Thư ngỏ của Nhà báo Trần Đăng Tuấn gửi TGĐ tổ hợp truyền thông "Nước Nga ngày nay"
(tpm.net). Sau bài báo xuyên tạc lịch sử Việt Nam trên "Nước Nga ngày nay", Nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng Giám đốc VTV; Tốt nghiệp Khoa Báo chí-MGU khoá 1976-1981, Ngành Truyền hình; Thành viên IATR (Viện Phát thanh Truyền hình Quốc tế - Liên bang Nga)đã gửi thư ngỏ đến TGĐ tổ hợp truyền thông “Nước Nga ngày nay”. Bức thư được đăng trên VTC News.
Thưa ngài Киселёв, Дмитрий Константинович (Kisiliov Dmitri Konstantinovitr)
Lý do tôi viết bức thư ngỏ này gửi đến ông là bài viết "Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi thông báo”của tác giả Dmitri Kosyrev" đăng trên trang điện tử RIA Novosti ngày 19/5/2014.
RIA Novosti từng là một trong những hãng tin lớn nhất Liên Xô/LB Nga. Ngày 09/12/2013 Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh giải thể RIA Novosti và thành lập hãng tin quốc tế Rossiya Segodnya (МИА "Россия сегодня") trên cơ sở RIA Novosti và Đài Tiếng nói nước Nga.
Mỗi dòng, mỗi chữ liên quan đến Việt Nam có trong bài báo của Kosylev đều khiến độc giả Việt Nam bị tổn thương sâu sắc - đặc biệt là với những ai gần gũi với gắn bó với nước Nga - trong đó có tôi (Căn cứ vào những thông tin về tác giả, thì tôi và Kosyrev hầu như cùng thế hệ, cùng học tập tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva - MGU, và từ nơi tôi học – Khoa Báo chí, chỉ cách vài bước chân là Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi của ông Kosyrev từng học)
Sau khi nội dung bài báo được dịch ra tiếng Việt, tôi thấy khó khăn khi nhìn vào ánh mắt đồng bào tôi, bởi lẽ tôi đọc trong mắt họ câu hỏi lớn: Tại sao?
Vâng- Tại sao trên trang của cơ quan truyền thông lớn bậc nhất của nước Nga lại có những lời lẽ sai lệch, xúc phạm đến thế về lịch sử của Việt Nam.
Tại sao lại có sự so sánh khiên cưỡng, thiên kiến đến thế khi nhìn nhận sự việc diễn ra với Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Tại sao vào lúc người Việt Nam chúng tôi cần những người hoà giải để tránh những tai hoạ có thể đo bằng xương máu, lại nghe thấy những lời lẽ thiếu thiện chí như thế, và xét về tác động chính trị (nếu có) là nguy hiểm.
Tiện thể, những lời thiếu thiện chí về Việt Nam xưa nay cũng đã vang lên, nhưng hầu như người ta chưa nghe thấy nó vang lên bằng tiếng Nga.
Xét đến cùng, ai cũng cần có bạn bè, nhưng tại sao phải minh chứng cái cần thiết của một quan hệ mới bằng cách phủ nhận tình bạn cũ? Đó là điều xa lạ với tính cách của cả người Nga và người Việt.
Người ta có thể sững sờ vì qua bài viết thấy tác giả hoàn toàn thiếu kiến thức về Việt Nam, hoàn toàn không hiểu bản chất sự việc đang diễn ra , hoàn toàn không biết nguyện vọng của người Việt Nam muốn gìn giữ hoà bình.
Có thể ngài- Дмитрий Константинович (Dmitri Konstantinovitr), sẽ giải thích rằng bài báo chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả. Lời giải thích đó cũng có thể coi là hợp lý.
Nhưng tình cảm giữa người dân, giữa hai dân tộc chúng ta quá lớn và quý báu, nên chúng ta-những người làm báo- không nên coi nhẹ những gì có thể phủ bóng đen lên những tình cảm đó.
Vì vậy, viết thư này, tôi muốn ông chuyển đến Kosyrev lời mời hãy cùng chúng tôi có cuộc thảo luận công khai, thẳng thắn, rõ ràng và bình tĩnh về những luận điểm liên quan đến Việt Nam có trong bài viết nói trên của ông ấy.
Thảo luận đó có thể ở hình thức thuận tiện, rộng rãi trong khuôn khổ các khả năng to lớn của phương tiện thông tin đại chúng hiện nay. RIA Novosti và VTC News có thể giúp tổ chức cuộc thảo luận này, để đông đảo người đọc Nga và Việt Nam chứng kiến.
Ở Việt Nam có đủ người thông thạo tiếng Nga để các ý kiến được chuyển tải đến người đọc Nga và Việt Nam một cách thuận tiện nhất.
Xin gửi tới ông lời chào trân trọng.
TRẦN ĐĂNG TUẤN