Sắm 320.000 máy tính bảng cho trẻ: Phụ huynh ngồi trên "đống lửa"
(Học đường) - Hơn 320.000 gia đình sẽ phải tự sắm máy tính bảng cho con nếu Đề án thí điểm SGK điện tử tại TP.HCM được thông qua. Không chỉ giật mình bởi con số 4.000 tỷ đồng đầu tư cho đề án, mà còn giật mình bởi tư duy mang trẻ em ra "thí điểm" của TP.HCM trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
Chỉ sau 2 cuộc hội thảo ngắn ngủi, chưa đến đầu đến đũa do một hai doanh nghiệp đứng ra tổ chức, TP.HCM đã có vẻ “xuôi xuôi” với Đề án thí điểm sách giáo khoa điện tử cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 3.
Nếu đề án này được thông qua sẽ có khoảng hơn 320.000 học sinh phải tự sắm máy tính bảng với giá tối thiểu 5 triệu đồng/máy để làm công cụ học tập thay cho những cuốn sách giáo khoa truyền thống giá vài ngàn/cuốn lâu nay.
Nghe đâu, ý tưởng xây dựng Đề án này đơn giản được bắt nguồn từ những kêu ca “học sinh đến trường mang vác quá nặng”, nên lãnh đạo TP.HCM muốn tìm phương án "tích hợp" chương trình học trong một chiếc máy tính bảng để các em dễ ‘mang vác’ đến trường, tiện tra cứu thông tin.
Cũng là cách nghĩ cho các em – những chủ nhân tương lai của đất nước. Có điều, xung quanh đề án này đang có quá nhiều điểm băn khoăn, mà trong hai cuộc hội thảo được tổ chức cách nhau đúng 1 tháng, để giới thiệu đề án không thấy đề cập đến.
Theo đơn vị xây dựng đề án thuyết trình, việc sử dụng máy tính bảng tương tác sẽ thay thế bảng đen truyền thống, giáo viên sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát học sinh đang thao tác gì trên máy. Lớp học được trang bị mạng WiFi. Mỗi học sinh sẽ sử dụng một máy tính bảng riêng, trong đó tích hợp toàn bộ bài học trong sách giáo khoa.
Được biết, các con số tính toán về số lượng máy, kinh phí trong dự thảo đề án được tạm tính bằng 60% trên tổng số trường, số học sinh tiểu học trên địa bàn TP.HCM hiện tại. Theo đó, có 451 trường tiểu học sẽ tham gia đề án.
Cụ thể, “mỗi học sinh lớp 1 đến lớp 3 cần trang bị một bút chấm đọc điện tử và một máy tính bảng có cài đặt sách giáo khoa điện tử. Ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 5.334 học sinh thuộc diện đối tượng chính sách. Số học sinh còn lại (khoảng hơn 320.000) phụ huynh phải tự trang bị máy tính bảng, bút chấm đọc…”, đề án chỉ rõ.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng vấn đề 321.000 học sinh còn lại liệu có tự trang bị được máy tính bảng theo yêu cầu nếu đề án được thông qua hay cha mẹ các em lại loay hoay, vật vã, vay mượn khắp nơi để con theo kịp bạn bè?
Lâu nay, một bộ sách giáo khoa truyền thống cho học sinh tiểu học vẫn được trợ giá, chỉ độ hơn trăm nghìn/bộ sách mà nhiều gia đình còn khốn khổ xoay sở để sắm đủ sách cho con mỗi đầu năm học mới. Nay nếu phải sắm một máy tính bảng có giá vài triệu đồng, với nhiều gia đình chắc chắn sẽ là gánh nặng khó đỡ.
Vẫn biết sự học ngày nay là nhu cầu nóng bỏng của toàn xã hội. Nhiều bậc cha mẹ sẽ sẵn lòng tìm đủ cách để con em được bằng bạn bằng bè. Nhưng ước mơ thiên tài cho con trẻ có bị dở dang khi đó chỉ là chương trình "thí điểm" chỉ trong 3 năm học, lên lớp 4, lớp 5 các con sẽ thế nào khi quay về chương trình học bình thường?
Không chỉ nặng gánh lo toan cơm áo gạo tiền, nhiều phụ huynh còn sấp ngửa lo cho con em mình quá phụ thuộc vào thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến thị lực, đến thần kinh, rồi lo những "virus" lây lan từ trò chơi điện tử sẽ hút các em hơn cả chương trình học… Những lo lắng này được đặt ra, không thấy có lời giải đáp thỏa đáng nào trong đề án đã trình bày.
Còn quá nhiều nỗi lo mà nếu không đặt mình trong vai trò người làm cha, làm mẹ sẽ rất khó để đong đếm hết. Thế nên, nếu không thể đưa ra những lý do thuyết phục hơn là ngoài việc “giúp các bé bớt mang vác quá nhiều sách giáo khoa khi đến lớp”, thì việc TP.HCM đưa dự án hàng nghìn tỷ vào triển khai thí điểm là quá vội vàng và khó thuyết phục sự đồng thuận của người dân.
Vẫn biết đổi mới giáo dục là cần thiết, nhưng đổi mới bắt đầu từ đâu, cách thức nào cho phù hợp lại càng quan trọng hơn hết thảy.
Thực tế, trong xu thế hội nhập, việc áp dụng công nghệ trong công tác dạy và học cũng là một trong những yêu cầu cấp bách. Ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... việc đưa máy tính bảng thay thế giấy bút truyền thống cũng đã được làm thí điểm từ vài năm nay. Tuy nhiên, đa số các nước chỉ thí điểm ở quy mô nhỏ, và không chọn các bé lớp 1, 2, 3 như cách TP.HCM đang làm.
Hay ngay ở Thái Lan, dự án “Mỗi học sinh một máy tính bảng” được khởi xướng vào năm 2012 đã bị xóa bỏ từ tháng 5/2014 vì những hệ lụy phát sinh. Những người lập đề án có tham khảo những thực tế này chăng?
Nhiều người thắc mắc, vì sao TP.HCM lại quyết định chọn học sinh lớp 1 đến lớp 3 để làm ‘thí điểm’ mà không phải là các bậc học cao hơn? Lứa tuổi các em đang cần một chương trình học nhẹ nhàng, sao để vừa học vừa chơi, phát triển tư duy, tăng khả năng sáng tạo. Cách luyện chữ, học đánh vần, những cử chỉ cầm tay đưa nét bút của thầy cô khiến các con thấy gần gũi hơn nhiều so với chiếc máy tính được lập trình như công thức bất di bất dịch.
Những năm đầu tiên đến trường là rất quan trọng với sự phát triển cả cuộc đời của trẻ. Một đề án như vậy nếu được thực hiện thí điểm, và giả sử không thành công, thì khoan nói đến chuyện lãng phí 4.000 tỷ đồng là khoản chi phí hoàn toàn không nhỏ, còn dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho trẻ, sẽ có hại nhường nào!
Sự nghiệp trồng người là gây dựng cả một tương lai của đất nước, chúng ta không thể cứ tùy tiện làm “thí điểm”!