Chuyện về chàng trai không có nụ cười

Đôi mắt sáng nhưng buồn, một cơ thể nhìn đâu cũng thấy sẹo khiến bất cứ ai khi gặp Dương Đức Thắng (Đồng Yên, Thượng Đình, Phú Bình) đều không khỏi chạnh lòng. Mới 20 tuổi, em đã vĩnh viễn mất đi nụ cười và 71% sức khỏe. Nhưng, dường như số phận nghiệt ngã ấy không là rào cản ngăn em có những bước đi đầy ước mơ và nghị lực giữa cuộc đời.


Dù mang bệnh nặng trong người nhưng Thắng vẫn cố gắng học trở thành người có ích cho xã hội

 

 

 

Những thử thách của cuộc đời

 

Ngày biết tin Thắng đỗ đại học, rất nhiều người là hàng xóm, người thân biết rõ về hoàn cảnh của em đã đến chia vui, động viên làm căn nhà nhỏ trở nên rộn rịp. Bị bệnh ung thư xương quai hàm từ khi mới bốn tuổi, tuổi thơ của Thắng không có những trò chơi vui vẻ cùng lũ bạn trong làng, thay vào đó là bốn bức tường trắng của bệnh viện với những cuộc phẫu thuật kéo dài triền miên. Trông em gầy yếu, loẻo khoẻo, gương mặt luôn hiện hữu sự trầm tư, nhiều người gặp đã không cầm được nước mắt. Tuy cuộc sống nghèo khó, song gia đình Thắng luôn được bà con cảm thương, nể trọng, bởi tuy nghèo nhưng con cái đều hiếu học. Ông Trần Đình Cương, Chủ tịch UBND xã Thượng Đình (Phú Bình), người hàng xóm thân thiết của gia đình Thắng ngậm ngùi: “Thắng mắc bệnh nặng từ nhỏ nhưng hiếu học lắm, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Thắng là tấm gương về một thanh niên biết vươn lên, không chịu đầu hàng số phận”.

Phát bệnh từ khi mới bốn tuổi với những biểu hiện lạ, mụn bắt đầu mọc quanh cằm và ngày càng nhiều hơn, sau đó dần lở loét. Chữa trị ở Thái Nguyên một thời gian nhưng bệnh không chuyển biến, gia đình em đã phải vay mượn khắp nơi đưa em xuống Hà Nội. Cả nhà đã “chết lặng” khi biết Thắng mắc phải bệnh ung thư xương quai hàm, việc cứu chữa trở nên vô vọng. Một thời gian sau, thịt quanh cằm bắt đầu phân hủy và bốc mùi hôi, răng lung lay và rụng dần, xương quai hàm cũng không còn nữa. Mặc dù đã được phẫu thuật lắp xương quai hàm bằng nhôm, dùng thịt ở đùi để cấy ghép nhưng vẫn không mang lại kết quả như mong đợi. Việc ăn uống ngày càng khó khăn hơn khi thịt quanh hàm giả vẫn mưng mủ và chảy máu, thế là lại phải tháo bỏ để làm người… không răng khi chưa tròn mười lăm tuổi. Kể từ đó, nụ cười của em đã trở nên méo mó. Chịu đựng đau đớn về thể xác, Thắng còn phải mang thêm nỗi mặc cảm: “Em là người không răng không xương quai hàm…, nên không nhớ từ bao giờ, em đã không dám cười nữa”.

Căn bệnh quái ác đã không cho Thắng được ăn uống như người bình thường, thức ăn hoàn toàn phải là đồ mềm nhũn hoặc đã được nghiền nát. Món ăn mà Thắng yêu thích cũng chỉ là trứng và bí đỏ nấu nhừ, bởi nó rẻ lại không cần dùng máy xay nghiền nát. Tủi phận không may mắc phải căn bệnh quái ác, Thắng lại thương bố mẹ gấp nhiều lần. Gia đình em nhiều năm thuộc diện hộ nghèo của xã, bố lại bị tai biến mạch máu não và mất đi khả năng lao động, cứ lúc nhớ lúc quên. Cuộc sống cả gia đình năm miệng ăn phụ thuộc hoàn toàn vào người chị gái vừa học xong đại học, đang phải đi làm công nhân. Mẹ em thì tần tảo với bốn sào ruộng cùng nghề phụ đan rọ tôm. Dù cố gắng mấy thu nhập cũng chỉ là muối bỏ bể trong những khoản chi tiêu của gia đình. Mẹ Thắng nghẹn ngào: “Nuôi con ăn học, rồi chữa bệnh cho con chưa xong lại chữa bệnh cho chồng, nhà tôi nợ nần chồng chất. Giờ Thắng lại đi học đại học, chẳng biết Nhà nước có dám cho gia đình tôi vay vốn tiếp không. Mà vay thì nợ chất nợ đến bao giờ mới trả được đây?”. Còn Thắng thì lo lắng lắm, em bảo, nhà em quá nghèo, bản thân lại đang mang trọng bệnh, em sợ không đủ điều kiện kinh tế và sức khỏe để theo học hết đại học. Con đường phía trước với em sao thấy nhiều khó khăn vất vả.

Nghị lực phi thường

Để nói về Thắng, có lẽ từ “nghị lực” là chưa đủ. Bởi dù gầy còm ốm yếu với cân nặng chưa đến 40kg, và chỉ còn 20% sức khỏe; căn bệnh xương quai hàm và răng đã mất hoàn toàn, gia đình lại khó khăn…, song Thắng vẫn luôn là “con ngoan trò giỏi” trong suốt các bậc học. Có thời gian do không đủ sức khỏe, Thắng phải nghỉ học một năm. Vậy nhưng khi vừa khỏe lại là em đòi đi học lại ngay. Thắng không xấu hổ khi phải “học đúp” so với các bạn bằng tuổi, bởi ước mong được đi học, được đến trường và được trở thành sinh viên của em lớn hơn tất cả.

Đưa mắt quanh không gian căn nhà nhỏ đơn sơ, trên khắp những bức tường đã tróc vữa loang lổ, đâu đâu cũng thấy giấy khen. Thấy chúng tôi tỏ ý nể phục, ánh mắt Thắng long lanh, em hồn nhiên khoe: “Chỗ giấy khen này chỉ là số nhỏ thôi chị ạ, năm nào chị em em cũng được giấy khen, tường nhà xấu xí nên còn không đủ chỗ để dán nữa”. Với tinh thần ham học ấy, Thắng dễ dàng thi đỗ vào trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên. Niềm vui tràn ngập trong lòng, song thứ em phải đối mặt cũng vô cùng gian nan. Bố mẹ em phản đối và ngăn cản, một phần vì nhà quá nghèo, phần khác là lo cho em đang mang trọng bệnh. Không nản lòng, Thắng với sự ủng hộ của người chị gái đã ra sức thuyết phục. Sau gần cả tháng trời, cuối cùng, bố mẹ cũng hiểu rõ ý chí của em và đồng ý cho nhập học.

Đến thăm em vài lần vào đúng giờ cơm, lần nào chúng tôi cũng thấy thức ăn chỉ là một món bí đỏ. Cuộc sống sinh viên nhiều bỡ ngỡ, sức khỏe lại không tốt, vậy mà tuần nào Thắng cũng đạp xe mấy mươi cây số về nhà chứ không đi xe buýt. Để giúp gia đình tiết kiệm chi tiêu, đến chiếc máy xay sinh tố mẹ mua cho để xay thức ăn, em cũng không dám dùng vì sợ tốn tiền điện. Hằng tháng chị gái Thắng chắt bóp lắm cũng chỉ gửi cho em được một triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt. Với số tiền ít ỏi, Thắng phải hết sức dè xẻn mới đủ.

Vượt qua những khó khăn về vật chất, vượt qua cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, chàng sinh viên Dương Đức Thắng vẫn đang ngày đêm miệt mài đèn sách, cố gắng học tập để thực hiện ước mơ trở thành một kĩ sư máy tính. Em đang nỗ lực, quyết tâm giành cho mình một suất học bổng để giảm đi gánh nặng học phí cho gia đình và cũng là đảm bảo cho việc học không bị nghỉ giữa chừng. Thắng khiến mọi người cảm phục và tin tưởng, bởi em đã làm được những điều mà không phải người tàn tật nào cũng có thể làm được.

(Nguồn: Báo Văn nghệ Thái Nguyên)

Mọi chia sẻ của quý bạn đọc có thể liên hệ với sinh viên Dương Đức Thắng, lớp Kỹ thuật Điện - Điện tử K12A, trường Đại học Công nghệ Thông tin và truyền thông, ĐH Thái Nguyên. ĐT: 0968427591. Trân trọng cảm ơn!

BBT. tacphammoi.net