Các nhà văn nữ viếng nghĩa trang Liệt sĩ ở Lạng Sơn

Tại tỉnh Lạng Sơn, đoàn đã được lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là Văn phòng Tỉnh ủy, ngành Lao động-Thương binh & Xã hội, cùng các đồng nghiệp ở Hội liên hiệp VHNT tỉnh đón tiếp thân tình, chu đáo và tận tình giúp đỡ, hướng dẫn đoàn tiến hành các hoạt động dâng hoa, thắp hương, thăm viếng... tại các Nghĩa trang Liệt sĩ một cách trang nghiêm, xúc động, ý nghĩa.

Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Lạng Sơn nằm trên trục đường Trần Đăng Ninh, thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng thành phố Lạng Sơn. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1976, với diện tích 5.530 m2.. Trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ có khu nhà bia ghi danh các liệt sĩ; có nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ và các tổ chức, cá nhân đến thăm, viếng mộ. Hiện tại, có 465 liệt sĩ qua các thời kỳ đang yên nghỉ tại đây. Trong số đó có 44 liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; 93 Liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và 328 Liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Biên giới phía Bắc. Ngoài ra, trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Lạng Sơn còn có mộ đồng chí Ta-ca-nô I-sa-ô, là phóng viên báo Akahata của Đảng Cộng sản Nhật Bản, hy sinh ngày 7-3-1979 tại mặt trận Lạng Sơn trong khi đang tác nghiệp phản ánh cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta. Và thật tình cờ khi đoàn nhà văn nữ đến dâng hương tại đây cùng lúc với đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Nhật Bản cũng vừa từ Hà Nội lên viếng mộ nhà báo Ta-ca-nô I-sa-ô. Đoàn do ông Inoue Ayumi, Trưởng đại diện Phân xã báo Akahata tại Hà Nội, làm trưởng đoàn.

Nghĩa trang Liệt sĩ huyện biên giới Cao Lộc có 512 ngôi mộ. Trong đó có 5 ngôi mộ là liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; 16 ngôi là Liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước; 92 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thời kỳ hy sinh; 327 ngôi mộ Liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Biên giới phía Bắc; trong số đó có 2 nữ Liệt sĩ. Và cũng như ở Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Lạng Sơn, đa số Liệt sĩ hi sinh ở Mặt trận Biên giới phía Bắc an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ hyện Cao Lộc đều sinh vào những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nhiều nhất là các liệt sĩ sinh từ năm 1958 đến 1962, liệt sĩ trẻ tuổi nhất sinh năm 1967.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai thay mặt đoàn dâng lễ thắp hương

Tại hai nghĩa trang trên đây, đoàn đã kính cẩn dâng lên những vòng hoa tươi thắm, những món quà lễ mang từ Hà Nội, thắp nén hương thơm xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của các nhà văn đối với các anh, các chị - những người đã không tiếc máu xương hiến dâng cả tuổi thanh xuân của đời mình, kiên cường chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, làm trọn trách nhiệm vinh quang mà Tổ quốc giao phó, đem lại sự bình yên cho muôn nhà trong đó có các nhà văn hôm nay. Lời điếu do nhà thơ Nguyễn Thị Mai thay mặt đoàn đọc tại các Nghĩa trang bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn và niềm tri ân sâu sắc: “Bốn mươi năm đã trôi qua, tiếng súng đã im trên bầu trời biên giới, cuộc sống đã trở về với sự yên ổn, nhưng chúng tôi – những nhà văn luôn biết đến đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. “ Ăn quả nhớ người trồng cây”. Lòng biết ơn những người ngã xuống cho cuộc sống hôm nay vẫn còn mãi và tên tuổi các anh chị thì không bao giờ quên được. Tất cả chúng tôi cầu mong cho linh hồn các anh các chị được siêu thoát, mát mẻ. Mong anh linh các anh hùng liệt sĩ phù hộ cho các nhà văn chúng tôi luôn mạnh khỏe, tinh thần hanh thông, minh mẫn sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị để cống hiến cho nhân dân, đất nước. Phù hộ cho Hội Nhà văn chúng tôi vững mạnh, phát triển sự nghiệp văn chương nước nhà thêm rạng ngời, sáng tỏa. Chúng tôi nguyện chung sức chung lòng, đồng hành cùng dân tộc, góp phần bút lực văn chương vào sự nghiệp cách mạng, cống hiến cho nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị, thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, để xứng đáng với sự hy sinh xương máu mà các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống nơi đây...”.