Những cáo buộc vô căn cứ về hủy hoại môi trường của dự án Bauxit

Lâu nay, dư luận quan ngại rằng, khai thác bô xít ở Tây Nguyên sẽ gây hậu quả nặng nề về môi trường. Rằng, rừng Tây Nguyên sẽ bị tàn phá, nguồn nước sẽ bị cạn kiệt, độc tố sẽ thải ra sông Đồng Nai, dân cư lưu vực sông sẽ lĩnh đủ v.v. Thà không khai thác bô xít, cứ sử dụng đất mà trồng cây nông nghiệp, cây công nông nghiệp, dân trong vùng dự án sẽ giàu hơn v.v. Tôi khẳng định rằng, những cáo buộc đó không có cơ sở! 

Thứ nhất, về rừng: Đất trong vùng dự án không có rừng để mà phá?

Làm gì có rừng để phá?

 

Nhà báo Hùng Hải (phải)  - Trưởng phòng phóng viên Tạp chí vinacomin tại hồ chứa bùn đỏ, ngày 19.5.2013

Bùn đỏ đã được làm khô, làm sao thải được ra sông Đồng Nai như dư luận lo ngại?
Nếu ai chưa tận mắt đến Tây Nguyên thì hãy để ý những bức ảnh đăng trên báo hoặc các trang mạng xã hội về Dự án sẽ thấy làm gì có rừng! Là bởi, quặng bô xít chỉ cách mặt đất chừng khoảng 6- 8 mét. Khu vực có quặng bô xít thường thì cây không mọc được; chất lượng đất xấu. Theo thống kê, ở Tân Rai, diện tích chiếm đất cho toàn bộ đời dự án là 2.853 ha chiếm 2,9/00 (phần nghìn) diện tích tỉnh Lâm Đồng 9.773km2); ở Nhân Cơ Nhân cơ chiếm 4,6 phần nghìn diện tích tỉnh Đắk Nông (6.515 km2). Trong đó có một số diện tích nhỏ đất rừng sản xuất (rừng trồng) nhưng hoàn toàn không có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tuy nhiên, đối với mỏ, mỗi năm chỉ có nhu cầu khai thác trên diện tích 60-80ha, sau đó hoàn thổ và từ năm thứ 3 trở đi có thể bắt đầu trồng lại rừng và cây công nghiệp.
Nếu làm giàu được từ cây công nghiệp, cây nông nghiệp trên mảnh đất này thì đồng bào ở đây giàu từ lâu rồi! Tôi đã tới nhiều gia đình ở bon Pù Dấp – địa phương nằm trung tâm của dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), khi dự án đang đền bù, giải phóng mặt bằng, thấy toàn nhà nhà nghèo. Nhà ông Điểu Phôn, công an xã, trong nhà thông thống, chỉ độc cái ti vi. Nhà Thị Choi, lĩnh tiền đền bù đất, hoa màu, làm lại nhà, nhưng cũng chỉ là nhà một mái, lộp tôn, nền lát xi măng, trong nhà độc cái ti vi, đầu đĩa.
Ông Lý Thanh Bình, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Nhân Cơ cho biết, bon Pù Dấp, đa số người người M' Nông, gần 100 hộ, với 867 nhân khẩu. Đồng bào nơi đây chủ yếu sống bằng nương rẫy. Nhiều gia đình làm rẫy rất xa. Tôi tìm gặp anh Điểu Him, bí thư chi đoàn để phỏng vấn nhưng anh ấy đi làm rẫy xa, hàng chục ngày mới về nhà, không gặp được. Ông Bình cho biết, trong bon còn 35 hộ còn nghèo, được hưởng chính sách ưu đãi theo chương trình 134, 135 của Chính phủ và số hộ còn lại có mức thu nhập trung bình.
Thứ hai, về chất thải sau khi khai thác chế biến bô xít:
Từ bô xít, chế biến thành alumi qua hai nhà máy: nhà máy tuyển để ra tinh quặng và từ tinh quặng qua nhà máy Alumin.
Đối với nhà máy tuyển: Không thải gì ảnh hưởng tới môi trường, bởi có hồ xử lí quặng đuôi là đất, khi thu hồi quặng tinh, nước thải đã được xử lý trong.
Về nhà máy Alumina: Khi có vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, nhiều người nghĩ ta cũng thải bùn đỏ tương tự như thế. Thậm chí có ý kiến khẳng định, công nghệ xử lí bùn đỏ ở đây là “thải ướt”. Nhưng không phải như vậy! Chúng tôi sẽ phản biện về bùn đỏ ở bài sau, ở đây chỉ nêu vắn tắt: Công nghệ thải bùn đỏ cho nhà máy Tân Rai là công nghệ thải chồng lớp khô. Theo thiết kế, trong quá trình trao đổi ngược, bùn đỏ được xử lý, có các thiết bị cô đặc, lắng lọc thu hồi sút, làm đặc đạt 46,5% và thải ra khu chứa bùn đỏ, khoảng 10-15 ngày sau thì bùn khô tự nhiên, có thể đi trên mặt hồ như bình thường. Nước hồ còn lẫn sút được thu hồi tái sử dụng.
Thứ ba, về nguồn nước: Các dự án Alumina Nhân Cơ và Lâm Đồng chỉ sử dụng nguồn nước mặt không sử dụng nguồn nước ngầm. Mặt khác, do sử dụng nước tuần hoàn trong công nghệ nên nước bổ sung cho dây chuyền sản xuất rất hạn chế; công nghệ này có thể nói nôm na như ta rửa rau, sau đó lấy nước rửa ra, lọc sạch, đem luộc rau. Chẳng hạn, đối với dự án Nhân Cơ, tổng nhu cầu nước cho nhà máy tuyển là 30 triệu mét khối/năm, trong đó 23 triệu mét khối sử dụng tuần hoàn, chỉ cần bổ sung 7 triệu mét khối nước. Tuy nhiên, Chủ đầu tư cho cải tạo hồ Cầu Tư, có dung lượng sau cải tạo khoảng 9 triệu mét khối nước, đủ cho nhu cầu nhà máy tuyển và cấp thêm khoảng 1 triệu mét khối nước cho nước sinh hoạt và tưới tiêu của dân cư trong vùng.
Đối với nhà máy Alumina, nhu cầu nước là 4,4 triệu mét khối từ nguồn suối Dak R’Tih.
Tổ hợp Bauxít – nhôm Lâm Đồng đã xây dựng hồ chứa nước Cai Bảng có dung tích khoảng 18 triệu m3, trong khi nhu cầu nước cho nhà máy tuyển và nhà máy alumin khoảng 11,4 triệu m3 (nhà máy tuyển khoảng 7 triệu m3 và nhà máy alumin khoảng 4,4 triệu m3), còn lại cấp bổ sung cho nước sinh hoạt và tưới tiêu của dân cư trong vùng. Những cáo buộc về ảnh hưởng của dự án khai thác chế biến bô xít đến tài nguyên rừng, nguồn nước, đến tài nguyên nước, đến lưu vực sông Đồng Nai hoàn toàn suy đoán, không có cơ sở.
(Kỳ sau: Bùn đỏ - chuyện nhỏ bị xé to!)