“Thật xót xa cho kỳ nghỉ hè của học sinh Việt Nam"
Nguồn: Việt Nam net “Chúng ta có sai lầm khi biến kỳ nghỉ hè thành kỳ học thứ ba của con cái mình?”-Tiến sĩ tâm lý học lứa tuổi trẻ em Nguyễn Lệ Hằng – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghi ngại khi chia sẻ cùng VietNamNet về câu chuyện mùa hè của học sinh Việt Nam.
Cảm xúc thì không thể “ăn đong” theo mùa
Phóng viên: Những năm gần đây, kỳ nghỉ hè của các em học sinh Việt Nam, đặc biệt là các em học sinh ở thành phố, đã trở thành "kỳ học thứ 3". Dưới góc độ là một nhà khoa học nghiên cứu về tâm lý giáo dục trẻ em, chị nghĩ sao về hiện tượng này?
TS Nguyễn Lệ Hằng: Tôi cảm thấy rất thương và xót xa cho trẻ em Việt Nam.
Mùa hè của thế hệ chúng tôi rất sung sướng vì hoàn toàn không phải đến trường và được chơi rất nhiều. Sau này, những ký ức đẹp nhất đọng lại chính là những kỷ niệm ở vùng nông thôn được sống với thiên nhiên.
Phụ huynh ngày nay thường nghĩ, vào mùa hè, chỉ cần cho con cái đi nghỉ một vài ngày ở biển hoặc núi là ổn rồi.
Nhưng một vài ngày không thể tạo nên một ký ức sâu sắc. Thời gian của tuổi thơ trôi đi rất nhanh mà trẻ em không có ký ức về thiên nhiên thì phần nhân bản trong con người sẽ phát triển khó khăn.
Tôi nghĩ, hầu hết các bậc cha mẹ biết và hiểu điều đó, nhưng vì mưu sinh, không thể bỏ nhiều thời gian để “theo” con suốt mấy tháng hè.
Thứ đến là sức ép học đường đè nặng lên vai con trẻ và cả bố mẹ dường như không ngơi nghỉ. Chính những sức ép này đặt bố mẹ và con trẻ trong một cuộc đua.
Không “ép” con trẻ đi học thêm văn hóa thì các bậc cha mẹ lại đăng ký cho con cái đi học những lớp năng khiếu múa, nhạc, họa, hát rồi giao tiếp ứng xử, thuyết trình, khám phá nội tâm, yoga… Phải chăng đó cũng là một cách tạo cho con cái một mùa hè hữu ích?
Phụ huynh thường chỉ nghĩ tới điều mà con họ SẼ LÀ, hơn là cóp nhặt từng ngày, từng giờ hiện tại cho những cái mà con họ ĐANG LÀ.
Bản thân đứa trẻ khi đặt ngón tay chơi trên một phím đàn thì phải cảm nhận những âm thanh đó tương đương với những âm thanh nào ngoài cuộc sống hoặc nếu vẽ một bức tranh đẹp thì phải được trải nghiệm từ thế giới sinh vật về màu sắc, hình dáng, tính thích nghi, sự hợp lý trong cấu trúc.
Muốn làm được tất cả những điều này thì đứa trẻ phải có một nền tảng về cảm xúc, mà cảm xúc thì không thể học “ăn đong” theo mùa như thế được.
Cũng có nhiều bậc cha mẹ muốn đưa con cái về quê nghỉ hè cùng ông bà hoặc xin nghỉ làm đưa con cái đi về vùng nông thôn, ngoại ô khám phá tự nhiên nhưng có nhiều cháu lại không thích, thậm chí bị sốc với cuộc sống đó?
Đó là điều đương nhiên vì xuất phát từ thói quen mà thói quen là những thứ rất khó chữa, thói quen lập trình ở tuổi thơ lại càng khó hơn.
Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên và đi học, suốt ngày ngồi quanh bốn bức tường, không tường nhà thì là tường trường học, trước mắt nó không là ti vi thì sẽ là máy tính hoặc cái bảng.
Cứ liên tục, liên tục như thế và sẽ đến lúc nào đó, nó sẽ không còn cảm xúc ở ngoài bốn bức tường đó nữa và cũng không có nhu cầu khám phá thế giới bên ngoài bức tường ấy.
Và đến một lúc nào đó, việc gia đình có một trang trại trở nên thừa thãi vì đứa trẻ không có nhu cầu.
Nếu muốn tìm hiểu tự nhiên ư? Chỉ cần bật máy tính hay ti vi xem thế giới tự nhiên qua Discovery.
Chúng ta đang rất lầm tưởng việc cảm nhận thiên nhiên qua màn hình với việc cảm nhận thiên nhiên bằng cả năm giác quan khi từng tế bào của cơ thể có thể thụ hưởng được sự chuyển màu của một cái cây, hướng bay của một làn gió, quá trình lột xác của một con bọ ngựa…
Sống với thiên nhiên là con đường nhân bản
Vì sao việc cho trẻ em tiếp xúc với thiên nhiên lại là một trong những nguyên tắc giáo dục quan trọng như vậy?
Trong sự phát triển của trẻ em về mặt tâm lý thì thiên nhiên là người thầy vô hình quan trọng nhất.
Điều mà tôi có thể tự hào một chút là đã coi thiên nhiên như một nguồn lực để dạy hai đứa con và thực lòng có kết quả rất tốt.
Khi đứa trẻ có nhiều ngày được sống với thiên nhiên, để đời sống của đất, của nước, của châu chấu cào cào đi vào trong tâm trí một cách vô thức thì đó là con đường hết sức nhân bản.
Con gái tôi đã rất ngạc nhiên khi cháu theo dõi quá trình lột xác của một con bọ ngựa và cháu cũng rất đau khổ khi con vật mình nuôi bị chết. Khi biết đồng cảm với những sinh linh bé nhỏ thì chúng sẽ biết yêu thương và quí trọng đồng loại xung quanh mình.
Với những đứa trẻ không được trải nghiệm điều đó thì cảm giác dửng dưng sẽ dễ phát triển thành một thói quen vô cảm.
Với những gia đình không có điều kiện thì có những kinh nghiệm gì có thể đưa con cái họ đến với con đường nhân bản này?
Họ có thể mang cây vào và tự gieo trồng, chăm sóc.
Mỗi cuối tuần, họ có thể đem con đến công viên hoặc vùng ngoại ô để cho chúng nghe được những tiếng chim, tiếng gió thổi, ngửi hương thơm của các loại hoa, khám phá hương vị của các loài cỏ dại, cho chúng chạm tay vào những vỏ cây xù xì, thô ráp hay tìm hiểu về đời sống của các con côn trùng trong bãi cỏ, các con thú trong vườn thú…
Muốn giáo dục con cái theo một con đường nhân bản không hề khó, vấn đề là các bậc cha mẹ dành bao nhiêu thời gian để làm điều đó và thực hiện chúng vào thời điểm nào?
Nhưng dường như việc kiếm tiền, mua nhà, sắm ô tô, tạo dựng một đời sống vật chất sung túc... chiếm toàn bộ thời gian sống của các bậc cha mẹ?
Những ngôi nhà, những chiếc ô tô, hay tiền thì có thể thay đổi nhưng con cái là tài sản vĩnh viễn. Vậy tại sao, chúng ta không dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất rồi tặng tuyệt phẩm đó cho cuộc đời?
Nếu là cha mẹ của một đứa trẻ 1 tuổi thì cũng phải học làm cha mẹ của một đứa trẻ 1 tuổi, làm cha mẹ của một người lớn 30 tuổi thì cũng phải học làm cha mẹ của người lớn 30 tuổi. Nhưng các bậc cha mẹ VN không có thói quen đó.
Nhiều người nghĩ rằng cha mẹ là quyền lực đối với con cái và con cái chính là tài sản sở hữu nên thường bắt con cái phải làm thế này, thế kia, hoặc theo cách hay, cách khác một cách áp đặt.
Nhiều lúc tôi thường tự hỏi, mỗi ngày các bậc cha mẹ dành cho con cái bao nhiêu thời gian và họ thường nói với con cái mình những câu chuyện gì?
Có những bậc cha mẹ sẽ không nghĩ như vậy. Họ nghĩ rằng họ đã lao vào mưu sinh vất vả như thế là để cho con một đời sống đầy đủ, là sự bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi mà họ đã phải gánh chịu. Đó cũng là một lý do chính đáng và có thể chấp nhận?
Đó chỉ là một cuộc sống sung sướng trong một hoàn cảnh thiệt thòi. Sung sướng về vật chất nhưng thiệt thòi, bất hạnh về mặt tinh thần.
Nếu quan sát bạn sẽ thấy hầu như các gia đình từ thành phố đến nông thôn hiện nay đều ăn cơm với một chiếc ti vi.
Mồm ăn, mắt nhìn dường như để đỡ phải nói chuyện với nhau. Ăn cơm xong thì con cái ở rịt trong phòng với thế giới riêng của nó.
Và vô hình trung, những việc mà chúng ta đang coi là bình thường đang biến ngôi nhà chúng ta đang ở trở thành một chỗ trọ, con cái và cha mẹ là khách trọ, lúc nào cũng phải đoán ý nhau để sống.
Theo tôi, lỗi này trước hết thuộc về bố mẹ, vì đáng ra cha mẹ phải là những người mở lòng trước tiên, phải học cách lắng nghe và trưởng thành cùng với sự trưởng thành của con cái.
Với các bậc cha mẹ phương Tây, họ rất đắn đo khi đẻ một đứa trẻ vì kèm theo đó là một gánh nặng các trách nhiệm nuôi dạy con cái trở thành một công dân tốt.
Nhưng ở VN, tôi thấy quan niệm về con cái dường như còn đơn giản khi có những người vẫn nghĩ đẻ con như một cách để duy trì nòi giống, rồi là chỗ dựa lúc về già.
Cả nhà trường, gia đình và xã hội đang bắt những đứa trẻ đi vào con đường mà khi đi ra sẽ là con người đúng như bộ mặt của nhà trường, gia đình, xã hội đó.
Xây một ngôi nhà vô cùng khó khăn thì xây con người còn gấp vạn lần khó khăn hơn. Ngôi nhà đẹp mà đứa con hư thì chẳng có nghĩa gì nữa. Còn nếu chúng ta có những đứa con ĐẸP thì ở trong nhà mái tranh cũng thấy đẹp, đó chính là tầm nhìn của chúng ta trong quá trình nuôi dạy con cái.
Tin cùng chuyên mục
Chơi sang
22/04/2014
Người mẹ nghìn con
20/04/2014
Từ Philippines, nghĩ về nỗi nhục nghèo hèn
19/04/2014
Đất nước cần con đường ngay thẳng
18/04/2014