Văn minh thụt lùi

 

Một thằng con 10 tuổi hỗn với mẹ, bị cha cho ăn một cái tát. Nó xoa má nói : “Ba đánh tui là vi phạm hiến pháp đó”, rồi đi chơi. Cha nó hơi hoang mang, vào phòng lấy Hiến pháp ra coi. Chuyện đó báo hiệu một tương lai : Người cha khi về già không còn khả năng lao động, nếu không dành dụm được chút tiền tự lo cho tuổi già thì sẽ phải vào Viện dưỡng lão.

Bình đẳng bình quyền khi thâm nhập vào gia đình sẽ “tiêu diệt” các gia đình nhiều thế hệ. Đó là một trong những lý do nhiều nước có những “Ngày của mẹ”, “Ngày của cha”. Là để nhắc cho các ông con bà con nhớ rằng họ có đấng sinh thành, chứ không phải do các hòn đá sinh ra. Lớp lớn tuổi chúng tôi hồi nhỏ có học “Nhị thập tứ hiếu”, lớp trẻ bây giờ hình như không.

Một đứa trẻ hỗn láo là sản phẩm của gia đình. Đến trường, bị cô giáo phạt quỳ. Phụ huynh không những không thấy trách nhiệm của mình mà còn chụp hình đưa lên mạng. Báo chí và mạng xã hội rần rần lên án. Cô giáo bị kỷ luật vì làm học sinh “tổn thương”. Tôi đồng ý với ý kiến của nhà văn Nguyễn Một, nếu vậy thì “nên giải tán nhà trường và mỗi gia đình tự dạy con em mình khi mà các thầy cô không còn được quyền phạt học sinh mình, dù chúng hư!”. Xin lưu ý, cái hư đó không phải do thầy giáo. Những người lớn tuổi chúng tôi hình như ai cũng bị thầy giáo cô giáo bắt quỳ. Nhưng trong suốt cuộc đời mình, tôi vẫn ngưỡng mộ những người thầy dạy vỡ lòng và tiểu học của tôi như các vị thánh.

Tất nhiên tôi lên án bạo lực gia đình và học đường, nhưng những trường hợp trên không phải là “bạo lực”.

Xã hội ngày càng có nhiều chuyện chướng tai gai mắt. Là văn minh chăng ? Ừ, thì văn minh thụt lùi.