Xót lòng cảnh đời "Hoa khôi xóm Đồng Cốc" xưa

Chị là Vũ Thị Mộc, sinh năm 1949, hiện ở khu 1, Đồng Cốc, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Thời ấy, mọi người trìu mến gọi chị là “Hoa Khôi xóm Đồng Cốc”. 18 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của người con gái chị về nhà chồng. Hai tháng sau, anh lên đường nhập ngũ (Năm 1967). Chồng chị, anh Lê Mai Sinh thời ấy cũng là một thanh niên đẹp trai, giỏi giang. Ai cũng mừng cho đôi trai tài gái sắc.

XÓT LÒNG CẢNH ĐỜI "HOA KHÔI XÓM ĐỒNG CỐC" XƯA

Phóng sự của Vũ Thị Sự

Tôi gặp chị trong buổi đi cùng hội Blog Tiếng Việt Quảng Ninh thăm và tặng quà các nạn nhân chất độc da cam Quảng Yên, ngày 10.8.2013. Trước khi đến thăm anh chị, chúng tôi đã được anh Lương Liễm - Chủ tịch hội nạn nhân chất độc Da cam Quảng Yên giới thiệu sơ lược nhưng chỉ đến khi tận mắt chứng kiến, tận tai nghe chị kể, tận mắt nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt một thời xuân sắc của chị, tôi mới thấu hiểu và vô cùng khâm phục người phụ nữ ấy. Những năm 60 của Thế kỉ trước, ở tổng Hà Nam này, chị khá nổi tiếng. Cô gái xinh đẹp, đảm đang ấy đã từng được tặng danh hiệu “Kiện tướng nuôi thả Bèo Hoa Dâu”. Chị còn là một xạ thủ xuất sắc của trung đội nữ dân quân Nam Hòa đã từng bắn rơi một máy bay giặc Mỹ. Chị là  Vũ Thị Mộc, sinh năm 1949, hiện ở khu 1, Đồng Cốc, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Thời ấy, mọi người trìu mến gọi chị là “Hoa Khôi xóm Đồng Cốc”. 18 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của người con gái chị về nhà chồng. Hai tháng sau, anh lên đường nhập ngũ(Năm 1967). Chồng chị, anh Lê Mai Sinh thời ấy cũng là một thanh niên đẹp trai, giỏi giang. Ai cũng mừng cho đôi trai tài gái sắc. Anh Lê Mai Sinh nhập ngũ vào Binh chủng Đặc công nước. Trên đường hành quân vào Nam chiến đấu anh nhiễm chất độc Da cam giặc Mĩ rải xuống Trường Sơn nhằm thiêu trụi cây lá rừng, hòng chặn đường hành quân của các anh. Năm 1971, trong một trận công phá cảng Cửa Việt, anh bị sức ép nặng phải chuyển ra Bắc điều trị. Năm 1972 khi đã tạm bình phục, anh được gia đình đón về chăm sóc. Vốn là một thanh niên năng nổ, học giỏi, anh tham gia công tác ở địa phương. Anh đã từng là Bí thư Đoàn xã rồi Phó chủ tịch xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng. Con đường công danh rộng mở, anh hạnh phúc bên người vợ đẹp người, đẹp nết. Nhưng…di chứng chiến tranh đã cướp đi của anh chị tất cả. Chị Mộc nước mắt lưng tròng kể với chúng tôi về nỗi bất hạnh của vợ chồng chị. Khi anh phục viên được vài năm mà anh chị mãi không có con. Anh chị cũng đi khắp nơi tìm thày thợ chạy chữa nhưng chưa có kết quả gì. Nỗi buồn muộn con chưa kịp nguôi thì anh phát bệnh. Đầu tiên còn nhẹ, sau bệnh tăng rất nhanh. Chất độc Da cam ngấm quá sâu khiến bệnh thần kinh của anh ngày một nặng. Đã gần ba chục năm chị “Sống chung với lũ”. Hơn mười năm nay, chị phải nghỉ hẳn ở nhà không làm được gì vì phải chăm sóc, nâng giấc chồng như chăm sóc một đứa trẻ. Nếu chỉ có thế thì chẳng nói làm gì, đằng này, mỗi lần lên cơn, anh Sinh đập phá đồ đạc, đánh đập chị. Anh Lương Liễm bảo: Nhiều lần chị lên trụ sở hội với bộ mặt sưng vù, bầm tím ai nhìn cũng xót xa, thương cảm. Vì không đi làm được lên nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn. Năm ngoái, hội nạn nhân chất độc Da cam Quảng Ninh đã hỗ trợ xây cho anh chị một cái nhà hai gian khang trang. Nhìn căn nhà trống lạnh vì chẳng có trẻ con cũng chẳng có đồ đạc đáng giá, lòng tôi trào dâng một niềm xúc cảm. Ở cái tuổi 65 của chị lẽ ra đã đủ đầy con cháu, đã an nhàn với liếp rau, mái gà nuôi cho vui cửa vui nhà. Đằng này chị chưa có nổi một ngày bình yên. Lúc nào cũng luôn trong tư thế tự vệ bởi chẳng biết lúc nào anh lên cơn thần kinh. Hơn 2 năm nay, anh  yếu hẳn, gần đây mọi việc từ ăn uống đến vệ sinh chị phải thay anh làm toàn bộ. Chứng kiến cô hoa khôi một thời chăm sóc chồng đầy vẻ ân cần, một anh trong đoàn thốt lên:” Chúng tôi thật sự khâm phục chị! Người phụ nữ như chị thời nay hiếm lắm! Chị đúng là một con người có tấm lòng vàng!” Bàn tay đang cầm tách trà rót nước mời khách của chị run lên bần bật. Nước mắt ứa ra, chị nức nở: “ Tôi buồn khổ lắm các anh ơi! Hai mươi chín năm như thế này rồi các anh ạ!” Tất cả chúng tôi lặng đi! Im lặng…và thấy mình thật nhỏ bé trước một người phụ nữ như chị!

Ảnh: Tác giả và chị Vũ Thị Mộc (Ảnh Khánh Ly 83 chụp ngày 10.8.2013)

(Theo báo Quảng Ninh số 8613 ra ngày 2.10.2013)