Người cha bội bạc

Chiến tranh giải phóng miền Nam kết thúc, đất nước thống nhất đã trên bốn mươi năm. Nhưng dư chấn của nó vẫn còn lại với muôn vàn đau thương mất mát, hàng vạn phụ nữ mất chồng, hàng triệu người con mất cha. Vậy mà từ trong cuộc chiến ấy đã có những đứa trẻ ra đời. Cha nó là người lính, một thời oanh liệt trên chiến trường Tây Nguyên mà giờ đây lại không dám nhận đứa con của mình

 

Từ thông tin tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh...

Cựu chiến binh Đào Ngọc Phúc 67 tuổi ở phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, nguyên là chiến sĩ pháo ĐKZ C15 - E66 - Bộ tư lệnh Tây Nguyên, nay là Sư đoàn 10 Quân đoàn III, kể cho tôi nghe chuyện về đồng đội sau chiến tranh. Câu chuyện liên quan tới người đồng ngũ năm xưa có con với một nữ du kích ở mặt trận Tây Nguyên.

...Ngày 24/4/2012, ông Phúc cùng đoàn cựu chiến binh thành phố Hòa Bình vượt cả ngàn cây số vào Tây Nguyên dự lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh. Bữa cơm liên hoan gặp mặt đồng đội cũ vừa xong thì có một nhóm phụ nữ khoảng năm, sáu người đến gặp và tự giới thiệu quê ở Quảng Nam, thời kỳ từ 1972 đến 1974 tham gia quân biệt động và du kích địa phương, phối hợp với quân chủ lực vận chuyển đạn dược cho chiến trường Tây Nguyên. Gặp được người miền Bắc lại cùng đơn vị, các chị cùng ôn lại kỷ niệm thời chiến và nhờ mọi người tìm giúp anh lính tên Nghiêm. Chuyện là, năm 1972 cùng hoạt động ở khu vực ấp Diên Bình, chị Mai có quen Nghiêm ở đơn vị pháo E66. Tình yêu đã đến với họ rồi chị Mai sinh một bé trai. Đến nay đã 39 năm, mẹ con chị không hề có tin tức gì về anh bộ đội miền Bắc, đến quê anh ở tỉnh nào chị cũng không còn nhớ nữa. Với người chồng hiện tại, Mai có thêm hai con trai đang sống hạnh phúc tại Đà Nẵng. Phận mình coi như đã an bài, nhưng chị vẫn đau đáu một nguyện vọng là phải tìm bằng được bố cho con trai - Thằng Hưng năm nay đã 39 tuổi mà vẫn chưa hề biết mặt bố.

Khi lên tầu trở về miền Bắc, ông Đào Ngọc Phúc và ông Bùi Tuấn Hải trăn trở với những thông tin vừa được tiếp nhận. Điểm lại, từ tháng 9 năm 2011 đến tháng 4 năm 2013, hai ông đã vào Tây Nguyên ba lần, tìm lại được gần 200 hài cốt đồng đội trên đại ngàn núi rừng Tây Nguyên. Việc tìm người còn sống có lẽ không đến nỗi khó khăn bằng công việc tìm hài cốt. Họ tự nhủ như vậy và cùng hạ quyết tâm phải tìm bằng được Nghiêm, đó cũng là tâm nguyện người lính, là nghĩa tình đồng đội. Hai ông đã đi hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc rồi Đông Bắc, khi về đến Bắc Ninh thì gặp được người đại đội trưởng cũ là Nguyễn Quý Các. Từ đó họ tìm thêm được một số đồng đội nữa như Nguyễn Vũ Chính, đại đội phó và Đặng Hồng Ròn ở Hải Dương rồi Nguyễn Đức Bình ở Thái Nguyên để cùng  tìm người cha ruột cho Hưng. Thời gian kéo dài ngót một năm nhưng mọi chờ mong vẫn vô vọng, vì thời gian đó ở đơn vị C15 có tới sáu chiến sỹ tên Nghiêm. Trong số ấy, một người đã hy sinh tháng 4 năm 1975 tại trận mở màn đánh vào thành phố Buôn Mê Thuột, một người thì khẳng định không có chuyện anh để lại con ở miền Nam, một người khác do bị sức ép của bom đạn lúc đầu thì nhận, sau đó lại từ chối luôn. Còn một người cũng tên Nghiêm quê ở Hải Dương nhưng đã chuyển vào Tây Nguyên và hai người tên Nghiêm nữa thì chưa tìm thấy địa chỉ. Công việc mò kim đáy bể dẫu sao cũng đã có một đốm sáng ở phía trước cho hai cựu chiến binh già giàu tình nhân ái. Họ mừng đến phát khóc khi tìm thấy ngay ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có cựu chiến binh tên Nghiêm thuộc K8, E66 và một Nghiêm khác ở Vĩnh phúc, là quân y ở trung đoàn bộ, năm 1972 cũng tham gia chiến đấu ở Diên Bình. Nhưng buồn thay, khi gặp mặt thì hai người này đều phủ nhận và cho đó là câu chuyện lãng mạn, hoang đường. Bằng linh cảm người lính và sự phân tích có lý, có tình, hai ông đã loại trừ tiếp hai người tên Nghiêm ra khỏi danh sách tìm kiếm. Thật bất ngờ là trong lúc tưởng như bế tắc thì ngày 13 /12 / 2012, ông Phúc nhận được điện thoại của ông Nguyễn Quang Thanh, cũng là đồng đội cũ từ Buôn Mê Thuột báo tin có một người tên là Nghiêm ở C15 - E66 hiện đang ngồi uống cà phê cùng ông. Linh tính mách bảo, ông Thanh chuyển ngay điện thoại để Nghiêm nói chuyện với ông Phúc. Cẩn thận, ông Phúc hỏi vài mật khẩu trong chiến đấu trước đây và họ đã nhận ra nhau. Đến khi ông Phúc hỏi việc Nghiêm có đứa con ở Tây Nguyên thì anh ta lúng túng, nói lảng sang chuyện khác. Ba giờ chiều cùng ngày hôm đó, Nghiêm đã chủ động điện thoại tâm sự với ông Phúc, trong đó có đoạn “...Vào khoảng tháng 8 năm 1973 chứ không phải năm 1972 như các ông nói, tôi có quan hệ với một người con gái quê Quảng Nam, sau đó thì chuyển đơn vị. Năm 1980 ra quân, tôi có quay về Kon Tum để tìm lại cô ấy và những người quen biết nhưng chẳng gặp ai. Về Hải Dương được vài năm, tôi đã chuyển cả gia đình vào xã EA Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk khai hoang trồng cà phê cho đến nay”.

Thêm được thông tin quan trọng ấy và móc nối các sự kiện, ba ông Phúc, Hải, Thanh nhận định chắc chắn Nghiêm này là cha của Hưng. Họ nhờ bà Tuyết Xương và bà Hằng (vốn là đồng đội cũ của bà Mai) tìm địa chỉ Hưng đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh và gửi thư cho anh.

...Đến bức thư của người con trai

Ngày 26/12/2012, Hưng trả lời ông Phúc“...Má cháu Lê Thị Mai . Sinh năm 1949. Lúc đó là Chủ Tịch Tân Cảnh 1 – Kon Tum. Ngoại hình: Cao khoảng 1m50, tròn trịa rất dể thương. Sự việc lúc đó xảy ra giống hệt như các bác kể trong Email. Ba Nghiêm họ gì thì má cháu không nhớ. Má cháu không biết quê ba ở đâu mà chỉ biết là ngoài Bắc thôi. Ngoại hình ba nhỏ bé, cao khoảng 1m58. Lúc đó , ba Nghiêm là y sỹ quân y của một đơn vị pháo binh”.

Thêm một thông tin khác của bà Tuyết Xương và bà Hằng (mà Hưng vẫn gọi là dì) cho biết, tháng 8 năm 2012 hai người đi dự đám cưới ở thành phố Kon Tum tình cờ gặp được má Năm, là cơ sở cách mạng ở Thị xã Tân Cảnh thời chiến tranh. Nay gia đình má đã chuyển vào thành phố Kon Tum, má biết khá rõ chuyện của  Nghiêm và Mai. Về đến nhà, hai dì gọi điện nhắn lời hỏi thăm của má Năm tới Nghiêm thì anh ta giật mình hỏi lại “ Ôi! Má Năm vẫn còn sống à?” Có được chi tiết này, mọi người khẳng định Nghiêm ở Đắk Lắk chính là cha đẻ của Hưng và giao nhiệm vụ cho ông Thanh là người chắp nối để hai ba con gặp nhau. Tháng 7 năm 2013, ông Thanh đã bố trí để Hưng đưa vợ và con gái lên Đắk Lắk gặp cha. Vừa giáp mặt, Hưng bàng hoàng thốt lên “Máu  thịt của con đây rồi!” Mọi người cũng vô cùng ngỡ ngàng vì hai người giống nhau quá, chắc chắn 100% là cha con rồi. Nhưng thật trớ trêu, Nghiêm không nhận Hưng là con mình! Miễn cưỡng xen lẫn buồn bực, ông Thanh yêu cầu cả hai bên để lại tóc và móng tay để đi xét nghiệm ADN.

Từ hôm đi nhận cha không thành, Hưng suy nghĩ nhiều, càng nghĩ anh càng căm ghét chiến tranh, càng buồn cho thế thái nhân tình. Anh viết thư giãi bày với ba ông già cựu chiến binh tốt bụng“Có lẽ ba cháu sợ ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình nên mới cư xử như vậy. Ông ấy cũng như cháu thôi, đã sống âm thầm day dứt gần 40 năm qua cũng chỉ mong có một ngày cha con được gặp nhau, nhưng điều ấy đã làm cháu thất vọng. Thưa các bác! Dù có thế nào cháu vẫn tôn trọng và yêu quý người đã sinh ra mình. Cháu làm vậy cũng chỉ vì chứng tỏ rằng cháu là đứa con vẫn còn mang trong mình cái GEN chí khí của người chiến binh xưa...”

Đáp lại bức thư của Hưng, ông Phúc viết “Má của con là cán bộ đảng viên của biệt động do Thị ủy Kon Tum cử xuống tăng cường. Quan hệ giữa ba, má cháu tưởng chỉ có hai người biết? Nhưng không phải vậy, việc ba cháu đột ngột phải chuyển đơn vị đến nỗi không kịp để lại dòng địa chỉ cho người yêu là vì án kỷ luật về tội quan hệ nam nữ. Còn má cháu cũng bị kỷ luật vì quyết tâm giữ lại bằng được cái thai và sinh ra cháu”.

Thay cho lời kết

Ba ông bạn cựu chiến binh già trong câu chuyện này bàn nhau trước khi thử ADN sẽ cá cược với Nghiêm, nếu đúng Hưng là con đẻ thì cậu ta phải mất 3,5 tấn cà phê để lấy tiền mua một con bò và lộ phí cho anh em đơn vị pháo binh năm xưa về Đắk Lắk mừng cha con sum họp. Câu chuyện tìm cha cho cháu Hưng sẽ kết thúc. Nhưng đó chỉ là câu nói đùa, còn “chiến tranh đâu phải trò đùa”, chiến tranh có kết thúc? Điều gì đã làm một chiến binh dũng cảm, trong chiến đấu từng là cán bộ nòng cốt được cử về xây dựng cơ sở, cũng đã từng được tặng thưởng huân chương chiến công ở ngoài trận tuyến, khi về với đời thường là một công dân gương mẫu, thành đạt phải từ chối giọt máu của mình dù chỉ một lần gặp lại?

 

Ghi chú: Vì lý do tế nhị, tên ba nhân vật chính trong chuyện đã được thay đổi.