Cải cách thể chế, đổi mới giáo dục và tiền lương của nhà giáo
Hiến pháp là đạo luật gốc của quốc gia. Hiển nhiên, nhiều vấn đề nóng của cuộc sống chỉ có thể được giải quyết căn cơ, tận gốc nhờ vào những nguyên tắc nền tảng có trong Hiến pháp. Vậy Hiến pháp năm 1992 sửa đổi mà các đại biểu Quốc hội đang họp, thảo luận và sẽ thông qua trong tháng 11 này phải đáp ứng được mục tiêu kỳ vọng ấy.
CẢI CÁCH THỂ CHẾ - ĐỔI MỚI GIÁO DỤC
VÀ TIỀN LƯƠNG CỦA NHÀ GIÁO
Thực tế cuộc sống hiện nay có nhiều vấn đề nổi cộm mà việc giải quyết được hay sẽ tiếp tục nóng thêm, chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn có liên quan-xa hoặc gần, trực tiếp hay gián tiếp, bằng cách này hay cách khác-với Hiến pháp sửa đổi. Một trong những ví dụ rất dễ thấy và có tác động lớn, hàng ngày, hàng giờ đến toàn xã hội là những bất cập, khuyết tật của ngành giáo dục. Trong những khuyết tật đó, lại chỉ xin đơn cử một chi tiết, đó là lương giáo viên không đủ sống. Chỉ nội một diểm này thôi, giáo viên không thể sống bằng lương thì đừng nói chuyện cải cách giáo dục để nâng cao chất lượng…nọ kia! Đừng nói đến vai trò của Giáo dục là quốc sách hàng đầu, khi trong thực tế nó đã trở thành “quốc nhục”, khi chất lượng của nó đã tụt đến mức thê thảm như hiện nay, kéo theo căn bệnh nói dối đã trở thành mãn tính, đó chính là điểm “phản giáo dục” lớn nhất khi mục tiêu số 1, trước nhất của nhà trường là đào tạo học sinh trở thành những con người trung thực. Một trong những nguyên nhân cốt lõi của tình trạng trên là lương giáo viên không đủ sống.
Thế tại sao lương giáo viên không thể tăng? Mặc dù thời Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã nói chắc như đinh đóng cột là đến năm 2010, giáo viên cơ bản sẽ sống được bằng lương. Hiện tại, đã qua thời điểm “quyết tâm” của Bộ trưởng được vài ba năm , nhưng giáo viên vẫn phải loay hoay với việc dạy thêm và hì hục, xoay xỏa với hàng trăm thứ việc trái ngành để kiếm sống. Để trong mắt học sinh (không phải là tất cả) thầy cô giáo khi đã trực tếp nhận đồng tiền của hc sinh cũng chỉ như những người đi làm thuê cho mình(!). Mặc dù ai cũng biết một điều sơ đẳng là: không ai –trừ người tâm thần, lại để cả đời vác cái bụng lép kẹp đi làm việc chung cho xã hội (trừ những tường hợp đặc thù). Có quá nhiều nguyên nhân, nhưng trực tiếp ai cũng thấy đó là: nhìn tổng thể bộ máy công chức Nhà nước thì những người “ngồi nhầm chỗ” đã chiếm hết nguồn lực,nói trắng ra là đã “hút hết máu” của những lao động chân chính, làm việc thực sự, trong đó có độ ngũ thầy, cô giáo. Chưa nói đến mất mát do tham nhũng, như: một ụ nổi sửa chữa tàu biển, thực chất là cục sắt vụn, do các quan chức Vinasin mua từ nước ngoài về đã lớn hơn ngân sách chi cho phát triển của một tỉnh như Ninh Thuận hay Bắc Cạn v.v…, một thiết bị lặn bị nâng giá tới 1.300 lần, rồi những lãng phí ngất trời hàng trăm tỷ trong các quyết định đầu tư; những mất mát khủng khiếp ấy hiếm hoi lắm mới bị phát giác nhưng không có địa chỉ chịu trách nhiệm tương xứng, ít nhất là thủ phạm phải bỏ tiền túi để đề bù thiệt hại v.v…Chỉ giới hạn trong việc Nhà nước bất lực, không loại bỏ được những kẻ bất tài, vô dụng trong guồng máy của mình, khi “một bộ phận không nhỏ” trong số đó đang đục ruỗng cả nền hành chính, những kẻ đã được Đảng ta xác đinh từ lâu là “nội xâm”, là “tay trong” tiếp tay cho các thế lực thù địch. Chính bọn chúng chứ không ai khác đã gây ra những vụ tham nhũng, thất thoát tày trời như đã nói trên. Thực trạng trên khiến những cán bộ, công chức thực sự có năng lực, tâm huyết bị “bó tay” hoặc buộc phải tha hóa hoặc chán nản, buông xuôi…
Vậy tại sao Nhà nước lại không thực hiện được việc tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương, trả lương xứng đáng cho những lao động trong bộ máy của mình, trong đó có đội ngũ nhà giáo? Đơn giản là do vướng thể chế. Bởi nhiệm vụ đặt ra đúng đắn là vậy, hệ trọng, to lớn là vậy, thiết thân, cấp bách cho chế độ và cho những người tận tụy phục vụ cho chế độ ấy- nhưng rốt cuộc không thực hiện được mà không có ai phải chịu trách nhiệm, ngoài việc đổ cho trách nhiệm tập thể một cách chung chung- thì nguyên nhân gốc chỉ có thể do thể chế (còn gọi là “lỗi hệ thống”). Từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải, ông đã từng phát biểu là làm Thủ tướng mà không thể cách chức một bộ trưởng hoặc “tỉnh trưởng dưới quyền. Đến nay tình hình vẫn không thay đổi được bao nhiêu. Cả một “rừng” thủ tục tạo điều kiện cho nhóm lợi ích hoành hành, phản ứng mỗi khi quyền lợi bất minh của họ bị luật pháp sờ tới.
Trách nhiệm của việc chậm cải cách thể chế, dẫn đến những hệ lụy cho xã hội, trong đó có những yếu kém, khuyết tật của ngành giáo dục thuộc về lãnh đạo Bộ Giáo dục và ở cấp cao hơn. Còn làm cách nào để cải cách thể chế có hiệu quả, tháo “ách” cho xã hội phát triển thì các vị phải lo. Vì chính các vị đã nhận trọng trách trước nhân dân. Nghĩ chưa ra, làm chưa được thì phải hỏi Dân, tập hợp trí tuệ và tâm nguyện của Dân. Không thể cứ tiếp tục đổ trách nhiệm…chung chung để “câu giờ” lâu hơn nữa. Không nói đâu xa, hãy quay lại với ngành giáo dục, nghe báo chí nói Nhà nước sẽ chi 70 nghìn tỷ để viết lại sách giáo khoa, nhưng với thể chế cứ như thế này, không giảm biên chế ở những vị trí không hiệu quả để tăng lương cho giáo viên đủ sống, e rằng số tiền viết lại sách giáo khoa lại trở thành một cái “ụ nổi” của ngành giáo dục. Chưa nói đén việc nhiều chuyên gia về giáo dục hiến kế: Nhà nước chỉ cần xác định chương trình chuẩn, theo đó các nhóm tác giả sẽ tự soạn sách giáo khoa và các nhà trường sẽ quyết định sử dụng bộ sách tốt nhất để giảng dạy nhưng ý tưởng này muốn được xem xét nghiêm túc lại phải trông chờ vào cải cách thể chế?
Cứ cho rằng, Bộ giáo và toàn xã hội sẽ quyết tâm cao để thực hiện “Đề án đổi mới giáo dục” vừa được Hội nghị TƯ 8 thông qua nhưng nếu không tăng lương cho đội ngũ giáo viên đủ sống, thì Đề án cũng chỉ là một thứ Dự án treo đang nhan nhản khắp chợ cùng quê. Mà, muốn tăng lương cho giáo viên đủ sống, lại đụng đến vấn đề tinh giản biên chế, mấy chục năm nay không làm được. Bây giờ muốn làm được, thì phải cải cách thể chế.
Xem thế đủ biết việc cải cách thể chế- đã từ lâu và hiện nay đang là “nút thắt ” cần tháo gỡ để chữa các khuyết tật của ngành giáo dục, sự thành, bại của Đề án Đổi mới giáo dục đã được thông qua và suy rộng ra, của nhiều lĩnh vực khác.
Hiến pháp 1992 sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua trong những ngày tới, có là chỗ dựa vững chắc để tạo ra những thay đổi có tính bước ngoặt về cải cách thể chế để giải đáp những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hay không, nhân dân đang trong chờ vào sự sáng suốt của các đại biểu thay mặt cho cử tri cả nước sẽ bày tỏ chính kiến trong những ngày sắp tới.
8/11/2013
Đinh Ngọc Diệp
- Địa chỉ: 20, Lê Lợi, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
- Đt: 0912 276 270.
Email: ngocdiep1956@gmail.com.
Blog: dinhngocdiep.blogtiengviet.net
Tin cùng chuyên mục
Gập ghềnh đường vào Hội Nhà văn
05/11/2013
Lên án, tẩy chay ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng
05/11/2013
Ca dao Việt với giáo sư người Mỹ
05/11/2013
Nếu là tôi, là bác, là anh...
04/11/2013