Chỉ một dấu chấm

Ngày 6/10/2013, CLB Nguyễn Huy Tưởng tổ chức sinh hoạt kỷ niệm 2 năm ngày thành lập Câu lạc bộ. Trước khi bắt đầu chương trình, CLB dành một phút tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kỳ lạ, đúng lúc đó trời mưa, mưa rất to. Phút mặc niệm trôi qua, ai đó thốt lên “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, ai cũng bâng khuâng tiếc thương Đại tướng, người anh hùng của dân tộc Việt.

Ngoài các hoạt động kỷ niệm, chủ đề lớn của chương trình là giới thiệu cuốn HOÀNG HÔN LẠNH của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Thành viên CLB đã được chuẩn bị trước. Tôi là khách mời của CLB, chưa được đọc tác phẩm này, chưa đọc nên cái tôi làm ngay là cầm quyển sách lên và lật trang bìa cuối.

“Bốn mươi lăm năm qua, đã thành lệ, cứ khoảng 4 giờ chiều, ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, trong hoàng hôn giá lạnh hay chiều tà nóng, mẹ tôi lại khóc. Nước mắt của bà đã thành ao, thành hồ, bào mòn cuộc đời bà, làm đôi con mắt long lanh hồ thu của cô Cốm năm nào thành hai hố sâu hoắm đục lờ chứa đầy bóng tối.

Hôm nay, mẹ tôi khóc vì những gì mẹ được chứng kiến khi kết thúc câu chuyện này…”

Tôi quay ngược lại trang đầu để xem giới thiệu về tác giả. Lúc đó một cháu sinh viên rất trẻ lên bình truyện HOÀNG HÔN LẠNH. Cháu nói khá hùng hồn và dài lê thê, đại loại: các cháu là thế hệ sau đang tìm tòi lịch sử dân tộc qua những trang viết, ngay chương đầu cháu đã ấn tượng bởi đoạn dẫn trên, và cứ mỗi chương lời dẫn được nhắc lại, chỉ thay câu cuối: “Mẹ tôi khóc vì bố tôi”, “Mẹ tôi khóc vì mẹ tôi”, “Mẹ tôi khóc vì tôi”.v.v

Thú thực là vì chưa đọc nên tôi chỉ cảm nhận loáng thoáng và hơi mệt mỏi vì lời bình của cháu, vừa nghe vừa tranh thủ xem những đoạn dẫn đầu chương. Bỗng nhiên một độc giả đứng lên bình, và tôi lập tức bị thu hút ngay bởi lời bình của anh.

Tôi mới cầm tác phẩm HOÀNG HÔN LẠNH của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và mới chỉ kịp đọc những lời dẫn đầu chương, xin có một góp ý nhỏ với nhà văn.  Vâng, một ý nhỏ thôi, một dấu chấm thôi, nó không làm hỏng ngữ pháp của câu văn nhưng theo tôi là quan trọng. Tôi muốn đề nghị nhà văn Nguyễn Khoa Đăng trong những lần xuất bản sau của cuốn sách, anh viết là: “Bốn mươi lăm năm qua, đã thành lệ.”. Thay dấu phẩy (,) sau chữ lệ thành dấu chấm (.). Nếu anh đặt dấu chấm (.) sau chữ lệ thì ta thấy cuộc đời của người mẹ, khổ  đau đã thành lệ, còn để dấu phẩy (,) thì nó chỉ là lệ thường ngày trong cuộc đời bà thôi.

Anh vừa nói đến đó, cả hội trường như nổ ra vì tiếng vỗ tay, phát hiện của anh quả là độc đáo. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng lên ôm anh, cám ơn anh và nói nhất định những lần xuất bản sau, nhà văn sẽ sửa.

Tôi ngồi đọc lại, càng đọc càng thấy hay. Khi anh đề nghị đổi dấu phẩy thành dấu chấm, đoạn văn sẽ thành như thế này:

“Bốn mươi lăm năm qua, đã thành lệ. Cứ khoảng 4 giờ chiều, ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, trong hoàng hôn giá lạnh hay chiều tà nóng, mẹ tôi lại khóc. Nước mắt của bà đã thành ao, thành hồ, bào mòn cuộc đời bà, làm đôi con mắt long lanh hồ thu của cô Cốm năm nào thành hai hố sâu hoắm đục lờ chứa đầy bóng tối”.

Nếu đọc  “Bốn mươi lăm năm qua, đã thành lệ.”,  dấu chấm sau chữ lệ đã làm bạn phải dừng lại lâu hơn là dấu phẩy, ngữ điệu đó làm câu văn mạnh hơn, nhấn sâu hơn vào cái sự thay đổi ý nghĩa đoạn văn đó. Về mặt ngữ pháp, sau dấu chấm là kết thúc một ý, vậy thì đặt dấu chấm sau chữ “lệ”, cuộc đời khổ đau của bà mẹ đã thành lệ (nước mắt). Chữ “lệ” trước dấu chấm còn có thêm hàm ý khác: là thói quen sâu thẳm của con người đó, gắn liền với kỷ niệm đó, mang tính thiêng liêng tín ngưỡng…; nó khác với chữ “lệ” trước dấu phẩy, là cái lệ bình thường, thói quen bình thường như lệ làng, lệ nước… Ở đoạn văn trên, nếu để nguyên dấu phẩy sau chữ “lệ” thì nó mang hàm ý việc bà mẹ đó khóc chỉ là cái lệ thường hàng ngày lúc 4h chiều thôi.

Càng nghĩ đến dấu chấm đó, tôi càng kính phục độc giả nọ, tôi đi tìm anh để tỏ bày sự ngưỡng mộ, anh cười nhẹ nhàng: Có gì đâu em, đây là nghề của anh mà.

Anh là nhà phê bình văn học Trần Quốc Toàn.