Đường mây ngời ngợi-truyện ngắn của Phan Thái (Thái Nguyên)
Khi đã rất yếu trong những ngày cuối đời, chờ đêm muộn bố tôi mới bảo mẹ cho gặp riêng tôi. Khép cánh cửa phòng, ông nắm chặt tay tôi hồi lâu, ngập ngừng: “Ông Hiển, nhà bên đầm Hạc, ông ấy mới là… cha ruột của con…!”. Tôi bàng hoàng, mắt nảy hoa cà hoa cải, không tin ở tai mình. “Vậy mẹ của con?”. “Mẹ con…”.
Tôi không biết mình chìm đắm trong nỗi hoang hoải bao lâu, khi thấy bố bật ho mới bừng tỉnh vội vàng lấy cốc nước. Vuốt ngực cho ông, tôi sẽ sàng: “Con không thể…Con chỉ là con của bố thôi”. “Chiến tranh…không ai muốn… nhưng mọi điều đều có thể xảy ra. Ông ấy cũng khổ tâm lắm”.
Nếu là một người khác ở nơi nào đó, chắc tôi không đến nỗi quá choáng. Đằng này… Ông Hiển là người cùng làng, với bố mẹ tôi cũng khá thân tình. Nhà ông khuất nẻo bên đầm Hạc. Nghe nói ngày trước khu vực đó là mảnh đất hoang hóa, dạng chó ăn đá, gà ăn sỏi chả ai thiết ngó ngàng. Ông dựng ngôi nhà nhỏ bên đầm, bỏ công âm thầm khai phá. Quả đồi đầy sim, mua và cỏ guột được ông trồng xoan, các loại cây lấy gỗ. Thung lũng chung quanh nhà ông trồng mít và chuối. Hồi bé tý, lần nào cùng bố đến chơi, tôi cũng thấy ông lẩn mẩn làm việc gì đó, chừng như chưa hề ngơi tay. Ông bảo với bố tôi: “Mình vừa làm vừa chơi, nặng nhọc quái gì đâu. Xoan quả nó rụng đầy đường, tha hồ nhặt, vứt xuống là có cây con. Mít thì nhà ai quả ngon mình xin hột. Dăm mười năm tha hồ chiêu đãi cả làng”. Mùa nào thức nấy, ai đến nhà ông cũng ăn quả thỏa thích và có thứ gì đó mang về. Trẻ con tụi tôi thì khỏi nói, hễ lên cơn thèm là lại ới nhau tới khu vườn đồi nhà ông. Phần vì có nhiều cái đút vào mồm được, phần vì vợ chồng ông tính tình xởi lởi. Hai cô con gái của ông bé xíu, chúng ngoan ngoãn, hay bám theo chúng tôi kiếm cái ăn, dù chúng chỉ đi nghịch cho vui là chính. Tôi thích nhất là mùa sim. Ngoài sim trên sườn đồi, quanh khu nhà cũng được ông bứng về những gốc sim lớn trồng làm hàng rào. Mùa hoa tím ngắt, mùa quả chín mọng lúc lỉu…
Như sợ không còn đủ thời gian và lo tôi không hiểu sự việc để chấp nhận người bố ruột của mình, dù không được khỏe ông vẫn kể lại cặn kẽ. Đêm ấy, tôi thấy mình như tan chảy rồi lại được cô đặc trong một cảm xúc không thể kìm ném.
*
“Khi mới 17 tuổi, bố đã là chiến sỹ của Đại đoàn 312 hành quân lên mặt trận Điện Biên phủ. Hoàn thiện công tác chuẩn bị tại vị trí tập kết, ngày 13/3 1954 đại đoàn nhận lệnh xuất quân ngay trong trận đánh mở màn tiến công cứ điểm Him Lam và các căn cứ phòng ngự của địch trên lòng chảo Mường Thanh. Những trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Ta và địch giành nhau từng thước đất. Các đơn vị được lệnh đào giao thông hào lấn sát các trận địa địch.
Những ngày cuối tháng tư, trận tuyến hai bên nhiều lúc đan xen nhau. Trong một đợt tấn công thất bại, bố bị thương không biết gì. Khi tỉnh lại, bố thấy mình nằm bên cạnh những người lính của quân đội Pháp bị thương. Bố không hiểu vì sao khi đó cuộc chiến đã vào giai đoạn cuối, nhiều cứ điểm đã bị quân ta đánh chiếm, họ còn bắt tù bình là một người lính bị thương?. Bố được họ chăm sóc vết thương. Có lẽ do đang quá hoảng loạn trước sức tấn công của ta, mặt khác bố bị thương quá nặng, không còn khả năng đào thoát nên họ cho nằm lẫn lộn trong hầm với thương binh của họ. Y tá của cứ điểm ấy là một thanh niên trạc tuổi bố. Những người bị thương hay nổi giận vì đau đớn, anh ấy không hề tỏ thái độ bực bội mà luôn ân cần, nhã nhặn. Cư xử với bố cũng như người bên phía họ, như thể chẳng cần phân biệt. Thấy vết thương trên đôi chân bố có triệu chứng bị hoại tử, anh ấy vượt đạn pháo sang cứ điểm khác lấy thuốc về điều trị. Một lần lau rửa vết thương, anh nhỏ nhẹ: “Tôi và ông cùng dân Việt cả, có gì mà thù ghét nhau. Cực chẳng đã tôi mới phải vào lính, may chạy qua được nghề thuốc...”. Ít ngày sau, quân ta tổng tiến công tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ. Bố được cứu và người y tá bị bắt làm tù binh”.
Câu chuyện ấy ông đã kể từ hồi tôi còn bé. Hồi đó tôi không để tâm, bởi chuyện người lớn đánh giặc, trên lớp học tôi vẫn nghe thường xuyên. Mãi sau này, tình cờ xem phóng sự nói về đại đoàn trên ti vi, nhớ chuyện của bố tôi hỏi: “Người y tá chăm sóc vết thương cho bố, bố có gặp lại lần nào không?”. Bố tôi im lặng, nhìn tôi một chặp rồi chậm dãi: “Gặp nhau…, âu cũng là cái duyên kỳ ngộ…”. Tôi không hiểu nhưng không dám hỏi. Đời mỗi người luôn có những ẩn ức nghiệt ngã. Khu xóm nhỏ của tôi cũng có nhiều phận người bước ra từ hai bên chiến tuyến. Thời cuộc tạo nên muôn sự đan xen. Nhiều người ngại va chạm, sợ bị quy chụp, xét lại thành phần nên sống khép kín, ít bộc lộ mình trong thời gian quá vãng.
Chắc biết sự sống chỉ còn mong manh, nằm điều trị ở bệnh viện ít ngày, bố tôi cương quyết đòi về nhà. Ông bảo bệnh người già, chả thuốc nào chữa, chi bằng về tĩnh dưỡng cho con cái chăm nom đỡ vất. Có lẽ đó chỉ là cái cớ để ông có thể bộc bạch một sự thật bấy lâu giấu kín…
“Hòa bình lập lại trên miền Bắc, đơn vị bố được điều động tham gia khôi phục các cơ sở kinh tế. Chiều ấy bố vô tình gặp lại người y tá trên mặt trận Điên Biên. Lúc này, bố mới biết tên anh ta là Hiển. Dù có nghề thuốc, nhưng là người từng đi lính cho Pháp, không một cơ sở y tế nào nhận anh vào làm việc. Để kiếm sống Hiển đã làm đủ nghề và khi ấy đang là thợ xếp dỡ cho xưởng cơ khí. Những ngày sau đó, tìm hiểu gia cảnh, bố bất ngờ biết trước đây gia đình Hiển cũng vào loại khá giả. Ông bố làm chủ một cửa hàng buôn bán gạo, hàng nông sản. Ông bị quy thành phần địa chủ, bị tịch thu toàn bộ tài sản và mất sau cơn đột quỵ. Vợ Hiển làm ruộng, hôm đó không rõ có việc gì, cô đi ngang qua khu lô cốt cũ của Pháp và vấp phải trái mìn còn sót lại. Một số kẻ ngoa ngôn nói gia đình cô quan hệ với người Pháp, chắc có món đồ gì đó cất giấu nên quay lại tìm. Không thể thanh minh và đau khổ đến kiệt cùng, Hiển ôm đứa con nhỏ mới hơn hai tuổi bỏ quê đi làm thuê kiếm sống. Không có anh ấy, bố không thể giữ được mạng sống. Thời đó, việc xem xét lý lịch và thành phần của từng người và con cái họ khắc nghiệt lắm. Có lần Hiển thở dài: ‘Đời em coi như bỏ, chỉ lo cho đứa bé. Ở với em, nó sẽ không có tương lai”. Hiển chỉ mong con thoát ly được lý lịch của mình. Khi về đây xây dựng nhà máy, bố mẹ quyết định đón con về nuôi. Nhận thấy cuối làng còn nhiều đất hoang hóa, bố đưa ông ấy lên khai phá. Hiển gặp cô gái là công nhân công trường xây dựng, hai người nên vợ nên chồng. Lúc làm thủ tục nhập hộ khẩu, ông ấy cũng bị gây khó dễ. Bố biết chuyện nhờ bạn bè can thiệp… Mỗi giai đoạn lịch sử có cách nhìn và bước đi khác nhau. Chúng ta không nên trách cứ điều gì. Ông ấy không cho bố nói. Nhưng ngày bố đi gần rồi… Đứa bé ấy chính là con…”.
Tôi thấy mình người như đang trôi trên mây, lại như say sóng. Bồng bềnh, chếch choáng, lòng dạ rối bời. Những năm học ở nước ngoài, tôi có nghe phong thanh qua lũ bạn rằng thời gian ấy, lý lịch cũng như thành phần gia đình “không cơ bản”, việc du học dường như là không thể. Tôi không nghĩ người thoát ra khỏi những ràng buộc éo le của thời thế lại là tôi.
*
Trời càng về khuya trăng càng sáng. Tôi mở bung cửa sổ cho gió đồng lùa vào phòng. Ngoài vườn, trăng tãi lên vòm lá ướt đẫm sương muôn hạt vàng sáng lấp lánh. Giờ thì tôi hiểu tại sao bố đẻ của mình phải từ bỏ đứa con máu mủ ruột già. Nếu tôi mang bản lý lịch gia đình không phải như hiện tại, chắc chắn cuộc sống sẽ muôn nỗi gập ghềnh. Dù luôn theo sát bước đi của tôi, nhưng người cha ấy đã phải nén lòng, chịu đựng sự chia lìa…Tôi biết với một người cha như ông Hiển, việc vô thừa nhận con mình không chỉ là sự chịu đựng hy sinh, mà còn là sự dằn vặt đến tột cùng.
“Bố ạ! Con có hai người cha. Và mãi mãi như thế!”. Bố xiết chặt tay tôi cười nhẹ, gương mặt khắc khổ tái dại sau cơn bạo bệnh chợt sáng lên rạng rỡ: “Có lần, ông ấy buột miệng: Tôi ước khi hấp hối, được gọi nó là con…!”. “Không! Ngay sớm mai con sẽ tới”.
Bình minh dần ló rạng. Vòm trời xanh nõn. Tiếng chim cất lên lảnh lót. Làn mây trắng muốt bập bềnh ửng lên phớt hồng. Làn mây cuốn tôi về ngôi nhà mãi tận cuối làng. Tôi không nhớ mình đi hay đang bay trên con đường mây ngời ngợi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bình minh lại huy hoàng đến thế!./.
PHAN THÁI
(Mỏ sắt Tiến Bộ- Xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên).