"Gặp lại con tôi đã bật khóc"...

Đó là chia sẻ của chị Phạm Thị Ngọc Loan khi gặp lại con sau 5 tháng rèn luyện kỹ năng tại Tâm Việt. Con trai chị là Phạm Ngọc Đăng Nguyên, bị chứng tự kỉ, được những bác sỹ nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Mình nhưng không hiệu quả. Vậy mà, chỉ sau thời gian ngắn được đào tạo ở Tâm Việt, cháu đã có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, cháu còn có biệt tài đi xe lăn, tung bóng như diễn viên xiếc vậy.

Dưới đây là chia sẻ của chị Phạm Thị Ngọc Loan.


Chị Ngọc Loan và con trai Đăng Nguyên tại Tâm Việt, 10/2018

Quê tôi ở Tp. Cam Ranh (Khánh Hòa). Vợ chồng tôi có 3 con. Cháu Phạm Ngọc Đăng Nguyên (Đăng Nguyên) là út, sinh năm 2003. Ngày bé, thể chất của cháu phát triển bình thường. Tuy nhiên, cháu chậm biết nói, không khôn ngoan như những đứa trẻ cùng lứa, tính nết thất thường, hay cáu gắt. Năm 2008, chồng tôi bị đột quỵ rồi qua đời. Năm đó, Đăng Nguyên 5 tuổi. Cái chết của chồng tôi khiến bệnh của cháu ngày càng nặng hơn. Hôm đám tang chồng tôi, bạn bè, người thân ở xa đến viếng thấy những biểu hiện bất thường của cháu Đăng Nguyên liền bảo tôi, có thể cháu bị tự kỷ, cần đưa đi khám ngay để có hướng điều trị cho cháu. Nghe mọi người nói, tôi hết sức bàng hoàng vì không biết tự kỷ là như thế nào? Ngày đó và cả bây giờ, ở Cam Ranh  không có cơ sở y tế khám, điều trị hội chứng tự kỷ; thậm chí hầu hết đều lạ lẫm về căn bệnh này.

Lo tang cho chồng xong, tôi đưa Đăng Nguyên vào Tp. Hồ Chí Minh. Qua thăm khám, đúng như nhận định của bạn bè, bác sỹ chẩn đoán, Đăng Nguyên bị chứng tự kỷ và đã tư vấn điều trị. Tôi vô cùng hoang mang, lo lắng. Chồng tôi vừa mất, một mình tôi với nghề thợ may tại nhà, thu nhập thấp, phải nuôi ba con nhỏ đã vất vả, nay lại phải bỏ công việc đưa con đi chữa bệnh, không biết mẹ con tôi sẽ sống ra sao? Ơn Chúa. Trong bấn loạn, tôi được anh em, bạn bè, người thân, bà con hàng xóm, các vị linh mục, các xơ quan tâm, động viên, giúp đỡ bằng tinh thần và vật chất. Đặc biệt là bạn bè của chồng tôi. Chồng tôi là nhạc sỹ công giáo- Nhạc sỹ Phạm Ngọc Dũng. Anh ấy có đông bạn bè, toàn người tốt, giàu lòng nhân hậu. Chính quyền địa phương cũng quan tâm động viên và hỗ trợ kinh phí cho cháu như những đứa trẻ khuyết tật khác. Thế nhưng, sự quan tâm giúp đỡ của mọi người và sự tận tụy của các bác sỹ cũng không chữa trị được cho con tôi! Sau thời gian chữa trị tại Tp. Hồ Chí Minh, tôi bất lực, đành đưa cháu về nhà.

Về nhà, cháu được các thầy cô giáo cho vào học lớp I, trường tiểu học, thuộc đối tượng học sinh khuyết tật. Hàng năm, cháu vẫn được lên lớp nhưng học tới lớp 6, cháu vẫn chưa đọc thông viết thạo và tính khí ngày càng thất thường. Nhất là khi bước vào tuổi dậy thì, cháu thường nỗi khùng, la hét, thậm chí tấn công bạn bè, người thân nếu không đáp ứng yêu cầu của cháu. 14 tuổi, cháu vẫn đòi nằm chung với mẹ. Tôi thực sự hoang mang, bế tắc.

Gữa tháng 5 năm nay, tình cờ tôi xem tivi thấy giới thiệu về Tâm Việt đã đào tạo kỹ năng cho trẻ tự kỷ trở thành Kỷ lục Quốc gia. Xem xong, tôi liền gọi điện tới số máy của Tâm Việt và được người đại diện của Tâm Việt hướng dẫn các thủ tục nhập học. Ngày 22/5/2018, mẹ con tôi lên tàu ra Bắc. Thoạt tiên, nhìn quang cảnh ở Tâm Việt rộng rãi, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học đầy đủ; các thầy cô giáo trẻ, vui tươi; các bạn tự kỷ luyện tập nghiêm túc, tôi rất phấn khởi. Nhưng khi chia tay con, tôi phát hoảng. Cháu lồng lên, bám theo mẹ, gào khóc thống thiết, khiến mấy giáo viên vất vả lắm, tôi mới rời được cháu. Lên tàu, tưởng tượng lại hình ảnh cháu nước mắt đầm đìa sau tròng kính cận loang loáng, miệng gào khóc, lòng tôi đau thắt. Tôi thương con vô hạn! Từ bé, cháu quen sống trong tình thương yêu của tôi, của anh chị; từ bé, cháu quen được nuông chiều. Nay, lần đầu tiên cháu phải sống xa tôi, sống giữa thầy cô, bạn bè lạ lẫm, không biết cháu sẽ ra sao đây?

Ngày 24/10/2018, tức là sau 5 tháng, 2 ngày, tôi ra Tâm Việt thăm cháu. Ngồi trên tàu, tôi hình dung, gặp tôi, cháu sẽ nhào vào tôi mà gào khóc như ngày nào. Đến cổng Tâm Việt, nhìn thấy con rắn rỏi, chững chặc hơn, tôi bật khóc. Cháu không hề khóc mà vồn vã cầm tay tôi, đưa tôi vào phòng khách. Đêm đó, tôi hỏi, “Con có muốn ngủ cùng mẹ không?”. Cháu lắc đầu, vẻ ngượng nghịu “Không, ạ. Con ngủ cùng các bạn”.

Tôi ở lại Tâm Việt gần một tuần và đã chứng kiến con tôi học tập, sinh hoạt cùng các bạn. Xem Đăng Nguyên đạp xe một bánh tung bóng, tôi không thể tin cháu làm được điều kỳ diệu đó. Các thầy cô giáo ở đây chia sẻ, cháu tập luyện rất chăm chỉ, tơng lai, cháu sẽ trở thành người tài. Nhưng với tôi, mong cháu khỏe mạnh, khôn ngoan, biết cách ứng xử có văn hóa, đã là mừng lắm rồi.

Hàng ngày, đến bữa, tôi ăn cơm cùng các cháu. Tôi nghe các thầy cô giáo ở Tâm Việt kể, nhiều cháu khi vào đây ăn uống, vệ sinh tùy tiện; có cháu thấy thức ăn là cướp, bốc. Nhưng tôi đã chứng kiến các cháu ăn thật lịch sự, văn minh. Trước bữa ăn, các cháu hô vang những câu, đại ý là phải ăn từ tốn, lịch sự, ăn hợp vệ sinh, ăn phải biết nhường nhịn người khác…Khuôn viên của Tâm Việt vô cùng sạch sẽ, hầu hết thầy cô và học sinh đều đi chân đất. Qua đó, ta có thể thấy, các cháu tự kỷ ở đây đã được rèn luyện ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường rất tốt.

Có thể, những tiến bộ của con tôi chưa bằng các bạn, bởi thời gian học tập, rèn luyện mới chỉ có 5 tháng; cháu lại đang ở tuổi dậy thì. Nhưng những gì mà các thầy cô ở Tâm Việc mang lại cho mẹ con tôi là rất lớn. Tâm Việt còn giảm gần một nữa học phí cho con tôi.

Bây giờ thì tôi đã có phần yên tâm về các con tôi. Ngày chồng tôi qua đời, một mình tôi nuôi hai con ăn học và chữa bệnh cho Đăng Nguyên. Nay, con trai cả của tôi tốt nghiệp Đại học tài chính, đã có việc làm; con gái thứ 2, chơi đàn piano giỏi,  đang học Đại học Sư phạm Nhạc Họa; cháu Đăng Nguyên được Tâm Việt đào tạo, có nhiều tiến triển tốt, tôi thật vui mừng./.

Tác giả bài viết: Cao Thâm