Gập ghềnh đường vào Hội Nhà văn
Lại sắp đến hẹn kết nạp những người viết văn, làm thơ, viết phê bình...vào Hội nhà văn Việt Nam! Tôi viết bài này xin được coi như lời cùng nhau tâm sự.
Tôi nghe, tôi biết, tôi thấy và rất thông cảm với những người tâm huyết muốn gia nhập Hội nhà văn gặp nhiều trở ngại. Tôi cũng lo lo, chờn chờn nhìn bức vẽ châm biếm một cụ già chống gậy, leo dốc, tay ôm một chồng đơn (hay bản thảo) ngước lên nhìn tấm biển ghi Hội nhà văn còn quanh co nhấp nhô rất xa mà cửa thì khóa, mạng nhện giăng đầy. Không biết chờ đến khi cửa mở, cụ già ấy có đến kịp, có sức vào không, hay đã được “Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng/ Anh em thiên hạ láng giềng người dưng” rồi. Tôi đã đọc không ít những bài báo, kêu ca việc kết nạp hội viên khó khăn gây cho những người muốn vào gặp bao phiền nhiễu. Tiền bạc được rải ra để lát đường, thậm chí nhân cách còn bị hạ thấp khi bước qua cửa vào hội. Phần lớn toàn những điều chả hay ho gì và không được kiểm chứng, không được phản biện hay thanh minh. Tôi xin kể việc của tôi để bạn đọc biết và xin có lời chúc mừng trước đến những người tâm huyết sắp được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.
Tôi có bài thơ đăng trên báo Thiếu niên tiền phong từ năm 1968 khi còn ngồi trên ghế phổ thông và chưa biết làm thơ là thế nào. Vào công nhân, tôi đăng bài thơ thứ hai trên báo Quảng Ninh số ra ngày 01/11/1969. Sở dĩ tôi nhớ như vậy vì số báo này ra đúng ngày sinh nhật của tôi. Từ năm 1976 trở đi, thơ tôi đăng đều đặn trên tạp chí văn nghệ địa phương Người vùng mỏ. Các tờ báo Cứu Quốc (Đại đoàn kết), Độc Lập, Lao Động, Chính Nghĩa (Người công giáo Việt Nam), Quảng Ninh, tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ, tạp chí Tác phẩm mới (t/c Nhà văn), tạp chí Sông Châu (quê ngoại), tạp chí Văn nghệ Thái Bình (quê vợ), tạp chí Văn Nhân (quê tôi), Văn nghệ Thất Sơn, Chưyang sin, Lào Cai, xứ Lạng, xứ Thanh, Sông Lam, Cửa Việt...cũng đã từng in bài. Năm 1976, tôi vào Hội văn học nghệ thuật Quảng Ninh thật đơn giản với hai bài thơ đăng trên Người vùng mỏ tập 18. Sau một vài giải thưởng của các ngành, năm 1990, tôi ra tập thơ đầu tay Màu cây trên đảo. Khi thấy bạn bè cùng lứa, thằng không làm nữa, thằng mất tích (không thấy viết gì, không biết đi đâu), thằng chết. Mấy thằng còn lại, làm đơn xin vào hội (được kết nạp hoặc còn chờ đợi cả rồi) nên tôi cũng viết đơn. Tài sản mang theo gồm 5 tập thơ riêng và trong trích ngang có hơn chục chứng chỉ công nhận giải thưởng. Ký giới thiệu cho tôi là hai nhà thơ: Trần Nhuận Minh - Vân Long. Bấy giờ, Trần Nhuận Minh đã là nhà thơ đứng đầu ở vùng mỏ. Nhà thơ Vân Long đang là Uỷ viên Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam. Rất tự tin, tôi đưa hồ sơ cho nhà thơ Nguyễn Hoa lúc ấy (tháng 09/ 1996) làm phó ban tổ chức của hội. Đó là lần thứ hai, tôi biết văn phòng Hội nhà văn Việt Nam. (Lần đầu là khi tôi nhận giấy mời đến tập trung dự Trại sáng tác Văn học thiếu nhi 1993).
Chờ đến năm 1999 vẫn chả thấy đả động gì. Nhà thơ Định Hải bảo tôi:
- Chú nên nộp đơn vào hội theo đường Văn học thiếu nhi. Ở đó, vừa ít người vừa thông thoáng hơn ban thơ. Chú mới có Bây giờ mùa ỏng đang xanh được chú ý đấy. Cố lên nhé!
Tôi biết nhà thơ Định Hải là do nhận giải C của UBBV và CSTE Việt Nam - UNICEP Hà Nội - Hội nhà văn Việt Nam năm 1991. Nhờ giải thưởng này, năm 1993 tôi được đi dự Trại sáng tác văn học thiếu nhi tại Hà Nội một tháng do nhà thơ Phạm Hổ làm trưởng trại. Nhà thơ Định Hải phụ trách. Tôi nghe theo, tìm đến văn phòng Hội, với mục đích xin hồ sơ nói về làm lại rồi chuyển sang ban Văn học thiếu nhi. Nhà thơ Nguyễn Hoa hỏi tôi:
- Chú lấy hồ sơ ra làm gì?
- Em xin lại bổ sung cho hoàn chỉnh?
- Muốn bổ sung thêm gì thì gửi lên. Tôi xếp vào hồ sơ cho.
Trần Ngọc Tảo, Nguyễn Châu là hai người viết thiếu nhi đồng thời với tôi. Trần Ngọc Tảo đã vào hội. Châu còn đang chờ đợi. Tôi có vào cũng phải chờ sau Nguyễn Châu mà cuộc đời mênh mông những biến cải. Nghe lời nhà thơ Nguyễn Hoa, không rút đơn về nữa. Đó cũng là lần thứ ba, lần cuối cùng tôi đến trụ sở Hội nhà văn trước khi trở thành hội viên.
Đại hội Hội nhà văn khóa 6 tổ chức năm 2000. Thú thật, tôi không biết một Uỷ viên Ban chấp hành nào. Hội đồng thơ, đến lúc ấy, tôi mới biết nhà thơ Trúc Thông (cùng quê ngoại tôi). Ông giúp tôi nhiều nhưng không được như mong muốn và khóa ấy cũng kết thúc. Trong lúc tôi bệnh tật hiểm nghèo, không nơi bấu víu. Hai mắt bị mù, hơn nửa năm trời không nhìn thấy gì. Mổ mắt xong thì thận sưng to, không đi lại được. Tôi xin nghỉ hưu và mổ thận tiếp. Chân thì tập tễnh tháng tư một bước, tháng mười một bước. Không còn sức nghĩ đến thơ nữa. Năm 2002, nhà xuất bản Kim Đồng in cho tôi tập truyện thiếu nhi Ngày mai sẽ nắng. Bạn bè quý mến tôi, thu thập, chép lại bản thảo tập thơ Mưa xanh. Với sức khỏe của tôi khi ấy, chắc họ nghĩ đây là tập thơ cuối cùng. Hai tập ra cùng một thời điểm trong lúc tôi lững thững lên bàn mổ.
Tôi nghĩ mình không còn hy vọng vào hội. Mắt sáng hơn nhưng chân tập tễnh nặng hơn. Đi lại khó khăn nhiều. Tự thân rèn luyện, ba giờ sáng đã dậy, vớ đôi dày ních vào cẳng dò dẫm, bậm bạch bước ra. Thói quen tập thể dục buổi sáng bắt đầu từ đấy. Sau Đại hội nhà văn khóa 7 năm 2005, một số người vẫn quan tâm đến việc vào hội của tôi. Có người nhìn vào mặt tôi mà rằng: “- Ông viết thế chứ viết hay gấp mười đi nữa cũng đừng hòng. Chúng nó...”. Rồi người ấy kể những điều đã được khẳng định mắt thấy tai nghe và nhận biết. Tôi đâm nghi ngại trước những sự việc hình như có hình như không. Cũng có những người nghĩ khác. Nhà thơ Lê Đình Cánh và một vài người ở xa khi gặp là nhắc nhở, giục giã nhưng lòng tôi lạnh rồi. Nhà văn Phan Thanh là người duy trì mong ước gia nhập hội của tôi. Người tôi thổ lộ đầu tiên về ý định viết bộ tiểu thuyết Đất Bỏng 4 tập là anh. Việc vào Hội với tôi giờ không quan trọng nữa. Tôi viết Đất Bỏng để trả ơn mảnh đất sinh ra và nuôi tôi lớn lên. Anh không nói nhiều về dự định của tôi. Thỉnh thoảng từ Hạ Long sang, anh đều ghé lại nhà, hỏi xem viết đến đâu. Lúc đó, Người kế nghiệp của tôi được Nhà xuất bản Lao Động đưa vào danh mục xuất bản năm 2005. Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu là người giúp đỡ rất nhiều việc sửa morát (bản đánh máy trên giấy mỏng) cho tôi. Sau đó, tôi tập hợp thơ viết từ 2002 – 2006 ra tập Hội Làng coi như kết thúc quá trình làm thơ. Như vậy trước khi được kết nạp, tôi bước chân vào trụ sở Hội có ba lần, đã in 7 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và 1 tiểu thuyết.
Tôi không có điều kiện biết đến Ban chấp hành nhưng đọc của họ khá nhiều và do thích nên có những bài thơ, đoạn thơ thuộc lòng. Ban chấp hành khóa 7 có 6 người: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Lê Văn Thảo, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh và Hồ Anh Thái. Trong số người này, tôi chỉ biết hai nhà thơ: Hữu Thỉnh và Trần Đăng Khoa. Biết là vì tôi nhận ra họ trong đám đông. Còn hai nhà thơ này có gặp tôi, họ cũng không nhận ra nếu không được giới thiệu. Nhà văn Lê Văn Thảo, tôi gặp có một lần khi ông về dự ngày thơ Quảng Ninh tại Quảng Yên, hội thảo thơ chiến thắng Bạch Đằng. Sau ngày vào hội biết thêm nhà văn Nguyễn Trí Huân. Còn nhà văn Hồ Anh Thái và nhà thơ Phan Thị Vàng Anh, tôi chỉ đọc tác phẩm chứ đến giờ cũng chưa biết họ mặt ngang mũi dọc ra sao.
Với tôi và rất nhiều người, Hội nhà văn như ngôi đền thiêng mà mình gia nhập. Rất nhiều người từng nhìn nó mà bái vọng. Rất nhiều người dành hết cả cuộc đời phấn đấu trên con đường đầy rẫy chông gai mà không vào được đành buông xuôi. Và cũng không ít người dửng dưng hay dè bỉu. Nhưng muốn bước vào, những bạn viết xa gần ngoài sáng tác đạt chất lượng còn phải gặp ít nhiều may mắn nữa. Nhà văn càng phải cố gắng để có tác phẩm xứng tầm. Nhiều người không phải hội viên cũng có những tác phẩm để đời. Số lượng không nói được gì nhiều mà ở chất. Có người là hội viên không có tác phẩm đứng được thì sao bằng những người chả có tên trong hội nào vẫn sống mãi bởi đạo đức, bởi cách sống hoặc chỉ bằng một hai câu được mọi người công nhận, vinh danh. Chẳng có danh hiệu nào, giải thưởng nào cao hơn sự ghi nhận của công chúng đâu.
Là một công nhân vai u thịt bắp, ăn nói lập bập, bỗ bã và vụng về trong giao tiếp, được vào hội ngoài sự nỗ lực sáng tác, tôi nhận sự giúp đỡ chí tình, vô tư, không công của các anh chị đã và chưa quen biết mà chẳng biết lấy gì tạ ơn, tạ lỗi. Trong lúc tôi nghe tin đồn, người ta chạy chọt vào Hội nhà văn Việt Nam như chạy việt dã. Bên cạnh đó còn có sự giúp đỡ của Cò. Có người còn khẳng định cũng phải mất hàng chục tới hàng trăm triệu!
Thật sự, tôi không mất đồng nào và chỉ biết một, hai người ở cả Hội đồng thơ đến Ban chấp hành. Đó là những điều thực tế sau 13 năm gửi đơn gia nhập Hội nhà văn Việt Nam của tôi. Có thể do ở xa, tôi không nắm được nhiều thông tin. Nghe việc “chạy” vào Hội của những nhà văn tương lai nếu đúng sự thực, tôi thấy xót xa, cay đắng quá. Mục đích vào hội của họ là gì mà phải chịu khổ ải ở mức độ để người người xem thường thế? Tôi nghĩ chưa đến mức các ủy viên Ban chấp hành dám đưa tay ra nhận những đồng tiền bẩn ấy. Họ đều có nhân cách, lòng tự trọng hoặc chí ít cũng phải biết và giữ liêm sỉ của chính họ. Có thể do quen biết, họ nâng đỡ người này người khác, xuê xoa, du di trong việc xét duyệt. Mà điều đó cũng rất người. Chứ còn những việc lùm xùm khác chỉ có bốn hay (Trời, đất, kẻ đưa, kẻ nhận biết). Họ đều im lặng thì những người khác làm sao mà biết được.
Cẩm Phả. Ngày 05/11/2013.
Tin cùng chuyên mục
Lên án, tẩy chay ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng
05/11/2013
Ca dao Việt với giáo sư người Mỹ
05/11/2013
Nếu là tôi, là bác, là anh...
04/11/2013
Phút mặc niệm: Việc làm nhỏ - ý nghĩa lớn
24/10/2013