Một giảng viên đại học bị hơn 5 năm tù oan
Vụ án xảy ra cách đây hơn 35 năm. Từ một giáo viên Đại học Tây Nguyên, Nguyễn Sỹ Lý bị tù oan hơn hơn 5 năm, tức gần hai nghìn ngày. Ông là nguyên mẫu để nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết vở kịch "Hai ngàn ngày oan trái” (sau này dổi tên là "Trái tim trong trắng". Vở kịch đã được hàng chục đoàn nghệ thuật trong nước dàn dựng. Khi xuống Hải Phòng đọc kịch bản này cho Đoàn kịch nói Hải Phòng,trên đường về, chiều 29/8/1988, Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, cùng vợ và con trai bị tử nạn.
Ông Lý kể lại sự đời oan trái của mình
Trong một chuyến công tác về miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi có dịp được gặp lại những nhân vật trong câu chuyện hai ngàn ngày oan trái này.
Cái tết định mệnh
Chúng tôi ngược về Phủ Quỳ vào một sáng miền Tây xứ Nghệ nóng như lửa đốt. Phải đến trưa chúng tôi mới tìm đến được nhà ông Nguyễn Sỹ Lý trú tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Ngôi nhà đứng giữa nắng mà trông u buồn như chính cuộc đời chủ nhân nó vậy. Ông Lý cà nhắc chiếc chân phải bị bại liệt ra tiếp chúng tôi. Đã nhiều năm sau khi ra tù nhưng sức khỏe của ông ngày càng yếu, vì những vết thương khi ở tù và lớn hơn cả là vết thương lòng không thể lành theo thời gian. Sức khỏe yếu nhưng đôi mắt thì vẫn rất tinh nhanh và giọng nói vẫn vang như một võ tướng. Rót nước mời chúng tôi, ông bắt đầu câu chuyện: "Khi đó để cứu cha và các anh em nên mình mới nhận tội. Oan ức vô cùng! Ra tù càng sinh ra nhiều bệnh, rồi bị não và giờ là bán thân bất toại”.
Nguyễn Sỹ Lý sinh 17-9-1956, quê quán tại xã Viên Thành, Yên Thành (Nghệ An). Năm 1975, sau khi tốt nghiệp phổ thông tại trường cấp 3 Quỳ Hợp, ông thi đỗ vào trường Đại học Lâm Nghiệp. Năm 1980, ông tốt nghiệp đại học và được bố trí vào dạy học tại trường Đại học Tây Nguyên. Sau đó ông lập gia đình và có con gái đầu lòng. Tháng 11-1982, ông được trường cử ra công tác tại trường kinh tế Bộ Lâm nghiệp, đến 28 tết mới được nghỉ nên ông về qua nhà ăn Tết cùng gia đình và vợ con. Và chuyện đau lòng này xảy ra vào đêm 28 Tết năm đó (1982). Tối đó, ông Nguyễn Sỹ Huỳnh (bố đẻ ông Lý), đi mượn một chiếc nồi đồng của nhà hàng xóm về nấu bánh chưng, vừa nấu xong vớt bánh ra giữa nhà. Ông Huỳnh vội vàng mang nồi nấu bánh sang trả nhà láng giềng để về đoàn tụ, chung vui đón giao thừa cùng con cái. Một tay xách nồi, một tay dọi đèn pin, ánh sáng đèn pin vô tình lướt qua mặt hai anh em Bùi Văn Vinh và Bùi Văn Lai, người xã Nghĩa Xuân cùng huyện, khi hai anh em Lai, Vinh đi chơi về. Ông Huỳnh chưa kịp xin lỗi thì Lai vừa chửi tục vừa sấn tới đá bay chiếc đèn pin trên tay ông Huỳnh, rồi nhảy vào đánh.
Tác giả Hồ Hồng Tuyến và các bài báo
của mình viết về vụ án 2.000 ngày oan trái
Bị đánh, ông Huỳnh la hét, nghe tiếng bố kêu la mấy anh em Lý, Nhật, Luân, Tính chạy ra, chỉ thấy một mình ông Huỳnh ngoài ra không thấy ai khác. Bất chợt anh em Lai và Vinh ném lại một quả lựu đạn. Quả lựu đạn phát nổ nhưng may mắn nó bị rơi xuống một khe nước nhỏ nên không ai bị thương tích gì. Mấy anh em đưa bố vào nhà sơ cứu. Sau đó trở lại hiện trường nơi xảy ra sự việc và tìm xung quanh nhưng không thấy ai. Khi thấy con cái nhà ông Huỳnh ra đông, Vinh trốn vào bụi rậm, còn Lai chạy mất tăm. Khi bố con ông Huỳnh bỏ vào nhà, lúc đó Vinh mới từ trong bụi chui ra, cố chạy theo cho kịp anh. Ai ngờ, trong đêm tối, Lai không nhận ra đó là em mình mà tưởng rằng con nhà ông Huỳnh đuổi để trả thù, Lai quay lại rút dao đâm thẳng vào ngực em mình. Vinh gục ngã. Nhận ra mình đã đâm nhầm em trai, Lai vẫy xe đưa em đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng (đứt cuống tim), lên tới bệnh viện thì Vinh tắt thở.
3 giờ sáng ngày hôm đó, anh em nhà ông Lý thức dậy làm thịt lợn để đón năm mới. Đây cũng là Tết đặc biệt của gia đình nhà ông Lý vì sau chiến tranh cho đến tết năm đó, gia đình ông mới sum họp được đông đủ. Sau khi Vinh chết, Lai không nhận tội giết nhầm em trai mà lại đổ tội cho con ông Huỳnh đã giết Vinh. Ngày hôm sau, công an huyện Quỳ Hợp về điều tra, phát hiện thấy dao và quần áo của ông Lý có dính máu. Nhưng là máu lợn làm thịt lúc 3 giờ sáng. Và khi so sánh dao với vết đâm trên ngực Vinh trùng khớp, vì Lai cũng dùng con dao giống dao ông Lý để đâm Vinh. Và sau 7 ngày, vào ngày mồng 6 Tết âm lịch năm 1983, cả 4 cha con ông Huỳnh bị bắt tạm giam vì nghi can giết Vinh.
Từ một giảng viên đại học mới 27 tuổi đã phải ôm lấy 2.000 ngày oan trái; từ một thầy giáo thành một người tiều tụy, thất nghiệp, oan khiên: "Tiếc thay những người thực thi pháp luật do trình độ non kém, thiếu hiểu biết đã đẩy vụ án của tôi trở nên oan trái đến mức làm cuộc đời tôi điêu đứng”. Ông Lý nhìn xa xăm và thở dài. Là một giảng viên đại học, có trình độ, có nhận thức, Nguyễn Sỹ Lý không dễ gì nhận là mình giết người trong khi chính mình không giết nhưng vì thương cha, thương các anh em đang bị giam cầm oan trái, Lý nghĩ, thà mình nhận tội rồi một mình mình chịu, sau đó tìm công lý còn hơn là để cả nhà phải ngồi tù oan, thế là Lý nhắm mắt nhận tội... để rồi lĩnh lấy 2.000 ngày oan trái trong vòng lao lý.
Ông Cao Tiến Mùi,
người bạn tù đã tìm cách giải oan cho ông Lý
Nỗi oan được giải Ông Lý kể: "Khi tôi vào tù được một thời gian, người ta dẫn giải tôi về nơi xảy ra án mạng, bắt tôi diễn tả lại hành vi giết người mà mình mang oan, người ta làm giả một con dao găm bằng giấy cáttông, bảo tôi cầm lấy và đâm vào một người khác như chính mình đã đâm vào Vinh để quay phim chụp ảnh, nhưng vì tôi không đâm Vinh nên tôi không biết cách cầm dao, không thể đâm đúng tư thế như Vinh bị đâm. Biết tôi không cầm được đúng tư thế, một vị trong số người thực thi nhiệm vụ hướng dẫn cho tôi cầm cán dao theo kiểu tội phạm hay dùng. Phải làm đi làm lại mấy lần, tôi mới diễn được cảnh đâm Vinh mà mình không hề hay biết. Cũng lạ, tại sao chi tiết bắt tôi cầm dao diễn lại cảnh đâm người nhưng tôi không biết cách cầm dao mà người ta cũng không xem đó là tình tiết đáng lưu ý để điều tra lại vụ án?”
Ngày 20-9-1983, TAND tỉnh Nghệ Tĩnh (lúc chưa chia tách tỉnh) mở phiên toà sơ thẩm xét xử Nguyễn Sỹ Lý - nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Tây Nguyên, 17 năm tù giam về tội "giết người”. Lý vào tù còn ông Huỳnh và các anh em được trở về nhà để rồi người cha già còm cõi ấy mang đơn ra Hà Nội kêu oan cho con, hết lần này đến lượt khác, hết năm này sang năm khác. Thế nhưng, 5 năm trời, Lý oan vẫn hoàn oan, vẫn phải ngồi tù như một kẻ giết người! Và, ánh sáng công lý bắt đầu loé lên từ trong ngục tối khi bạn tù của Lý là anh Cao Tiến Mùi hay còn gọi "cu Trực”, "đại ca gấu đen” vì hiểu rõ nỗi oan khiên của Lý nên khi ra tù Mùi đã tìm cách minh oan cho Lý.
Để giải oan cho Lý, Mùi đã tìm mọi cách tiếp cận Lai và Lai đã phải thú nhận bằng văn bản là chính Lai đâm nhầm Vinh chứ không phải Lý giết Vinh. Khi sự thật được phanh phui cũng là lúc Lý đã phải trải qua 5 năm ở tù (tức gần 2.000 ngày oan trái). Cao Tiến Mùi và ông Huỳnh đã gửi tài liệu đến TAND tối cao, trong đó có giấy tự thú của Lai về việc chính Lai giết nhầm em mình. Sau khi có giấy tự thú của Lai, Lý được tạm tha theo Quyết định số 1265/HS, ngày 21-12-1987 của TAND tối cao.
Sau 2 ngày ban hành quyết định, ông Huỳnh cầm quyết định trong tay mà quên ăn, quên ngủ, cả gia đình kéo xuống giữa đêm ngồi ngay trước cổng trại giam chờ đợi. Trời vừa hửng sáng, cánh cổng sắt nặng nề lạnh lùng mở ra, Lý bước thấp bước cao đổ dồn về phía đám đông đang chờ đợi và ôm chầm lấy những người thân của mình. Về lại đời thường, con gái đầu lòng Ngọc Anh của anh cũng đã được 5 tuổi (khi Lý vào tù, con gái Lý mới sinh được hơn 10 ngày - PV). Ra tù, cuộc sống khó khăn khi cùng lúc nuôi 3 đứa con học đại học. Ông Lý hi vọng vào sự trưởng thành của các con, nào ngờ tai hoạ lại giáng xuống đầu gia đình ông khi đứa con gái đầu lòng Ngọc Anh - giảng viên một trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh bị tai nạn chết oan thương, một lần nữa cuộc sống gia đình ông tưởng chừng như không thể vượt qua. Nguồn sống hiện tại của vợ chồng ông Lý trông cả vào nghề làm đậu phụ nên vô cùng vất vả. Hiện tại, người con gái thứ hai đã tốt nghiệp đại học Giao thông vận tải nhưng vẫn chưa xin được việc, còn con trai út thì vẫn còn học Đại học Xây dựng năm cuối.
Nhìn ông Lý lết chân ra sân tiễn khách, chúng tôi thật sự xót thương cho ông vì sự trái ngang của cuộc đời! Một giảng viên đại học mới 27 tuổi đầu đang phơi phới sức xuân, bỗng tai hoạ ập đến đã cướp đi của ông tất cả để rồi hôm nay ông trở thành một người tàn phế, không được hưởng bất cứ một quyền lợi gì của một người bị oan trái trong 5 năm.
Bắc Vũ – Hoàng Bách
Theo Đại Đoàn kết chủ nhật
|