"Thơ nhàn rỗi" của Học giả Đoàn Văn Chúc

Sinh thời, học giả Đoàn Văn Chúc làm thơ không nhiều. Theo như thân nhân trong gia đình ông cho biết, đây là tập thơ duy nhất, được làm trong nhiều năm, chưa từng xuất bản dưới mọi hình thức, và không có ý định xuất bản. Ông cũng đã bộc bạch: “Tôi không có ý định làm nhà thơ hay một gì đó tương tự”, “tôi không có ý định gì xuất bản”; và “Chẳng may, vì một lý do nào đấy, bản nào đấy có thể đến tay bạn không quen, xin bạn hiểu cho như trên” (Vài lời). (Bài tham luận cho Tọa đàm khoa học: Sự nghiệp học giả Đoàn Văn Chúc)

1.Sinh thời, mối bận tâm lớn nhất của học giả Đoàn Văn Chúc là câu chuyện tạo dựng và bồi đắp ngành văn hóa học ở xứ này. Ông viết các công trình về văn hóa học, ông dịch hàng loạt các công trình dạng chuyên luận hoặc các tiểu luận mà không ít trong số đó cho đến nay vẫn chưa kịp công bố. 
Về điều này, đã có một số ý kiến trong giới nghiên cứu đánh giá, khẳng định, mà nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy người đầu tiên .
Trong tầm bao quát của mình, tôi muốn nói đến một vỉa nữa trong trước tác của học giả Đoàn Văn Chúc, đó là tập thơ không xuất bản, trong dạng bản thảo, thuộc di cảo của ông mang tên “THƠ: 1974-1976” . Theo di nguyện của ông, tập thơ này “tôi không có ý định gì xuất bản.Chỉ tự làm vài bản, tặng vài bạn từng thông cảm” (Vài lời), nên công chúng ít người biết tới (vả lại, sinh thời, giả định ông có ý định xuất bản, chắc hẳn cũng không dễ dàng gì, bởi đó là một thứ thơ khác lạ, không giống ai – thứ mà phần lớn các nhà quản lý văn nghệ và công chúng không mặn mà gì, thậm chí còn rất cảnh giác).
Cả đời ông chỉ dựng duy nhất một tập thơ này. Tập thơ bao gồm hai phần: 1, các bài thơ lẻ, ông gọi là “Bài vặt”, gồm 10 bài, trong đó có 3 bài thơ dịch; 2, Các bài thơ còn lại, ông gọi là “Bài dài” gồm sáu bài, mỗi bài mang một nhan đề chỉ một chữ: Chiều, Đường, Sông, Mưa, Tình, Mẹ (ngoài ra, có lời giới thiệu của chính ông, một số bức vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái mà ông gọi là “Mấy bài nhỏ được trình bày bằng vẽ”, mấy bài của nhà thơ Trần Dần được ông gọi là “Tùy luận”).
Đối với các bài ngắn, mỗi bài được trình bày trọn vẹn trên một mặt giấy. Còn đối với các bài dài, có khi một/hơn một câu thơ được trình bày trên một trang giấy, lần lượt cho đến hết bài. Gọi là “câu thơ”, thực ra cũng là dựa vào một ý niệm mơ hồ về nghĩa cú pháp do người đọc thiết lập mà thành, chứ thực ra rất khó đoan quyết đó là những câu/dòng thơ như cách hiểu thông thường, bởi cái gọi là câu/dòng thơ trong tập thơ này có khi chỉ là một chữ. Lại nữa, người viết cố ý “sắp đặt” chữ khi to khi nhỏ, nét thanh nét đậm, viết hoa viết thường theo trục dọc, trục ngang khác nhau, với những đơn vị hoặc là những chữ trọn vẹn, hoặc là những chữ cái (cấu thành chữ/từ) hết sức tùy biến, không có quy luật, mỗi trang thơ được hình dung như một “bức chữ” không trang nào giống trang nào. 
Tất cả điều đó cho phép người đọc nghĩ đến sự chơi thơ của người viết, chơi thơ bằng/trên các con chữ.
2.Việc thể hiện văn bản thơ theo cách sắp đặt tùy biến như trong tập thơ này, thoạt đầu khiến người đọc liên tưởng đến lối chơi thư pháp bằng chữ quốc ngữ (rộ lên chục năm nay). Bởi tác giả cũng tiến hành viết/vẽ các chữ lên mặt giấy, có bài chỉ gồm 2-3 chữ, được trình bày trên trang theo lối một chữ viết liền theo trục ngang, một chữ buông từng chữ cái xuống theo trục dọc, tạo nên khoảng trống lớn cho cả trang giấy (Ví dụ các bài: Lá/ vắng; Huyện/ nhạt; Vợ chồng/xong…). Ở các bài dài, mỗi trang giấy cũng được sắp đặt theo lối như vậy, có thể chứa được vài ba câu/dòng thơ (theo cách hiểu thông thường). Tuy nhiên, nếu ở thư pháp chữ quốc ngữ, những người viết đều dụng bút theo lối vờn, tỉa bằng các nét bút mềm mại, uốn lượn, thì các bức chữ của Đoàn Văn Chúc hầu hết là các chữ nghiêm ngắn, với các mẫu tự chữ in thông thường, theo các kiểu chữ, kích cỡ, nét thanh/đậm khác nhau. Ông không chủ phóng bút, mà chủ ở dựng chữ, tạo một bố cục, thậm chí đưa bố cục tham gia biểu nghĩa. Ví dụ: “Chuông/buông” là câu thơ (trong bài thơ dài có tên là “Chiều”) được bố trí trên một trang giấy theo lối từng chữ cái rời nhau theo chiều thẳng đứng, khiến người đọc có một ý niệm về sự rơi của âm thanh tiếng chuông trong chiều.
Tất cả các bài thơ, tất cả các trang thơ đều được Đoàn Văn Chúc dụng công bố cục, sắp đặt các con chữ một cách biến hóa, tạo nhiều bất ngờ. Cũng có thể gọi đây là loại thơ thị giác.
Thơ thị giác cho đến nay có nhiều dạng thức. Kể từ thời George Herbert (nhà thơ Anh, 1593-1633), Guillaume Apollinaire (nhà thơ Pháp, 1880 – 1918), cho đến Nguyễn Vỹ (phong trào thơ Mới) ở Việt Nam, và sau này đến Trần Dần, Dương Tường đã có nhiều biến hóa. Ở Trần Dần, những năm 70-80, ông làm “Thơ không lời” (và các tập tiếp theo) mà ở đó, theo Nguyễn Liên, Trần Dần “bắt đầu một giai đoạn mới trong hội họa: tranh có hình nhường chỗ cho tranh không hình. Đây mới là cuộc gặp gỡ trực tiếp của thơ và họa. Có thể gọi những trang họa này là trang thơ cũng được. Có thể đếm hàng trăm trang họa như vậy. Có những quyển sổ từ đầu đến cuối bao gồm những con chữ được vẽ, được trở thành ký hiệu, những ký hiệu trở thành chữ, những câu thơ được vẽ trong nhiều trật tự mới với sự tham gia của các đường cong, đường thẳng, dấu phẩy, dấu chấm phóng đại như những con sinh linh nhỏ bé, để làm thành những bài thơ, hoặc những bức tranh không thể xác định được thể loại” . Sau này, tập thơ “ Đàn-Thơ ngoài lời” (NXB Trẻ, 2003) của Dương Tường, cũng lại là một sáng tạo đặc biệt, từ đầu đến cuối chỉ có hình cây đàn trong các cấu trúc khác nhau, không lời, mà ông gọi là “siêu ngôn ngữ” (meta-language) ..
Đoàn Văn Chúc làm thơ cũng theo kiểu thị giác, nhưng không đẩy tới quyết liệt như Trần Dần - bạn ông và Dương Tường. Ông chỉ dừng lại ở việc tạo ra những trật tự chữ với nhiều biến hóa trên không gian văn bản, đủ tạo nên những bức chữ - thơ độc đáo, lạ mắt, gây chú ý đối với người thưởng thức.
3.Nếu như Lê Đạt, Trần Dần làm thơ chủ về chữ, trong đó Lê Đạt làm việc với “Bóng chữ”, Trần Dần thể nghiệm thơ “con âm”, không chủ về nghĩa (tuy không hoàn toàn đoạn tuyệt với nghĩa, nghĩa chỉ như một khả thể, đến sau) , thì Đoàn Văn Chúc vẫn còn nặng tình với thơ chủ về nghĩa, nghĩa là cái có trước, tìm đến và điều hành chữ. Các bài/ câu thơ của Đoàn Văn Chúc trong tập thơ này có thể thiết lập được nghĩa, cho dù có khi rất mơ hồ, nhưng không hẳn là “bất khả”. Một bài thơ mà cho đến nay tồn tại gần như một giai thoại với ba chữ “Vợ chồng/xong”, chữ “vợ chồng” được viết nằm cùng dòng, làm thành dòng thơ, chữ “xong” nằm dòng dưới, lại được bố trí để từng chữ cái rơi theo chiều dọc (được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ thành bốn bức họa thơ khác nhau), phải chăng gợi lên ý niệm đã là vợ chồng thì coi như là xong kiếp, xong phận, xong đời, đã hoàn tất, đã kết thúc?...Có thể. Đời có khi chỉ đẹp trong tình yêu, trong tính quá trình, ngay trong quá trình tiến đến hôn nhân. Khi đã hôn nhân, tức là đã mất đi cái mê dụ bí ẩn của nó. Hầu hết các bài thơ kể cả “bài vặt” hay “bài dài” trong tập thơ này đều có thể thiết lập được những ý niệm. Trở lại với thái độ làm thơ như một thú chơi thơ, chơi chữ, Đoàn Văn Chúc dừng lại ở trò chơi sắp đặt trật tự chữ, khác với cách chơi phá hủy chữ/nghĩa ở một hợp phần trong tổng thể thơ Lê Đạt, Trần Dần.
Để làm rõ nghĩa của câu/dòng thơ, Đoàn Văn Chúc còn tiến hành chú thích một số câu/từ trong trang thơ. Thí dụ, trong bài thơ dài mang tên là “Chiều”, có một trang thơ được bố cục theo lối phối hợp giữa chiều ngang và chiều dọc, có thể quy giản về một biểu thị sau: “Em/ra/nhà/Mẹ/khóc/con/chia lia non/bỏ/giậu”, cuối trang được chú thích: “Ca dao: Chim khôn ăn trái nhãn lồng/Chia lia quen giậu vợ chồng quen hơi”. Trong bài “Đường”, ở phần V (tr. 52), khi trong trang thơ có mấy địa danh: chợ Chờ, bến Đợi, đò Lo, tác giả dành hẳn một chú thích dài giải thích các tên gọi ấy bằng cách viết lại một “Tích cũ”. Các chú thích nhằm diễn giải rõ về ý liên quan đến mỗi chữ/câu/dòng thơ như vậy còn tìm thấy ở một số chỗ khác nữa. Điều này càng củng cố cho cái ý hướng cho rằng thơ của tác giả họ Đoàn nhằm biểu đạt ý tưởng, cảm xúc. Ông đã viết trong lời giới thiệu: “Khi bé bỏng, mẹ ru, bà ru: tôi bằng yên tâm trí mà lớn lên. Rồi bà qua, mẹ mất, mỗi người đành tự cất tiếng-dù trong đục-ru mình để bằng yên tâm trí mà tồn tại” (Vài lời). Những bài thơ của ông là sự cất tiếng hiện sinh của một tâm hồn tự do và thăm thẳm.
Như vậy, có thể nói, Đoàn Văn Chúc đã chơi chữ thơ hơn là hồn thơ, chơi cái bề ngoài của văn tự hơn là cái nghĩa biểu thị của văn tự, phóng túng cái bề mặt của chữ để giấu cái bên trong biểu ý. Trong cuộc chơi này, ông để lại những bài/câu thơ độc đáo, trong đó có những biểu đạt đầy tính thơ, rất gợi:
-Đường/tình/theo/Em/tóc em dài/Em cài hoa lý/khăn/mỏ quạ/giấu nửa /má /hoa” (Đường)
-Vạc/một/chân/trời/xa/vời…
Mưa/thượng cổ/Mưa/về/hiện cổ (Mưa)
-Phố/thu/lai láng/gọi
Em/về/đi/chợ/Thơ/ngây (Tình)…
Trong những nghiên cứu về văn hóa trò chơi, học giả Đoàn Văn Chúc chủ yếu bàn về trò chơi trong lễ hội, trong sinh hoạt, rất hiếm nhắc đến trò chơi trong văn chương. Tuy nhiên, bằng tất cả những biểu thị chữ trong tập thơ này, cho thấy ông đã thực hành trò chơi thơ một cách chủ động, tiết chế. Điều này, chỉ có thể giữ ông trong tư thế một nhà nghiên cứu, một trí thức hơn là khả năng đẩy ông tới tư cách một nghệ sĩ phiêu lưu, mặc dù không thể nói là ông không có tài. 
Bằng một quy chiếu từ bản thân, nhà thơ Lê Đạt đã nhận định về con- người-thơ Đoàn Văn Chúc: “Anh còn là một người làm thơ độc đáo. Chỉ tiếc, Chúc không đủ cái đam mê và khổ đạo đi hết con đường nghiệt ngã của nghiệp chữ” (Điếu văn “Vĩnh biệt Chúc bờ sông”.
4.Với các trang thơ trong tập thơ này, nếu tiến hành một thao tác viết liền các chữ của mỗi trang, ta sẽ được một trật tự tuyến tính của văn bản tiếng Việt thông thường, theo đó sẽ có được những ý niệm nghĩa, mặc dù không phải lúc nào cũng rõ ràng. 
Từ đây, chúng ta lại nhận ra một điểm đặc biệt nữa: tác giả Đoàn Văn Chúc sử dụng khá nhiều những hình ảnh thân thuộc trong văn hóa truyền thống dân tộc, những văn liệu thuộc về ca dao hoặc thơ của các nhà thơ khác, những tích truyện thuộc folklore…Hình ảnh “trăng một” trong bài thơ “Chiến tranh/nhiều/gái/ngực/lành/trăng/một” (vốn trong bài, các chữ được sắp đặt theo một trật tự nhất định, đầy biến hóa, nay xin phép được viết liền theo lối tuyến tính thông thường-VG), chắc chắn gợi lên một sự cô đơn, cô quả, góa phụ, một mình, lẻ bóng…Trăng đã có xu hướng trở thành biểu tượng trong thơ.
Thêm một ví dụ: trong bài “Đường” có một trang thơ với các chữ “đại/hạn/Làng/nháo nhác/giết lợn/cỗ ngửa mâm lá chuối/ruồi…/bát âm/cờ nheo/áo nậu/ Rước /nước/khấn Hoàng Thiên/Mưa” (tr.43), rõ ràng biểu đạt phong tục lâu đời của cư dân đồng bằng Bắc bộ: lễ cầu mưa - một nghi thức cổ xưa của cộng đồng thuộc nền văn minh nông nghiệp. 
Trong sáu bài thơ dài, bài nào cũng có những trang thơ sử dụng những tầng vỉa văn hóa dân tộc làm chất liệu. Điều này không thể là ngẫu nhiên. Tác giả Đoàn Văn Chúc là một nhà nghiên cứu rất sâu về lễ Tết, lễ hội, trò chơi, giá thú, tang ma, thời kiểu, địa chí học, xã hội học, biểu tượng…về xã hội và con người Việt Nam truyền thống và hiện tại. Ông xem văn hóa dân tộc như một đối tượng nghiên cứu cấp thiết , bền bỉ và hấp dẫn.
Về biểu tượng, ông viết: “Đến đây, nghĩa đầu tiên của biểu tượng được xác định bằng chính lý do ra đời của nó: biểu tượng là dấu hiệu được phô bày ra bên ngoài để nhận biết sự sở thuộc của cộng đồng” . 
Khảo sát trong tập thơ này, tác giả của nó đã sử dụng ngoài hình ảnh trăng, lễ cầu mưa như vừa đề cập, còn thấy thêm những hình ảnh có tính biểu tượng như: ngõ, mưa, chuông, lễ hội, “cẳng trâu/đầu cơ nghiệp”, tua rua, “mạ già ruộng ngấu”; tên các địa danh như sông Thương dòng trong dòng đục, Nem, Niềm, Đặng, Lim, Vân Hà, Thổ Hà, sông Cầu…Tất cả những hình ảnh, địa danh đó làm bừng lên những không gian văn hóa chiều sâu, thuộc về giá trị cộng đồng. Một trang thơ ghi: “Đường/tình/theo/Em/tóc em dài/Em cài hoa lý/khăn/mỏ quạ/giấu nửa /má /hoa” (Đường), có khá nhiều hỉnh ảnh quen thuộc, nằm sâu trong tâm thức người Việt, có sức cộng hưởng và vang gợi. Hình ảnh “má hoa” là một sáng tạo đẹp trong tính duy mỹ tinh khiết. Nhan đề của sáu bài thơ dài mang tên Chiều, Đường, Sông, Mưa, Tình, Mẹ cũng chính là các ký hiệu văn hóa, có tính biểu tượng, vang gợi, lan tỏa, dư vị, gói ghém nhiều cảm xúc và ngụ ý của tác giả.
Nặng lòng với văn hóa Việt, các giá trị Việt, những ám ảnh và ưu tâm văn hóa đã tràn vào thơ ông theo cách biến hóa. Nếu ở Hoàng Cầm, các trầm tích văn hóa Việt được xem như là đối tượng quan tâm và mô tả trực tiếp, thì đến Đoàn Văn Chúc, văn hóa hiện lên một cách hết sức tiết chế, như những ký hiệu, nén đọng, có khả năng dẫn gợi, cộng hưởng. Đây chính là một đặc điểm có ý nghĩa nhận dạng, như một dấu chỉ xác nhận nét riêng trong thơ họ Đoàn.
* * *
Sinh thời, học giả Đoàn Văn Chúc làm thơ không nhiều. Theo như thân nhân trong gia đình ông cho biết, đây là tập thơ duy nhất, được làm trong nhiều năm, chưa từng xuất bản dưới mọi hình thức, và không có ý định xuất bản. Ông cũng đã bộc bạch: “Tôi không có ý định làm nhà thơ hay một gì đó tương tự”, “tôi không có ý định gì xuất bản”; và “Chẳng may, vì một lý do nào đấy, bản nào đấy có thể đến tay bạn không quen, xin bạn hiểu cho như trên” (Vài lời). 
Tuy vậy, cho đến nay, tập thơ này cũng đã có lịch sử già hai thập kỷ được lưu giữ trong ngăn kéo. Và cũng đã đến lúc nên chăng để bạn đọc rộng rãi được tiếp xúc.
Để thấy một nét anh hoa của học giả Đoàn Văn Chúc qua thơ.
Để thấy một cách “tự cất tiếng” ru mình, một khu trú bản ngã và nhân cách Đoàn Văn Chúc bằng thơ.
Để cộng thêm, hợp thành một di sản Đoàn Văn Chúc, một sự nghiệp của học giả Đoàn Văn Chúc.
Thu Hà Nội, tháng 10/2016
VG

Một số bài thơ do tự tay Đoàn Văn Chúc thể hiện trong Di cảo chưa từng xuất bản