Vụ án Cát Tường - Quả "bóng" trách nhiệm đang "đá" vào nhau
(Tpm) Những kẻ ở Thẩm mỹ viện Cát Tường gây ra cái chết oan uổng của chị Huyền rồi vứt xác chị xuống sông, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đã biết. Nhưng những người gián tiếp tiếp tay cho hoạt động phi pháp của cơ sở y tế này, liệu có liên đới chịu trách nhiệm? Hàng loạt tờ báo đang phân tích, bình luận làm sáng tỏ vấn đề này và quả bóng trách nhiệm đang "đá" và "sân" nhau. Dưới đây là bài viết trên báo Thanh Niên
Voi chui lọt lỗ kim
Đồng Nhân
(Theo Thanh niên)
Vụ việc ở thẩm mỹ Cát Tường (Hà Nội) là câu chuyện của pháp luật hình sự và có lẽ người ta sẽ còn phải bàn luận nhiều về việc này như một cảnh báo các nền tảng xã hội bị bào mòn. Nhưng điều khiến dư luận không khỏi bức xúc lúc này, đó là công tác quản lý địa bàn, quản lý chuyên ngành, sao luôn để lọt lưới những thủ phạm hoạt động chui.
Đã từng xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng tương tự; và sau mỗi vụ động trời bệnh nhân chết ở phòng thẩm mỹ, trẻ tử vong ở lớp mầm non, câu trả lời quen thuộc của cơ quan quản lý luôn là: cơ sở hoạt động “chui”, hoạt động không được cấp phép. Và coi đó như xong trách nhiệm của quản lý nhà nước.
Theo cung cấp của cơ quan công an thì thẩm mỹ Cát Tường đã hoạt động được hơn 6 tháng cho đến ngày xảy ra chuyện. Nhà mặt phố to, biển hiệu bắt mắt, website quảng cáo rầm rộ thế mà quan chức Sở Y tế Hà Nội bảo là không biết. Lại còn chính quyền sở tại, với đủ bộ máy từ công an, thanh tra, an ninh trật tự, thử hỏi họ đã làm gì với tiền thuế mà dân vẫn đóng để nuôi bộ máy hành chính.
Thực ra, sẽ không một ai (chí ít là công dân ở thủ đô, nơi mà một bà bán trà đá vỉa hè cũng phải nộp ít nhất 4 loại lệ phí mỗi tháng) có thể tin rằng, trong suốt thời gian hoạt động của một cơ sở kinh doanh lĩnh vực vốn “nhạy cảm” như thẩm mỹ Cát Tường lại không có cơ quan nào đến thăm hỏi về thủ tục pháp lý. Chỉ có thể lý giải rằng, đã có những khoản phí khác, khiến con voi chui lọt lỗ kim.
Ngành nào cũng có thanh tra, đơn vị nào cũng có kế hoạch thanh, kiểm tra hằng tháng, hằng năm. Thậm chí, đã từng có nhiều đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp lên tiếng than phiền về việc bị “thăm hỏi” quá nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật. Thế nhưng, hầu hết các vi phạm, sai phạm, các vụ tham nhũng lớn đều không phải do thanh tra, kiểm tra phát hiện, phanh phui. Các chiến dịch thanh, kiểm tra, ra quân ngành nào cũng làm, nhưng chưa bao giờ người dân tin tưởng vào các hoạt động phong trào ấy. Chuyện mỗi khi quản lý thị trường “ra quân” thì hàng lậu biến đâu hết hoặc khi cơ quan y tế đi kiểm tra, mọi thực phẩm đều trở nên có xuất xứ đàng hoàng, mọi phòng khám sạch bóng bác sĩ Trung Quốc làm chui là một thực tế khiến cho người dân không chỉ lo lắng mà dẫn đến mất lòng tin.
Các cá nhân vi phạm pháp luật đều phải chịu sự thi hành pháp luật, nhưng trong những sai phạm ấy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc đã để cho những "con voi" sai phạm chui lọt "lỗ kim" quản lý.
Cần một lần làm rõ tới cùng có hay không sự dung túng, bao che của các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm đối với các cơ sở, dịch vụ không phép, trái phép. Bởi nếu không làm sáng tỏ và xử lý tới cùng trách nhiệm đó thì sẽ còn nhiều người dân phải trả giá bằng sức khỏe, mạng sống. Trên hết, đó là cảm giác mất an toàn, mất lòng tin vào bộ máy chính quyền của người dân.