Trọn bộ ảnh về sự nghiệt ngã của căn bệnh ung thư vú

(Dân trí) - Bộ ảnh “The Scar Project” (Dự án Vết sẹo) khắc họa chân dung bán khỏa thân của những phụ nữ đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú nhằm chặn đứng căn bệnh ung thư. Đó là những bức ảnh chân thực, trần trụi và khắc nghiệt nhất về căn bệnh này.

Hiếm có bộ ảnh nào lại đủ sức truyền cảm, khơi gợi ý tưởng cho một bộ phim tài liệu nhưng đó chính là điều mà bộ ảnh “The Scar Project” (Dự án Vết sẹo) đã làm được.

Bộ phim tài liệu từng gây ấn tượng mạnh trên truyền hình Mỹ - “Baring it All” (Trần trụi) đã khai thác cuộc sống, những góc tâm tư sâu kín của những người phụ nữ đã trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú nhằm chặn đứng căn bệnh ung thư.

Một trong những phát ngôn truyền cảm hứng lớn nhất trong bộ phim đến từ một cô gái trẻ đã trải qua ca đại phẫu: “Những vết sẹo này nói lên tất cả những gì tôi đã trải qua. Tôi tự hào vì những gì mình đã vượt qua”.

Quay lại với bộ ảnh “Dự án Vết sẹo” của nhiếp ảnh gia người Mỹ David Jay, anh đã bắt đầu thực hiện bộ ảnh này từ năm 2005 khi một người bạn của David bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Từ đó đến nay, Jay đã thực hiện những bức ảnh chân dung bán khỏa thân đối với hơn 100 phụ nữ có độ tuổi từ 18-35 trên khắp nước Mỹ.

Mục đích của dự án nhiếp ảnh này là nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư vú và giúp những phụ nữ đã sống sót vượt qua căn bệnh này có cơ hội để kể câu chuyện của mình qua những bức ảnh.

Trước đây, các nhiếp ảnh gia đã thực hiện nhiều bộ ảnh phụ nữ để ngực trần nhằm tuyên truyền về căn bệnh ung thư vú nhưng đó là những phụ nữ có bộ ngực đẹp đẽ và lành lặn, họ chưa từng phải trải qua cơn ác mộng bệnh tật.

Đối với “Dự án Vết sẹo”, nhân vật chính là những phụ nữ đã trải qua tháng ngày vật lộn với căn bệnh ung thư vú, khuôn ngực của họ đã bị biến dạng sau những ca phẫu thuật.

“Dự án Vết sẹo” gồm những tác phẩm nhiếp ảnh “trần trụi”, hướng người xem nhìn thẳng vào thực tế nhưng vẫn không kém phần nhân văn và giàu tính nghệ thuật.

Những bức ảnh của David Jay tuy khắc nghiệt nhưng lại cho thấy rõ nhất sự dũng cảm của những nhân vật đồng ý xuất hiện trong khuôn hình. Họ đều là những phụ nữ trẻ hoặc trung niên nhưng đã sớm mất đi vẻ đẹp trời phú cho mỗi người phụ nữ. Ở họ, giờ đây chỉ còn lại nỗi ám ảnh mỗi khi soi mình trong gương.

Tuy vậy, những phụ nữ này vẫn mỉm cười. Ở họ, vẻ đẹp ánh lên từ trong đôi mắt, họ đã chịu đựng ngoan cường trước những trớ trêu, thử thách của số phận.

Nhiếp ảnh gia David Jay chia sẻ: “Họ là những phụ nữ mạnh mẽ. Khi ánh mắt họ nhìn vào ống kính, tôi hiểu họ khao khát được sống và tôi hy vọng họ sẽ được sống thật lâu, thật khỏe mạnh. Tôi cũng cảm thấy rằng sẽ là không tôn trọng họ nếu không dám thực hiện những bức ảnh trực diện trong khi họ đã phải đối mặt với sự biến dạng từng ngày từng giờ kể từ sau ca phẫu thuật”.

Ung thư vú và cách chữa trị đối với căn bệnh này đã làm thay đổi quan niệm về vẻ đẹp thông thường. Khi không còn tóc và không còn bộ ngực, nhiều phụ nữ cảm thấy họ không còn đẹp, không còn nữ tính nữa nhưng rồi họ vẫn phải làm quen với thực tế mới này để tìm ra sức mạnh và tiếp tục sống.

Những người phụ nữ tình nguyện tham gia vào dự án này đều hy vọng họ có thể giúp những người phụ nữ khác đang phải vật lộn với căn bệnh ung thư vú, để những người phụ nữ này biết rằng ở đâu đó ngoài kia cũng đang có những phụ nữ đã vượt qua được căn bệnh và tiếp tục sống.

Một nhân vật nữ xuất hiện trong bộ ảnh của David Jay từng chia sẻ: “Cơ thể tôi bỗng một ngày trở nên xa lạ, tôi cảm thấy mình không còn là mình. Những vết sẹo để lại sau khi điều trị ung thư không chỉ là những tổn thương về thể chất mà hơn thế, nó còn là những vết sẹo tâm lý, những tổn thương tâm hồn. Tôi trước và sau khi thực hiện ca mổ không còn là một”.













Bích Ngọc
Theo New York Times