Bô xít Tây Nguyên - Phản biện với phản biện

Không phải người Trung Quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Trước khi công bố những phản biện của tôi với các phản biện trên các báo và các trang mạng xã hội, tôi xin được cung cấp cho bạn đọc mấy thông tin nổi bật như sau:

Xin thưa với bạn đọc rằng, tôi là một trong những nhà báo đầu tiên được vào Tây Nguyên từ khi các dự án bô xít – nhôm (gọi tắt) bắt đầu khởi động (Tổ hợp bô xít Tân Rai, Lâm Đồng và Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông). Tôi cũng đã tham dự nhiều cuộc họp; được tiếp cận nhiều tài liệu về Dự án; được phỏng vấn nhiều nhà quản lí, điều hành dự án; được phỏng vấn một số vị lãnh đạo cấp xã, huyện, tỉnh của Lâm Đồng và Đăk Nông; gặp già làng và bà con ở Tân Rai và bon Pù Dấp – nơi có dự án. Sau những lần tác nghiệp, tôi đã viết loạt bài về Dự án đăng trên tờ Tạp chí của ngành (Vinacomin) và báo Quân đội Nhân dân.

Tuy nhiên, những bài báo của tôi chủ yếu phản ánh tiến độ Dự án, về tâm tư nguyện vọng của đồng bào; về mối quan hệ của đồng bào Tây Nguyên với các với các đơn vị của Chủ đầu tư v.v – Tôi chưa hề đánh giá sự đúng sai về công nghệ, về môi trường, về hiệu quả kinh, về đảm bảo an ninh quốc phòng v.v. Bởi, tôi là nhà báo, những lĩnh vực trên ngoài tầm hiểu biết của tôi. Với những thông tin thu thập được, tôi khẳng định, một số thông tin quan trọng, đăng trên các báo và các trang mạng xã hội chưa đúng với thực tế, khiến dư luận hiểu sai về Dự án và làm tổn hại rất lớn đến Chủ đầu tư. Những thông tin sai lệch đó, tôi sẽ phản biện trong loạt bài này – những vấn đề khác như hiệu quả kinh tế, về an ninh quốc phòng .v.v ngoài tầm hiểu biết của tôi, tôi không đề cập tới.

 

Trước khi công bố những phản biện của tôi với các phản biện trên các báo và các trang mạng xã hội, tôi xin được cung cấp cho bạn đọc mấy thông tin nổi bật như sau:

1. Một số người lên tiếng phản đối Dự án bô xít nhôm Tây Nguyên nhưng chưa hề đến Tây Nguyên để xem Dự án triển khai ra sao; chưa bao giờ gặp những người chỉ đạo, lập, điều hành Dự án; cũng chưa hề gặp lãnh đạo địa phương và đồng báo các dân tộc nằm trong dự án để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào.

2. Đến nay đã có 9 ông trong Bộ Chính trị (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng v.v.) và rất nhiều đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Quốc hội, các bộ, các đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đên Tây Nguyên, khảo sát, đánh giá, kết luận về Dự án bô – xít nhôm. Trong đó, Kết luận của Bộ Chính trị, số 245, ngày 24/4/2009 về Quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác, chế biến sử dụng bô- xít giai đoạn 2007 -2015 có xét đến 2005 nêu rõ: “Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đến nay. Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước... góp phần phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên.

 

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít với bước đi cụ thể và chỉ đạo triển khai 2 dự án khai thác bô-xít, sản xuất alumin đầu tiên tại Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông); đồng thời, chỉ đạo tìm kiếm, lựa chọn đối tác nước ngoài có năng lực để hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng và đầu tư xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, alumin, nhôm. Chính phủ đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là đơn vị có kinh nghiệm trong khai thác khoáng sản làm chủ đầu tư thực hiện 2 dự án và chủ trì đàm phán với các đối tác nước ngoài”.

Phản biện thứ nhất:

KHÔNG PHẢI NGƯỜI TRUNG QUỐC KHAI THÁC BÔ XÍT Ở TÂY NGUYÊN!

Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cho người nước ngoài (Trung Quốc) vào KHAI THÁC BÔ XÍT. Thông tin này hoàn toàn sai! Đơn vị được Viancomin giao nhiệm vụ khai thác bô xít ở Tây Nguyên là Công ty Than Hà Tu (xem ảnh). Ngày áp Tết năm 2010, một đoàn xe do Công ty than Hà Tu thuê chở thiết bị khai thác vào Tây Nguyên (chuyến đi này có Nhà báo Trần Giang Nam, phóng viên cơ quan tôi). Sau Tết, Công ty than Hà Tu mới đưa tiễn hơn 100 CNCB vào Tây Nguyên khai thác bô – xít.

Thực tế, người Trung Quốc ở Tây Nguyên mà mọi người nhầm tưởng họ đến đây để KHAI THÁC BÔ XÍT, thực ra là họ là chuyên gia, công nhân xây dựng nhà máy sản xuất alumin.

Như tôi được biết, Dự án này không lớn; không phải là công trình trọng điểm Quốc gia nên không phải thông qua Quốc hội (tổng mức đầu tư nhỏ hơn Dự án khai thác than Khe Chàm 2-4 của Vinacomin). Theo luật định, Vinacomin tổ chức công khai đấu thầu quốc tế về việc thiết kế xây dựng nhà máy sản xuất Alumin và thuê một nước thứ ba đánh giá thẩm định Dự án. Khi tổ chức mở thầu có sự tham gia của trọng tài quốc tế, cuối cùng cùng chỉ có 3 nhà thầu Trung Quốc tham gia - Các tập đoàn nhôm trên thế giới chỉ muốn liên doanh khai thác và xây dựng nhà máy chứ họ không muốn làm nhà thầu xây dựng Nhà máy. Qua đấu thầu, Tập đoàn Chalieco chuyên sản xuất Alumin - nhôm của Trung Quốc đã thắng thầu.

Lâu nay, ở Việt Nam, rất nhiều công trình thuộc các lĩnh vực: điện, hóa chất, xi măng, giao thông .v.v. các nhà thầu Trung Quốc đều thắng thầu chứ đâu chỉ riêng Dự án bô xít – nhôm ở Tây Nguyên! Họ trúng thầu thì họ có quyền thuê nhân công, kể cả người nước họ; xây dựng xong công trình, bàn giao cho bên A, họ rút chuyên gia về nước chứ họ đâu có KHAI THÁC BÔ XÍT như các phản biện. Cũng như các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện như: Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh; Nhiệt điện Sơn Động, Nhiệt điện Cao Ngạn; Nhiệt điện Mạo Khê v.v. đều do các nhà thầu Trung Quốc thi công vì trúng thầu; thi công xong, họ đã rút chuyên gia về nước (caothamnguyen.com đã treo bài “Vì sao các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu giá rẻ?).

Ở nước ta, công nghệ sản xuất alumin – nhôm hoàn toàn mới mẻ. Đến nay, nước ta chưa có ai là chuyên gia sâu về công nghệ về luyện nhôm. Vậy thì sau khi trúng thầu, nhà thầu không huy động chuyên gia và nhân công ở nước ngoài thì biết huy động nhân công ở đâu? Mặt khác, các nhà thầu họ cũng muốn tạo công ăn việc làm cho công nhân doanh nghiệp của mình, nên ngoài những chuyên gia công nghệ, họ huy động cả lao động phổ thông để làm những công việc thô sơ, thậm chí những người không biết chữ. Nhưng dù là chuyên gia hay là lao động thủ công, thì khi sang Việt Nam, họ đều phải tuân thủ các qui định của pháp luật Việt Nam; phải qua các thủ tục nhập cảnh chứ đâu có tự do như …đi chợ! Lại có thông tin, rất nhiều người Trung Quốc làm ở công trường khai thác bô xít đã kết hôn với người Việt Nam. Thông tin này tôi chưa kiểm chứng. Nhưng việc kết hôn và nhập tịch tại Tây Nguyên đều tuân thủ các quy định của pháp luật của VN và quản lí nhà nước của địa phương; trách nhiệm này đâu thuộc Vinacomin!

Thông tin mới nhất mà mà nhóm phóng viên chúng tôi mới từ Tây Nguyên về khẳng định: hiện nay, dây chuyền nhà máy sản xuất alumin ở Tân Rai (Lâm Đồng) đã đi vào hoạt động, hàng trăm công nhân Nhà thầu đã rút về nước, chỉ còn lại các chuyên gia ở lại để hiệu chỉnh nhà máy và chuyển giao công nghệ cho cán bộ công nhân Việt Nam vận hành.