Ma Xó đi học

Xưa nay Ma Xó chỉ quen đếm những thứ người ta lấy đi của nhà mình, lấy đi một thứ thì đếm "một" và bắt một vía của người ấy, họ lấy đi hai thì đếm "hai" và chài hai vía... Đằng này họ không lấy đi mà để lại cho nhà mình thì biết đếm như thế nào? Nhưng không thể không đếm vì người dân tộc nó xưa nay thật thà, nợ nần, ơn oán rõ ràng.

 

 

Chờ mãi rồi ngày tựu trường cũng đến.

Ngôi truờng Ma Xó được gửi đến học đặc biệt lắm, mà ngày khai truờng cũng chẳng giống các trường khác. Khác là vì trường nó khai giảng vào mồng năm tháng năm, ngày người ta cố ăn nhiều rượu nếp với hoa quả để "giết sâu bọ" ấy, tức là vào quãng tháng sáu nếu theo lịch của trẻ con bình thường. Khác là vì trong bề rộng của bốn múi giờ, suốt từ Bắc Cực đến Nam Cực chỉ có mỗi một truờng cho trẻ Ma, còn trường cho lũ nhãi bình thường thì ở đâu mà chả có. Khác còn ở chỗ các môn học không giống nhau, bọn lau nhau bình thường dù đã đi học ba bốn năm rồi, cũng còn lâu mới hiểu được bài vỡ lòng ở trường Ma Bé nhá!
Thôi không so sánh các chuyện khác nhau nữa đâu, dù còn nhiều thứ khác nhau lắm, bởi đã là trẻ con thì sẽ chán ngay nếu cứ nhai mãi một đề tài. Ma Xó phải đến trường học bởi cách coi nhà bây giờ chẳng như ngày xưa, hơn nữa nó cũng mới nhận việc này, cụ Ma Xó trước nó đã cùn hết các phép thuật và bỏ nghề từ sáu bảy chục năm nay rồi còn gì.
Ban đầu nó không chịu đi học. Trước nay có cụ Ma Xó nào phải đi học đâu? - Nó cãi thế - Nhưng vì mới nhận nhiệm vụ coi nhà có một tuần cu cậu đã nhầm be nhầm bét, mới thấy rằng ngày nay nếu không đi học thì đừng hòng mà làm được việc coi nhà, không kể còn những việc khác chủ nhà trông mong ở nó. Bé thì bé, mới làm thì mới làm, nhưng cậu Ma Xó bé con cũng hiểu được rằng mỗi thời mỗi khác mà.
Truớc kia nếu có ai vào nhà lấy cái gì, hoặc ăn uống cái gì của nhà mình trong khi mọi người đi vắng hết, thì nó nấp ở trong góc nhà đếm thật to và dõng dạc: "một củ khoai, hai củ khoai..." hoặc "một đấu, hai đấu..." nếu người đó xúc trộm gạo hoặc ngô đỗ. Người ta không giả tiền hoặc để lại vật gì đó có giá trị tương xứng thay thế thì chài, tức là làm phép đặt một cây đinh, cục đá hoặc khúc gỗ vào bụng người ấy để đánh dấu nợ, tương tự như cách viết biên lai của chủ tiệm cầm đồ. 
Có điều không giả được tiền đúng hạn cho chủ tiệm cầm đồ chỉ mất món hàng đem cầm, còn nếu không quay lại thanh toán món nợ mà Ma Xó đã chài, thì dễ mất mạng lắm. Chẳng thế mà người ta sợ và tiếng tăm của Ma Xó vang cả đến những miền thị thành, nơi người ta chẳng mấy khi ăn khoai ăn sắn hoặc mượn mõ nhau mấy đấu, mấy bò ngô đỗ vớ vẩn.
Người ta đều có ba hồn, nhưng đàn bà có chín vía trong khi đàn ông chỉ có bảy vía thôi. Đếm "một" tức là Ma Xó bắt một vía của người ta, đếm "hai" là bắt của người ấy hai vía. Đã bị Ma Xó bắt ba bốn vía mà không trả nợ là ốm đến mức dở sống dở chết, vậy nên người đàn ông nào bị đếm đến bảy vía mà không biết, hoặc biết nhưng cứ cố tình ăn quịt, thì ít lâu sau có đi ngủ với giun cũng là chuyện bình thường.
Đó là chuyện ngày xưa, do cụ Ma Xó già lão đã hết phép và bỏ nghề mấy chục năm nay truyền lại như thế. Còn từ ngày nhận việc đến giờ cậu Ma Xó gặp toàn những trường hợp không biết phải đếm như thế nào. Không phải nó không biết đếm đến số chín, để ghi nợ đủ cả chín vía của một người đàn bà trong trường hợp cần thiết. Dù chưa đi học nhưng cu cậu tin rằng, có thể đếm đến số chín mươi chín cũng không nhầm đâu nhá!
Vậy tại sao cậu Ma Xó phải chịu đi học nhỉ? 
Là vì mới ngày thứ hai nhận nhiệm vụ nó đã gặp một việc khó khăn. Ngày hôm đó có một tốp Sinh viên Tình nguyện ghé vào nhà, họ ngồi đầy ở ngoài sân, bờ hè, có anh chị tò mò ghé vào xem trong nhà một tẹo rồi lại ra ngay. Đám người lấy củi khô ở đống củi, mượn thêm một chiếc nồi ở bếp nhà nó, vì tuy có đeo theo mấy chiếc xoong nồi ở quai ba lô nhưng chắc vẫn còn thiếu, bắt đầu nấu nướng rồi ăn uống với nhau.
Việc người ta lấy của nhà mình ít củi, mượn một chiếc nồi hay thứ dụng cụ gì đó để dùng, xong rồi trả ngay thì Ma Xó chả bao giờ đếm để ghi nợ. Củi đầy ở rừng, giúp đỡ người khác là chuyện thường tình, trừ khi người lạ dùng xong lại mang nồi nhà mình đi luôn thì mới phải đếm. 
Ma Xó chưa đếm gì cả nhưng cậu ta quan sát ghê lắm đấy nhá, đừng hòng có chuyện gì lọt mắt. Nghe nói bây giờ ở phố người ta lắp đặt máy chống trộm với thứ ke-me-re hay ka-me-ra gì đấy, nhưng ông Trưởng bản đi họp tỉnh về bảo rằng, những thứ đó nếu bị kẻ gian cắt mất giây điện sẽ thành đồ bỏ, chẳng khác gì con dao quắm vừa mẻ vừa rỉ vứt ngoài chuồng trâu. Có người lại bảo cái ke-me-re có những góc chết, nghĩa là không nhìn thấy được một số chỗ ngay trong nhà mình, nếu như đồ đạc sắp xếp ngùng ngoằng cao ú ụ như đống sắn tươi, thứ nọ che khuất thứ kia... 
Tốp Sinh viên Tình nguyện có ý chờ chủ nhà về để hỏi chuyện gì đó, nhưng Ma Xó biết là cả nhà lên khu rãy mới phát, phải tối mới về cơ, thế nên họ thu dọn đồ đạc rồi kéo nhau đi tiếp. Họ để cái nồi đã mượn vào chỗ cũ, chẳng lấy thứ gì của nhà nó, mà để lại trên bàn hai hộp mì ăn liền "Hảo Hảo", mấy gói mấy bao gì nữa ấy, cùng với một tờ giấy mà một chị đã hí hoáy viết vào đấy.
Ma Xó cực kì bối rối bởi vì cu cậu chưa biết chữ. Nhưng may quá, chị sinh viên viết xong đã cầm đọc cho mọi người nghe: "Đây là quà tặng của Quỹ Hỗ trợ Giảm nghèo gửi tới gia đình gồm hai hộp mì ăn liền và...". Nó lập tức nhớ ngay những con số vì Ma Xó có trí nhớ bẩm sinh rất khá, nhưng sẽ phải đếm như thế nào nhỉ? 
Xưa nay Ma Xó chỉ quen đếm những thứ người ta lấy đi của nhà mình, lấy đi một thứ thì đếm "một" và bắt một vía của người ấy, họ lấy đi hai thì đếm "hai" và chài hai vía... Đằng này họ không lấy đi mà để lại cho nhà mình thì biết đếm như thế nào? Nhưng không thể không đếm vì người dân tộc nó xưa nay thật thà, nợ nần, ơn oán rõ ràng. 
Cu cậu không dám mở mồm đếm một tiếng nào, chỉ lấy que vạch lên tường mấy vạch để sau khỏi quên rồi cứ ngồi trong góc nhà vò đầu, dứt tai. Việc này không phải chỉ xảy ra một lần, mới hai hôm sau đã có một tiểu đội lính biên phòng ghé qua nhà nó. Việc tương tự tiếp tục xảy ra vì chủ nhà luôn đầu tắt mặt tối ở trên nương cho kịp vụ gieo trồng, có khác là họ để lại cho nhà nó một bao gạo to, một túi quần áo cũ, một tờ giấy in sẵn chữ có hình vẽ tròn trịa màu đỏ, trưởng bản vẫn gọi là "có đóng dấu". 
Sau này khi đã đi học cu cậu mới biết rằng ngoài số 1, số 2, các thày cô còn phân ra số dương một (+1), dương hai (+2) với âm một (-1), âm hai (-2)... để ghi chép hoặc đếm các trường hợp người ta lấy đi hay người ta để lại cho nhà mình, đâu là số nợ, đâu là số vay rất rạch ròi nhá. Nếu không đi học thì làm sao mà biết được cách làm như vậy?
Giờ thì đã hết ngạc nhiên với chuyện cậu Ma Xó chịu đến trường theo lớp vỡ lòng trong năm đầu tiên, tựu truờng vào đúng ngày Tết Đoan Ngọ. Giàng ơi! (là cậu ta kêu Trời ơi đấy mà) Hóa ra trường nó cũng đông quá thể. Đến học không chỉ có các cậu bé Ma Xó ở các vùng khác mà còn có các cô cậu thuộc những dòng Ma Lam, Ma Gà, Ma Da, Ma Le, Ma Lai, Ma Trơi... Khá nhiều dòng ma thậm chí cậu ta chưa hề nghe nói tới. Hầu như ở trường nó có mặt đủ các loại ma trên thế gian, vậy nên biển tên ở cổng truờng nó mới ghi là: TRUỜNG MA BE BÉ.
Có thể rồi một ngày nào đó, trong đợt đi du lịch Thám Hiểm hay du lịch Thần Bí chẳng hạn, sẽ có các cô cậu bé bình thường được đến tham quan ngôi truờng của các con Ma Be Bé, giả như gặp được anh chị hướng dẫn viên du lịch nào đó khéo léo trong công việc Ma-ket-ting, có khi còn xin được dự giờ của chúng nó là khác. Khi ấy chắc hẳn sẽ còn nhiều chuyện hay ho để kể, hôm nay ta đành vui lòng dừng ở chỗ biết được lí do, tại sao mà cậu Ma Xó phải đi học mà thôi.,.