Người săn thú

Mới tinh sương thầy trò tôi đã lên đường. Tôi thì xách khẩu súng kíp có bốn viên đạn ghém đã nhồi sẵn thuốc nổ. Đi trước tôi là Phương, cậu học trò đã ở với tôi ngót một năm nay. Nó có vóc dáng hơi gầy, chân đi tập tễnh với cái đầu lao về phía trước. Lưng nó đeo một bình tông nước, tay phải xách cái túi đựng gói cơm nắm khá to. Những người đi săn bao giờ cũng phải lo đồ ăn thức uống mang theo như thế. Đi săn cũng như đi câu vậy. Phải kiên trì mai phục, nhất là đối với khỉ là loài vật tinh khôn. Khi đã đói hoa mắt run tay thì con thú có xuất hiện trước mũi súng chừng năm mươi mét chưa chắc đã bắn trúng chứ đừng nói bắn khỉ phải chấp nhận ở tầm bắn ngoài trăm mét.

 

Phương bước những bước như nhảy. Chiếc bình tông nước lắc lư theo bước đi phát ra những tiếng óc ách. Người ta bảo trông dáng đi là biết được số phận người ấy vất vả hay nhàn tản. Phương thì vất vả thật rồi. Mới hơn chục tuổi đầu mà nó đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nói mồ côi nhưng bố mẹ nó chưa chết. Bắt đầu từ việc bố mẹ nó bỏ nhau, gia đình tan nát. Sau khi ly hôn với mẹ, bố nó bỏ về quê lấy vợ. Từ ngày chỉ còn hai mẹ con, ai hỏi về bố thằng Phương đâu, mẹ nó đều nói: “ Bố nó chết rồi !”. Phương cũng quen dần cảnh không bố và cũng quen miệng trả lời: “ Bố cháu mất rồi !”. Thực ra thì bố Phương cũng như người đã chết hẳn trong lòng mẹ con nó. Bao nhiêu năm nay ông ấy có ngó ngàng gì đến mẹ con nó đâu. Những ngày giông bão lật tung nóc nhà, những khi nó ốm vật vã sốt mấy ngày liên miên, một mình mẹ nó thân đàn bà phải chống đỡ, lo toan tất cả.

Tưởng rằng sảy cha còn mẹ, mẹ con nó sẽ thắt lưng buộc bụng nuôi nhau, sớm tối líu ríu xum vầy. Ai ngờ một ngày kia xuất hiện một người đàn ông trong nhà nó. Ông ta yêu mẹ nó rồi quyết định cưới mẹ nó làm vợ. Thế là nó phải ở với chú dượng. Chú dượng có hai thằng con riêng rất hung hãn. Nó bực dọc ở đâu về cũng trút vào đầu, vào lưng thằng Phương những cú đấm, đá. Khi mẹ Phương vắng nhà thì chú dượng cũng hành hạ Phương không tiếc tay. Nó còn trẻ con, mảnh khảnh là thế mà phải sai làm đủ mọi việc như gánh nước, lên rừng lấy củi. Cái hôm mẹ nó quyết định đi lấy chồng nó khóc và đọc cái câu ca dao: “ Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai ”. Mẹ nó đứt từng khúc ruột nhưng không cưỡng nổi tình yêu. Vả lại gái không chồng như nón không quai. Lấy chồng rồi có con, Phương trước đây đã là người thừa trong cái gia đình ấy thì bây giờ lại càng trở thành mũi gai chọc vào mắt mọi người. Bất cứ ai trong nhà cũng có quyền đánh nó, cấm không cho nó ăn cùng mâm và không được đi học nữa, ở nhà bế em.

Xót con nhưng hoàn cảnh buộc phải dứt tình mẫu tử, mẹ nó đành gửi Phương về ở với bà ngoại. Bà ngoại đã ngoài bảy mươi tuổi, thân một mình sống bằng tiền cứu trợ của bà con xóm núi, lấy tiền đâu cho Phương học tiếp. Phương mất mẹ và mất học luôn.

Thầy hiệu trưởng thấy Phương học giỏi, hiếu học lại rơi vào cảnh ngộ đau lòng ấy đã quyết định huy động các thầy cô trong trường góp tiền hỗ trợ nuôi cho Phương ăn học. Tôi là giáo viên trẻ mới ra trường chưa có gia đình riêng nên ít khó khăn nhất trong hội đồng nhà trường, tôi quyết định chịu trách nhiệm toàn bộ tiền học phí trong năm học và bút giấy học hành cho em.

Được gần một năm thì bà ngoại Phương qua đời. Thế là tôi đón nó về ở với tôi. Hai thầy trò suốt ngày quấn quýt bên nhau. Sau nhiều ngày tôi mới thấy Phương nở một nụ cười. Đôi mắt trẻ thơ của nó sau bao nhiêu năm tháng buồn bã cô dơn nay bỗng mở to ngơ ngác làm tôi thấy xót xa và thương Phương vô hạn. Có đêm đang ngủ bên tôi nó giật mình hét toáng lên. Tỉnh dậy nó còn hoảng hốt kể cho tôi nghe:

- Thưa thầy, em mơ thấy bị rắn cắn khi đi lấy củi trên rừng!

- Em tưởng tượng ra đấy chứ đã bị rắn cắn bao giờ đâu?

- Em bị một lần rồi ạ! Lần ấy bố dượng bắt em đi lấy củi về bán. Một con rắn xanh đã cắn vào bắp chân em. Đau lắm nhưng em cố rạch thịt mình nặn hết máu độc ra rồi nhai lá đắp mới thoát chết.

- Ai dạy em cách làm thế?

- Em bắt chước giống khỉ. Loài khỉ tài lắm. Bị thương ở đâu là nó vơ bất kỳ lá gì bỏ vào miệng nhai rồi dịt vết thương là tự cứu được mình ngay. Có người bắn được khỉ bị thương, yên trí nó nằm đấy từ từ mới đến bắt. Thế mà nó đã kịp nhai lá để tự cứu thương cho mình rồi trốn thoát. Tại sao lại thế được hở thầy?

- Chuyện ấy là điều có thật đấy. Trong tuyến nước bọt của khỉ có một số loại men và vi rút. Khỉ nhai với lá tạo ra hỗn hợp có khả năng cầm máu và hàn vết thương rất nhanh. Điều này y học đã quan tâm nghiên cứu từ lâu rồi...

 

*

*   *

 

Trước khi đi bắn khỉ vào sớm chủ nhật này thầy trò chúng tôi đã được các thợ săn lành nghề dạy cho rất nhiều kiến thức về tập tính của loài khỉ. Khỉ là loài tinh khôn nhất trong các loài động vật. Nó có khả năng phát hiện các đối thủ nguy hiểm từ rất xa. Không ai có thể tiếp cận khỉ ở cự ly gần mà phải nổ súng từ ngoài một trăm mét. Dùng đạn ghém chính là bắn chụp cả khu vực tạo khả năng sát thương rộng. Giống khỉ thường sinh hoạt theo bầy. Con khỉ đực nào khoẻ nhất sẽ chỉ huy cả bầy. Khi khỉ đầu đàn già và chết là xẩy ra cuộc đọ sức giữa đám khỉ đực. Sau những cuộc chiến đấu khốc liệt và rất dữ dội, con đực chiến thắng sẽ trở thành khỉ đầu đàn. Đàn khỉ đi đâu kiếm ăn hay di chuyển, bao giờ cũng có một con đực được cắt cử đi trinh sát trước. Qua mỗi lùm cây vắt ngang hay mô đá, con trinh sát nhảy hoặc leo như thế nào thì cả bầy sẽ đi theo đúng vết như thế. Nếu có dính bẫy thì chỉ một con bị chứ cả bầy vẫn an toàn. Loài khỉ rất thích ăn quả Dom. Mùa Dom chín đỏ kích thích các chú khỉ vô cùng. Nhiều cậu bé láu cá đã vặt Dom đặt trong bẫy và bắt được khỉ. Bọn khỉ rất hay bắt chước. Có lần hai ông thuyền chài ghé vào bờ biển mép rừng. Hai ông neo thuyền lấy cá khô ra nhắm với rượu rồi lên rừng lấy củi. Bọn khỉ quan sát thấy. Đợi hai ông đi rồi chúng nhảy lên thuyền. Chúng cũng mở chai rượu ra thay nhau uống. Rượu ngon làm chúng say mèm, nằm ngủ lăn lóc trên thuyền. Hai ông thuyền chài trở về tóm được ngót chục chú khỉ...

Thầy trò chúng tôi phục nép sau một mô đất, mắt dõi quan sát cây Dom phía xa xa có những quả chín đỏ như quả Gấc đầy hấp dẫn. Mặt trời đã lên cao. Mồ hôi chúng tôi túa ra. Tôi và Phương thay nhau nhấp từng ngụm nước. Bụng đã thấy đói muốn ăn. Với người đi săn, đây là những phút chờ đợi mệt mỏi nhất, đòi hỏi lòng kiên trì cao độ.

Phương bỗng nháy tôi. Tôi cũng vừa kịp nhận ra mấy bóng đen luồn sau đám lá cây Dom làm vòm cây rung rinh. Đúng là lũ khỉ tinh ma thật. Chúng cũng quan sát chán rồi mới trườn nhẹ lên cây hái quả. Sau những phút giây cực kỳ hồi hộp tôi hướng mũi súng về phía cây Dom và mở chốt an toàn. Chọn bóng đen to nhất ở sáp với thân cây, tôi ngắm thật kỹ và quyết định nổ súng.

Sau tiếng súng chói tai, bầy khỉ chạy tán loạn. Tôi trông thấy rõ bóng đen to ban nãy rơi tuột xuống đất dọc theo thân cây. Tôi xách súng vọt ra khỏi chỗ nấp. Phương cũng đeo nguyên bình tông nước với nắm cơm lao theo tôi về phía cây Dom. Chúng tôi chạy nhanh hơn một trăm mét trong tâm trạng phấn khích. Bạn đã đi câu bao giờ chưa? Đi câu mà chiếc phao đung đưa, giật lên thấy cá đóng cước là sướng lắm. Nhưng, đi săn cái cảm giác khi bắn trúng con thú còn sướng hơn nhiều. Chúng tôi thở dốc nhưng không hề thấy mệt mỏi.

Đến gốc cây Dom, cả hai chúng tôi đứng sững lại. Một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt chúng tôi. Một con khỉ mẹ bị xổ ruột ra ngoài, tay nó ôm chặt đứa con nhỏ đang ngậm vú mẹ mút lấy mút để, những giọt sữa còn ngoen trên mép. Tay kia của khỉ mẹ vẫn níu chặt lấy gốc cây nó vừa tụt xuống. Hai mắt nó nhìn chúng tôi trừng trừng, nước mắt lã chã rơi xuống đầu khỉ con. Nó thà chết chứ không có ý định bỏ con để chạy thoát thân nên không nhai lá dịt vết thương.

Tôi vội vã quay mặt đi và bỗng thấy thấy choáng váng, sa sẩm mặt mày. Chết lặng đi chừng dăm phút tôi mới bàng hoàng nhận ra tiếng khóc của Phương phía sau đang nấc lên từng tiếng nghẹn ngào. Tôi thấy nó quì xuống bẻ hết gói cơm nắm đặt cạnh mẹ con con khỉ...

Trên đường về, thầy trò tôi lầm lũi bước, không ai nói với ai câu nào. Tôi thì tự hứa với lòng mình từ nay đến hết đời sẽ không bao giờ đi săn nữa. Còn Phương, nó đang nghĩ gì thế mà đôi mắt nó trở lại đượm buồn như năm xưa. Chắc rằng nó đang nghĩ về những người đã sinh ra mình.