TRUYỆN VỀ 10 ĐẠI ĐỒ ĐỆ CỦA PHẬT
Theo sách kinh kể lại,/ Ngày Ca Diếp ra đi/ Trùng ngày thứ bốn chín/ Phật Thích Ca Mâu Ni/ Đang ngồi yên thiền định/ Một mình dưới gốc cây./ Ba năm trời tìm kiếm,/ Ông chưa gặp được thầy.
TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP
1
Tôn giả Đại Ca Diếp,
Môn đệ Phật Thích Ca,
Bà La Môn, quí tộc,
Người nước Ma Kiệt Đà.
Sau khi Phật nhập diệt
Ông được kế nhiệm Ngài,
Là một đại đệ tử,
Đức hạnh và toàn tài.
Bố mẹ ông giàu có,
Lại rất thương yêu con,
Nên khi lên tám tuổi,
Nhiều thầy Bà La Môn
Được mời đến dạy dỗ.
Toàn những bậc uyên thâm.
Vốn thông minh, chăm chỉ,
Nên trong vòng mấy năm
Ông học thông tất cả
Các môn học bấy giờ,
Nhất là môn Đạo Học,
Một kết quả không ngờ.
Khi lớn lên, bố mẹ
Muốn lấy vợ cho ông,
Nhưng ông cứ lần lữa,
Rồi cương quyết nói không.
Số là do hiểu biết,
Ông chỉ muốn xuất gia
Để đi tìm chân lý,
Như Ngài Tất Đạt Đa.
Cuối cùng, bị thúc ép,
Ông nhờ thợ kim hoàn
Đúc tượng một cô gái,
To như thật, bằng vàng.
Đó là bức tượng đẹp,
Mặc sari nhiều màu,
Đính rất nhiều trang sức,
Suốt từ chân đến đầu.
“Nếu tìm được ai đấy
Giống hệt cô gái này,
Con sẽ lấy làm vợ,
Để khỏi bị quấy rầy.”
Thế là xe chở tượng
Rong ruổi khắp xóm làng
Để tìm kiếm cô gái
Giống hệt bức tượng vàng.
Xe đi mãi, đi mãi
Hết nước Ma Kiệt Đà,
Vẫn không thấy người đẹp.
Đường thì khó và xa.
Ngày nọ, xe đi tới
Thành phố Tỳ Xá Ly,
Một thành phố đông đúc
Của nước Ly Chà Vy.
Họ tìm thấy cô gái
Có tên là Thiện Tâm,
Con một nhà quí tộc
Giàu có và tiếng tăm.
Thế là các ông mối
Gặp bố cô, cầu hôn,
Với số vàng làm lễ
Bằng trọng lượng cô con.
Đám cưới được tổ chức
Thật to, thật khác thường.
Đêm tân hôn, rất tiếc,
Họ không nằm chung giường.
Ca Diếp thấy vợ khóc,
Nói: “Tôi nguyện suốt đời
Sẽ xuất gia tìm Đạo,
Cứu mình và cứu đời.”
Thiện Tâm nghe, liền đáp:
“Thiếp không muốn lấy chồng.
Chỉ tại bố tham của,
Nên thiếp phải đèo bòng.”
Hai vợ chồng mừng rỡ,
Cùng quyết định hai người
Chỉ xem nhau như bạn,
Hai bạn tốt suốt đời.
Kể từ giây phút đó
Hai người là anh em.
Không chạm vào cơ thể,
Không chung giường ban đêm.
Bố mẹ ông hay chuyện,
Liền cất đi một giường.
Thành ra họ lần lượt
Người ngủ, người tựa tường.
Một hôm, Thiện Tâm ngủ,
Một tay chạm sàn nhà.
Bất chợt Ca Diếp thấy
Có con rắn bò qua.
Ông chạy tới, lặng lẽ
Giơ cánh tay lên cao.
Tỉnh dậy, cô bèn trách
Không giữ lời hôm nào.
Mười hai năm sau đó,
Bố mẹ ông qua đời.
Họ đảm đang mọi việc,
Tiếp xúc với nhiều người.
Dần dần họ biết được
Rằng sống là khổ đau,
Và cội nguồn đau khổ
Là ky cóp làm giàu.
Cuối cùng họ quyết định
Cả hai cùng xuất gia,
Mỗi người đi một ngả,
Bỏ ruộng đất, cửa nhà.
2
Theo sách kinh kể lại,
Ngày Ca Diếp ra đi
Trùng ngày thứ bốn chín
Phật Thích Ca Mâu Ni
Đang ngồi yên thiền định
Một mình dưới gốc cây.
Ba năm trời tìm kiếm,
Ông chưa gặp được thầy.
Một hôm, Phật lặng lẽ
Rời Tịnh xá Trúc Lâm
Đến phía Bắc Vương Xá,
Ngồi dưới cây bóng râm.
Bỗng có người đi lại,
Dáng mệt mỏi, buồn rầu.
Đức Phật gọi: “Ca Diếp,
Ta chờ thầy đã lâu.
Giờ hãy ngồi cùng nghỉ
Với ta dưới bóng cây.
Thầy phải nhớ: Giáo Hội
Rất cần thầy sau này.”
Ca Diếp liền sụp xuống,
Rồi nói: “Bạch Thế Tôn,
Cúi xin Ngài chấp nhận
Là sư phụ của con.”
Hai người về Tịnh xá,
Khi đi ngang cánh đồng
Phật cởi áo đang mặc
Rồi đổi nó cho ông.
Ca Diệp nhập Giáo Hội
Vừa mới được bảy ngày,
Đắc quả A La Hán,
Thật hiếm có điều này.
3
Lại nói từ buổi ấy,
Chia tay chồng, Thiện Tâm
Đi tầm sư học đạo,
Thấm thoắt đã năm năm.
Cuối cùng bà gặp Phật,
Cũng gặp lại được chồng.
Mừng được cùng chí hướng,
Sống cùng nơi với ông.
Bà Thiện Tâm nhanh chóng
Nhập Hội rồi qui y,
Được ở nơi Tịnh xá
Của các tỳ kheo ni.
Không ít lời dị nghị
Về chuyện bà xuất gia,
Đến mức bà ngần ngại
Không muốn ra khỏi nhà.
Được Ca Diếp giúp đỡ,
Khích lệ, chia thức ăn,
Bà chuyên tâm tu luyện,
Tâm trí cứ ngộ dần.
Cuối cùng bà đắc quả
A La Hán như chồng,
Được Phật khen đệ nhất
Về phép Túc Mệnh Thông,
Tức là người giỏi nhất
Nhìn thấy và am tường
Chuyện của nhiều kiếp trước,
Đoán biết điều tai ương.
Ca Diếp là đệ nhất
Về tu hạnh Đầu Đà,
Tức là tu khổ hạnh,
Như xưa Tất Đạt Đa.
Đầu Đà là tiếng Phạn,
Có nghĩa xua buồn phiền
Bằng cách xa danh lợi,
Sống theo lẽ tự nhiên.
Ăn những gì xin được,
Một lần, vào giữa trưa.
Mặc chỉ toàn giẻ rách
Hoặc loại quần áo thừa.
Sống gần nơi mồ mả,
Hoặc dưới cây bóng râm,
Ai cho gì, không lấy,
Ngủ phải ngồi, không nằm.
4
Lần nọ, Đại Ca Diếp
Sống trong hang lâu ngày,
Khi trở về Tịnh xá,
Tóc và râu mọc dày,
Quần áo lại mục rách,
Các tỳ kheo chê bai,
Nhưng Đức Phật bình thản
Mời ông ngồi cạnh Ngài.
Đó là một đặc cách,
Một ân lớn mà ông
Từ chối không dám nhận,
Nhưng cũng phải đành lòng.
Khi hai người an tọa,
Phật kể về đức tài
Của tôn giả Ca Diếp,
Trong quá khứ, tương lai.
Mọi người nghe, khâm phục.
Từ đó không người nào
Cười chê ông nhếch nhác,
Ai gặp cũng cúi chào.
5
Sống ở thành Vương Xá
Có một bà lão nghèo.
Không có cả tấm áo
Che lớp da nhăn nheo.
Một hôm bà ốm nặng,
Nằm giữa nắng ban trưa.
May có cô đầy tớ
Cho một bát cơm thừa.
Tôn giả Đại Ca Diếp
Vốn quen biết bà già,
Đi ngang nhân có việc,
Ông chìa bát trước bà.
Đang ốm nặng, lại đói,
Đói đến quặn trong lòng,
Bà lão không ngần ngại
Nhường bát cơm cho ông.
Tôn giả cúi đầu nhận,
Hai dòng nước mắt rơi:
“Kiếp sau bà sung sướng,
Thành thiên nữ nhà trời.”
Một chốc, bà lão chết.
Sau bà được tái sinh
Ở Cõi Trời Đạo Lợi
Thành thiếu nữ rất xinh.
Một hôm, thiên nữ ấy
Nhớ kiếp xưa nghèo hèn,
Bay xuống, trải hoa đẹp
Để tôn giả bước lên.
4
Lúc Đức Phật nhập diệt
Chỉ có A Nan Đà
Và tôn giả Ca Diếp
Hầu bên cạnh Thích Ca.
Trước đó, Xá Lợi Phất,
Ma Ha Mục Kiền Liên,
La Hầu La tôn giả
Đã đi vào cõi thiền.
Đại Ca Diếp đề nghị
Triệu tập một Hội Đồng
Để kết tập Kinh Điển,
Rồi mọi người bầu ông
Quản giáo Hội thay Phật.
Trong vòng hai mươi năm
Ông đảm đương chức ấy,
Không một chút sai lầm.
Một hôm Đại Ca Diếp
Trao cho A Nan Đà
Chiếc Bát Y của Phật,
Rồi lặng lẽ đi ra.
Ông lên núi tu tiếp
Phép Đầu Đà thần thông.
Từ đấy các phật tử
Không ai còn thấy ông.
TÔN GIẢ A NAN ĐÀ
1
Trong mười đại đệ tử
Của Đức Phật Thích Ca,
Trung thành, tận tụy nhất -
Tôn giả A Nan Đà.
Ông xuất thân quí tộc
Con vua A Mi Đà,
Tức ông là cháu ruột
Của Đức Phật Thích Ca.
Khi Ngài về La Vệ,
Ông vừa tròn hai mươi,
Xin được thành Phật tử,
Đi theo Ngài khắp nơi.
Bốn ba năm theo Phật,
Luôn có mặt bên Ngài.
Sau đức Đại Ca Diếp,
Ông là Tổ thứ hai.
Hăm lăm năm phụ tá,
Giúp đỡ Ngài hàng ngày,
Ông là gương trung thực
Và tận tụy với Thầy.
A Nan Đà khám phá
Và ngăn chặn từ xa
Các âm mưu giết Phật
Của Đề Bà Đạt Đa.
Với trí nhớ tuyệt mỹ,
Thuộc hết lời Thầy mình,
Ông giúp đời ghi lại
Nhành nhiều bộ Phật Kinh.
Cũng nhờ ông mà có
Tịnh xá Tỳ Kheo Ni
Cho các nữ Phật tử
Muốn luyện tâm quy y.
Đắc đạo A La Hán,
Ông nhẫn nhục, trung thành,
Một trăm hai mươi tuổi,
Để tiếng tốt lưu danh.
2
Xuất thân một hoàng tử,
Ông đẹp trai khác thường,
Nên dẫu là Phật tử,
Nhiều cô bà yêu thương.
Lần nọ, đi khất thực,
Trên đường quay trở về
A Nan Đà khát nước,
Rẽ vào ngôi nhà tre.
Ông đến bên giếng nước.
Có cô Ma Đăng Già
Đang múc nước ở đấy,
Đẳng cấp Chiên Đà La,
Tức là hạng thấp nhất.
Nàng định chạy, vì nàng
Sợ mời, làm ô uế
Người của bậc cao sang.
Ông liền nói: “Tăng lữ
Không phân biệt nghèo giàu.”
Nàng yên tâm, mời nước,
Nhìn theo ông hồi lâu.
Nàng còn trẻ, xinh đẹp.
Tự nhiên cháy lửa tình
Trước vị sư tuấn tú,
Mình không hiểu nổi mình.
Hôm sau nàng bảo mẹ
Đi mời A Nan Đà,
Mời bằng được đến dự
Lễ thọ trai tại nhà.
Ông đến mấy lần nữa,
Rồi bắt đầu sinh nghi.
Và rồi sau từ chối,
Nghĩ đang có chuyện gì.
Suốt một tháng cô gái
Bỏ ăn, nằm ở nhà.
Mẹ gạn hỏi, bèn đáp
Nàng yêu A Nan Đà.
Bà mẹ sợ, hoảng hốt:
“Con yêu ngài? Đừng đùa!”
Cô con dọa tử tử.
Cuối cùng bà chịu thua.
Không còn cách nào khác,
Bà phải ra đón đường
Chờ nhà sư khất thực:
“Thầy hãy rũ lòng thương,
Con gái tôi ốm nặng,
Muốn gặp A Nan Đà.”
Do không thể từ chối,
Ông lại phải vào nhà.
Bà mẹ mời ông uống
Một thứ nước đáng ngờ.
Uống xong, thấy phấn khích,
Nhưng đôi mắt lờ mờ.
Và rồi ông chợt hiểu
Người ta bỏ bùa ông.
Ông thiền định, làm phép,
Giải nó bằng khí công.
Đang có việc, Đức Phật
Cho người gọi ông về.
A Nan Đà lúc ấy
Đã tỉnh hết bùa mê.
Ông bình tĩnh khuyên giải,
Ôn tồn mời bà già
Và cô con giả ốm
Cùng đến gặp Thích Ca.
Khi nghe hết mọi chuyện,
Đức Phật liền hỏi nàng:
“Đúng con yêu ông ấy?”
Cô gái đáp: “Thưa vâng.”
“Yêu không có gì xấu,
Nhưng trong vòng một năm,
Phải xuất gia, tu luyện
Chân thành và thiện tâm.
Sau đấy nếu còn muốn
Lấy ông ấy làm chồng,
Con sẽ được toại nguyện,
Mà ta cũng hài lòng.”
Cô gái kia mừng rỡ,
Liền đồng ý nghe theo.
Ngay hôm sau tự nguyện
Thành một nữ tỳ kheo.
Nàng chăm chỉ tu luyện,
Nhưng mới được nửa năm,
Nàng đã kịp giác ngộ
Tự mình thấy lỗi lầm.
Nàng hối hận, xấu hổ,
Tìm đến Phật xin tha,
Từ đấy thành môn đệ
Của Đức Phật Thích Ca.
3
Năm tròn tám mươi tuổi
Tôn giả A Nan Đà
Thay tôn giả Ca Diếp
Làm Thiền Tổ Thích Ca.
Một trăm hai mươi tuổi,
Đến lúc nhập Niết Bàn,
Ông băn khoăn không biết
Chọn nơi nào tốt hơn.
“Hiện đang có hai nước -
Xá Lợi, Ma Kiệt Đà,
Rất yêu ta, vì thế
Mà xẩy ra bất hòa.
Nếu ta chết nước nọ,
Chắc nước kia phật lòng.”
Cuối cùng, một buổi sáng,
Ông chèo thuyền ra sông.
Dân chúng hai nước ấy
Đứng hai bờ, kêu van.
Ai cũng muốn tôn giả
Đến họ nhập Niết Bàn.
A Nan Đà bảo họ:
“Ta phải làm cách này
Để hai nước xóa bỏ
Các oán thù xưa nay.”
Vừa nói xong, tôn giả
Từ từ bay lên không,
Rồi dùng lửa tam muội
Để tự thiêu xác ông.
Sau đó nhiều xá lỵ
Trôi dạt vào hai bờ.
Vua hai nước cho nhặt
Cung kính dựng miếu thờ.
TÔN GIẢ KIỀU TRẦN NHƯ
1
Ngày nọ, vua Ca Lợi
Dẫn một đám cung nhân
Vào một khu rừng rậm
Cùng vui vẻ đi săn.
Lần đầu các cung nữ
Được ra ngoài dạo chơi,
Họ tự do chạy nhảy,
Tự do ngắm đất trời.
Và rồi vui, mê mải,
Họ đi chơi khá xa.
Bất chợt trong hang đá
Họ thấy một cụ già.
Cụ trông thật kỳ dị,
Đất bụi bám toàn thân,
Mái tóc dài dính bết
Cuộn một cục dưới chân.
Các cô sợ, định chạy
Thì ông cụ ôn tồn
Nói: “Không gì phải sợ
Ta cũng như các con.”
Thấy cụ già thân thiện,
Còn bắt chuyện với mình,
Các cô xúm lại hỏi,
Những câu hỏi thường tình.
“Ta tu hạnh bồ tát
Nhiều năm ở hang này,
Là Tiên Nhân Nhẫn Nhục,
Ngồi một mình ở đây.”
“Nhẫn nhục? - các cô hỏi.
Dạ, nhẫn nhục là gì?”
“Nhẫn nhục rất đơn giản.
Tu mới khó, là khi
Ta sẵn sàng chấp nhận
Những gì đến với ta,
Thản nhiên và nhẫn nhục,
Không phiền lòng, kêu ca;
Là khi ta bị đánh
Xúc phạm hay coi khinh,
Ta không hề oán trách
Người đã xúc phạm mình...”
Ông cụ cứ thuyết giảng,
Các nữ tỳ cứ nghe,
Không biết vua Ca Lợi
Cũng đang đứng cạnh kề.
Vua thấy lạ, liền nói:
“Ông thuyết giảng rất hay
Về sự nhẫn nhục ấy.
Ta muốn hỏi điều này.
Bây giờ ta chặt đứt
Một cánh tay của ông.
Liệu ông có nhẫn nhục
Chịu được điều đó không?”
Ông cụ đáp: “Dạ được.”
Vua rút kiếm, và rồi
Chém một nhát, tay đứt.
Cụ vẫn thản nhiên ngồi.
Vua nói: “Chắc đau lắm.”
Ông cụ đáp: “Không đau.”
“Chắc ông hận ta lắm?”
“Không tẹo nào, không đâu.”
“Còn nếu ta lần nữa
Chặt tay kia của ông,
Lần này chắc ông giận?”
Ông cụ đáp: “Thưa, không!”
Sau đó vua Ca Lợi
Chém không chỉ hai tay
Mà hai chân của cụ.
Cụ già vẫn ngồi ngây.
“Giờ ông đau và giận?”
“Không giận, cũng không đau.
Tôi là người nhẫn nhục
Như đã nói lúc đầu.”
“Vậy chắc ông nói dối.”
“Không, tôi nói thật lòng.
Mời vua nhìn, sẽ biết
Tôi nói thật hay không.”
Rồi ông cụ ngẩng mặt,
Chắp hai tay lên trời:
“Xin chư thiên chứng giám
Lời con nói vừa rồi.
Nếu con nói sự thật,
Tay chân sẽ liền ngay.
Còn nếu con nói dối,
Cứ để rời thế này!”
Lập tức tay chân cụ,
Liền trở lại như xưa.
Từ trên trời, Hộ Pháp
Và Thiên Thần, như mưa
Bay xuống, rất tức giận,
Định đánh ông vua này,
Nhưng Tiên Nhân Nhẫn Nhục
Can họ, bảo dừng tay:
“Ông ấy thử bần đạo,
Bần đạo chẳng trách ông,
Không đau, không thấy giận,
Thậm chí còn hài lòng.
Nếu kiếp sau thành Phật,
Bần đạo hứa: Tất nhiên
Người này sẽ được giúp
Để khai ngộ đầu tiên.”
2
Tiên Nhân Nhẫn Nhục ấy,
Dưới dạng một cụ già,
Vốn là một tiền kiếp
Của Đức Phật Thích Ca.
Còn ông vua Ca Lợi,
Là người không nhân từ,
Kiếp sau thành đồ đệ,
Tôn giả Kiều Trần Như.
Như Đức Phật đã hứa,
Ông là người đầu tiên
Trong năm người được Phật
Đưa lên bậc đại hiền.
TÔN GIẢ CA CHIÊN DIÊN
1
Trong mười đại tôn giả,
Tôn giả Ca Chiên Diên
Là nghị luận đệ nhất,
Đại minh và đại hiền.
Ông là con trai thứ
Quốc sư A Van Ty,
Dẫu tự học là chính,
Kiến thức khó ai bì.
Về sau ông thọ giáo
Đạo sĩ A Tư Đà,
Người từng đến chúc phúc
Thái tử Tất Đạt Đa.
Thọ giáo xong, đạo sĩ
Dặn ông lúc qua đời
Nhớ qui y theo Phật,
Phụng sự Ngài suốt đời.
Là một người thông tuệ,
Tôn giả Ca Chiên Diên
Nổi tiếng về uyên bác,
Hiểu hết sách thánh hiền.
Thế mà một ngày nọ
Ông được vua cho mời
Đọc một văn bản cổ,
Giảng giải ý và lời,
Ông đã không giải được,
Đành nhờ Phật Thích Ca.
Ngài giúp ông, từ đấy
Ông qui y, xuất gia.
2
Lần nọ, đi giảng đạo,
Khi ngang qua cánh đồng,
Ông thấy một cô gái
Đang ngồi khóc bên sông.
Ông bèn hỏi duyên cớ.
Cô gái nói đời này
Cô là người nghèo nhất,
Còn bị đánh hàng ngày.
Cô nghèo khổ đến mức
Muốn chết đi cho xong.
Nói đoạn, cô gái ấy
Toan nhảy xuống dòng sông.
Ông kịp giữ, và nói:
“Cô đang có cái nghèo.
Nếu cô đem bán nó,
Nhất định sẽ hết nghèo!”
“Nhưng ai sẽ mua nó,
Mua cái nghèo của tôi?”
“Tôi sẽ mua. - Ông nói. -
Cô nên nhớ: Người đời
Nếu bây giờ nghèo khổ,
Nghĩa là kiếp trước đây
Họ không chịu bố thí
Hoặc phản bạn, lừa thầy.”
“Tôi không có tiền bạc.
Cả cái bình nước này
Cũng là của bà chủ.
Biết bố thí gì đây?”
“Để làm việc từ thiện,
Không nhất thiết cần tiền.
Hãy đem chiếc bình ấy
Đi mà múc nước lên...”
Giờ thì cô gái hiểu
Sư thầy muốn nói gì.
Cô vội vã lấy nước
Mời các sư cùng đi.
“Vậy là cô đang bán
Cái nghèo khổ của cô.
Còn chúng tôi mua nó.
Tiền trả, hãy cứ chờ.”
Cô gái không còn muốn
Liều mình nhảy xuống sông,
Tần ngần nhìn theo mãi
Bóng sư đi giữa đồng.
Về sau, cô gái ấy
Quả thật không còn nghèo.
Cuối đời, cô qui Phật,
Trở thành một tỳ kheo.
2
Lần khác, ông giáo hóa
Ở một nước xa xôi.
Hoàng hậu của nước ấy
Không may mới qua đời.
Vua thương bà, đau khổ,
Bỏ bễ việc triều đình.
Ngày đêm cứ quanh quẩn
Khóc bên xác vợ mình.
Hay tin có sư giỏi
Mới đến từ phương xa,
Vua cho mời, hy vọng
Làm sống lại được bà.
Sau mấy lời an ủi,
Tôn giả ra sau chùa
Hái vội mấy chiếc lá
Rồi đưa chúng cho vua:
“Hoàng hậu sẽ sống lại
Nếu trong vòng trăm ngày
Ngài giữ được chiếc lá
Vẫn xanh như hôm nay.”
Vua kêu lên: “Không được.
Một khi đã lìa cành,
Làm sao lá có thể
Sau trăm ngày vẫn xanh?”
Ông đáp: “Ngài nói đúng.
Cũng thế ta, con người,
Có sống là có chết,
Sao trái được luật trời?
Giờ thì vua đã hiểu.
Ngài cho chôn vợ mình,
Quay lại sống như cũ,
Chấn chỉnh việc triều đình.
TÔN GIẢ MỤC KIỀN LIÊN
1. Đệ Nhất Thần Thông
Một đại đệ tử khác
Của Đức Phật Thích Ca -
Mục Kiền Liên tôn giả,
Tức Mogalana.
Quê ông, một làng nhỏ
Ở nước Ma Kiệt Đà,
Nay thuộc đất Ấn Độ,
Nằm ở bang Bihar.
Dòng dõi ông danh giá,
Tầng lớp Bà La Môn.
Bố ông rất giàu có,
Lại chuyên tâm dạy con.
Một đại đồ đệ khác
Thì sinh ở làng bên,
Là ngài Xá Lợi Phất,
Bạn của Mục Kiền Liên.
Họ chơi thân từ nhỏ,
Không một phút xa rời,
Cho đến khi viên tịch
Ở tuổi ngoài tám mươi.
Nghĩ đời là bể khổ,
Giống như Tất Đạt Đa,
Cả hai người từ bỏ
Cuộc sống cũ xa hoa.
Họ trở thành đạo sĩ
Tìm ý nghĩa cuộc đời,
Tìm con đường thoát khổ
Cho mình và cho người.
Cuối cùng họ được gặp
Phật Thích Ca Mâu Ni,
Người giác ngộ cho họ,
Chỉ lối, vạch đường đi.
Trong số đại đồ đệ,
Ông là người vô song,
Về biến hóa quảng đại,
Và đạo pháp thần thông.
Truyện kể rằng lần nọ,
Theo Thích Ca Mâu Ni
Lên Đao Lợi thuyết pháp,
Lúc qua núi Tu Di,
Tôn giả đã chiến đấu
Với một con rồng đen.
Nó muốn giết chết Phật,
Vì độc ác, vì ghen.
Con rồng phun cát độc
Vào Thích Ca, nhưng ông
Đã làm phép, lập tức
Biến cát ấy thành bông.
Rồi tôn giả sau đó
Biến thành một con sâu,
Chui vào bụng nó cắn.
Nó xin hàng vì đau.
2. Sự tích lễ Vu Lan
Theo truyền thuyết nhà Phật,
Bà mẹ Mục Kiền Liên
Là người không mộ đạo,
Báng bổ cả thánh hiền.
Bà không tin Đức Phật,
Không tin cả Pháp, Tăng.
Tam Bảo và Ngũ Giới,
Bà cho là nhố nhăng.
Nên bà, sau khi chết,
Vì tội lỗi của mình,
Bị đày xuống địa ngục,
Chịu bao nỗi cực hình.
Sau thành A La Hán,
Tôn giả Mục Kiền Liên,
Đạt lục thông, ngũ nhãn,
Nhìn thấu hết mọi miền.
Ông thấy mẹ chịu khổ
Dưới địa ngục âm u,
Bát cơm ăn chẳng có,
Bị đói khát, cầm tù.
Ngay lập tức tôn giả
Liền mở phép thần thông,
Lần xuống đáy địa ngục,
Đưa cơm cho mẹ ông.
Bà này khi còn sống
Từng tranh ăn với con,
Bây giờ xuống địa ngục
Thói xấu ấy vẫn còn.
Bà vội lấy vạt áo
Che bát cơm to đầy,
Định lẻn đi ăn mảnh
Một mình sau gốc cây.
Nhưng vừa đưa lên miệng,
Cả bát cơm, than ôi
Đã biến thành cục lửa,
Cháy hết răng và môi.
Dẫu là người hiếu thảo,
Lại đệ nhất thần thông,
Tôn giả đành bất lực,
Không giúp được mẹ ông.
Ông quay về Tịnh Xá
Tìm gặp Phật Thích Ca,
Nhờ Ngài chỉ giùm cách
Cứu giúp bà mẹ già.
Đức Phật nghe rồi đáp:
“Mẹ ngươi quá lỗi lầm,
Nên ngươi không thể cứu.
Chờ tháng Bảy, ngày Rằm,
Ngày chư Phật hoan hỷ,
Hãy làm lễ Vu Lan.
Mời chư tăng đến dự,
Mâm cỗ phải đầy bàn.
Trước hết cúng Tam Bảo,
Rồi sau mời mọi người.
Họ ăn xong, hy vọng
Sẽ cứu được mẹ ngươi.”
Ngay lập tức tôn giả
Đúng theo lời Thích Ca,
Làm lễ Vu Lan lớn,
Cứu được người mẹ già.
Và mọi người từ đấy,
Vào ngày này hàng năm,
Tổ chức lễ xá tội
Cho tổ tiên lỗi lầm.
Về sau, chính tôn giả
Đã tự nguyện thành người
Trông coi chuyện âm phủ
Đầy oan trái sự đời.
Khi làm lễ xá tội
Cho tổ tiên lầm đường,
Người ta cúng tôn giả,
Bồ Tát Địa Tạng Vương.
3. Tiền kiếp của tôn giả Mục Kiền Liên
Cũng theo truyền thuyết Phật,
Tôn giả về sau này
Chịu cảnh chết đau đơn,
Bị chặt hết chân tay.
Số là người ngoại đạo,
Do ghen ghét với ông,
Đã thuê bọn du đãng
Gây cảnh ấy đau lòng.
Ông đạo pháp bậc nhất,
Lại khôn khéo, thông minh,
Không cưỡng được số pận,
Chết vì tiền kiếp mình.
Xưa, một gia đình nọ,
Có một người con trai,
Rất chăm chỉ, tháo vát,
Thông minh và có tài.
Tự mình anh quán xuyến
Hết mọi việc trong nhà,
Không quản ngại vất vả,
Hầu bố mẹ đã già.
Do bố mẹ nài ép,
Anh lấy vợ, về sau
Cô thành người độc ác,
Gây bao nỗi buồn đau.
Cô ta chỉ hầu hạ
Bố mẹ chồng hai ngày
Rồi bắt đầu nặng mặt,
Dọa đi khỏi nhà này.
Khốn nỗi, anh yêu vợ,
Mà yêu quá thành mù.
Trước hiếu tháo là vậy,
Giờ nghe vợ thành hư.
Một hôm cô vợ ác
Vứt phân bẩn đầy nhà,
Bảo chồng đó là cứt
Của hai cụ mù lòa.
Anh chồng không chịu nổi,
Đưa hai cụ lên xe,
Bảo đi thăm họ mạc,
Nhưng đi mà không về.
Anh ta bỏ bố mẹ
Một mình giữa rừng sâu
Để thú dữ ăn thịt,
Ngay buổi sáng hôm sau.
Người con bất hiếu ấy
Là tiền kiếp trước đây
Của một đại tôn giả,
Mục Kiền Liên kiếp này.
Câu chuyện do Đức Phật
Kể các học trò nghe,
Vừa là để giải thích,
Cũng vừa để răn đe.
TÔN GIẢ TU BỒ ĐỀ
1
Thật kỳ lạ: Vào lúc
Tu Bồ Đề sinh ra,
Không hiểu sao đồ đạc
Tự nhiên bay khỏi nhà.
Các thầy bói quả quyết
Đây là một điềm lành,
Rằng sau này đứa bé
Sẽ đắc quả, thành danh.
Chỉ vài ngày sau đó,
Những thứ đã bay đi
Bỗng nhiên tự quay lại,
Bình thường như mọi khi.
Là con nhà giàu có,
Từ bé Tu Bồ Đề
Đã không quí tiền bạc,
Thường bị bạn cười chê.
Cậu thường xuyên bố thí
Cho người nghèo đáng thương,
Đến mức mẹ cậu giận,
Cấm không cho ra đường.
Điều này hóa lại tốt:
Vì bị nhốt suốt ngày,
Cậu chỉ việc đọc sách,
Biết hết mọi điều hay.
Chưa đến hai mươi tuổi
Cậu đã hiểu rất sâu
Về triết học, tôn giáo
Và cả các phép màu.
2
Một hôm, nghe tin Phật
Đến hoằng pháp quê nhà,
Ông liền trốn bố mẹ
Lén đi gặp Thích Ca.
Hôm ấy, đêm trăng sáng.
Phật thuyết pháp ngoài trời.
Giọng Ngài nghe rất rõ
Giữa đám đông nhiều người.
Như kẻ bị mất trí,
Ông say mê lắng nghe,
Rồi đứng lặng, ngơ ngác
Khi mọi người đã về.
Thậm chí ông không biết
Ông đến trước nhà Ngài,
Tần ngần đứng cạnh cửa,
Không rõ muốn tìm ai.
Bỗng nhiên Đức Phật gọi:
“Tu Bồ Đề, vào đi.”
Ông bước vào, lập tức
Xin phép Ngài qui y.
Từ đó ông theo Phật,
Tận tụy và trung thành,
Đắc quả A La Hán,
Một người rất nổi danh.
Là Giải Không Đệ Nhất,
Ông am hiểu mọi điều,
Nhìn thấy trước mọi chuyện,
Nhưng khiêm tốn, biết điều.
Không giống tỳ kheo khác
Khất thực hết mọi nhà,
Những nơi nào nghèo khổ,
Ông cố tình bỏ qua.
Ông nói: “Người nghèo đói
Đã không đủ cái ăn.
Làm họ nghèo thêm nữa
Quả là việc không cần.”
3
Một lần nọ, Đức Phật
Giảng cho Tu Bồ Đề
Về Bố Thí Vô Tướng
Ngài đã kể ông nghe
Một câu chuyện có thật
Từng xẩy ra với Ngài.
Một hôm, thiền trên núi
Chợt văng vẳng bên tai
Tiếng của nhiều cô gái
Hỏi Ngài sao ngồi đây.
Ngài mở mắt và thấy
Rằng các cô gái này
Rất trẻ và xinh đẹp,
Như cung tần, vương phi.
Ngài giảng giải cho họ
Về khoái lạc, từ bi.
Họ lắng nghe chăm chú,
Nhưng bỗng nhiên một người
Tay cầm gươm chạy đến,
Xúc phạm Ngài bằng lời.
Ông này mặt độc ác,
Xưng là Cát Lợi Vương,
Thái độ rất hung hãn
Và giận dữ khác thường.
Ông lớn tiếng mắng Phật
Dám lả lớt cười đùa
Với cung tần mỹ nữ
Và hoàng hậu của vua.
Ngài đáp: “Người thiền định
Không tranh cãi với ai,
Chỉ nhẫn nhục chịu đựng.”
Nghe thế, hắn bảo Ngài:
“Ngươi nói ngươi nhẫn nhục.
Vậy thì hãy xem đây!”
Hắn vung gươm sáng loáng,
Chém Ngài đứt một tay.
Ngài vẫn ngồi bình thản.
Hắn chém tay thứ hai,
Rồi chém chân, tuy vậy,
Chẳng làm lung lạc Ngài.
Vì Vô Sinh, Vô Ngã,
Ngài chẳng oán trách gì.
Tên vua kia thấy thế
Liền hoảng sợ, trốn đi.
Nghe xong câu chuyện ấy,
Tôn giả chợt giật mình,
Lĩnh hội hết chân lý
Của Vô Ngã, Vô Sinh.
4
Cảnh vật núi Linh Thứu
Rất hợp với tu hành.
Tu Bồ Đề thích sống
Ở nơi này tươi xanh.
Gặp khi trời tạnh ráo,
Ông thiền dưới gốc cây.
Đêm, trăng thanh gió mát.
Chim thú đến ban ngày.
Một hôm ông thiền định
Trong hang đá một mình.
Ánh sáng ông chiếu dọi
Lên tới tận Thiên Đình.
Vua trời là Đế Thích
Cùng chư vị thiên nhân
Mang theo nhiều quà tặng,
Cưỡi mây bay xuống trần.
Họ cung kính đảnh lễ
Tôn giả Tu Bồ Đề,
Rồi làm phép, cho gió
Rải hoa khắp bốn bề.
Tôn giả chắp tay tạ
Ân đức các chư thiên,
Rồi bình tâm, nhắm mắt,
Lại tiếp tục ngồi thiền.
TÔN GIẢ U PÀ LY
1
Xưa, xã hội Ấn Độ
Được phân định rõ ràng
Thành bốn đẳng cấp chính,
Theo nghèo hèn, cao sang.
Đẳng cấp cao quí nhất
Là giới Bà La Môn,
Đa phần là giáo sĩ,
Chăm sóc việc phần hồn.
Tiếp đến là đẳng cấp
Có tên Sát Đế Ly,
Chuyên làm vua, làm tướng,
Áo mũ rất uy nghi.
Phía dưới nữa một chút
Là đẳng cấp Phệ Đà,
Gồm các bậc điền chủ
Và chủ xưởng, thương gia.
Thủ Đà La sau rốt,
Đẳng cấp người ít tiền
Nhưng làm lụng vất vả,
Như nông dân, thợ thuyền.
Bậc cuối cùng còn có
Đẳng cấp Chiên Đà La,
Đổ phân, làm nô lệ
Hay hầu hạ trong nhà.
Người của đẳng cấp dưới
Chạm vào người cấp trên
Được xem là tội lỗi
Bị đánh hoặc phạt tiền.
Mà những người “bị chạm”,
Phải vội vã về nhà,
Sám hối cả tuần lễ ,
Lấy nước sạch lau da.
Thậm chí người “hạ tiện”
Không được chạm vào trâu
Của những người “ưu tú”
Thuộc các đẳng cấp giàu.
2
U Pà Ly, bố mẹ
Là người Thủ Đà La,
Nghèo khổ và vất vả
Nhưng hơn Chiên Đà La.
Lớn lên, để kiếm sống
Và giúp đỡ gia đình,
Ông làm nghề cắt tóc,
Đứng ngoài đường, một mình.
Năm tròn hai mươi tuổi,
Thông minh và khéo tay,
Ông thành thợ rất giỏi,
Nổi tiếng cả vùng này.
Năm năm trăm tám bảy,
Trước Công Nguyên, tất nhiên,
Phật trở về La Vệ,
Rồi sang nước láng giếng.
Sáu nhà quí tộc trẻ
Lần ấy muốn xuất gia,
Gồm cả A Na Luật
Và Đề Bà Đạt Ba.
Họ lên đường tìm Phật,
Mang theo một túi tiền,
Định thấy ai nghèo khổ
Thì cho để cầu duyên.
Và rồi, một ngày nọ
Họ gặp U Pà Ly,
Hỏi đường tới biên giới.
Ông tình nguyện đưa đi.
Thấy ông nghèo, vất vả,
Trung thực và chân thành,
Họ cho túi tiền ấy,
Rồi chúc điều tốt lành.
U Pà Ly mở túi,
Thấy có rất nhiều tiền,
Thừa để sống no đủ
Cả đời không lo phiền.
Ông suy nghĩ một chốc
Rồi treo nó lên cây.
“Ai thấy trước thì lấy.
Còn mình thì từ nay
Sẽ xuất gia theo Phật.”
Ông nghĩ thế, và rồi
Đuổi theo mấy người nọ,
Một chốc thì đến nơi.
“Tôi muốn theo các vị
Tìm Phật để qui y.”
Mấy người kia đồng ý
Rồi tất cả cùng đi.
“Túi tiền ông được tặng
Sao không thấy mang theo?”
Một người hỏi. Ông đáp:
“Tôi để cho người nghèo.”
Khi đến nơi, gặp Phật,
Kể Ngài nghe chuyện này,
A Na Luật liền nói:
“Chúng con cúi xin Thầy
Cho ông xuất gia trước
Để thành huynh chúng con.
Để mọi người được biết
Giờ đẳng cấp không còn.”
Dẫu xuất thân nghèo khổ,
Chỉ một thời gian sau
Ông tu hành, đắc quả,
Thành tôn giả hàng đầu.
Là Trì Luật Đệ Nhất,
Tôn giả U Pà Ly
Được mọi người kính trọng,
Không ai dám khinh khi.
3
Có một cô gái nọ
Muốn theo Phật xuất gia,
Nhưng bố mẹ không chịu,
Bắt lấy chồng, ở nhà.
Cuối cùng chồng đồng ý
Cho cô được qui y.
Cô dọn đến Tịnh xá
Của các tỳ kheo ni.
Mọi việc đều tốt đẹp.
Cô rất vui, tiếc thay,
Cái bụng dưới chiếc áo
Cứ lớn lên hàng ngày.
Và rồi loan tin dữ:
Một ni sư có bầu.
Sư có bầu, thật lạ.
Vì sao và ở đâu?
Mặc cho sư giải thích
Rằng sư đã có chồng
Trước khi nhập nhà Phật,
Mọi người cứ nói: Không!
Thế là ni sư trẻ
Suýt bị đuổi về nhà.
May tôn giả kịp đến,
Cho mời một sư bà
Vào phòng kín hỏi chuyện,
Tính kỹ tháng và ngày
Kể từ khi cô cưới
Và từ ngày đến đây.
Rồi sư bà tuyên bố
Cái thai này cô mang
Là của anh chồng cũ,
Chính xác và rõ ràng.
Cô không hề phạm giới,
Vẫn được làm tỳ kheo.
Đứa bé sinh, khỏe mạnh,
Được mọi người yêu chiều.
Một hôm Ba Tư Nặc,
Ông vua béo thương người,
Đi ngang qua Tịnh xá,
Bỗng nghe tiếng trẻ cười.
Vua ngạc nhiên cho hỏi,
Thì được kể chuyện này.
Ngài nhận nuôi đứa bé,
Dạy dỗ nó hàng ngày.
Về sau đứa bé ấy
Nổi tiếng rất nhân từ,
Một nhà thuyết pháp giỏi,
Dẫu có mẹ là sư.
Còn mẹ chú sau đó,
Nhờ có A Pà Ly,
Chứng quả A La Hán
Trong số tỳ kheo ni.
Tin cùng chuyên mục
"Tối hậu thư" cho con dâu
20/12/2013
CHÙM THƠ ĐƯỜNG LUẬT BIỆT DẠNG của Diên Minh
19/12/2013
Tiếng yêu
18/12/2013
Tìm quên
14/12/2013
Thơ Trần Hồng Giang (Nam Định)
14/12/2013
Tím cả dòng sông
09/12/2013