NGUYỄN QUANG THIỀU TỪ GIẤY SANG TOAN

Từ giấy sang toan, tức là từ viết sang vẽ là cả một khoảng cách, lâu bằng từ văn minh đến hang động. Viết thì từ mắt xuống đến mồm, có khoảng hơn chục cm, mà vẽ thì từ mắt tới tay, dài cỡ 100 cm, gấp 10 lần. Cho nên trong ngôn chưa chắc đã có họa, nhưng trong họa thì chắc chắn có ngôn. Từ giấy sang toan có người thành công, có người thất bại. Ví dụ về sự thất bại là bác Đỗ Chu. Hồi những năm 80 của thế kỉ trước, chúng tôi ngồi nghe bác nói chuyện còn thích hơn vào rạp xem phim tình cảm. Sách của bác do Nhà nước in, toàn đóng dấu thư viện. Mỗi lần tôi rụt rè đề nghị bác kể lại một trong những truyện ngắn bác viết, thì bác đều lắc đầu, bảo phải tìm sách mà đọc, không kể lại được. Về sau mua được những cuốn “Hương cỏ mật”, “Phù Sa”, “Đám cháy trước mặt”, “Vòm trời quen thuộc”… về đọc, thấy chả có gì để kể lại thật. Nhưng bác viết tùy bút thì kinh hồn. Những tập “Tản mạn trước đèn”, “Thăm thẳm bóng người” mới thực sự văn tài Đỗ Chu. Chả trách bác độc quyền thống trị tùy bút giao thừa trên làn sóng ĐTNVN hàng thập kỉ liền, từ những năm 70, 80 của thế kỉ trước, đến giờ vẫn chưa thấy ai có thể thay thế. Vậy mà khi bác chuyển sang vẽ vời, say mê vẽ vời thì chưa thấy bức tranh nào ra hồn (hay là bác giấu kĩ cho đời sau thì không biết). Chính tôi, kẻ đang viết những dòng này từng ngồi làm mẫu cho bác ấy vẽ cả tuần liền, vẽ rồi lại bôi, bôi rồi lại vẽ… mà con khỉ vẫn hoàn con khỉ, chả thấy tiến hóa lên thành người tý nào. Tôi nghi ngờ học thuyết tiến hóa của Đác Uyn từ dạo đó.
Một người viết văn, tầm cỡ văn hào thời sản hậu như bác Đỗ Chu, vừa không ngại lăn xả vào chuyện khen chê thị phi… vừa sở hữu lối phát ngôn của một bậc trưởng lão, có ảnh hưởng đến cả những giải thưởng hàng đống tiền, như giải thưởng Nhà nước và giải thưởng HCM về VHNT, khiến không ít kẻ hớn hở, cũng nhiều người ôm hận… thì dẫu có vẽ nguệch ngoạc, xấu mấy cũng có khối anh khen, như kiểu khen ông vua cởi truồng, hay bỏ ra mấy tỉ mua tranh của ông tướng nọ, chỉ cốt để nịnh, chứ không phải vì tranh... Nhưng đến nay, hình như chưa có lời tán tụng nào về tranh của Đỗ Chu thì khéo bác ấy thất bại trên toan thật.
Thi sĩ Nguyễn Quang Thiều thì khác. Nguyễn Quang Thiều là người cả nghĩ, cuộc đời lúc nào cũng như những trang sách đang mở trước mặt và ông chăm chú đọc, đọc cả ngày, đọc đến… gù cả lưng, không biết lúc nằm ngủ, ông có gù như thế hay không? Thơ ông cũng là thơ cả nghĩ, đậm đặc chất suy tư và trí tuệ, đến nỗi bất chấp cả vần điệu, niêm luật… Mỗi câu thơ là một số phận, có khi một chữ cũng có số phận riêng. Vì thế thơ ông đọc để ngẫm, chứ không phải để thuộc. Và ông tình cờ với một tay sang toan, thì lập tức thành công. Sự tình cờ có tính nhân duyên huyền thoại ấy đã giúp ông xây ngôi nhà thờ ở làng Chùa (cũng huyền thoại) bằng tiền bán 14 bức tranh đầu tiên rồi… buông cọ.
Buông mấy năm, rồi lại nhặt cọ lên… Thế là có một cuộc triển lãm diễn ra. Trước đó, tôi đã xem ông giới thiệu một số tranh tứ đại huyền hoặc và li kì trên fb, và “dọa” sẽ có cuộc triển lãm này. Khi nhận được thư mời dự khai mạc, tôi đã định dùng phép “cầm đèn chạy trước ô tô” để ba hoa về tranh của ông một tý cho khoái hoạt, bởi vì tôi đã lờ mờ cảm thấy, tranh của ông là tranh Thiều, cũng như nhạc của Trịnh Công Sơn là nhạc Trịnh… thế giới là của riêng mỗi người, y hệt những giấc mơ, không ai giống ai. Nghiệp quả tất phải như vậy:
“Khi chúng ta được đặt tên
Con thuyền đóng cho chúng ta đã nằm ngoài bến”…
Thật tình cờ trớ trêu, đúng lúc có ý định ấy, thì facobook đã cấm cửa tôi 3 ngày. Cho nên khi ngồi gõ những dòng này, thi cuộc triển lãm xuýt xoa đông đảo đã diễn ra. Tôi đi dạo một vòng, giữa hai hàng tranh Thiều, gồm hơn 60 bức, thì bốn chữ “tứ đại huyền hoặc” đã hiện ra trong tôi. Phòng triển lãm đông nghịt, đi lại, ngắm nghía, trầm mặc và trầm trồ… Những cái “động” trong không gian“như những bánh xe no nê lăn vào giấc ngủ”… và những cái “tĩnh” treo trên tường:
“Lăn nhanh, lăn nhanh
Chỉ còn nửa vòng nữa thôi”...
làm tôi có cảm giác ngược lại. Động là vô thường, nhưng càng vô thường lại càng gần với “tĩnh” hơn. Đến nỗi bậc Cổ Đức có hẳn một bộ luận gọi là “Bất thiên”, để chỉ cho những trí tuệ non nớt và háo thắng của hậu thế biết, rằng trên đời tuyệt chả có gì chuyển động cả, dù chỉ một nano mét, vì vạn sự vốn là Không, từ Không mà sinh ra... Nghĩa là đều từ “tứ đại”: đất, nước, gió, lửa, đủ cả, nhưng những “tứ đại” treo trên tường kia mới huyền hoặc làm sao.
Đâu đó có người bảo, đại ý tranh Thiều là ngôn ngữ thơ bằng sắc màu... Nhận định ấy đúng không cãi vào đâu được. Đọc thấy thơ Nguyễn Quang Thiều trong tranh Thiều là ưu thế của thi sỹ vẽ tranh. Chính điều đó khiến nó thành công, thì tranh ấy mới gọi là tranh Thiều. Ví dụ đâu đó có bầy trẻ trong những bóng chim di cư:
“Giống bầy chim di cư, giờ bầy trẻ trở về
Tôi nghe chúng gọi nhau trong bầu trời đêm nay”.
Những chú chim, chú quạ không chân đậu trong tranh Thiều hay những đứa trẻ trong vòm cây thật đáng yêu, khiến tôi phải rón rén, sợ chim sẽ giật mình, bay đi khỏi bức tranh… Hay những cánh bướm mỏng manh: “Một cánh bướm như không có, mỏng hơn cả sự mơ hồ”… Vậy mà:
“Chúng mang vẻ đẹp của đời sống đi khắp thế gian
Mà không để lại một tiếng động nhỏ”…
Đó là “Sắc”, tức là cái “Có” trong tranh Thiều. Thế còn “thanh”? tức là cái “phi sắc” thì sao? Bức tranh người thổi sáo, tên cuộc triển lãm, thì cả những người điếc có lẽ cũng nghe thấy tiếng sáo. Âm thanh là “Không”, cũng không khác với “Sắc” (không bất dị sắc), cho nên, màu xanh của cánh đồng trong tranh Thiều gây cảm giác đâu đó có đàn bò, sở dĩ ông không vẽ chúng, bởi vì:
“Chúng đã đi hết đường cày cuối cùng
Những dấu chân đã điểm chỉ
Trên những cánh đồng thế gian”…
Và bóng tối trong tranh Thiều nghe có tiếng chim đêm:
“Còn một tiếng, con chim đêm, đập cánh và vọng xuống rền rĩ
Bài ca của trời xanh bị thương trên đôi cánh của mình”…
Và cả tiếng chó sủa nữa:
“Bầy chó ơi, sủa vào đâu
Sủa vào trăng?
Sủa vào ngọn đèn dầu?
Hay sợ đêm mà sủa vào bóng tối
Hay sợ nhau mà sủa vào nhau”…
Nguyễn Quang Thiều tự nhận một khả năng hội họa quái dị của mình là “vẽ không giống”. Bởi vì ông “bị thống trị bởi sắc màu…”. Vâng, ông bị sắc màu thống trị nhưng lạy giời, ông đã tỏ ra làm chủ sắc màu một cách khá hoàn hảo trong từng mảng, miếng hòa sắc… cũng như bố cục. Nhưng nói thì giản dị như đùa bỡn thế thôi. Chứ có họa sĩ nào ngồi trước toan mà trong ý thức không hiện lên bóng dáng của tiền trần? Song khả năng “vẽ không giống” thì ý thức không làm được, mà phải do vô thức và tiềm thức quyết định. Đây chính là tư tưởng của siêu hình học, một sự “hồi hướng” rất chính đáng của tiến hóa trí tuệ, nhằm vươn tới “tuệ giác” của Nhân loại, tức là “chứng” được “Thật tướng” của vạn vật. Một tu sĩ Tây Tạng sau nhiều năm học đạo từ sư phụ là một vị Latma, một hôm bỗng thấy vạn vật trước mắt “tan biến” vào nhau, hòa vào nhau mà vẫn sai biệt… nhưng nó càng lung linh và rực rỡ vô cùng. Kể lại cho sư phụ nghe, vị Lạtma bảo đó chính là Hoa tạng thế giới, là “Thật tướng” của thế giới Ta Bà uế độ này. Khoảnh khắc ấy nếu cầm cọ mà vẽ lên toan, thì chắc chắn cũng sẽ “không giống”, bởi Thật tướng không giống với Huyễn tướng vậy.
Và Nguyễn Quang Thiều đã thành công, bắt đầu từ vật đơn giản nhất. Đó là những chiếc bình gốm, có mặt trong khá nhiều bức tranh Thiều. Ngắm tranh Thiều, có bình nhưng không thấy hoa, mà dẫu có hoa thì cũng không cắm vào bình. Lạ chửa? chưa từng thấy ai vẽ như vậy. Ngộ nghĩnh đến kì lạ, khiến nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết nhân bình mà vẽ hoa, hay nhân hoa mà vẽ bình? Ông giải thích vì những chiếc bình gắn với tuổi thơ của ông ở làng Chùa. Lại nói giản dị rồi. Tôi nghĩ không phải như thế, bởi vì trong thơ ông viết: “Chiếc bình chảy máu, men hoàng hôn chảy, men ban mai chảy, chảy phù sa”. Thế là có cả quá khứ, hiện tại và vị lai trên chiếc bình gốm ấy đấy chứ? Trong một trả lời khác, ông bảo trong ba chiếc bình, thì một chiếc đựng nước, một chiếc đựng chữ và một chiếc đựng hạt giống. Trả lời như thế là gồm đủ sự sống, văn hóa và trí tuệ… trong những chiếc bình gốm giản dị mà thần kì rồi.
Câu trả lời của ông làm tôi nghĩ đến “túc thế”. Túc thế là những đời quá khứ, thì túc mạng là kiếp sống trong quá khứ luân hồi. Bậc thánh đạo có thể nhìn thấy quá khứ gọi là “chứng túc”, bậc hiền giả có thể bói ra quá khứ gọi là “chiêm túc”, người trí có thể suy ra quá khứ gọi là “luận túc”. Luận túc là xem hiện tại để luận quá khứ, cũng tức là xem “quả” để luận “nhân”. Tôi dẫu không phải “trí”, thì cũng cứ xin liều mà luận, rằng trong vô lượng kiếp trở về trước, Nguyễn Quang Thiều từng làm thợ ở lò gốm chăng?
Tôi sở dĩ luận tranh nãy giờ, mà cứ như luận đạo là bởi vì tôi vốn dốt xem tranh. Hôm cùng với “tam quốc” (Quốc Kỳ, Quốc Trọng, Quốc Quân) lên thăm Việt Phủ Thành Chương, cảnh thì tuyệt rồi, đó là thế giới mĩ lệ của Bồng Lai hạ cánh xuống trần gian, nhưng thế giới tâm linh vẫn theo về cai quản thì miễn bàn, nhưng tranh Thành Chương thì không phải bức nào tôi cũng hiểu, song cứ khen theo phản xạ cái đã. Thú thực lúc ấy tôi cũng… nịnh lão Thành Chương là chính. Cũng nhờ biết nịnh nên trưa hôm đó, lão mới đãi bốn thằng một bữa ra trò, khiến người nhà phải hai lần ra cổng phủ để mua rượu.
Xem tranh Thiều làm ta liên tưởng đến thơ Nguyễn Quang Thiều, không có nghĩa tranh Thiều là minh họa cho thơ của ông, dù trong một số bức tranh, ông có chép cả thơ lên đó. Nhưng đó chỉ là những mảng chữ, trong bố cục tập hợp của sắc màu… chứ không phải “lời” của bức tranh. Cũng như chúng ta đến ngồi trong một bàn tiệc, không phải để bàn những món bày trên bàn, mà bàn những chuyện khác… Thơ Nguyễn Quang Thiều và tranh Thiều không phải là một, song cũng không phải khác.
Họa sĩ vẽ bằng vô thức (thức thứ 7) và tiềm thức (thức thứ 8), mà người xem dùng ý thức (thức thứ 6) để xem, thì khổ sở, đau đầu và mù tịt là điều đương nhiên. Tốt nhất là cứ khen cái đã, không họ bảo mình ngu. Trình độ đọc tranh nhà quê nửa mùa như tôi, thú thực, phải dùng hết cả “lục căn”, tức là trố mắt lên để nhìn, ghé sát tai để nghe, dí mũi vào để ngửi, thè lưỡi ra để nếm, chạm tay vào để sờ, vò bù đầu để nghĩ… mà vẫn chịu, chả hiểu tranh vẽ cái gì. Chả lẽ lại đi hỏi Thiều thì xấu hổ chết. Có ai lại đi xem triển lãm tranh như thế bao giờ?
Lại vận đến cả ngũ uẩn nữa. Thế mà nom được sắc thì tưởng trốn biệt, gọi được tưởng thì thọ lặn mất tiêu, lôi thọ ra thì hành mất tích, tìm được hành thì thức… ngủ khì. He he, thế là cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều khập khiễng cả, tóm được cái nọ thì mất cái kia, rất ít khi tất cả cùng “khởi động” một lúc, cho nên đi xem tranh giống như đi trong giấc mơ của Trang tử, hơn là đi trong đời thực của Khổng tử là vì như vậy.
Sở dĩ nói thế để biết xem tranh Thiều khó đến thế nào. Nhưng chuyện vẽ bằng vô thức và tiềm thức (tức là vẽ không giống) cũng có “vấn đề” của nó. Ấy là người xem phàm phu mấy ai “ấn chứng” nổi cho chuyện đó? Cho nên một số họa sĩ đã thi nhau lạm dụng điều này, tha hồ đánh đố cả thiên hạ mù tranh, nhất là sau khi đã lập danh. Nghề họa cũng có “đạo” của nó, thì đó là chuyện của “ngoại đạo” và “tà đạo”, có dịp sẽ bàn về chuyện này. Giờ tán thêm về “chính đạo” một chút.
Theo họa sĩ Nhật Bản Muromachi (1333-1573), người chuyên vẽ tranh Thiền (zen) bằng mực Tàu, thì trong họa cũng có Tiểu họa, Trung họa và… Đại họa. Tiểu họa gồm 2, gọi là nhị biên hoạ (cũng giống như nhị biên đạo). Vẽ cái mình yêu, dốc hết lòng lên giấy (hay toan) gọi là tả họa. Vẽ cái mình ghét, như quất những vết roi lên giấy gọi là hữu họa… Tranh Thiều không phải tả, cũng không phải hữu, mà đạt tới bất nhị, nên gọi là Trung họa (cũng như Trung đạo). Hình người, chim… trong tranh Thiều chịu ảnh hưởng của nét tranh Đông Hồ là vì như thế chăng? Tiểu họa và Trung họa chỉ dành cho những đối tượng có lý trí và trình độ nhất định. Thế còn Đại họa thì sao? Đại họa là vẽ để tuyên truyền, khiến cho mọi người đều hiểu, đó là… tranh cổ động, một thời giăng kín phố, kín phường, kín đường làng, ngõ xóm… (Ghi chú đấy là Đại họa của ta, không phải của Muromachi).
Xem triển lãm đến đây, thật tiếc tôi không có khả năng giới thiệu tranh một cách chuyên nghiệp, mạch lạc như nhà thơ Lý Đợi, lãng mạn và kì ảo như thi sỹ, (cũng là họa sĩ có hạng) Đỗ Minh Tuấn, hay kinh điển và khẳng định như họa sĩ lão thành Đỗ Đức… nên không dám lạm bàn thêm nữa, sợ lòi cái chỗ dốt nát của mình ra, như có lần tôi khen tranh vẽ cao nguyên của bác Đỗ Đức đẹp như tranh… thủy mặc, khiến bác ấy phì cười mà bảo: “cậu chả hiểu tranh thủy mặc là cái gì”. Vừa nghĩ đến đó thì thiêng quá, bác Đỗ Đức kia rồi. Tôi bèn nảy ra ý định tới lân la gợi chuyện, để lão giảng cho nghe về tranh Thiều, rồi “thuổng” ý của lão, đưa vào bài viết này. Bác Đỗ Đức cười, cái cười rất phúc hậu và điêu luyện. Bác bảo (đại ý):
“Nguyễn Quang Thiều vẽ siêu ý tưởng, rất tự do, phóng khoáng vì rất may không học qua trường này (trỏ tay vào trường ĐHMT). Nếu không, những kiến thức hội họa sẽ bắt anh ta chỉ vẽ bằng tay, chứ không phải vẽ bằng tâm…”
Vâng, bác nói đúng quá. Lũ chúng ta mỗi người, ai cũng mang trong tâm mình dấu vết của quá khứ, sinh diệt của hiện tại và tín hiệu của vị lai. Đầy đủ công đức như thế, thì dẫu có đi học, cũng chỉ giúp để gọi nó ra, chứ không phải nhét kiến thức từ ngoài vào. Nếu ai có đủ duyên mà gọi được, thì không cần phải học ở đâu cả. Bác còn nói tiếp một câu này nữa:
“Tranh của Thiều khiến khối họa sĩ chuyên nghiệp cũng phải e dè…”
Là bác Đỗ Đức nói đấy nhé. Các họa sĩ chuyên nghiệp nếu thấy không bằng lòng, thì cứ nhè bác ấy mà mắng, chớ có mắng oan tôi. Nói xong câu ấy, bác xốc ba lô lên vai bảo đi Hà Giang đây. Bác lên đấy để vẽ đá, vẽ ngựa, vẽ bản làng và những bộ trang phục bất hủ của đồng bào dân tộc. Dành chim, hoa và những chiếc lọ gốm… ở lại với tranh Thiều.