Kể lại vụ án Tạ Đình Đề
Ông Tạ Đình Đề sinh năm 1917 tại Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Năm 1936, ông cùng với cha và anh trai sang Vân Nam (Trung Quốc) làm việc tại Công ty Hỏa xa. Tại đây, ông tham gia Hội Ái hữu cứu quốc do Việt Minh tổ chức. Ông từng được cử đi học tại các trường hạ sĩ quan, Trường Đặc vụ và Trường đào tạo gián điệp ở Trung Quốc (nơi đào tạo sử dụng các loại vũ khí, chất nổ, lái xe, lái máy bay…). Ông tốt nghiệp xuất sắc Trường quân sự Hoàng Phố và được tổ chức phân công hoạt động tình báo cùng phái bộ Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật.
Sau đó, Mỹ đưa ông đi đào tạo nhảy dù ở Ấn Độ và Mỹ. Năm 1944, ông được Mỹ và Tưởng Giới Thạch đưa về hoạt động tại Huế, Sài Gòn. Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng, một năm sau thì ông vào Đảng. Ông từng làm Phó ban Tình báo Liên khu 2, Trưởng ban Tình báo Tây Tiến, Đội trưởng biệt động Liên khu 2, Giám đốc Trường Hoa văn Liên khu 3… Ông qua đời vào ngày 29-2-1998. Năm 2007, ông được Chủ tịch nước truy tặng huân chương Độc lập hạng Ba (ảnh). Nhà thơ Bút Tre từng có thơ rằng: “Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về/ Hoan hô anh Tạ Đình Đề/ Trước đi theo địch nay về với ta”. Giữa những năm 80 của thế kỷ XX, Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 2C) VKSND Tối cao thụ lý kiểm sát điều tra vụ án ông Tạ Đình Đề phạm tội về an ninh. Ngày 15-9-1985, ông Tạ Đình Đề bị bắt giam. Sau hơn một năm bị tạm giam, cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao gia hạn giam đặc biệt. Lần gia hạn giam đặc biệt này, anh Lê Mai, Vụ trưởng Vụ 2C, giao cho anh Phan Xuân Bá, Phó Vụ trưởng 2C, phê chuẩn. Và TS Nguyễn Thanh Biểu – người kể chuyện này- được lãnh đạo Vụ giao nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ.
Con người huyền thoại
Cuộc đời có những khúc quanh kỳ lạ. Đối với tôi, ông Tạ Đình Đề là một thần tượng, một người anh hùng đã in sâu vào tâm trí thời trẻ của tôi. Có thể nói tên tuổi và con người ông Tạ Đình Đề từ lâu đã là huyền thoại, hầu như ít nhiều ai cũng từng một lần nghe kể. Nhưng hấp dẫn và thú vị nhất có lẽ là chuyện ông được kẻ địch cử đi ám sát Bác Hồ nhưng được Bác cảm hóa rồi trở thành cận vệ cho Bác.
Chuyện kể rằng hôm ấy, Bác đã ngồi vào bàn ăn cơm nhưng chưa dùng vội mà quay sang nói với đồng chí bảo vệ thật to rằng cho Bác xin thêm đôi đũa và cái bát (chén) vì hôm nay Bác có khách. Dù ngạc nhiên nhưng đồng chí bảo vệ vẫn mang bát đũa ra đặt lên bàn, đoạn hỏi: “Thưa Bác, sao khách vẫn chưa đến à?”. Bác điềm nhiên trả lời: “Vị khách đã đến lâu rồi nhưng các chú không biết để tiếp đón đấy thôi”. Rồi Bác hướng mắt về phía buồng ngủ nói to: “Xin mời chú Tạ Đình Đề xuống xơi cơm với Bác!”…
Bỗng nhanh như chớp, một người từ tầng hai nhảy xuống đất, lách nhanh vào phòng ăn và đứng ngay trước mặt Bác. Các chiến sĩ bảo vệ thủ thế, sẵn sàng đối phó để bảo vệ Bác nhưng Bác khoát tay rồi mỉm cười thân thiện với vị khách đặc biệt: “Trông chú dạo này già dặn hơn trước nhiều song có phần gầy và đen hơn lúc mới ra trường. Chắc chú vất vả lắm?”… Nhìn ánh mắt nhân từ, bao dung của Bác, vị khách lễ phép đáp: “Thưa Bác, trước hết cháu xin bày tỏ lòng khâm phục của cháu đối với Bác… Cháu xin hứa chấm dứt công việc của địch giao cho và xin phục tùng dưới sự điều hành, sai bảo của Bác”.
Từ đó, ông Tạ Đình Đề trở thành người cận vệ trung thành của Bác - một trường hợp đổi vai kỳ diệu trong lịch sử nước ta.
Đã một lần được tuyên trắng án
Ôm tập hồ sơ vụ án Tạ Đình Đề trên tay mà lòng tôi bộn rộn bởi rất nhiều giai thoại về ông cứ thấp thoáng trong đầu. Với lần “phạm tội” trước, năm 1976, khi TAND TP Hà Nội xét xử ông, tôi được cử đi dự. Lúc đó tôi không quan tâm đến tội danh và hình phạt đối với ông mà chỉ nhăm nhăm xem con người nổi tiếng đó thế nào.
Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 7-6-1976, ông bị tòa đưa ra xét xử về các tội cố ý làm trái, nhận hối lộ và tham ô tài sản XHCN. Tôi không tin nổi trước mắt mình là một Tạ Đình Đề bằng da bằng thịt đang đứng sau vành móng ngựa. Tôi cố chen chân vào nhìn cho kỹ. Huyền thoại tuổi thơ của chúng tôi đang ngồi trên ghế bị cáo với dáng người tiều tụy, đầu tóc bù xù, nét mặt nhăn nheo, da dẻ xanh mét. Đôi mắt ông thâm quầng, trũng sâu nhưng vẫn ánh lên nét tinh anh. Nhìn cảnh tượng đó tự dưng lòng tôi xót buốt quặn đau…
Vì đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xã hội rất quan tâm nên tòa chuẩn bị rất kỹ, loa đài được mắc thêm ngoài đường phố, phòng xử được kê thêm ghế. Mấy ngày xử án nắng như đổ lửa nhưng người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phú… kéo về xem chật kín sân tòa, đứng tràn ra các tuyến phố xung quanh. Có thể nói không ngoa, những ngày này Hà Nội trải qua những cơn địa chấn dữ dội.
Theo cáo trạng thì ông Đề có các hành vi phạm tội như tổ chức móc ngoặc, chiếm dụng thiết bị máy móc của Nhà nước đem về xưởng sử dụng lung tung; phá lẻ thiết bị toàn bộ nhà máy đắp vỏ ô tô do Trung Quốc viện trợ; sử dụng vốn kinh doanh trái chính sách, chế độ; lập quỹ trái phép; làm ăn phi pháp và tham ô. Lạ một điều cáo trạng chỉ dựa vào bản kết luận của đoàn thanh tra để buộc tội nhưng bản báo cáo này lại không có ngày tháng, không có chữ ký của trưởng đoàn, đoàn thanh tra này cũng không biết do ai lập, ai làm trưởng đoàn!
Xem xét xác định nhiều sự phi lý khác nữa, cuối cùng, chiều 12-6-1976, tòa đã tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội và tuyên bố tha bổng ông ngay tại tòa.
Tiếng vỗ tay vỡ òa, vang dội. Nhiều người dự tòa bật khóc vì sung sướng. Một cảnh tượng xúc động mà tôi chưa từng gặp trong đời: Nhiều người ào vào công kênh ông Tạ Đình Đề lên vai như công kênh một người anh hùng trở về từ trận mạc xa xôi và ác liệt; nhiều bó hoa tươi thắm được trao đến tay con người huyền thoại ấy…
Vào tù lần hai vì ca dao, hò, vè
Thú thật lúc ấy tôi không hiểu vì sao một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được huy động lực lượng điều tra và kiểm sát điều tra hùng hậu, công phu như thế nhưng rốt cuộc bản cáo trạng của VKSND Tối cao đưa ra lại bị tòa bác bỏ một cách thẳng thừng như vậy!
12 ngày sau, VKSND Tối cao ký kháng nghị bản án sơ thẩm nói trên và đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xét xử phúc thẩm. Thế nhưng không hiểu sao sau 10 năm trôi qua mà vụ án vẫn không đưa ra xử phúc thẩm. Theo quy định lúc ấy, trường hợp này bản án sơ thẩm nghiễm nhiên có hiệu lực pháp luật. Nhưng ông Tạ Đình Đề vẫn không được các cơ quan liên quan khôi phục quyền lợi và danh dự!
Cần nhắc lại trong lúc ông Tạ Đình Đề vướng vòng tai ương lao lý (lần đầu) thì vợ ông - bà Đặng Thị Thọ - phải oằn lưng gồng mình gánh vác việc nhà. Đây là thời kỳ đời sống của cán bộ viên chức và gia đình của họ gắn liền với sổ gạo, tem phiếu. Người ta ví “mặt như bị mất sổ gạo” là mặt buồn bã, nhàu nhĩ lắm. Thế mà bi đát thay, tiêu chuẩn của ông Tạ Đình Đề bị cắt hết. Giữa lòng Hà Nội, gia đình của ông sống vô cùng chật vật, thiếu thốn. Và suốt 10 năm sau phiên tòa tuyên ông vô tội, cuộc sống nhà ông lại càng bi đát hơn vì người ta không hề khôi phục quyền lợi, sổ gạo, tem phiếu cho nhà ông.
Trong cái khó của thời bao cấp lúc ấy, đâu đâu cũng xuất hiện những câu ca dao, hò, vè châm biếm, trào phúng, kiểu như: “Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô để dành/ Ba yêu anh biết mổ trâu/ Bốn yêu anh biết ăn đầu, ăn da…”. Hay như: “Tôn Đản là chợ vua quan/ Nhà thờ là chợ trung gian nịnh thần/ Bắc Qua là chợ thương nhân/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng…”. Hay những câu châm ngôn mới mang tính đả kích như: Thực phẩm quý hơn nhân phẩm; Bằng gì cũng chẳng bằng lòng; Bù giá vào lương hay bù da vào xương…
Những câu truyền khẩu nói trên hầu như ai ai cũng thuộc, đâu đâu cũng nghe. Và dĩ nhiên ông Tạ Đình Đề chẳng những nghe mà còn thương và cám cho cái cảnh của mình. Nên ông sưu tầm và phổ biến. Nên ông vướng vào cái án an ninh và bị bắt bỏ tù vì cái tội tuyên truyền chống chế độ XHCN!
Thời đó, với kiểu lập luận này, người ta muốn một lần nữa kết tội ông Tạ Đình Đề
Lội ngược dòng
Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Tạ Đình Đề đã có hành vi thu lượm các câu ca dao, hò, vè có nội dung nói xấu lãnh đạo, sau đó đưa về nói lại cho nhiều người cùng nghe. Cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông về tội tuyên truyền chống chế độ XHCN.
Thời điểm này tình hình kinh tế-xã hội của nước ta vô cùng khó khăn. Chính sách giá-lương-tiền dẫn đến việc đổi tiền vào tháng 9-1985 khiến giá hàng hóa tăng gấp 10 lần, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiếu thốn nghiêm trọng. Lúc đó cán bộ, nhân viên nhà nước hằng tuần phải lên rừng phát rẫy trồng sắn, đến bữa ăn chỉ có rau và mì, có lúc phải mặc áo vá đi làm. Lúc này cán bộ, công nhân viên coi tem phiếu, sổ gạo là những tài sản vô cùng quan trọng, mất nó là tai họa (do vậy mới có câu mặt nghệt như mất sổ gạo và chính tôi đã một lần mặt nghệt như thế vì bị bọn móc túi móc sạch tem phiếu khi đi qua cầu Long Biên).
Cần nhắc lại rằng 10 năm trước, khi bị bắt, ông Đề đã từng bị cắt hết tiêu chuẩn tem phiếu, sổ gạo. Mà với một cán bộ, viên chức, điều ấy đồng nghĩa với cắt hết nguồn sống. Sau khi được tòa tha bổng, quyền lợi của ông và gia đình vẫn không được phục hồi. Nói điều ấy đủ biết tình cảnh ông bi đát đến cỡ nào.
Cho nên xét về tâm lý, ông Tạ Đình Đề từng vào sống ra chết để làm cách mạng, nay bị đối xử tệ nên phát sinh bi quan, chán nản. Từ chán nản đến tiêu cực, ông sưu tầm ca dao, hò, vè về nói chuyện phiếm với một số người. Rõ ràng hành vi này chỉ xuất phát từ động cơ chán nản, bất mãn chứ không có ý thức chống đối chế độ, chống Nhà nước.
Nhận định trên đây là kết quả sau khi tôi đã nghiên cứu xong hồ sơ vụ án. Đây là nhận định rất mới, khác với quan điểm của nhiều người, nhất là với cơ quan điều tra, nên tôi chưa dám báo cáo với lãnh đạo Vụ 2C. Có lúc tôi nghĩ mình chỉ là thằng cán bộ quèn, ăn nói không cẩn thận có khi bị chụp mũ thì gay go vô cùng.
Lưu truyền hò, vè đả kích thì không phạm tội
Tôi luôn khắc ghi lời của anh Phan Xuân Bá, Vụ phó Vụ 2C, rằng: “Hồ sơ như thế nào thì báo cáo như vậy, nhận thức như thế nào thì đưa ra quan điểm như thế đó”. Nhưng trong hồ sơ, những vị quyền cao chức trọng đã khẳng định như đinh đóng cột là phải xử Tạ Đình Đề về tội chống phá chế độ. Tôi cảm thấy hơi lo lắng.
Nhưng rõ ràng hơn một năm qua, cơ quan điều tra đã đi xác minh nhiều nhân chứng ở nhiều nơi nhưng kết quả điều tra vẫn không có gì mới. Nếu tiếp tục gia hạn tạm giam đặc biệt cũng không cần thiết và không giải quyết được gì. Nhưng tôi vẫn cứ run run. Bởi nếu lãnh đạo không đồng ý thì chẳng những sẽ kéo dài thêm những tháng ngày đau khổ cho ông Tạ Đình Đề mà có khi mình còn bị đánh giá là hữu khuynh. Ranh giới giữa mất - còn thật mong manh! Biết đâu sau đề xuất của mình là những tai ương đang chờ đón, lôi thôi mình bị mất việc như chơi… Nhưng rồi cuối cùng cái tâm của con người trong tôi đã thắng, nó giúp tôi vượt qua mọi trở ngại trong báo cáo của mình: Tôi mạnh dạn đề xuất không cần thiết phải tiếp tục tạm giam bị can thêm nữa.
Một hôm, tôi đang ngồi tu chỉnh lại hồ sơ thì anh Phan Xuân Bá gọi tôi sang phòng anh Lê Mai - Vụ trưởng Vụ 2C báo cáo. Chờ tôi ngồi, anh Mai vào đề ngay: “Mình đã đọc kỹ báo cáo của cậu rồi, ngoài nội dung báo cáo, cậu có thể nói kỹ hơn, suy nghĩ thế nào thì cứ phát biểu thế đó!”. Tôi bày tỏ quan điểm của mình theo hướng như đã nói. Tôi vừa nói xong, anh Bá gật đầu nhưng anh Mai lại… lắc đầu. Anh Mai nói (đại ý) rằng ý kiến đề xuất mạnh dạn của cậu bọn mình rất hoan nghênh nhưng Tạ Đình Đề có hành vi thu thập, phổ biến và tuyên truyền các câu ca dao, hò, vè có tính chất đả kích lãnh đạo, nói xấu chế độ… Quay sang anh Bá, anh Mai hỏi: “Ý của tôi vậy, anh Bá thấy thế nào?”. “Tôi thấy thống nhất như báo cáo, giải trình của đồng chí Biểu. Đây chỉ là hành vi phản tuyên truyền, không phải là tội phạm” - anh Bá trả lời.
… Sau đó ít ngày, Vụ 2C tổ chức cuộc họp để thảo luận nghiệp vụ xoay quanh vụ án Tạ Đình Đề. Trong số các ý kiến buộc tội, có người còn lập luận rằng: “Đã giam người ta chừng ấy thời gian mà bây giờ bảo không có tội thì không ổn. Tôi đề nghị thống nhất với ý kiến của cơ quan điều tra (tức kết tội ông Đề)”!
Chiến thắng của công lý
Sau cuộc họp thảo luận trên, tôi còn được anh Bá và anh Mai gọi sang hội ý mấy lần. Một hôm, sau khi nghe tôi báo cáo, anh Mai đăm chiêu suy nghĩ, có vẻ như cân nhắc từng chữ một khi nói với tôi. “Mình và anh Bá đã xem kỹ báo cáo và cả ý kiến phát biểu của cậu hôm trước. Khá đấy! (Đột nhiên anh Mai cười vui vẻ, một điều rất hiếm gặp!). Về cơ bản mình và anh Bá nhất trí với đề xuất của cậu…”. Sau lần này, tôi làm dự thảo báo cáo và chuyển cho anh Bá, sau đó chuyển cho anh Mai.
Trời Hà Nội mấy ngày cuối đông năm 1986 mưa phùn kèm gió bấc lạnh tê tái. Tôi vừa đạp xe đến cơ quan thì anh Lê Mai bảo chuẩn bị hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Viện. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Trần Lê, Viện trưởng VKSND Tối cao, kết luận: “Thay mặt lãnh đạo Viện, tôi xin biểu dương Vụ 2C đã chuẩn bị tốt nội dung báo cáo, trong đó mạnh dạn nêu quan điểm xử lý vụ án. Ý kiến các đồng chí lãnh đạo Viện đã thống nhất về quan điểm xử lý vụ án này…”.
Ngày 8-1-1987, viện trưởng VKSND Tối cao có văn bản trả lời Bộ Công an, trong đó nói rõ không cần đưa vụ án này ra truy tố, xét xử. Phải mất gần một năm trao đi đổi lại nữa, trong đó cấp cao nhất đã đồng ý với quan điểm của Viện, cuối cùng, ngày 7-12-1987, VKSND Tối cao đã quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Tạ Đình Đề. Vụ án được khép lại.
10 năm sau, có dịp gặp ông, tôi nói: “Kính chào bác Đề. Hơn 10 năm nay mới được gặp lại bác. Bác là người đã để lại cho đời nhiều câu chuyện huyền thoại”. Bác Đề nắm chặt tay tôi, lắc mạnh như người thân lâu ngày gặp lại và nói: “Có gì mà huyền thoại đâu. Thực ra tôi là người đã để lại cho VKS nhiều phiền toái đấy chứ!”.