Lễ Chúa lên Trời và "Ngày Đàn ông" ở Đức
Hôm nay (Thứ Năm, ngày 21.05.2020), nước Đức lại tổ chức mừng ngày lễ Chúa lên Trời, cùng với một số nước khác như Thụy Sĩ, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Indonesia, Hoà Lan, Na Uy, Thụy Điển... Nước Đức chính thức tổ chức ngày này lần đầu tiên vào năm 1934.
Đây là ngày đánh dấu Chúa Jesus Christus - là con một của Đức Chúa Trời - đã chiến thắng cái chết sau 3 ngày, sống dậy và trở thành bất tử, để về bên Đức Cha trên Nước Trời.
Ngày lễ này không cố định mà tùy thuộc vào ngày kỷ niệm Phục Sinh (Osterfest) trước đó. Đa số các nước chọn ngày thứ 39 sau Chủ Nhật Phục Sinh - Ostersonntag, vì thế luôn rơi vào ngày thứ Năm.
Tại nước Ý, Polen và Ungarn không qui định là ngày lễ quốc gia, mà chỉ tổ chức Thánh Lễ trong nhà thờ vào ngày Chủ Nhật, hiện nay họ đang cố gắng để biểu quyết thành luật.
Các nhà thần học đã tranh luận rất nhiều về những gì đã diễn ra sau khi Chúa chịu tội cho chúng sinh, hy sinh chết trên cây Thập Tự, đi xuống địa ngục (Höllenfahrt), rồi 3 ngày sau sống dậy (Ostern), trở thành bất tử đời đời để về ngồi bên phải, cạnh Đức Cha (Himmelfahrt).
Họ chia ra thành 2 nhóm. Nhóm không tin ngày Chúa sống dậy đầy huyền thoại, và nhóm tin tưởng tuyệt đối vào sự thật của sự kiện này. Mỗi nhóm đều đưa ra những lí luận đầy sức thuyết phục.
Đối với tín đồ Thiên Chúa, thì Sự Sống Dậy là một đức tin vô cùng quan trọng, là mấu chốt để hình thành những thuyết giảng, giáo lý cơ bản về sự Cứu Rỗi và Chuộc Tội của Chúa, vì đã chịu hình phạt, chết đau đớn trên cây Thập Tự thay cho toàn nhân loại.
Vào thời kỳ ấy, đế quốc La Mã thống trị người dân Do Thái - Israel. Họ kết tội Chúa Jesus đã dùng uy tín quá lớn của mình để mạo danh là "Vua Do Thái", xúi dân làm loạn, phạm thượng, bất hợp tác và không chịu đóng thuế. Lúc bây giờ, những nhà lãnh đạo Do Thái Giáo, cùng những người phản Chúa và đám tay sai đã thông đồng muốn giết chết Ngài. Họ trình lên quan tòa Pilate, người La Mã, yêu cầu phải kết án Jesus.
Dù không tìm ra được tội lỗi nào của Chúa, nhưng bị sức ép ghê gớm từ những thế lực bên ngoài, toà Pilate đành theo họ kết tội, tra tấn và đóng đinh Ngài trên một ngọn đồi cao, có hình tròn như một cái đầu, nên gọi tên là Đồi Sọ. Và chính Ngài phải tự vác cây thánh giá lên đồi, trên đầu đội vòng mão gai gây thương tích, máu me đau đớn. Sau mấy tiếng đồng hồ, từ 9 giờ sáng đến khoảng trưa thì Ngài đã trút hơi thở cuối cùng.
Đây có thể là một phiên tòa gây oan sai nhất của nhân loại từ thời cổ đại đến nay.
Sau khi Chúa chết trên cây Thập Tự, một tín đồ xin phép Pilate cho hạ xác Ngài xuống, cuộn thân vào vải liệm, đem chôn trong một ngôi mộ mới, có tảng đá to nặng chặn ở phía trên.
Ngày đầu tuần sau đó, khi những phụ nữ mang Thánh lễ - gồm hương liệu và dầu thơm - đến dâng, họ kinh ngạc thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, rồi chỉ thấy những mảnh vải, còn xác Ngài đã biến mất đâu rồi.
Các bà nhớ lại lời Ngài đã nói trước đây, rằng: "Con người phải bị nộp trong tay những người tội lỗi, bị đóng đinh thập giá, và sống lại ngày thứ ba" - (Đoạn trích từ Kinh Tân Ước, bản dịch của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn).
Ngày Chúa bị đóng đinh và ngày Ngài sống lại cũng gây ra nhiều tranh cãi. Nhà bác học người Anh là Isaac Newton (25.12.1642 - 20.3.1726) - cha đẻ của thuyết hấp dẫn vạn vật khi tình cờ nhìn trái táo rơi - tính ngày Chúa bị đóng đinh theo chu kỳ trăng khuyết, dựa theo các niên lịch khác nhau được ghi vào thời ấy. Ông tìm ra rằng, đó là ngày Thứ Sáu, 23.04.34. Còn nhà khoa học Schäfler, cũng theo cách tính tương tự, lại cho rằng, đó là ngày 03.04.33.
Đến năm 2003, nhờ các chương trình khảo sát kỹ hơn trên máy tính, nhà thiên văn học Mircea và Oproiu xác định kết quả của Schäfler là đúng, tức là Chúa hy sinh vào lúc 33 tuối, và thêm rằng sau 3 ngày Chúa sống lại (Phục Sinh) là 5.04.
Từ thời Trung cổ, ngày "Chúa lên Trời - Christi Himmelfahrt" đã được gọi là ngày "Lễ của Cha - Vatertag" - một ngày có ý nghĩa như "Lễ của Mẹ - Muttertag".
Dần dần theo cuộc sống của xã hội tiêu dùng thời hiện đại, tại nước Đức, ngày "Vatertag" từ lâu đã "phát triển" thành "Ngày Đàn ông - Männertag", để "vinh danh" đàn ông và những người sắp... trở thành đàn ông. Họ được phép hút thuốc, uống rượu và được chứng tỏ mình là... đàn ông!
Thực tế, đây là dịp hiếm hoi trong năm, để cánh đàn ông, hay các đấng ông chồng "được phép" nhậu nhẹt li bì, vui chơi xã Stress và... tự sướng.
Rồi nhờ bao cốc rượu lấy đà, các ông cũng cất cánh bay vụt lên trời cao - tạm gọi là Alkohol Himmelfahrt hay Tửu Ngộ Thiên - bỏ hết mọi lo toan cùng khó nhọc cho các bà ở chốn trần gian, mẹ con chỉ còn biết ôm nhau, nhìn các ông "1-2-3... dzô dzô", nổ vang trời đến tanh bành xác pháo, mà khóc thét...
Nhưng than ôi! Năm nay, con Virus Corona Vũ Hán đã phũ phàng cắt đứt... đôi cánh của các ông rồi!
Berlin, 21.05.2020
Sa Huỳnh