Chiến tranh đâu phải trò đùa! Chiến trường mà chỉ thấy hoa rừng và suối chảy, quần áo thì lượt là, như đi picnic ấy.
Hùng Lộc (Hà Nội): Tôi không trực tiếp cầm súng chiến đấu như anh nhưng vẫn hiểu rất rõ về cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Nhưng nghệ thuật lại khác. Sự hư cấu để làm nên một tác phẩm trọn vẹn bao giờ cũng không thể thiếu được nhất là trong điện ảnh. Chiến tranh đã qua hơn 30 năm rồi. Cảnh vật và con người cũng thay đổi theo quy luật tự nhiên và rồi còn có tác động của con người, của công cuộc xây dựng và đổi mới của đất nước. Để tìm một bối cảnh giống như thục tế để làm phim thì cũng hơi khó và để làm cho giống như thật chắc cũng tốn kém nên đạo diễn chắc chỉ khai thác những bối cảnh như trong phim để xây dựng tác phẩm.
Lê Văn: Để giáo dục lòng yêu nước, yêu hoà bình, để giáo dục lòng căn ghét chiến tranh... nếu sợ khó, sợ tốn kém thì thôi đừng làm phim. Làm mà hời hợt, phủ định lại, hoặc không lột tả được cái thực của cuộc chiến đó thì sẽ phản tác dụng giáo dục. Thế hệ trẻ sẽ nghĩ như thế nào khi ta cứ bảo rằng cuộc chiến tranh ấy tàn khốc lắm, vậy mà xem phim có thấy gì đâu. Họ sẽ tin các nhà đạo diễn hay tin Đặng Thuỳ Trâm?
Nguyễn Vĩnh Tuyền (Nghĩa Đô – Hà Nội): Tôi đã xem phim ĐỪNG ĐỐT ở Trung tâm chiếu bóng Quốc gia Láng Hạ. Vào phim tôi đã thấy ngán ngẩm về nghịch cảnh diễn ra trong phim đúng như nhận xét, phê phán và cảm nhận của anh. Tôi đã toan bỏ dở phim mà ra về. Là một cựu chiến binh, bao năm lăn lộn nơi chiến trường B5T8..., tôi có cảm tưởng, bộ phim như được quay tại Công viên Thống Nhất vậy.
Những năm 1968 -1969, khi tôi hành quân tại cao điểm 448 và 468 tại Binh trạm 12 Hà Tĩnh - Quảng Bình - là hai trong nhiều điểm đồi trọc lóc, đất bị xới tung, khói bom khét lẹt, tìm được một cành lá xanh để ngụy trang khi vượt qua trảng trống là một việc khó khăn. Chỉ một màu đất nâu với bom cày, đạn xới, mịt mù trong sương khói chiến trường. Chiến tranh tàn khốc với hàng vạn tấn bom đạn trút xuống thì nơi ấy chỉ có mà sục lên đất bụi, cành cây gốc rễ cháy rụi, bên hàng ngàn những chiếc xe tải cháy rục, trơ khung xat-xi và đống núi rỉ sắt... Chiến trường Quảng Nam với Phổ Cường - Đức Phổ những năm tháng ác lệt ấy đâu phải là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn xanh tươi và đẹp đến ngỡ ngàng như trong phim!
Nguyễn Văn Thành (TP Hồ Chí Minh): Theo em, điện ảnh Việt Nam nhất là về các phim chiến tranh cần phải có cố vấn làm phim là các cựu binh đã trải qua chiến trường mới có thể lột tả hết cái khốc liệt của nó, ngoài ra còn nhiều yếu tố nữa:
- Kinh phí làm phim phải có đầy đủ.
- Phải có chuyên gia về kỹ xảo điện ảnh.
- Phải có phim trường và phim trường phải xây dựng theo đúng những tư liệu về thời kỳ chiến tranh mà tác phẩm đề cập tới.
- Dàn diễn viên phải trải nghiệm thực tế qua những bài tập về chiến tranh, do các cố vấn quân sự huấn luyện....
- Và điều quan trọng nhất là đạo diễn phải am hiểu sâu thời kỳ chiến tranh đã xảy ra, phải nghiên cứu kỹ qua các tài liệu, tư liệu... của Bộ Quốc phòng, phải nghiên cứu kỹ các biến động xã hội của thời kỳ đó...
Một bộ phim chiến tranh hay phải diễn tả được và bóc trần trụi những hậu quả đi kèm… từ đó mới nêu bật cốt truyện về con người chiến đấu vì cái gì, và phải hy sinh vì chính nghĩa như thế nào, từ đó mới thổi cái hồn phim vào người xem và để người xem tự nhận thức phải sống làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các bậc cha anh ngày trước.
Em nghĩ Việt Nam không phải là không có tiền, chẳng qua là do chưa đầu tư đúng mức nên để xem được một bộ phim chiến tranh hay thì chúng ta… hãy đợi đấy.
Phim chiến tranh gì mà đi đứng khơi khơi, phong cảnh thì trái khoáy, diễn viên thì xanh xanh, đỏ đỏ như đi lễ hội, diễn vai thì gượng ép, súng đạn nổ lẹt đẹt… Coi mà phát chán!
Lê Văn: Bạn đã có một thời trong quân ngũ, cũng như tôi, chúng ta là người hiểu hơn ai hết chiến trường là như thế nào. Rất nhiều bộ phim của ta về đề tài chiến tranh, những người đã từng tham gia cuộc chiến đó xem thấy chán quá. Bộ đội đánh nhau ngoài mặt trận mà như luyện tập trên thao trường ở thời bình vậy. Mà thực ra, trên thao trường cũng không được sạch sẽ như vậy đâu. Một phát nổ tượng trưng cho một quả bom, một quả pháo, ước chừng họ chỉ dùng dăm ba lạng thuốc nổ, làm sao để giống bom, giống pháo được.
Nhiều lắm, vô vàn chuyện để mà nói về phim chiến tranh của nước ta. Cứ kiểu làm phim như vậy, rồi thế hệ trẻ sẽ bảo: Ôi dào, các bác cứ nói quá về chiến tranh, chúng cháu xem phim thấy các chú bộ đội đâu đến nỗi vất vả, ác liệt như vậy.
Đặng Đình Nguyễn (Yên Hưng - Quảng Ninh): Ý kiến của người trong cuộc quả là rất thuyết phục. Giá như các nhà làm phim được biết những chi tiết trên của bác để bổ sung cho phim thì... tốt lên biết mấy! Cảm ơn những chi tiết của chiến trường thời bấy giờ đáng để mọi người tham khảo.
Hoàng Trọng muôn (Hà Nam): Những cảm nhận của chú, chính bố cháu cũng nói vậy và còn nhiều hơn. Nhưng cũng khó mà đòi hỏi hơn được vì ở hoàn cảnh hiện nay, tái hiện lại cảnh chiến tranh ngày đó thật khó khăn khi mà mấy chục năm đã qua rồi. Dù sao thì cũng phải ghi nhận sự thành công của phim chú ạ.
LuBim (TP. Thanh Hoá): Những nhận xét của anh Lê Văn thật chí lí! Anh đã chỉ ra những sai lầm rất nghiêm trọng không chỉ tại bộ phim này mà còn rất phổ biến ở nhiều bộ phim về chiến tranh khác nữa do Việt Nam sản xuất! Những bộ phim này được dựng cảnh trí hết sức cẩu thả, đầy sai sót, không phù hợp với sự thật lịch sử. Kể cả điều sơ đẳng nhất là trang phục. Họ cho bộ đội mặc cả trang phục k82 trong chiến tranh chống Mỹ?! Ngoài ra, họ còn lãng mạn hóa chiến tranh một cách sống sượng, làm gai mắt và bức xúc những cựu chiến binh. Tất cả điều đó tôi cho rằng, đó là hậu quả của các "tư duy máy lạnh" gây nên, cộng với sự dễ dãi quá đà của các hội đồng thẩm định nghệ thuật. Hậu quả đúng như anh nói, thế hệ trẻ hôm nay sẽ tưởng rằng chiến tranh thật... nên thơ như vậy đó. Và dần dà lịch sử bị vô tình méo mó ngoài sự mong muốn của tất cả mọi người.
Bài viết của anh rất bổ ích. Mong rằng đến ngày nào đó các đạo diễn Việt Nam hãy làm phim về lịch sử có trách nhiệm và cẩn trọng hơn.
Việt An (TP. Hồ Chí Minh): Ý kiến của anh và mọi người đều đúng. Nói về phim Việt Nam, có thể nói gọn thế này: Phim không "thật", không hay vì ít kinh phí, chỉ đúng 1 phần. Ngược lại, nếu có đủ kinh phí cũng khó làm được phim hay. Bởi vì chúng ta chưa có đạo diễn đủ tầm. Hơn nữa thói quen tạm bợ, cẩu thả, ăn bớt lúc nào cũng hiện diện trong công việc, thì sao có phim hay được! Đó là chưa kể đến việc thiếu phim trường và các phương tiện kỹ thuật. Không riêng gì phim "Đừng đốt", mà các phim khác như "Hoa ban đỏ" nói về chiến thắng Điện Biên cũng vậy thôi. Khi xem cứ thấy gượng gạo và giả giả thế nào ấy. Phim "Điện Biên phủ trên không", phần hậu kỳ mang đi nước ngoài làm kỹ xảo, nhưng rồi cảnh bắn máy bay B52, thấy giống như trong chơi game.
Tái hiện chiến tranh trong hoàn cảnh hiện nay là khó. Khi các đạo diễn cẩu thả một chút là bộ phim sẽ có nhiều chi tiết ngớ ngẩn…
Ngày xưa, ngay khi chiến tranh đang ác liệt, người ta còn hát vang những bài hát có ca từ rất vui vẻ. Đi ra trận mà như "đi trảy hội", rồi "chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác", rồi "ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi". Khi ấy, ta nói đó là tinh thần lạc quan cách mạng. Sau này con cháu chúng ta, biết đâu chẳng nói, cha ông ngày xưa ra trận giống như đi… "ăn tiệc"?
Vì vậy, những người đã trải qua chiến tranh cần phải lên tiếng. Tôi đã đọc "Một thời lính trận" của Lê Văn, "Ký ức chiến tranh" của Vương Khả Sơn và nhiều cuốn khác như: "Tài hoa ra trận" (Nhật ký của Hoàng Thượng Lân); "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", "Mãi mãi tuổi 20" (Nhật ký Nguyễn Văn Thạc) và 1 vài cuốn khác. Tôi cho rằng đó là những tư liệu quí cho thế hệ sau hiểu hơn về chiến tranh với những mất mát, đau thương, với cả niềm vui, nỗi buồn chiến tranh.
Một bạn đọc: Chiến tranh đâu phải trò đùa! Chiến trường mà chỉ thấy hoa rừng và suối chảy, quần áo thì lượt là, như đi picnic ấy. Điện ảnh Việt Nam càng ngày càng đi vào ngõ cụt của thói ăn xổi. Tệ hại hơn là nó làm cho thế hệ trẻ hiểu chiến tranh như một trò đùa. Theo em, nếu không làm được đàng hoàng thì đừng có làm phim kiểu “mì ăn liền” như thế.