Đã có hàng nghìn bài viết đăng tải trên các báo trong và ngoài nước, trên các trang mạng xã hội ca ngợi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Tổ quốc; ca ngợi phẩm chất cao đẹp của vị tướng xuất chúng của dân tộc ta. Là người làm báo lâu năm ở Việt Bắc, được tham gia biên soạn nhiều cuốn sách lịch sử của địa phương, chúng tôi xin nêu vấn đề khác, đó là lòng biết ơn của Đại tướng đối với đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Trong bức thư gửi đồng bào, đồng chí tỉnh Bắc Kạn nhân dịp tỉnh Bắc Kạn đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân (tháng 10 năm 2000), Đại tướng viết: “Bại pỉ noọng. Hử pại pỉ noọng. Đẩy pỉ noọng, bại đồng chí lai nớ…”, tiếng Tày, tạm dịch ra tiếng phổ thông là “Tôi biết ơn đồng bào, đồng chí lắm”. Cao Bằng, Bắc Cạn là nơi Đại tướng hoạt động lâu năm và đã có công rất lớn đối với phong trào cách mạng của địa phương; là người trực tiếp chỉ thị thành lập Tỉnh uỷ và Tỉnh bộ Việt minh lâm thời tỉnh Bắc Kạn ngày 22/1/1944. Những năm tháng gian khổ ấy, Đại tướng đã sống cùng đồng bào, nói tiếng nói của đồng bào và được đồng bào thương yêu đùm bọc như ruột thịt. Qua đây, càng sáng ngời phẩm chất cao quý của vị tướng trong lòng dân. Bài viết đăng trong TÁC PHẨM MỚI SỐ 5.
Miếng cao hổ
Năm 1995, Huyện ủy Chợ Đồn, tỉnh Bắc Thái (nay thuộc Bắc Kạn) xuất bản cuốn sách lịch sử truyền thống do tôi chủ biên. Để có những tư liệu quý phục vụ việc biên soạn, Huyện ủy Chợ Đồn tổ chức đoàn cán bộ xuống Hà Nội thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nghe Đại tướng kể những kỷ niệm thời hoạt động cách mạng ở Bắc Kạn. Đoàn gồm Nhà báo Phạm Hồng Dương, Tổng Biên tập Báo Bắc Thái, anh Nông Văn Kỉnh, Bí thư Huyện ủy Chợ đồn (anh Nồng Văn Kỉnh sau này là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn) và tôi, khi ấy là phóng viên Báo Bắc Thái.
Nơi ở và làm việc của Đại tướng nằm thấp thoáng sau những vòm cổ thu sum suê. Ông Kim Sơn, Bí thư của Đại tướng đưa chúng tôi vào phòng khách. Thoạt nhìn, phòng khách giống như một thư viện, trên giá chất tầng tầng lớp lớp các loại sách. Tôi hỏi ông Kim Sơn:
- Thưa anh, cách đây mười ngày (20.12.1995), Tướng Mác Na ma ra, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang thăm Việt Nam, bác Giáp tiếp ông ta ở đâu?
Ông Kim Sơn chỉ tay vào cái ghế rồi bảo:
- Tiếp ở đây chứ đâu. “Nó” ngồi kia, còn anh Văn (tên thân mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) ngồi đây.
Nghe vậy tôi liền ngồi một… nhát vào cái ghế mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng ngồi, trong lòng chợt dâng lên một cảm xúc lạ lùng, vừa khoái chí vừa tự hào về vị Đại tướng uyên bác, thông tuệ và tài năng quân sự lỗi lạc của nước ta.
Vài phút sau, Đại tướng và phu nhân từ phòng làm việc bước ra. Trước đây, tôi thường thấy Đại tướng trên ti vi, phim ảnh, sách báo trong bộ quân phục, trên vai lấp lánh bốn ngôi sao bạc. Bữa ấy, lần đầu tiên tôi thấy Đại tướng mặc comlê màu xám, đội mũ len trùm kín đầu, nom hiền từ phúc hậu như ông giáo già. Ông Kim Sơn lần lượt giới thiệu chúng tôi với Đại tướng:
- Thưa anh Văn, còn đây là anh Kỉnh, Bí thư huyện uỷ Chợ Đồn.
Nói đến Chợ Đồn , gương mặt Đại tướng chợt hân hoan, giọng hết sức thân mật:
- Chợ Đồn hả? “cần Tày” hay “cần Keo”? (tiếng Tày nghĩa là người Tày hay người Kinh)
Anh Nông Văn Kỉnh, người trong đoàn chúng tôi đáp:
- Thưa bác, cháu là người Tày ạ!
Thế là Đại tướng nói chuyện với anh Kỉnh toàn bằng tiếng Tày. Tôi là “cần Keo”, từng nhiều năm “ba cùng” với đồng bào nhưng chỉ bập bõm vài câu tiếng Tày. Tuy nhiên, cũng láng máng hiểu được nội dung Đại tướng và anh Kỉnh nói với nhau. Đại để, Đại tướng hỏi đồng bào Chợ Đồn có đủ ăn không? Phương Viên, Nghĩa Tá, Bản Bẳng thế nào? Trồng cấy ra sao? Có đường, có trường, có trạm chưa? Và anh Kỉnh trả lời Đại tướng về nhiều đổi mới ở Chợ Đồn, Phương Viên, Nghĩa Tá, Bản Bẳng...
Đó là những địa danh mà Đại tướng đã từng sống khi mở “Con đường quần chúng cách mạng”. Năm 1943 “Con đường quần chúng cách mạng” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương, nhằm khai thông liên lạc giữa căn cứ địa Cao Bằng và Bắc Sơn, Võ Nhai với miền xuôi. Ban Nam tiến do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tổ chức 19 đội, xuất phát từ Cao Bằng, qua Ngân Sơn, Chợ Rã, sang Phương Viên, Nghĩa Tá (thuộc tỉnh Bắc Kạn).
Đại tướng kể, con đường đoàn quân Nam tiến năm ấy đi qua nhiều triền núi và cánh đồng, qua các làng bản của đồng bào Tày, Dao tiền, Dao đỏ... Tại nhiều nơi, quần chúng được tổ chức khá rộng rãi, tinh thần lên rất cao. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi nổi trên suốt dọc đường. Đồng bào các dân tộc đón tiếp cán bộ như những người ruột thịt lâu ngày trở về.
Từ Ngân Sơn (Bắc Kạn) đoàn đi ròng rã chín, mười đêm, tiến về Phủ Thông, qua cánh đồng Hà Vị, vượt qua những vách đá dựng đứng của dãy núi Phja Boóc (sau này Đại tướng đặt tên dãy núi này là núi Cứu quốc. Nơi đây, trong kháng chiến chống thực dân Pháp một số cơ quan của Trung ương đứng chân, trong đó có báo Cứu Quốc. Các Nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… đã có nhiều tác phẩm ra đời tại núi Cứu Quốc. Qua nhiều triền núi, những cánh đồng nối tiếp nhau, qua Chợ Đồn rồi đến xã Nghĩa Tá. Tại Nghĩa Tá, đoàn vào nghỉ lại ở nhà ông Dương ở Bản Bẳng. Vài ngày sau, đoàn Nam tiến và đoàn Bắc tiến do Thượng tướng Chu Văn Tấn chỉ huy gặp nhau ở cái lán canh lúa của đồng bào. Đêm hôm đó, Thượng tướng Chu Văn Tấn mang ra cái chân nai, anh em làm lại, ninh lên rồi liên hoan ăn mừng “hai con đường” đã đánh thông, tạo thành “Con đường quần chúng cách mạng” ôm vòng lấy Cao - Bắc - Lạng. Bản Bẳng, nơi mà Đại tướng hỏi thăm anh Kỉnh là nơi gặp mặt của đoàn Bắc tiến và Nam tiến tháng 8 năm 1943. Nơi đây, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng từng sống và làm việc như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Lê Dục Tôn, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc... Ngày 28 - 06 - 1996, Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận Bản Bằng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Xã Nghĩa Tá và huyện Chợ Đồn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.
Đại tướng kể tiếp, trong chuyến đi nối “Con đường quần chúng cách mạng”, đoàn của Đại tướng vào bản Lủng Cháng, thuộc xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể thăm mẹ Triệu Thị Nải, có con là đồng chí Bàn Văn Hoan, đảng viên đầu tiên của người Dao làm Phó Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Bắc Kạn vừa bị địch giết hại. Mẹ Nải gặp Đại tướng oà khóc rồi nói bằng tiếng Dao: “Bây giờ Hoan đã mất, mùa màng lại kém, nhưng mùa nào mẹ cũng dành thóc nếp cho các con đấy, cứ chờ đội du kích mãi. Các con cố gắng giết sạch bọn Tây, bọn Nhật thì người Mán (tức người Dao) mới sống được”. Vợ đồng chí Hoan là chị Bàn Thị Thiện, hội viên Hội cứu quốc kể với Đại tướng: Trong thời gian chồng bị địch bắt, bị tra tấn dã man, chị cũng bị địch tra khảo nhưng một mực bảo vệ bí mật của Đảng. Trước ngày bọn địch đưa đồng chí Hoan xử bắn, chị Thiện xuống trại giam Bắc Kạn thăm chồng. Đồng chí Hoan nói với chị: “Có lẽ chúng sẽ bắn tôi, nhưng ở nhà đừng lo, Cách mạng thể nào cũng thành công. Ở nhà phải trung thành với đoàn thể, giúp đỡ anh em cán bộ hoạt động”. Nói rồi đồng chí Hoan đưa cho chị một miếng cao và dặn: “Tôi còn miếng cao hổ này, đem về giữ lấy cẩn thận, gặp đồng chí Văn thì nói tôi gửi lời hỏi thăm và nhớ đưa miếng cao này cho đồng chí Văn dùng để giữ sức khoẻ mà làm công tác”. Đại tướng nhìn miếng cao trong tay chị Thiện, nước mắt muốn ứa ra ...
“Phước hác quá dặn”
Trước khi chào Đại tướng ra về, anh lái xe khênh xuống bao tải. Chúng tôi chưa kịp thưa thì Đại tướng đã hỏi: “Cái gì mà mang vác vào đây thế?” Anh Nông Văn Kỉnh đáp: “Dạ thưa, chúng cháu biếu bác ít khoai tàu Bắc Kạn đấy ạ”. Đại tướng cười, nói bằng tiếng Tày: “Phước Hác quá dặn!” (phước hác quá dặn, tiếng Tày, dịch ra tiếng phổ thông nghĩa là món khoai ăn ngon). Mọi người đều cười vui. Rồi bỗng nhiên, Đại tướng bồi hồi: "Tôi sống được đến hôm nay, có phần là nhờ món ăn đó. Năm 1944, theo chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, để chuẩn bị cho sự ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) và triển khai các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại các địa phương, tôi đã nằm vùng tại xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Thời gian đó, thực dân Pháp liên tục càn quét, ráo riết truy tìm những người cộng sản và bóc gỡ các căn cứ của Việt Minh. Hơn 2 năm về trước, đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng phụ trách quân sự - nhà cách mạng tài ba, lỗi lạc đã bị địch bắt tại xã Bằng Đức, huyện Ngân Sơn và đem đi xử tử…". Kể đến đây Đại tướng lặng đi, đưa tay lau nhẹ hai bên khóe mắt rồi kể tiếp: "Trong 4 tháng liền tại xã Thượng Ân, tôi được đồng bào che chở, đùm bọc và nuôi tôi chủ yếu bằng món khoai tàu”.
Đại tướng dịch diễn ca của Bác Hồ ra tiếng Tày, tiếng Dao
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những nói thành thạo tiếng Tày mà cả tiếng Dao, tiếng Mông. Đầu năm 1942, khi Mặt trận Việt minh mới ra đời, Bác Hồ đã làm diễn ca về “Mười chính sách Việt minh” bằng thơ lục bát cho mọi người dễ thuộc. Ở Việt Bắc, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông sinh sống. Để phù hợp với tình cảm, cách nghĩ của đồng bào địa phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển bài diễn ca trên của Bác Hồ sang thể thơ năm chữ gọi là “Việt minh ngũ tự kinh” và dịch ra ba thứ tiếng: Tày, Dao, Mông.
“Việt minh ngũ tự kinh” gồm 118 câu. Trong đó, khi nói về tương lai đất nước, bản tiếng Việt thế này: “ Dân khắc bầu Chính phủ/ Dân có quyền tự do/ Được hội họp tha hồ/ Được nói bàn phải trái/ Được bán buôn đi lại/ Trên đất nước nhà mình/ Thổ, Mường, Mán, Nùng, Kinh/ Thương yêu nhau ân ái ...”
Đoạn này dịch ra tiếng Tày như sau: “Dân hẩy bầu Chính phủ/ Tặc luật lệ kỷ cương/ Sloon cạ căn kin dú/ Tẳng có đẩy bản mường/ Cần mưa pù, tẩu tổng/ Cần háng phú, nông thôn/ Xày căn tỉnh tiếng sloon/ Tờ slương, slết, kết đoàn ...
Còn đây là bản dịch tiếng Dao: “Pua càu bàu Chính phủ/ Chấn sỉ mài tự do/ Coóng bàn chù mái chù/ Tha hồ tú hại cắp/ Tú chấu chiếu dốn mình/ Liên nhua pua đao nước/ Chây pè tài dốt miền/ Láo lống pua chàng mua ...” (Bản dịch tiếng Mông chúng tôi chưa sưu tầm được – TG ).
Nói về công tác xây dựng hội (Việt Minh), “Việt Minh ngũ tự kinh” có đoạn: “...Muốn cho hội vững chắc/ Từng tiểu tổ lập nên/ Ba đến chín hội viên/ Mới lập thành tiểu tổ/ Phải cử ban chấp hành/ Kỷ luật phải nghiêm minh/ Mỗi tháng hai kỳ họp...”
Bản dịch tiếng Tày: ... “Chài nhình lao lăng nỏ/ Slà puén căn, slứn căn/ Kỉ lai pày cảng cỏ/ Tặt tên mấu pền cần/ Dượng mừ thề khẩu hội/ Lập tiểu tổ slan cần/ Lai hội viên, lai tổ/ Bầu cử ban chấp hành ...”
Bản dịch tiếng Dao: “... Chù liệp mài tiểu tổ/ Mài tsắm nom tiểu tổ/ Chù bầu ban chấp hành/ Sỉ hụi chù chấu luồn/ Chìn fí chá chá nộp/ Mủi chá y dụm họp/ Mái tú khển kiẳm tào/ Tài vết pua chù bầu...”
“Việt Minh ngũ tự kinh” ra đời, đã được phổ biến rộng rãi trong đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Tháng 5 - 1942, Đảng bộ liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng quyết định lấy “Việt Minh ngũ tự kinh” làm tài liệu tuyên truyền chính trong quần chúng và các lớp huấn luyện chính trị, văn hoá. Nhờ đó, số lượng hội viên tăng nhanh, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ.
Trước sự phát triển của phong trào Việt Minh, bọn địch mở những cuộc khủng bố khốc liệt. Bọn chúng biết, vũ khí lợi hại của Việt Minh lúc này là tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong nhân dân. Vì vậy, chúng dồn làng nhằm cách ly đồng bào với cán bộ Việt Minh; lùng sục bắt bớ, tra tấn, bắn giết cán bộ và những người chúng nghi liên quan đến Việt Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, lúc khám xét một bản Dao, bọn địch tìm thấy trong nhà một hội viên cuốn “Việt Minh ngũ tự kinh”. Đồng chí hội viên này bị chúng bắn chết rồi chặt đầu, tay và chân đem về bêu tại châu lỵ Nguyên Bình. Một hôm, Đại tướng đang giảng bài tại một lớp huấn luyện ở Cẩm Lý thì bọn địch ập tới, lớp học kịp rút vào rừng. Chúng bắt được một người dân tộc Dao làm nhiệm vụ canh gác lớp học, liền chặt đầu đem đi...
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng nhiều cán bộ Việt Minh thời ấy nay vẫn còn thuộc “Việt Minh ngũ tự kinh”. Cụ Doanh Hằng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giác ngộ, tham gia Việt Minh từ năm 1942, là một trong 3 đảng viên đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Người viết bài này đã tìm đến nhà cụ, nhờ cụ thẩm định lại bản sao “Việt Minh ngũ tự kinh”. Xem xong, cụ sửa lại mấy câu cho đúng với nguyên bản! Thế mới biết, tác động to lớn của “Việt Minh ngũ tự kinh” đối với việc xây dựng phong trào Việt Minh, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 – 1945./.