Đâu rồi, phim chính luận?...
Những năm gần đây, chương trình phim truyện của Đài truyền hình Việt Nam và đài PTTH các địa phương đa số là phim đề tài gia đình. Vậy, dòng phim chính luận với nội dung phản ánh các vấn đề có tính thời sự về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng, v.v. vì sao vắng bóng?
Cảnh trong phim “Đất và người” - một trong nhiều bộ phim phản ảnh hiện thực nông thôn Việt Nam - phát sóng năm 2002, đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều khán giả màn ảnh nhỏ. (Ảnh chụp qua màn hình).
So với giai đoạn trước đây, phim truyện truyền hình Việt Nam (chủ yếu là phim của VFC, Đài THVN) đã có bước tiến rất dài. Một trong sự tiến bộ đó bắt đầu từ khâu kịch bản và diễn xuất của diễn viên. Bên cạnh cái được thuộc về kĩ thuật làm phim, đó sự thiếu vắng dòng phim chính luận đã từng tạo ra sức hút lớn đối với khán giả màn ảnh nhỏ.
Đài Truyền hình Việt Nam đã từng có những bộ phim chính luận được chiếu trên “giờ vàng” của VTV1 được đông đảo khán giả yêu thích như “Chuyện làng Nhô”; “Đất và người”; “Người vác tù và hàng tổng”; “Ma Làng”, "Chủ tịch tỉnh” v.v. Đột nhiên, dòng phim này bị dòng phim gia đình lấn át. Phải công nhận rằng, nhiều bộ phim truyện truyền hình về đề tài gia đình dài tập chiếu trên VTV1 gần đây khá hấp dẫn, nhiều cảnh gây xúc động như “Về nhà đi con”; “Hướng dương ngược nắng”; “Hương vị tình thân”, “Thương ngày nắng về” v.v. tuy vẫn còn nhiều “sạn”, nhiều chi tiết vô lí, ngớ ngẩn; lắm cảnh nghe lén, thậm chí chuyện trong buồng ngủ cũng có thể bị nghe lén...
Tuy nhiên, xem quá nhiều “phim gia đình”; nhiều phim có biểu hiện “câu giờ” dài lê thê khán giả đã thấy nhàm, chán nản. Tự hỏi, chẳng lẽ, nền điện ảnh Việt Nam chỉ quẩn quanh chuyện gia đình, chuyện ngoại tình, chuyện hiểu nhầm, chuyện tranh giành quyền thừa kế, chuyện tình tay ba với những tình tiết éo le? Biết bao nhiêu chuyện bức xúc; biết bao thân phận của người dân ở nông thôn, ở các doanh nghiệp sao không thấy trên phim ảnh?
Điều đáng báo động ở đây là hầu hết các phim nằm trong mảng đề tài gia đình đưa lên truyền hình gần đây đều là sự “Việt hoá” kịch bản của nước ngoài chủ yếu là Hàn Quốc, một ít của Trung Quốc, cùng với một phim về xã hội đen của Ítxaren là “Người phán xử”.
Bộ phim truyền hình dài tập "Thương ngày nắng về" được mua bản quyền và làm lại từ phim truyền hình Mother of Mine của đài KSB. (Ảnh st)
Có phải hiện nay ở Việt Nam thiếu kịch bản phim chính luận đến nỗi các nhà sản xuất phim phải đi mua kịch của nước ngoài? Nhà văn Nguyễn Hiếu, sau khi đọc Tuyển tập kịch bản phim truyện của nhà biên kịch Bùi Xuân Thảo, chia sẻ: “Đọc 5 kịch bản của Bùi Xuân Thảo tôi lấy làm lạ! Vì sao những kịch bản hay và nhất là thuần Việt đầy hấp dẫn người xem thế này mà chưa được các nhà làm phim sử dụng? Sức hấp dẫn vì cả 5 kịch bản đều là những mảng hiện thực sôi động của xã hội Việt Nam đương đại lại được viết với bút pháp chân thực và hài hước. Tôi đồ rằng, 5 kịch bản này chưa lên được phim vì sự lười đọc của các nhà làm phim. Chính sự lười này nên việc “Việt hoá” kịch bản phim nước ngoài trở thành cứu cánh, trong khi nó chỉ được coi là “giải pháp chữa cháy” (chữ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều). Vô tình sự Việt hoá kịch bản phim nước ngoài đã trở thành sự tiếp tay cho nền phim “vong quốc nô” tự nguyện thành nô lệ văn hoá nước ngoài”!.
Sự né tránh phản ánh hiện thực trung tâm của xã hội luôn luôn được người xem quan tâm đã và đang làm nền sân khấu nước ta bị khán giả quay lưng so với thời Xuân Trình và Lưu Quang Vũ với những kịch bản dám nhìn thẳng vào thực tế xã hội. Cũng tương tự như vậy, nếu các nhà làm phim truyền hình quá nặng về sự dễ dãi lấy việc “Việt hoá” kịch bản phim nước ngoài sẽ sớm muộn phim truyền hình sẽ bị khán giả gạt bỏ. Đó là chưa kể trình độ làm phim truyền hình của nước ta cũng từ đó lâm vào tình trạng xuống dốc toàn diện từ khâu chọn đề tài, viết kịch bản và xử lý kịch bản. Tất nhiên phim về đề tài gia đình cũng là một mảng quan trọng trong nền phim truyền hình cũng như phim điện ảnh song phim chính luận, hay nói đúng hơn là phim về đề tài xã hội nóng bỏng hơn bao giờ hết cần được coi trọng trong giai đoạn hiện nay khi Tổng Bí thư Đảng ta đã tiên phong đốt lên ngọn lửa chống tham nhũng, lấy lại sự công bằng cho người dân.
Nhà văn Nguyễn Như Phong, nhà biên kịch nổi tiếng với loạt phim “Chạy án” viết kịch bản phim chính luận “Đặc biệt nguy hiểm” hàng nghìn trang không nơi nào dựng. Nhà văn Đào Trung Hiếu suốt 2 năm chuyển thể tiểu thuyết “Bão ngầm” với khoảng 2 nghìn trang, chờ hơn 2 năm, may có ông anh kết nghĩa đầu tư để làm phim cùng tên (Bão Ngầm) mà chúng ta mới xem trên VTV1.
Tôi nhớ, hồi nhà văn Thuỳ Linh làm ở Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) là giai đoạn các tác phẩm văn học được đưa lên phim nhiều nhất và được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Những phim “Mùa lá rụng trong vườn” (chuyển từ tiểu thuyết của Ma Văn Kháng”, “Sóng dưới đáy sông” (chuyển từ tiểu thuyết của Lê Lựu), “Chuyện đột ngột của làng ven sông” và “Bốn bước đến chân trời” (chuyển tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu)… Là những phim được khán giả đánh giá cao. Tiếp liền giai đoạn này là sự ra đời của hàng loạt phim chính luận chúng tôi điểm ở trên đã thực sự mang lại sức hấp dẫn đối với người xem. Phải chăng, sự mất vị trí của văn hoá đọc đã lan đến các nhà làm phim? Phải chăng, sự né tránh phản ánh đề tài gai góc đã khiến các nhà làm phim truyền hình lảng tránh phim thuộc dòng phim chính luận.
Chúng tôi có thể khẳng định, kịch bản phim chính luận của Việt Nam không thiếu! Nếu Hội Điện ảnh và các “nhà đài” có chủ trương tìm kiếm kịch bản phim chính luận bằng cách quay về văn chương nước ta gần đây thông qua các tác phẩm được giải của các cuộc thi “vì an ninh tổ quốc, vì bình yên cuộc sống”, cuộc thi văn chương “nông thôn thời hội nhập”… với các tiểu thuyết, truyện ngắn của Bắc Sơn, Phạm Ngọc Chiểu, Tôn Ái Nhân, Nguyễn Hiếu… Để chắc chắn hơn trung tâm phim truyền hình mở các trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi có định hướng đề tài thì chắc chắn càng không thiếu kịch bản hay!
Vậy, vì sao phim chính luận vắng bóng? Các nhà sản xuất phim không chịu tìm và đọc kịch bản chỉ là một lí do. Nhà văn Nguyễn Như Phong chia sẻ với tôi: Đề tài chính luận, ngoài nỗi lo về sự đụng chạm còn nhiều lo khác, như lo tìm bối cảnh, di chuyển xa, chi phí lớn... tốn rất nhiều công sức, tiền bạc. Chi bằng cứ đề tài gia đình cho nó lành; cứ lấy bối cảnh là nhà hàng, khách sạn... vừa không phải mất công di chuyển xa, tốn kém, vất vả; biết đâu lại thêm tiền quảng cáo của nhà hàng, khách sạn...
Sự thờ ơ với dòng phim chính lận còn do nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lí của các cơ quan quản lí nhà nước và lãnh đạo các “nhà đài” về nghệ thuật! Nhưng dù các nhà đài, các nhà sản xuất phim vì một cách làm phim dễ dãi, “bóc ngắn cắn dài” chạy theo dòng phim gia đình “chẳng ảnh hưởng đến ai” thì sớm muộn, công chúng sẽ dần chối bỏ bởi sự nhàm chán và thiếu những giá trị thẩm mĩ. Và, nhất là ở các kịch bản nước ngoài được “Việt hoá” là một sự không phù hợp về văn hoá, lối sống giống như “cầm móng sết để và cơm nguội” là vậy.
Tác giả bài viết: Cao Thâm