Thủy chung với vợ
Vợ chồng là bạn trăm năm, đã phải duyên phải lứa lấy nhau từ lúc còn trẻ, kính yêu nhau thì đến lúc già ai lại có nỡ phụ nhau.
Vua Cảnh Công có cô con gái yêu, muốn gả cho Án Tử. Một hôm, vua đến ăn tiệc nhà Án Tử, thấy vợ Án Tử, hỏi:
- Phu nhân đấy phải không?
Án Tử thưa:
- Vâng, phải ạ.
Vua nói:
- Ôi! Người trông vừa già vừa xấu! Quả nhân có đứa con gái trẻ và đẹp, muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?
Án Tử đứng dậy thưa rằng:
- Nội tử tôi nay thật già và xấu; nhưng lấy tôi và cùng tôi ăn ở đã lâu, kể từ lúc còn trẻ và đẹp. Xưa nay đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lúc đẹp lấy cốt để cậy lúc xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi mà tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy. Nay nhà vua tuy muốn ban ơn, chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn ở bội bạc với những điều nội tử tôi đã nhờ cậy tôi bấy lâu nay.
Nói đoạn Án Tử lạy hai lạy, xin từ không lấy.
Lời bàn: Vợ chồng là bạn trăm năm, đã phải duyên phải lứa lấy nhau từ lúc còn trẻ, kính yêu nhau thì đến lúc già ai lại có nỡ phụ nhau. Ngán thay thói đời giàu hay quên bạn, sang hay quên vợ. Lắm kẻ lúc còn hàn vi vợ nuôi cho ăn học, một mai được chút tiền của, chức tước đã phụ ngay vợ cũ mà kiếm vợ mới, hoặc kiếm vào chỗ giàu, hoặc kiếm vào chỗ sang, hoặc kiếm người trẻ tuổi xinh đẹp hơn. Những kẻ như thế dù viện lẽ gì, tổng chi cũng là phụ bạc cả. Nào đã mấy người được như Án Tử đây: gặp cảnh giàu sang như nhà vua, trẻ đẹp như công chúa, lại như muốn lấy uy quyền bức bách mình, mà mình nhất định cố từ. Ông là người ăn ở thủy chung với vợ tấm cám thật!
Bạn quần thoa đọc truyện này cũng nên ngẫm nghĩ, chớ nên tham lam tài danh mà lấy những kẻ đã đem lòng phụ vợ tào khang. Vì rằng người vợ xưa, nuốt được nghèo khổ, chịu được đắng cay ở với họ đã bao lâu mà họ còn phụ, thì họ lấy ta hoặc vì lợi chăng, hoặc vì thế chăng, hoặc vì sắc chăng, một khi lợi kém, thế hết, sắc suy, thì cái tình vợ chồng lúc bấy giờ lại hóa ra ngay cảnh người dưng nước lã./