Khát phim về ẩm thực Việt Nam
Giáo sư Philip Kotler - chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới, khi nếm thử các món ăn Việt Nam đã đưa ra lời khuyên "Hãy biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới". Lời khuyên ấy cho thấy giá trị và sức hấp dẫn của ẩm thực Việt. Tiếc thay, các nhà làm phim nước ta lại không mặn mà với chủ đề ẩm thực trong khi điện ảnh là kênh quảng bá hiệu quả nhất.
Cảnh trong phim "Bếp trưởng tới".
Lên sóng truyền hình vào ngày 10/10 vừa qua, series "Bếp trưởng tới" được coi là bộ phim Việt hiếm hoi khai thác chủ đề ẩm thực. Bộ phim xoay quanh hành trình vào nghề của cậu thanh niên Kỳ Hải. Được nhận vào làm ở một nhà hàng sang trọng, Kỳ Hải nuôi ước mơ trở thành một bếp trưởng nổi tiếng. Nhưng đời không như là mơ. Mới chân ướt chân ráo đi làm phụ bếp, cậu đã bị "lên bờ xuống ruộng" vì vị bếp trưởng khó tính và dàn đồng nghiệp láu cá, ưa cà khịa.
Ngoài truyền tải khát vọng của những người trẻ qua lăng kính hài hước, "Bếp trưởng tới" còn lôi cuốn người xem bởi những món ăn mới mẻ mà đậm chất Việt. Hơn 20 món ăn lấy cảm hứng từ ẩm thực cung đình nhưng biến tấu theo phong cách chế biến hiện đại được đưa vào phim. Nổi bật nhất có thể kể đến các món như Phú Thọ Viên, Kình Ngư Thưởng Nguyệt, Phượng Hoàng Đản, Ngũ Phúc Thuỷ Tinh... Các món ăn do ban cố vấn chuyên môn (gồm bốn đầu bếp danh tiếng Võ Quốc, Tommy Trần, Huỳnh Hoàng Sin và Thu Hương) hỗ trợ ekip làm phim. Đạo diễn Văn Công Viễn và ekip kỳ vọng sẽ quảng bá được nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam đến với công chúng.
Sự xuất hiện của "Bếp trưởng tới" khiến công chúng kỳ vọng các dự án phim đi sâu đề tài ẩm thực sẽ lên sóng nhiều hơn. Trong văn học, ca dao, tục ngữ, món Việt được đưa vào miêu tả rất nhiều thì phim truyền hình hay điện ảnh về ẩm thực Việt - một kênh tiếp thị hiệu quả bởi thông qua cốt truyện, cách diễn xuất của diễn viên, người xem nhanh chóng cảm thụ được tinh hoa của món ăn thông qua cách chế biến, màu sắc và hương vị món ăn… - lại quá hiếm hoi.
Cho đến nay, hình ảnh món Việt trong phim vẫn chỉ là điểm xuyết, là "nhân vật phụ" làm nền cho câu chuyện chính. Đơn cử như "Mùi đu đủ xanh" có món gỏi đu đủ, "Trăng nơi đáy giếng" là sự tinh tế và cầu kỳ trong món ăn Huế, "Thưa mẹ con đi" là món canh chua miền Nam... Chỉ điểm xuyết thôi mà người ta đã thấy ẩm thực Việt đặc sắc, mộc mạc biết nhường nào. Tiếc thay, ngay cả những phim có "nhân vật phụ" xuất sắc như thế cũng quá hiếm hoi. Đa số ẩm thực trong phim Việt vẫn chỉ dừng lại ở mức xuất hiện cho có trong bữa cơm, thậm chí sơ sài, qua loa đại khái.
Những bộ phim lấy ẩm thực làm "nhân vật chính" chỉ đếm trên đầu ngón tay và khi chiếu xong, hầu như không đọng lại dấu ấn gì. Sau phim "Mùi ngò gai" nói về phở ra đời năm 2006, tạo được tiếng vang, không có thêm bộ phim nào gây nhiều ấn tượng. Phim điện ảnh "Kungfu phở" cũng xoay quanh nghề nấu phở nhưng tác phẩm bị chê thậm tệ vì kịch bản nhiều sạn, diễn xuất khiên cưỡng. Bộ phim "Bếp hát" trên VTV không ghi được nhiều dấu ấn về ẩm thực mà chỉ quẩn quanh chuyện tình ái, ca hát nhạt nhẽo.
Remake từ bộ phim đình đám của Hàn Quốc, "Vua bánh mì" phiên bản Việt nhanh chóng bị quên lãng vì những món bánh chẳng lấy gì thuần Việt. Hiếm hoi chỉ có "Chàng dâng cá, nàng ăn hoa" của đạo diễn Phan Đăng Di là phim được đánh giá cao khi trình chiếu trên kênh HBO và một số nền tảng chiếu phim trực tuyến ở nhiều quốc gia, khu vực. Khán giả xem phim được no mắt với những món ăn Việt Nam như phở, tào phớ, lẩu hoa, lẩu rau, xôi gà... Dự án nằm trong loạt phim Food Lore (Truyền thuyết ẩm thực) về đề tài ẩm thực do kênh HBO đặt hàng các nhà làm phim đến từ 8 quốc gia châu Á.
Cảnh trong phim "Chàng dâng cá, nàng ăn hoa" của đạo diễn Phan Đăng Di.
Cầm trịch "Bếp trưởng tới", đạo diễn Văn Công Viễn thừa nhận làm phim về ẩm thực là thách thức khó khăn mà các nhà đầu tư ít mặn mà. So với dòng phim kinh dị, hài hước, tình cảm đơn thuần, phim ẩm thực là cuộc chơi mạo hiểm vì khá kén khán giả, trong khi vốn đầu tư khá lớn và cần sự tư vấn chuyên ngành. Nhiều người lầm tưởng ekip chỉ quẩn quanh quay nơi căn bếp thì đỡ chi phí nhưng thật ra chi phí nằm ở chính các món ăn đạo cụ. Trong "Bếp trưởng tới", có món "gánh" giá nguyên liệu lên đến 50 triệu đồng! Để quay đi quay lại, đầu bếp phải thực hiện một món nhiều lần vì món ăn để lâu thì dễ xuống màu, mau hư...
"Khó nhất là phần hình ảnh của phim, làm sao để khán giả vừa thấy món ăn đẹp, vừa tưởng tượng ra mùi vị của món ăn. Những ngày quay món ăn, chúng tôi rất vất vả, quay 20 tập phim thôi mà tôi tưởng như mình mới làm chục bộ phim điện ảnh. Cảnh quay món ăn sử dụng kỹ thuật slow-motion như TVC quảng cáo. Những máy móc, kỹ thuật quay này khá tốn kém, chúng tôi cũng tìm thêm nhiều thủ thuật để làm sao món ăn lên hình đẹp mắt nhất có thể" - đạo diễn Văn Công Viễn cho biết.
Chưa kể để diễn xuất chân thực, dàn diễn viên có liên quan đến phân cảnh nấu nướng phải mất một tháng đi học cách gọt rau quả, xóc chảo, phi lê cá... Phim phải có sự cố vấn, hỗ trợ của đầu bếp chuyên nghiệp.
Cái khó thứ hai của phim ẩm thực chính là nguồn kịch bản. Làm sao để câu chuyện chính và các món ăn liên kết với nhau thành một nội dung kịch tính, hấp dẫn và tinh tế. Điều đó đòi hỏi nhà biên kịch phải am hiểu các món ăn, có tài kết nối khéo léo để vừa tôn vinh giá trị của món ăn đó, vừa kể một câu chuyện thật hay, đầy ý nghĩa nhân văn. Thực tế, chúng ta đang "khát" những kịch bản như thế. Theo các nhà biên kịch gạo cội, thật ra không khó để biên kịch viết về những đề tài này. Cái khó nằm ở nhà sản xuất. Khi nhà sản xuất không chủ động đặt hàng, không có đầu ra thì không biên kịch nào dám viết vì họ còn tính tới miếng cơm manh áo.
Nhiều năm nghiên cứu về ẩm thực truyền thống, Tiến sĩ Nguyễn Nhã - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, cho rằng ẩm thực Việt rất phong phú và dễ chọn lựa bởi có trên 3.000 món ăn và hàng trăm loại nước chấm. Ông cho rằng đặc trưng cơ bản nhất của món ăn Việt đó là cái ngon và lành luôn gắn kết với nhau.
"Ngon ở hương vị còn nguyên chất. Còn lành trong cách chế biến, thực phẩm tươi sống. Lành của món ăn Việt còn thể hiện ở sự hài hòa âm dương. Món ốc, trứng vịt lộn mang tính hàn thì luôn đi kèm với những thứ cay, mang tính nồng như sả, ớt hay rau răm. Các món ăn, thức uống đôi khi như một thứ thuốc trị liệu nhanh chóng trị được nhiều bệnh như bát nước vối, chè xanh… Song song đó, ẩm thực Việt còn có những đặc trưng như: tính ít mỡ, nhiều rau; tính tổng hòa, nhiều chất nhiều vị..." - Tiến sĩ Nguyễn Nhã đánh giá.
Bếp trưởng người Mỹ Geoffey Deetz từng cho rằng khi thế giới đang có nhiều người mắc bệnh từ việc ăn uống thì ẩm thực Việt là một thực đơn độc đáo, lành mạnh góp vào nền ẩm thực thế giới. Tuy nhiên, so với ẩm thực của các nước trong khu vực như ẩm thực Nhật, Hoa, Thái, Ấn, Indonesia, ẩm thực Việt hiện nay vẫn lép vế và có phần đơn điệu trong mắt người nước ngoài.
Nhắc tới Việt Nam, họ chỉ biết được vài món như phở, nem cuốn. Trong khi đó các món ăn truyền thống của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc..., họ có thể thuộc làu làu bởi nó quá quen thuộc trên màn ảnh. Các nước luôn có những siêu phẩm điện ảnh về ẩm thực như: "Nàng Dae Jang Geum" hay "Chiến tranh Kim Chi" của Hàn Quốc; "Julie & Julia" (Pháp), Jiro Dreams of Sushi (Nhật); The God of Cookery (Trung Quốc)… luôn khiến người ta náo nức muốn đến nước đó và thưởng thức ngay. Hàn Quốc là một trong số những nước tận dụng hiệu quả sức mạnh mềm của quốc gia, đó chính là điện ảnh, để quảng bá văn hóa ẩm thực đất nước.
Để ẩm thực Việt vươn ra biển lớn và xa hơn là biến giấc mộng "cái bếp của thế giới" trở thành hiện thực, rõ ràng sự đồng hành của nghệ thuật thứ bảy là điều cấp thiết. Và nói như đạo diễn Lương Đình Dũng, với chiến lược mang tính quốc gia này, nhà nước cần hỗ trợ nhà làm phim bằng các chính sách đặt hàng.
Nguồn: Phan Thi Uyên https://vnca.cand.com.vn/