  tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và bị thương trong một trận đánh. Lành vết thương, được nhà nước cử sang Trung Quốc học sư phạm  ở Khu học xá Nam Ninh rồi trở về nước làm phiên dịch. Cũng do say mê âm nhạc, năm 1954, sau khi giải ngũ  về làm việc ở Ban Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Tại đây, ông đã sáng tác và dàn dựng nhiều bài hát cho các em thiếu nhi trong nhóm Sơn Ca miền Bắc Việt Nam khi đó.

Tháng 9/1959, ông Nguyễn Lân Tuất được cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận (Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam lúc ấy) cử sang Liên Xô học tập chuyên ngành lý luận âm nhạc tại Nhạc viện L-vốp (Ucraina hiện nay). Sau đó, ông chuyển sang học ngành sáng tác tại Nhạc viện Leningrat.

Ông gặp và yêu cô gái Nga Svetlana Kurbetova, một nghệ sĩ dương cầm sau này trở thành vợ ông. Bà cũng là người đầu tiên biểu diễn các tác phẩm của ông trên sân khấu.

Năm 1961, ông được lệnh về nước để cải tạo tư tưởng (vì lúc đó liên Xô đang diễn ra  "chủ nghĩa xét lại"). Vì tình yêu, ông quyết định ở lại Liên Xô. Có thời gian, ông phải đi trốn. Tại Việt Nam, ông bị xem là "kẻ đào ngũ", bị truy nã và bị yêu cầu dẫn độ về Việt Nam vì tội "theo chủ nghĩa xét lại". Và mãi 30 năm sau ông mới lại được trở về Việt Nam một cách hợp pháp. Ông tốt nghiệp Đại học Âm nhạc tại Nhạc viện Leningrad ngành sáng tác, 1965-1970. Có một thời gian sống và làm việc tại Upha (thủ đô nước CH tự trị Baskira).

Từ năm 1984, ông chuyển về công tác tại Viện Hàn lâm âm nhạc Novosibirsk, nhận quốc tịch Liên Xô và xin gia nhập Hội Nhạc sĩ Liên Xô. Tại Viện Hàn lâm âm nhạc Novosibirsk, ông đảm nhận cương vị Chủ nhiệm khoa Lý luận và sáng tác nhiều năm qua.

Vợ ông, bà Svetlana Kurbetova, nghệ sĩ dương cầm, cũng là nghệ sĩ công huân Liên bang Nga.  Con gái ông, Natalia là nghệ sỹ đàn organ Nhà hát thành phố Novosibirsk. Cháu ngoại ông, Alina tham gia trong một ban nhạc rock của thành phố.

Ngày 21 tháng 9 năm 2009, hai tuần trước khi tròn 75 tuổi, Nguyễn Lân Tuất đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học với đề tài "Sân khấu truyền thống Việt Nam hiện đại" tại Trường Đại học sư phạm Quốc gia Liên bang Nga ở Sankt-Peterburg. Ông là người có tuổi cao nhất bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại học viện này.

Năm 2001, ông được Tổng thống Putin quyết định Phong danh hiệu "Nghệ sĩ Công huân Nga".

Năm 2005, ông được nhận danh hiệu "Vinh danh nước Việt"" do báo Việt Nam net trao tặng.

Năm 2013, ông được phong danh hiệu "Giáo sư danh dự" của Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Novosibirsk.

Hoạt động âm nhạc gần đây nhất của ông, trước khi mất là chỉ huy dàn nhạc biểu diễn tác phẩm của mình trong đêm nhạc "Những giấc mơ đương đại", tại nhà hát giao hưởng tỉnh Tomsk, Liên Bang Nga tối ngày 22 tháng 12 năm 2013. Tại đêm nhạc "Những giấc mơ đương đại", dàn nhạc đã trình diễn những bản nhạc nổi tiếng như: Đêm hè ở Madrid - Glinka M.I., Đêm trên núi trọc - Mussorgsky M.P., Giấc mộng đêm hè - Mendelssohn. Giáo sư - Nghệ sĩ công huân - Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất đã trực tiếp chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Viện hàn lâm Tomsk chơi hai bản giao hưởng của ông là: Giao hưởng số 3 - Giấc mơ trong tù (1989) và Giao hưởng số 4 - Gửi người yêu nơi xa (1995). Xem tin trên Người Bạn Đường:

http://nguoibanduong.net/index.php?nv=News&at=article&sid=7478

Các tác phẩm: Sáng tác chủ yếu của ông là Giao hưởng

- Giao hưởng số 1 Dự cảm nội chiến (1981)

- Giao hưởng số 2 Tổ quốc tôi (1984). Năm 2006 bản giao hưởng “Tổ quốc tôi” đã được 2 đêm liền công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội (do Nhạc trưởng Việt kiều Lê Phi Phi chỉ huy)

- Giao hưởng số 3 Giấc mơ trong tù (1989)

- Giao hưởng số 4 Gửi người yêu nơi xa (1995)

- Đặc biệt gần đây ông đã viết một bản tổng kết cuộc đời mình bằng âm nhạc. Đó là bản giao hưởng số 5 “Đời Nghệ sĩ” viết cho dàn nhạc giao hưởng gồm 3 chương: Chương 1: Tuổi thơ, Chương 2: Tranh đấu và Chương cuối: Định mệnh”....

- Ngoài ra, ông còn sáng tác một số ca khúc gồm lời Nga và lời Việt, trong đó phổ biến nhất là bài “Người con gái Việt”, “Như một cánh diều”, “Biển miền Nam quê hương em” (viết thời kỳ trước khi sang Liên Xô du học)

- Các công trình nghiên cứu: Sân khấu truyền thống Việt Nam.

(NBĐ tổng hợp)