Hàng thần lơ láo ...-Truyện ngắn của Vũ Ngọc Cầm
Bình sinh tôi vốn rất căm ghét những kẻ nịnh bợ. Từ thuở còn là học sinh tiểu học ở trường làng tôi đã là nạn nhân của những kẻ nịnh bợ rồi. Lớp của chúng tôi học nhờ trong một ngôi đình thờ thần hoàng của làng. Những ngày rằm, mồng một các cụ thường đem đồ lễ đến cúng bái. Đồ lễ bao giờ cũng gồm có thịt, xôi, oản, chuối và hương hoa. Lễ bái xong các cụ thường xin lộc, tức là đem xôi oản, thịt gà về còn chuối và hoa thì để lại.
Đình làng tôi không có người coi sóc quét dọn thường xuyên nên nhiều khi chuối, hoa lễ để lại trên bàn thờ có lúc mốc xanh lên, thối rữa vô cùng phí . Tôi thèm lắm. Những quả chuối tiêu chín vàng rộm trứng quốc ngon thế mà bỏ. Lũ trẻ chúng tôi háu đói lại đang tuổi ăn tuổi ngủ nên trông thấy mà rỏ rãi. Có lần sau lễ cúng rằm chừng hai ngày tôi bị mùi chuối chín thơm phức quyến rũ và chinh phục tuyệt đối. Tôi vẫn sợ có gì đó xúc phạm đến thần linh nên cũng chắp tay khấn vái xin lộc của các đấng bề trên ( mà tụi tôi cũng chẳng biết là những ai). Tôi hái một bó hoa dâm bụt lẫn hoa mẫu đơn đặt lên bệ thờ, thế vào chỗ nải chuối rồi mới khệ nệ bê nải chuối xuống cho cả nhóm học tập ( ngày ấy gọi là tổ tam tam) cùng ăn. Thằng nào thằng ấy khen ngon nức nở. Thậm chí có đứa còn khen tôi sáng tạo, biết đem hoa thay quả để chúng tôi có lợi và thần linh cũng có lợi .
Ấy vậy mà trong nhóm học tập tam tam ấy có thằng chuối thì vẫn xơi mà tối vẫn đến nịnh thầy chủ nhiệm :" Thưa thầy, bạn Ngọc chuyên ăn vụng chuối ở bàn thờ đình làng để cho các cụ quở trách !". Hắn muốn tâng công với thầy vì đang rấp ranh muốn được thầy bổ làm lớp phó. Thầy giáo dạy tôi là con một cụ đồ nho, tính rất nghiêm khắc. Thầy đã kỷ luật tôi bằng một hình phạt mà đến bây giờ đã ngoài năm mươi tuổi tôi cũng không thể nào quên được, đó là quỳ hai đầu gối trên vỏ gai mít, hai tay còn phải nâng hai hòn gạch suốt một giờ đồng hồ. Từ đó chúng tôi không bao giờ dám ăn vụng chuối thờ ở đình làng nữa. Tôi sợ thầy hơn cả sợ thần thành hoàng của làng. Còn với thằng bạn phản phúc kia tôi học giỏi hơn hắn, lại cũng khoẻ hơn hắn nên không sợ mà mỗi lần nghĩ đến hắn tôi chỉ thấy nghi ngại và ghê tởm .
Học hết tiểu học rồi chúng tôi chia trường mỗi đứa mỗi nơi. Con người ta khi lớn lên tính tình sẽ đổi khác. Ông bạn của tôi ngày ấy biết đâu bây giờ chẳng đã là một người hào phóng rộng lượng bao dung chứ đâu còn cái tính thớ lợ mách lẻo khi xưa nữa. Vậy mà cứ mỗi lần nghĩ về tuổi thơ và chuyện ấy là tôi lại thấy gai gai người. Con người sinh ra vốn đã thích nịnh, từ cậu bé mới lọt lòng mẹ cho đến ông già sắp xuống lỗ. Câu nịnh nó mới ngọt ngào dễ lọt tai làm sao. ít người được nịnh nghĩ đến đích của những câu nịnh ấy nhằm mục tiêu gì. Có người thiển nghĩ còn lấy làm khoái chí bởi vì cũng có kẻ phải khom lưng quỳ gối trước ta, nhất là thằng đi nịnh lại là những kẻ cũng được cha mẹ nuôi cho ăn học và xã hội liệt vào hàng "trí thức". Có cung ắt có cầu, có người thích nịnh tất có kẻ đi nịnh. Cứ thế nó diễn ra nơi này chốn nọ, thế hệ này qua thế hệ khác. Lắm kẻ lên ông xuống thằng cũng từ sự xu nịnh mà ra. Văn chương từ thời thượng cổ để lại cũng đã phơi bày không biết bao nhiêu kẻ xu nịnh để tiến thân. Nhiều trò bỉ ổi đến mức dơ dáy mà người biết tự trọng nói ra đã thấy ngượng mồm. Thế mà vẫn không ít kẻ dấn vào con đường ấy để có danh, có vị, để tìm đến với vinh hoa trong sự nhục nhã ê chề.
Trớ trêu thay, người ta bảo "ghét của nào trời trao của ấy"tôi càng ghê tởm hạng người quen thói nịnh đầm bao nhiêu thì số phận lại ghép tôi phải cộng tác chặt chẽ với một kẻ điển hình của sự bợ đỡ bấy nhiêu. Trong công ty sản xuất lá cải dịch vụ chăn nuôi của chúng tôi này Trần Thừa được mệnh danh là "Siêu nịnh". Anh ta là người có học nên cái sự luồn cúi nó cũng diễn ra tinh xảo hơn. Nó không thô thiển như anh chàng trong chuyện Tiếu Lâm. Thằng nịnh thưở xưa thấy bà lớn đánh rắm thì bốc hít lấy hít để rồi nức nở khen thơm như mùi hoa chi hoa lan. Bà lớn tỉnh người ra nhưng lại lo ngại mà rằng :" Ta nghe uế khí trong người nó phì ra vậy nên nó phải thối mới đúng. Nếu có mùi thơm e tuổi thọ của ta không còn được bao lâu nữa !". Hầu nịnh tái mặt bèn bốc không khí hít hít lại vẻ như cẩn trọng ngửi cho kỹ hơn. Lần này hắn mới nhăn mặt :" Bẩm bà, bây giờ thì nó thối thật rồi, thối lắm ạ!". Thế mới biết hầu nịnh thưở xưa thuộc hạng vét đĩa. Trần Thừa ở công ty tôi còn cao thủ hơn nhiều. Hắn khen vợ sếp ( vì biết sếp rất quý vợ) rằng :" Chị tuy cao tuổi nhưng giữ được eo co thanh mảnh, đấy là mốt thời đại mà khối cô gái trẻ chỉ dám thầm mơ trộm ước !". Vợ sếp thấy mình gầy yếu, kém ăn kém ngủ vài tháng lại phải cắt thuốc bắc một lần mà nó lại khen thế nên tỏ ý lo ngại. Chị ta bảo: " Chú Thừa ạ, ở tuổi tôi đúng quy luật thì phải béo ra mới phải chứ, cứ gầy gò mãi thế này e có bệnh tật mãn tính chi đây !". Trần Thừa mắt sâu hoắm và ranh mãnh như một con cáo hiểu ý ngay. Hắn chẳng dại như thằng hầu nịnh xưa khen rắm bà lớn thơm. Hắn sắt mặt lại với một vẻ nghiêm túc cực kỳ:" Phụ nữ quý tộc thời nay chỉ ăn thức ăn tinh trong hoa quả nên mới giữ được thân hình mảnh mai sang trọng, còn giới nữ bình thường thì chỉ ăn thô với toàn rau cá thịt, làm sao mà người không xồ ra như cái thùng phi là lẽ đương nhiên (!)". Vợ sếp mát ruột còn Trần Thừa thì vẫn dấu được ý đồ nịnh vợ đợ chồng của hắn, tuy có hơi trơ trẽn một chút...
Láu cá trong các ngón nịnh có nghề, Thừa rất kín miếng che chắn từ các phía. Trong công ty của chúng tôi, giám đốc là người ù ù cạc cạc, làm giám đốc là do được đề bạt sau cuộc "bỏ thầu"chứ đâu phải tài hoa xuất chúng gì. Có người bảo bởi mả cụ ba đời của ông ta táng đúng mảnh đất thiêng nên cái phận mới bằng ba cái tài là như thế. Trần Thừa rắp tâm đoạt lấy chức ấy từ lâu nhưng chưa có cơ hội. Vì thế trước mặt sếp hắn vẫn cứ phải uốn gập lưng xuống như vậy nhưng sau lưng thì hắn giơ nắm đấm bất cứ lúc nào. Một lần đi uống rượu về loáng choáng trượt cầu tiêu, giám đốc tôi bị gãy hai xương sườn, phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Các thầy thuốc phải bó bột cố định nửa thân cho sếp. Sếp tỏ ra đau đớn lắm, mỗi hơi thở cũng phải kìm nén để lồng ngực khỏi bị chèn ép. Trần Thừa tất nhiên là mò đến thăm đầu tiên với một món quà rất hậu. Để mua vui cho sếp hắn mới bịa ra một chuyện : Anh em trong đơn vị được thông báo rằng anh bị gãy hai mươi hai xương sườn. Tưởng thế thì bọn em lo quá. Ai dè mãi về sau mới lòi tói ra là chỉ tại anh Chánh văn phòng Công ty nói lắp. Anh này càng nói nhanh càng lắp. Anh ta thông báo vội vàng :" Báo...báo cáo các anh, thủ ...thủ trưởng bị gãy hai...hai xương sườn !". Giám đốc tôi đang đau tím tái, mặt mày ủ dột bỗng phì ra tiếng cười khùng khục không sao cưỡng lại được. Cơ hoành, cơ liên sườn đang ở trạng thái tĩnh bỗng phải co thắt đột ngột nén mạnh vào vùng tổn thương làm cho ông bị xốc choáng lên tận óc, xuýt mất mạng. Ông ta cười ngặt ngẽo mà nước mắt cứ túa ra vì đau đớn. Ông chẳng nỡ trách cứ thằng bầy tôi mẫn cán như hắn vì trên đời này có ai đi trách kẻ đến thăm mình, lại đem đến câu chuyện vui làm quà như thế. Ông chỉ biết nén đau và tự trách mình đã không làm chủ được bản thân để đến nỗi tý nữa thì chết vì cười. Vì chuyện này mà ông phải nằm viện thêm vài tuần nữa. Từ lúc ấy, người nhà ông buộc phải tính toán. là sếp khi đau ốm nhiều kẻ tranh thủ thăm nom và có thể sinh ra nhiều tai hoạ tương tự khó lường. Vì thế họ đã cử người thường trực gác bên ngoài nửa căn dặn nửa ra điều kiện mỗi khi có ai mang quà đến thăm giám đốc tôi. Họ tế nhị dặn khách :" Bác sĩ bảo tuyệt đối không được để ông nhà vui quá hoặc buồn quá, cười hay khóc đều có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng!".
Vậy mà vừa ra khỏi phòng sếp nằm dưỡng bệnh Trần Thừa đã dở bộ mặt thứ hai. Hắn vênh mặt nói với mấy anh em cùng trang lứa :" Tớ vừa vả vào mồm lão một đòn cười để lão nằm liệt thêm một thời gian nữa, để lão chậm về mà xét nét việc khoán định mức nặng quá trời !.." Anh chị em khối kẻ không hiểu dính ngay ngón lừa phỉnh của tay bợm già Trần Thừa. Có người nông nổi còn khen hắn là người luôn biết "đấu tranh" cho quyền lợi của người lao động, xứng đáng với vị trí của Chủ tịch công đoàn(!).
*
Nhưng, cái kim bọc trong giẻ lâu ngày rồi cũng tòi ra. Một lần trước đông nhan khách khứa "Quan trên trông xuống người ta trông vào" Trần Thừa vẫn ngựa quen đường cũ dở chiêu nịnh đến mức nghe có thể lộn mửa. Và mọi người đã mau chóng nhận diện được hắn. Số là có vị giám đốc một mỏ than đến chơi thăm công ty chúng tôi váo dịp tết và cho chút quà vì hai ngành có lúc cậy nhờ lẫn nhau. Vị giám đốc này đang bị dư luận lên án. Hai mươi bốn tờ báo đã vạch mặt chỉ tên ông vì tội tham ô tham nhũng quá nhiều. Ông đang chạy tội bằng nhiều cửa kẻo chức quyền mất hết, pháp luật có thể xử lý và chỉ còn thiếu nước là không có đất mà chui xuống . Thôi thì gặp mặt để mà gặp mặt, dù cho vô vọng, dù cho chỉ đủ lễ nghi ngày tết, vớt vát lại những gì có thể vớt vát. Những điều chua chát mà có chỗ chia sẻ thì cũng dịu vợi đi đôi phần. Người nào thành tâm thì chân thành góp ý cho ông ta về hướng đi cho năm sau nên làm gì để vực dậy sản xuất kinh doanh. Trong những người phát biểu hôm ấy có Trần Thừa. Hắn lại dở ngón lưu manh cũ bằng một câu hỏi nịnh trên cả mức trâng tráo :"Hòn than thì vẫn đen mà sự trăn trở cống hiến đã làm tóc anh bạc đi quá nhiều rồi, vậy anh có ước vọng gì cho sự nghiệp làm than?(!)". Được hỏi như cởi tấm lòng, vị giám đốc trong tám năm đã hai lần thất sủng kia có dịp tuôn trào hết nỗi niềm để ai ai cũng biết :" Tôi chỉ mong rằng năm tới đừng có đường lò nào bị sập để công nhân không ai phải thiệt mạng nữa!". ( Ông ta nói câu ấy xong sau đúng bẩy ngày thì sập một đường lò khai thác hầm ở độ sâu 35 mét dưới mực nước biển, làm 4 công nhân thiệt mạng. Ông chỉ đạo làm ngay được hồ sơ quy kết tội này là do thực dân Pháp trước đây khai thác than đã để lại những túi nước trong lòng đất (!), lâu ngày túi nước ấy gây ra sập lò. Ba đời mấy thằng thực dân cai mỏ đã chết nhăn răng từ bẩy tám chục năm trước vẫn phải chịu chứ chẳng thể bật nắp quan tài dậy mà cãi hay đưa ra các “luận chứng” này nọ để thanh minh – TG)
Trần Thừa có nhãn quan sắc bén của thằng móc túi có hạng. Hắn có đủ độ khôn ngoan của chú Văn Ngan biết kết hợp làm tiền và đánh bóng tên tuổi trên tờ báo lá cải (trong truyện ngắn Cuộc Phiêu lưu của Văn Ngan Tướng công của nhà văn Vũ Tú Nam), nên hắn cũng có thể tính ngay ra được hiệu quả kinh tế sau những câu hỏi nịnh được tung ra đúng lúc và trúng huyệt ấy. Quả nhiên, câu hỏi ấy dẫn cả hai phía đến chỗ đều có lợi. Vị giám đốc đang sắp chết đuối thì vớ được cọc, có cửa để mà thanh minh, giãi bày cùng thiên hạ về nguyên nhân điều hành làm ăn tồi tệ của mình. Còn Trần Thừa thì ngay hôm sau câu hỏi tạo cơ hội vàng ấy đã giúp hắn có cơ hội nhận được một chiếc phong bì vài trăm Đô-la do một trợ lý của giám đốc đưa đến tận nhà. Trên phong bì còn ghi rõ dòng chữ tươi rói màu mực bút bi :" Mừng xuân Nhâm Ngọ chúc đồng chí và gia đình an khang thịnh vượng !".
Một miệng thì kín chín miệng thì hở, câu chuyện ấy được giới thạo tin cho thăng hoa rất nhanh vào dư luận. Khốn nạn thay cho bợm nịnh Trần Thừa. Sự trâng tráo vô xỉ quá mức làm hắn phải trả giá. Mấy chị thợ mỏ biết chuyện đã đến tận nhà hắn mà chửi mát :" Các chị đội than đến sọ cả đầu, mồ hôi trên đổ xuống mồ hôi dưới mà cũng chẳng bao giờ kiếm nổi khoản tiền như chú chỉ hỏi có một câu. Cha mẹ chú cho ăn học thế mới bõ (!)". Cũng từ hôm ấy hắn nhận được những ánh mắt khinh bỉ của anh chị em trong công ty ném về phía hắn. Thì ra có một thứ luật đời còn ghê gớm hơn luật nhà nước. Toà án nhân dân chưa ra tay xử hắn nhưng Toà án dư luận thì đã phơi bày sự bỉ ổi tận gan ruột của Trần Thừa. Vốn tinh quái, Trần Thừa cảm nhận được hết và ngấm thật sâu sự nhục nhã ấy. Suốt mấy ngày tết hắn chỉ ru rú ở nhà không dám đến thăm ai trừ nhà mấy sếp. Nhưng hắn vẫn âm thầm hạnh phúc bởi đang hy vọng vào một niềm tin đã từng lên dây cót tinh thần cho hắn nhiều tháng nay, rằng sếp đã đưa hắn vào đối tượng "cán bộ nguồn", rằng sếp đã từng hứa sẽ đề bạt hắn thành phó giám đốc của công ty trồng cải dịch vụ chăn nuôi này. Cái câu phỏng vấn đê tiện trên kia tuy phọt ra ở cửa miệng hắn nhưng thực chất cũng là từ ý sếp mà ra. Hắn còn tìm thấy lời tự an ủi có vẻ triết lý :" Bây giờ chúng mày coi thường tao nhưng đến lúc tao có chức có quyền khối thằng lại đến bợ đỡ tao. Cái gì tao chịu mất hôm nay thì ngày mai tao sẽ lại được. Chao ôi, đó cũng là hoạt động sống luân hồi của mọi sinh vật có đủ đầu mình và tứ chi ở trên đời này!". Hắn yên tâm với cái "lô-gíc" ấy của riêng hắn và lại vênh váo trở lại sau mấy ngày tết ảm đạm kia. Hắn lại thản nhiên cắt nghĩa chữ "Tâm" theo từ gốc Hán Việt, dạy dỗ lũ đàn em phải sống có tâm, phải làm việc vì cái tâm, vân vân và vân vân...Buồn cười thật, hình như người ta thường rất thích khoe những gì mà mình không có.
Mới đây Trần Thừa đưa vợ hắn tuy không xinh đẹp nhưng đầy hấp dẫn xác thịt đến thăm một sếp đồng hương có liên quan đến nấc thang danh vọng của y. Hắn đã tạo điều kiện để vợ hắn nói chuyện riêng với sếp. Hắn tin ở sức mạnh của đàn bà có thể khơi thông những gì thuộc về "nguồn", và hắn tin là hắn thành công. Hắn đã từng nói: "Lã Bất Vi đâu phải là thằng ngu, chỉ có thằng ngu mới không là Lã Bất Vi!". Trần Thừa tự xác định và đầy mãn nguyện rằng trong công ty hiện nay hắn đứng vào hàng Thần. Ông Nguyễn Du ngày xưa viết được ra câu "Hàng Thần lơ láo phận mình ra sao" và rồi chính ông cũng khổ về lũ hàng Thần ấy đấy thôi. Hàng Vương thường là đàng hoàng. Hàng Quân chịu nhẫn nhục nhiều rồi thành quen. Duy chỉ có hàng Thần, cái hàng tuy dở ông dở thằng nhưng lại có thể làm mưa làm gió, nịnh trên nạt dưới, bao giờ nó cũng tồn tại nhưng biết bao giờ nó mới hết láo lơ?. Một lần quá chén dở say dở tỉnh Trần Thừa cũng chẳng cần giấu giếm cái ý tưởng đã thấm sâu từ máu thịt của hắn : Nếu để trở thành người danh tiếng (tất nhiên là không được như Nguyễn Du) thì chỉ cần ăn cắp một vài tứ thơ của các bậc tiền nhân rồi mô-ni-phê một cách khôn ngoan cũng có thể được câu thơ thế kỷ. Còn như muốn được hưởng thụ vinh hoa, ăn và chơi như một đại gia thì tốt nhất nên làm một hàng Thần chứ ai dại gì làm một Nguyễn Du suốt đời lao tâm khổ tứ...
*
Tôi bỗng nhận ra một thực tế là những kẻ tham lam độc ác hung hăng, đối mặt với nó ta dễ nhận diện và cảnh giác và có thể giải quyết nó bằng lý trí tập thể, bằng động thái tổ chức, thậm chí xử lý bằng pháp luật. Nhưng, những kẻ nịnh bợ xun xoe cũng có thể gây ra không biết bao nhiêu đau đớn cho người đời thì chưa ai xử được bằng pháp luật bởi có quốc gia nào trên thế giới này định ra được nịnh là một tội danh trong bộ luật hình sự của mình đâu. Khái niệm nịnh và khái niệm khiêm nhường chân thành làm gì có biên giới rõ ràng. Chính vì thế mà không ít kẻ đã thăng tiến vù vù trên những nấc thang danh vọng như Trần Thừa. Còn loại người thiếu hẳn chữ "nhẫn" như cái thằng tôi thì chỉ có chào thua. Thất vọng quá nên dù chưa đến tuổi tôi cũng nộp đơn xin nghỉ hưu...
Phải chăng thời xưa có bao nhiêu bậc nho sĩ đã từng cáo quan về ẩn dật chốn vườn quê cũng trong tình huống và ý nghĩ này đây ?
Vũ Ngọc Cầm