Nếu là tôi, là bác, là anh...
Ngày 4.11.2011, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 01/QĐKNTT-VKSTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn. Cùng ngày, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể đã ký Quyết định số 04/QĐTĐC-THA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn
Tin ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) được tự do sau hơn 10 năm thụ án oan vì kẻ sát nhân bất ngờ đầu thú khiến tôi bàng hoàng và đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao trong quá trình điều tra, bị cáo khai nhận mình phạm tội nhưng trong các phiên tòa từ sơ thẩm đến phúc thẩm, bị cáo luôn kêu oan? Phải chăng, có sự ép cung trong quá trình điều tra? Nếu giả dụ, bị cáo không phải là con liệt sỹ, được hưởng tình tiết giảm nhẹ, sẽ bị kết tội mức án cao nhất (tử hình) thì sự việc sẽ đi đến đâu? Nếu kẻ sát nhân không ra đầu thú? Nếu người nhà của bị cáo không theo kiện? v.v. thì liệu ông Chấn có được trả tự do như hôm nay? Và, thử hỏi, nếu là tôi, là các bác, là các anh rơi vào nỗi oan ngút trời như ông Chấn, thì chúng ta biết làm sao đây? Cho hay rằng, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị oan trái, bị tù. Ôi chao, cái cái thân phận con người sao mà mong manh, đầy bất trắc quá!
Câu chuyện về ông Chấn được tóm tắt như sau:
Ngày 15.8.2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Chung đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp… dẫn đến tử vong.
Ngày 17.8.2003, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra.
Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30.8.2003, Cơ quan điều tra đã mời ông Nguyễn Thanh Chấn đến trụ sở làm việc để lấy lời khai.
Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu, ngày 28.9.2003, Cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ với ông Nguyễn Thanh Chấn. Tiếp đó, ngày 29.9.2003, đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam ông Chấn về tội danh giết người.
Ngày 10.2.2004, Viện KSND tỉnh Bắc Giang ra bản cáo trạng - quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Ngày 26.3.2004, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân. Bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo.
Ngày 26 - 27.7.2004, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.
Trong quá trình điều tra, bị cáo có khai nhận hành vi giết người, nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo không nhận tội. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan, Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao xem xét.
Bà Nguyễn Thị Chiến - vợ phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn - cũng có đơn kêu oan cho chồng. Nội dung đơn cho rằng, thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15.8.2003 là Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Chung) chứ không phải là ông Chấn.
Từ đó Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, TAND Tối cao khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh kết hợp với kiên trì vận động đối tượng ra tự thú.
Ngày 25.10.2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15.8.2003 để cướp tài sản.
Trên cơ sở kết quả điều tra, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; trao đổi thống nhất với lãnh đạo Bộ Công an cần xem xét giải quyết lại vụ án theo trình tự tái thẩm và báo cáo đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đồng ý với đề xuất của lãnh đạo liên ngành cần xem xét giải quyết lại vụ án đúng pháp luật, nếu thực tế có oan thì phải khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân trong quá trình giải quyết vụ án nếu có vi phạm quy định của pháp luật.
Ngày 4.11.2011, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 01/QĐKNTT-VKSTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn. Cùng ngày, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể đã ký Quyết định số 04/QĐTĐC-THA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Theo quy định của pháp luật, sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao sẽ xem xét lại bản án có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án và đó sẽ là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo đối với vụ án.
Được biết, Chánh án TAND Tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm, tại phiên tòa xét xử ngày 6.11 tới đây.
Văn Minh (tổng hợp)