Đôi bàn tay nắm chặt –Tản văn của TS. Vũ Thị Minh Huyền
“Òa” hai mắt chợt mở trong vô thức, chả cần phải báo thức, đông cũng vậy, hè cũng thế, cứ đến tầm 5h sáng là không tài nào ngủ được. Ánh sáng mờ ảo như báo hiệu bình minh uể oải còn lâu mới tới. Gió lùa nhè nhẹ, đẩy đưa rèm cửa như một tín hiệu vẫy chào ngày mới, như đợi như chờ những cơ hội, những thử thách ở phía xa xa. Từ khi nào, đôi bàn tay đã nắm rất chặt, giật mình nhìn xuống bốn ngón nhỏ một hàng trật tự nâng đỡ ngón cái. Ngón cái kiêu hãnh rướn mình lên cong vút. Một nửa bàn tay mao mạch lúc nào cũng đỏ ửng mang trong mình dòng máu luôn cuộn chảy dạt dào. Vào nghề, làm nghề, yêu nghề mới thấy được cái khó, trở ngại chông gai nhưng không kém phần tự hào. Lòng yêu nghề, chữ tâm lên đầu, không cho phép bản thân mình ngơi nghỉ, đầu óc mình nghỉ ngơi. Vị trí được giao là trọng trách quá lớn đối với bất kỳ người nào được nhận. Phải luôn suy nghĩ, tìm tòi và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ bản thân, trình độ quản lý, rèn luyện cái tâm của nghề trong bộn bề cuộc sống, trong áp lực công việc buộc phải hoàn thành, không có con đường nào khác. Phải tiến lên như con chim đầu đàn, như ngón cái của một bàn tay phải đứng riêng, đứng đầu làm chỗ dựa, làm niềm kiêu hãnh cho cả một bàn tay.
Bắt đầu một ngày mới nhưng toàn công việc cũ, cũ đến mức không cần lên lịch, ly cà phê trước mặt ngặt một màu đen đang thoảng đưa một mùi hương mà đại đa số những người đã từng thưởng thức đều phải công nhận. Nó là mùi đặc biệt, một loại chất kích thích thần kinh thật là hiệu nghiệm. Đôi khi nó đẩy đưa suy nghĩ đến tột cùng. Đã từ lâu rồi, mình mê nó, mình phụ thuộc vào nó để suy nghĩ, để tư duy, để đối mặt, để bắt đầu một ngày mới đầy năng lượng. Con đường đến cơ quan mỗi buổi sớm mỗi khác, mình thích đi sớm. Một là, ghét tắc đường. Hai là, để ngắm đường Hà Nội không vội vàng, ngắm phố phường trong làn sương sớm với những con người đầy bận rộn. Những chiếc xe lao vun vút, mạnh mẽ để lại đằng sau niềm hy vọng về một ngày mới tươi đẹp, thành công. Xe đến trước cổng thường thì cánh còn chưa mở, mấy bác bảo vệ đã sẵn sàng niềm nở, không mấy vội vàng, thỉnh thoảng lại chắn ngang bởi những câu hỏi, câu động viên hết sức đời thường. Lên phòng làm việc, đập vào mắt là một chồng giấy tờ, công văn cần phải đọc, cần phải giải quyết đã được sắp xếp gọn gàng lúc nào cũng ở đúng một chỗ trên chiếc bàn sạch bong không bao giờ dính một hạt bụi.
Làm việc thôi, dòng suy nghĩ về công việc chợt bị ngắt đột ngột bởi tiếng những sinh viên rộn ràng, ầm ào, đang ùa vào chiếc cổng trong sân, bãi gửi xe, trước sảnh đường… Tiết học mới bắt đầu vội vàng với nguyên những nét mặt ưu tư của các cán bộ, nhân viên, bạn bè đồng nghiệp và trên những khuôn mặt ngây thơ không chút ưu tư của lũ học trò. Chút tĩnh lặng của không gian, một sự bình yên nhè nhẹ trong thời gian lên lớp không xua đi nổi những lo toan thường trực trong tâm trí. Dậy học đã đúng chưa, sinh viên có tiếp thu được không, ý kiến của sinh viên, ý kiến của những người làm chuyên môn hay đôi khi chỉ là những thắc mắc nảy sinh trong quá trình giảng dạy có được giải quyết, có được giải đáp một cách khoa học, một cách nhanh chóng. Giáo cụ giảng dạy, cơ sở vật chất đã đủ, đã phù hợp, có tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giảng viên hay cho sự tiếp thu của sinh viên, sự chưa phù hợp có được cải tiến, có được báo cáo, có được rút kinh nghiệm…Bao nhiêu câu hỏi thường trực ấy ngày nào cũng thế cứ đeo bám như một thói quen chưa bao giờ bỏ được.
Những dòng suy nghĩ đang cuốn lấy, chi phối ý thức liên miên không dứt, bước chân đưa đến Khoa Dược lúc nào chả hay. Ở Học viện này, Khoa Dược, dược liệu thường là những vấn đề được ưu tiên và dành cho những sự quan tâm đặc biệt. Những mẫu dược liệu được nghiên cứu cẩn thận, chính xác. Dược liệu được xử lý, bào chế theo đúng công thức cổ truyền luôn là nguyên tắc bắt buộc đầu tiên phải tuân thủ để đảm bảo cho ra những bài thuốc, những bát thuốc, những viên thuốc mà dược lý của nó phải luôn được đảm bảo ở mức cao nhất. Giúp sức đắc lực cho nhiệm vụ thử nghiệm, khám chữa bệnh của đội ngũ bác sĩ, dược sĩ trong Học viện. Có được nguồn dược liệu tốt không chỉ là tiền đề của việc khám chữa bệnh tốt mà còn là trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy những tinh hoa của y học cổ truyền Việt Nam, tạo được lòng tin của bạn bè quốc tế.
Việc khám và chữa bệnh là một lợi thế vô cùng to lớn cho việc giảng dạy cũng như tìm tòi, cải tiến các phương pháp khám chữa bệnh cũ. Đặc biệt, đối với nền y học cổ truyền, khi mà những bài thuốc từ xa xưa áp dụng cho những con người từ xa xưa, dược liệu từ xa xưa, môi trường sống cũng từ ngày xưa lắm rồi, không biết những bài thuốc ấy bây giờ có còn phù hợp, có còn tác dụng như vốn có. Vì vậy, phải có được kinh nghiệm thực tế, thật nhiều, thật nhiều.
Việc tái khám được thực hiện thường xuyên và đặc biệt được quan tâm ghi chép hết sức cẩn thận, hồ sơ bệnh án được lưu giữ, mổ xẻ trong quá trình nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm cho những lần cứu chữa tiếp theo. Việc bệnh nhân được thăm khám, sử dụng thuốc được đặc biệt chú ý vì cơ địa mỗi người mỗi khác, môi trường sống khác nhau, thói quen ăn uống, thói quen sinh hoạt cũng là yếu tố mà người thầy thuốc đông y phải luôn trăn trở. Nhìn những người bệnh sau khi được điều trị một thời gian, ánh mắt khi họ trò chuyện, câu chuyện họ kể, mỗi người mỗi vẻ nhưng thường là rất thật kèm theo những nỗi ưu tư trong cuộc sống hay niềm hy vọng về tương lai, lòng biết ơn đối với bác sĩ đối với bệnh viện đôi khi chỉ cần vậy cũng làm ấm lòng những người bác sĩ, tiếp thêm sức mạnh, mang lại niềm xúc động về sự thành công đang chờ đợi trên con đường chiến thắng bệnh tật, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc không chỉ cho cá nhân họ mà còn là niềm hy vọng, niềm vui sướng của người thân đang chờ đợi trong mỏi mòn và đầy nghi hoặc.
Việc thực hiện nội quy, quy định, ý thức trách nhiệm hết mức của người thầy thuốc, của đội ngũ nhân viên phải luôn được kiểm soát, nâng cao, ngày càng hoàn thiện, ngày càng tận tâm hơn, để đảm bảo sứ mệnh của người thầy thuốc, sứ mệnh mà trong xã hội này thường có những cách nhìn, cách suy nghĩ mang xu hướng tiêu cực hơn là tích cực. Luồng tư tưởng này phải được đẩy lùi bởi những người làm nghề, những người bác sĩ, những người nghiên cứu y dược học cổ truyền từ tuyến trung ương đến tuyến địa phương mà đặc biệt trong Học viện này, mỗi cán bộ viên chức luôn phải là những tấm gương sáng - tận tâm, giỏi - hết lòng vì người bệnh.
Trong một tập thể, một rừng hoa không ngừng khoe sắc tỏa hương, phản chiếu ánh sáng của tự nhiên, của cuộc sống, đã bao giờ bạn tự hỏi màu hoa nào là phổ biến, là đại diện cho cả một rừng hoa? Màu trắng các bạn à, màu trắng là một màu phổ biến nhất. Tại sao lại là màu trắng mà không phải là một màu gì bắt mắt hơn, rực rỡ hơn, diễm lệ hơn? Theo Tôi, màu trắng là màu của chờ đợi, chờ được tô màu, khoe sắc để tỏa hương, để cống hiến cho cuộc đời. Nhân sự cũng vậy, họ là những thực thể tồn tại cùng với năng lực của bản thân, suy nghĩ của mỗi cá nhân đều là khác biệt, cán bộ quản lý phải phân công công việc sao cho phù hợp, tận dụng, phát huy hết khả năng của nhân viên để có được những thành quả như mong muốn, đôi khi lại vượt ngoài sự mong đợi. Những cá nhân đó là một màu trắng chỉ chờ để tô màu, chờ để tỏa hương, chờ để phát huy, chờ để cống hiến.
Xã hội càng phát triển, con người đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn với khoa học và công nghệ phát triển ngày một nhanh. Những kiến thức ngày xưa đúng, bây giờ chưa chắc đã đúng. Có một thuyết về nguồn gốc của loài người mà trong quá trình chiêm nghiệm, Tôi muốn chia sẻ như thế này. Có rất nhiều cơ quan, học giả đi tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh, tìm kiếm trên những thiên hà xa xôi, những thực thể giống người để so sánh, để nghiên cứu nhưng theo học thuyết mới thì con người chính là người ngoài hành tinh chỉ vì những lý do đơn giản như sau:
Thứ nhất, con người là sinh vật vô cùng yếu đuối, khác hẳn so với các loài khác trong tự nhiên. Các bạn thử nghĩ xem, con người sinh ra trong vòng khoảng 3 năm tuổi, vứt ra ngoài tự nhiên chắc chắn sẽ chết. Khác hẳn với những loài khác, chỉ cần vài phút, vài giờ sau khi ra đời là có thể sống, có thể tồn tại.
Thứ hai, học thuyết tiến hóa bây giờ chỉ là quá khứ, đôi khi chỉ là ngụy biện theo hướng các kết quả nghiên cứu chỉ cốt để làm thỏa mãn tính lôgic trong suy nghĩ. Từ thuở con người biết nhận thức đã bao nhiêu ngàn năm rồi, chưa có một ghi chép nào, ghi nhận nào là một người tiến hóa đi ra từ trong rừng hoang, tiến hóa từ những loài linh trưởng thành người được. Do đó, chỉ có thể giải thích cho lý do tồn tại và xuất hiện của loài người là từ hành tinh khác. Vậy lý do, sứ mệnh của con người đến với trái đất này là gì? Theo Tôi, lý do đó là một phép thử cho sự tồn tại, một sự kiểm tra cho sự thích nghi của con người trong tự nhiên. Phép thử ấy thể hiện rằng khi cho con người sống trong tự nhiên cùng với tư duy vượt trội, sức khỏe yếu ớt, làm sao để thống lĩnh vạn vật của tự nhiên phát triển đến bây giờ? Lý do duy nhất là con người phải dùng tư duy dựa vào tự nhiên, tận dụng những nguyên liệu từ tự nhiên phục vụ cho mục đích sống, tồn tại, phát triển của mình đó là chân lý. Từ ngàn năm trước, Y học cổ truyền đã thuận theo chân lý ấy. Nền đông y chính là thuận theo tự nhiên, học theo tự nhiên để ứng dụng vào cuộc sống, hỗ trợ, điều trị giúp sức cho con người chống lại các loại bệnh tật, chống lại sự suy yếu của sức khỏe, của các hệ cơ quan.
Y học hiện đại hay còn gọi là Tây y đã và đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lại các loại virus, vi khuẩn, nấm độc nhưng kết quả cuối cùng sẽ là thất bại không thể tránh khỏi bởi vì vi khuẩn, virus, nấm độc kia là những sinh vật có sức sống vĩnh cửu và sự thích ứng vô cùng nhanh chóng đối với các loại thuốc, kháng sinh mà con người tạo ra, chả mấy nữa con người ta không còn một loại kháng sinh nào có thể chống lại chúng cả. May thay, y học cổ truyền, đông dược từ thuở sơ khai đã không cần biết đến cuộc chiến này mà vẫn hỗ trợ, mà vẫn điều trị bình thường.
Đứng trong hàng ngũ những người làm y học cổ truyền, Tôi luôn cảm thấy đó là sự sắp đặt của định mệnh, một sứ mệnh cao cả được trao cho một con người trong cuộc sống ngắn ngủi, trong bài toán, phép thử của tự nhiên. Trong tay mình là cả mấy nghìn năm nghiên cứu, thử nghiệm, khám chữa bệnh theo y học cổ truyền cùng với y học hiện đại là tiền đề chẩn đoán chính xác, theo dõi sát sao, chẳng có lẽ nào lại không chăm sóc được sức khỏe, đẩy lùi được bệnh tật. Tất cả những công việc được giao, trách nhiệm phải gánh vác của người làm trong ngành y tế, của người làm nghề bác sỹ-nhà giáo, phải luôn được hoàn thành một cách xuất sắc, đó là ý niệm xuất phát từ trong vô thức và lòng quyết tâm lúc nào cũng thường trực trong Tôi và có lẽ trong tất cả những ai làm nghề, những ai trong ngành.
Nằm xuống chiếc giường quen thuộc, hai mắt nhắm nghiền suy tư trong tĩnh lặng, trăn trở về nghề, sứ mệnh được giao, công việc buộc phải thực hiện, trách nhiệm phải gánh vác, mệt mỏi không còn có chỗ trong tâm trí. Đôi bàn tay vẫn nắm chặt không ngừng, những ngón tay nhỏ bấm vào da thịt dồn ép những mạch máu như ngừng chảy sao vẫn chẳng thấy đau, chiếc ngón cái vẫn vậy, vẫn một lòng kiêu hãnh, ngẩng cao đầu với quyết tâm mãi mãi không gì lay chuyển được.
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2019
TS. Vũ Thị Minh Huyền
Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam