Sân khấu Lệ Ngọc: Tìm lại khán giả đã mất

Ở Hà Nội, người ta chưa có thói quen nghe-xem một đơn vị sân khấu có cái tên không giống nhà nước, mà chỉ gắn với tên một người nghệ sĩ, như ở TP Hồ Chí Minh, nơi mà sân khấu xã hội hóa diễn ra nhiều năm nay và hiện đang đi vào thoái trào.

Trong bối cảnh gần như “mất trắng” người xem như vậy, sân khấu Thủ đô đang rơi vào một cuộc khủng hoảng, khiến cho những người làm nghề đau đáu câu chuyện làm thế nào để tìm lại khán giả.

Các Nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc quyết tâm tìm lại khán giả cho sân khấu.

Thật không phải chuyện dễ dàng để tìm lại những khán giả đã không còn giữ thói quen mua vé, mặc quần áo đẹp, đến nhà hát thưởng thức một vở diễn trong tâm trạng háo hức như trước đây. Đời sống công nghệ số với nhiều tiện ích đã chen lấn vào các nhu cầu của người thưởng thức.

Ngày hôm nay, chỉ ngồi ở nhà, người ta có thể được hưởng thụ rất nhiều chương trình giải trí, với đa dạng thể loại, và thậm chí là miễn phí, thì sân khấu sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách hơn để kéo khán giả ra khỏi nhà.

Tình trạng một số sân khấu xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh phải đóng cửa, hay hoạt động cầm chừng gần đây là một ví dụ cho thấy sân khấu đã không còn chiếm được ưu thế để thu hút sự quan tâm của công chúng.

Ở một địa bàn mà khán giả được xem là “dễ thương nhất”, vì họ rất hào phóng trong việc chi tiền mua vé đến rạp để thưởng thức các chương trình giải trí, nghệ thuật, nhưng sân khấu xã hội hóa đã bắt đầu bộc lộ sự bất cập của mình.

Trong một thời gian dài, các sân khấu xã hội hóa ở thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều vào các vở diễn lấy yếu tố giải trí làm hàng đầu. Các vở diễn tầm cỡ, nghệ thuật chỉ là số ít và cũng chỉ tập trung ở một vài sân khấu. Giải trí không có gì là xấu, nhưng khi thời kỳ công nghệ số mở ra, với những đặc tính của mình, sân khấu tỏ ra không thể hấp dẫn, nhiều chiêu lắm trò như các lĩnh vực khác, không thể đa dạng hình thức tiếp cận như các lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh nhiều lựa chọn như vậy, khán giả dần nhạt lòng với sân khấu. Hậu quả là nhiều đơn vị xã hội hóa không thể bán được vé, hoặc bán vé rất cầm chừng, hoạt động phải bù lỗ.

Ở Hà Nội, nơi mà phong trào xã hội hóa sân khấu được gẩy lên từ lâu rồi, nhưng chưa có mấy người dám mạnh dạn dấn thân vào con đường này. Bởi vì gian nan nhỡn tiền ai cũng có thể thấy.

Khán giả Hà Nội không cởi mở như khán giả TP Hồ Chí Minh. Họ chưa có thói quen mua vé, và phần lớn vẫn chỉ thích được thưởng thức nghệ thuật miễn phí.

Các hoạt động sân khấu ý nghĩa vẫn thường chỉ tập trung ở các đơn vị của nhà nước. Nhiều vở có chất lượng tốt, thậm chí dành huy chương lớn tại hội diễn này, hội diễn kia xong thì “đắp chiếu” để đấy. Và đó hoàn toàn là những vở được dựng bằng tiền của nhà nước.

Cảnh trong vở Kim Tử của sân khấu Lệ Ngọc được khán giả trong và ngoài nước yêu thích.

Lệ Ngọc, một cái tên sân khấu xã hội hóa mọc lên như một đơn vị tiên phong. Sân khấu Lệ Ngọc vốn cũng có “gốc gác” từ một đơn vị nghệ thuật của nhà nước, là nhóm kịch xã hội hóa của Nhà hát kịch Việt Nam, được thành lập từ năm 2013, được chính NSND Lệ Ngọc đầu tư và phụ trách.

Cho đến khi nghỉ hưu, NSND Lệ Ngọc và các nghệ sĩ tâm huyết đã thành lập một sân khấu riêng, sân khấu Lệ Ngọc, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, cùng sự hỗ trợ và giúp đỡ của Nhà hát kịch Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Từ khi thành lập đến nay, sân khấu Lệ Ngọc đã cho ra mắt một số tác phẩm như “Ngũ biến”, kịch độc diễn “Người đẹp khách sạn” (tham dự liên hoan kịch độc diễn quốc tế tại Băng-la-đét 2016), kịch thiếu nhi “Con gà trống”, “Đám cưới con gái chuột” và gần đây là vở “Kim Tử” của tác giả Tào Ngu (Trung Quốc) do đạo diễn Chua Soo Pong (Singapore) dàn dựng.

Vở diễn này vừa đoạt 4 giải tại Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN vào tháng 9 vừa qua. Riêng vở “Ngũ biến” thì cũng đã tham dự Liên hoan sân khấu quốc tế tại Trung Quốc, Monaco, Singapore, Philippines, Hàn Quốc.

Mục tiêu chính của Sân khấu Lệ Ngọc được các nghệ sĩ tập trung hướng tới là gìn giữ và phát huy nghệ thuật sân khấu kịch nghệ Việt Nam, tiếp lửa đam mê và tạo điều kiện phát triển tài năng sân khấu. Ngoài ra, một mục tiêu quan trọng khác của sân khấu này chính là quảng bá văn hóa Việt và nâng tầm thị hiếu thẩm mỹ của khán giả.

Với những tham vọng như vậy, sân khấu Lệ Ngọc đã tự nhận lãnh một trọng trách lớn trước khán giả và nghệ thuật. NSND Lệ Ngọc chia sẻ, chị đã làm tất cả để hội tụ được những nghệ sĩ tài năng và tâm huyết sát cánh bên nhau.

Song song với việc tìm lại khán giả trong nước, một ttrong những mục tiêu của đơn vị là mang sân khấu Việt ra với bạn bè quốc tế. Trong thời gian qua, sân khấu Lệ Ngọc đã đi biểu diễn ở rất nhiều nước, từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ.

Có được những chuyến đi như vậy là bởi đơn vị xã hội hóa này đã có những kết nối vô cùng tốt đẹp với sân khấu các nước khác. Đây có thể nói là đơn vị nghệ thuật sân khấu lập kỷ lục đi biểu diễn quốc tế nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất.

Nhân tố con người quan trọng của sân khấu Lệ Ngọc có thể giúp đưa sân khấu đến với các quốc gia khác là ông Nguyễn Thế Vinh, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam.

Ông Vinh vốn nổi tiếng là người nói được nhiều ngoại ngữ, làm công tác đối ngoại từ lâu và có những mối quan hệ thân tình với các tổ chức sân khấu, nghệ thuật quốc tế.

Nhưng nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sân khấu Lệ Ngọc, như đã nói, vẫn là tìm lại khán giả trong nước. Những nghệ sĩ đang làm tất cả để sân khấu được đỏ đèn hàng đêm, để giành lại tình yêu trong công chúng.

Để sân khấu mang tên mình duy trì được hoạt động, NSND Lệ Ngọc cho biết, đơn vị không chỉ bán vé lẻ, mà thông qua sự ủng hộ của các doanh nghiệp bằng cách mời doanh nghiệp mua vé với số lượng lớn.

Các Mạnh Thường Quân còn hào phóng chi tiền túi để sân khấu Lệ Ngọc sáng đèn thường xuyên. Để khán giả quay trở lại với sân khấu, NSND Lệ Ngọc quan niệm rõ ràng, không gì khác phải là chất lượng của vở diễn.

“Mặc dù rất cần tiền, nhưng chúng tôi đang và sẽ làm nghệ thuật mà không nghĩ đến tiền. Chúng tôi sẽ cống hiến những gì là đam mê nhất, nhiệt huyết nhất, nghệ thuật nhất. Bởi vì chỉ có chất lượng vở diễn mới là yếu tố lớn nhất thu hút khán giả đến Nhà hát”.

Xét cho cùng, đây là hướng đi duy nhất đúng trong thời điểm bùng nổ công nghệ như hiện nay, khi mà các vở diễn, các show diễn mang tính giải trí đã quá dễ dàng, thừa mứa trong mọi lĩnh vực.

Sân khấu qua thời kỳ nhộn nhạo các giá trị, phải trở về với đúng nghĩa thánh đường của nó. Giá trị nghệ thuật phải được tôn vinh lại, như một thước đo để kéo khán giả lại gần với mình.

Dĩ nhiên, nói như vậy không phải xem thường giải trí, mà chính xác hơn, giải trí cũng phải nghệ thuật. Đơn giản, suồng sã, “ăn xổi ở thì” sẽ không còn đất sống, vì khán giả hôm nay đã khác đi nhiều.

NSND Lệ Ngọc, người phụ trách sân khấu Lệ Ngọc.

Có thể nói, dù chưa dựng nhiều vở, nhưng sân khấu Lệ Ngọc đã để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả qua các vở diễn của mình.

Đó thực sự là những vở diễn hay, mẫu mực về nghệ thuật, chạm vào trái tim người xem, những người đã bỏ công đến nhà hát. Bằng cách đó, các nghệ sĩ muốn giữ chân khán giả, để tiếp tục có những lần sau và lần sau nữa họ tìm đến với sân khấu.

Trong năm vừa rồi, Lệ Ngọc cũng đã mang sân khấu của mình Nam tiến, phục vụ công chúng ở thị trường nghệ thuật lớn nhất nước này. Nghệ sĩ Lệ Ngọc chia sẻ: “Các nghệ sĩ sân khấu chẳng cần phải diễn vì danh hiệu NSND này, NSƯT kia, chỉ cốt làm sao để sân khấu sáng đèn đều đặn, ít khán giả cũng được, quan trọng là họ tự bỏ tiền ra mua vé vào xem.

Trong đợt du diễn ngắn hạn lần này, tôi mang 2 vở tốt nhất của sân khấu Lệ Ngọc để "đo nhiệt", sẵn sàng đối thoại cùng khán giả, họ khen hay chê tôi đều vui. Nếu họ còn muốn xem và muốn Lệ Ngọc thay đổi, tôi sẵn sàng thay đổi để chiều lòng họ, vì theo tôi chỉ có khán giả mới cứu được sân khấu Việt Nam”.

Các buổi diễn ở TP Hồ Chí Minh được miễn phí cho đối tượng sinh viên, vì theo các nghệ sĩ của sân khấu Lệ Ngọc, phải khơi được tình yêu trong trái tim những người trẻ tuổi. Họ chính là những khán giả tiềm năng, nuôi dưỡng ngọn lửa sân khấu.

Ngày 19-12, sân khấu Lệ Ngọc đã chính thức khởi công dàn dựng vở kịch “Thị Nở - Chí Phèo” dựa theo tác phẩm văn học “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Kịch bản của tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Lê Hùng. Vở diễn này dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào ngày 10/1/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây cũng sẽ là vở diễn sẽ được sân khấu Lệ Ngọc tham dự Liên hoan sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội trong năm 2019. NSND Lệ Ngọc cũng bật mí, “Thị Nở - Chí Phèo” sẽ là tác phẩm mới được mang đi biểu diễn cũng như tham gia một số liên hoan sân khấu ở một số nước trong thời gian tới.

Vũ Quỳnh Trang/Cảnh sát toàn cầu